Thứ năm, Tháng chín 19, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Điện Biên nỗ lực hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai ổn định cuộc sống

ĐNA -

Sáng 17/8/2024, tại nhà văn hóa xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô chủ trì buổi làm việc vào với lãnh đạo huyện Điện Biên về các phương án hỗ trợ nhà ở, khôi phục sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai và đầu tư cơ sở hạ tầng Xã Mường Pồn bị ảnh hưởng nặng nề do đợt lũ quét xảy ra vào ngày 25/7/2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô và Đoàn công tác kiểm tra thực địa tại Mường Pồn 1.

Báo cáo tình hình và công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên từ ngày 25/7 đến 16/8 cho thấy: Tổng số người chết 4; mất tích đang tiếp tục tìm kiếm 3 người; bị thương đã được sơ cứu 7 người; số nhà bị thiệt hại 86 nhà (20 nhà thiệt hại hoàn toàn từ 70 – 100%; 6 nhà thiệt hại từ 50 – 70%; 16 nhà thiệt hại 30 – 50%; 44 nhà thiệt hại dưới 30%); trên 159 ha diện tích lúa nước, lúa nương, ngô, sắn bị thiệt hại; tổng số vật nuôi bị thiệt hại là 3.962 con; trên 66,5 ha diện tích đất ruộng bị đất đá vùi lấp với khối lượng lớn (người dân không thể khắc phục được); 3 công trình thủy lợi bị hư hỏng hoàn toàn…

Ngay sau khi nhận được thông tin báo mưa lũ xảy ra nghiêm trọng tại xã Mường Pồn, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung bước đầu khắc phục hậu quả do thiên tai xảy ra. Để dần ổn định cuộc sống cho nhân dân bị thiệt hại do thiên tai, huyện Điện Biên đề nghị hỗ trợ 20 nhà thiệt hại hoàn toàn; 6 nhà thiệt hại từ 50 – 70%; 16 nhà thiệt hại từ 30 – 50%; 44 nhà thiệt hại dưới 30%; hỗ trợ san gạt lớp mặt để khôi phục sản xuất tại các khu ruộng bị đất, đá vùi lấp, với tổng diện tích 66,5ha. Đối với sắp xếp ổn định dân cư, huyện Điện Biên đề xuất sắp xếp, tái định cư tại 4 điểm, gồm: Điểm bản Huổi Ké (có 17 hộ, trong đó 2 hộ bị sạt lở nặng và 8 hộ nằm trong vùng nguy cơ cao sạt lở phải di chuyển); điểm dân cư bản Lĩnh (20 hộ ổn định tại chỗ và 15 hộ ổn định khu dân cư mới); điểm dân cư bản Tin Tốc (13 hộ ổn định tại chỗ và 14 hộ cần sắp xếp di chuyển đến nơi ở mới) và điểm dân cư Mường Pồn 1+2 (dự kiến sắp xếp ổn định tại vị trí mới cho 48 hộ). Đối với cơ sở hạ tầng, huyện đề xuất xây dựng Cầu cứng qua suối vào bản Lĩnh; kè bảo vệ đất sản xuất và khu dân cư bản Mường Pồn 2; kè bảo vệ đất sản xuất, khu dân cư và chỉnh trị dòng chảy từ bản Mường Pồn 1, 2 đến bản Tin Tốc; đầu tư công trình nước sinh hoạt, thủy lợi và sửa chữa các trường học tại xã Mường Pồn.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh đã báo cáo kết quả hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Mường Pồn. Đồng thời, đề xuất các phương án ổn định dân cư lâu dài như: Điều chỉnh quy hoạch nông thôn; đầu tư các công trình hạ tầng; kế hoạch về nguồn vốn để thực hiện các dự án khắc phục thiệt hại; công tác bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 82, Sư đoàn 355 (Quân khu 2) giúp nhân dân bản Lĩnh, xã Mường Pồn khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: báo QĐND.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự chủ động của các ngành, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã, nhất là các lực lượng vũ trang đã nỗ lực khắc phục tạm thời hậu quả thiên tai trong thời gian vừa qua tại xã Mường Pồn. Trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Điện Biên tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất theo hướng những diện tích có thể khắc phục thì tiến hành cải tạo, sản xuất; những diện tích không thể khắc phục, huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ngay phương án chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho nhân dân, trên cơ sở rà soát đánh giá hiện trạng hiện nay và khả năng khắc phục cải tạo lại. Chính quyền cấp xã Mường Pồn tiến hành đo đạc, chia lại đất sản xuất cho các hộ dân đối với diện tích đất đã mất hiện trạng ban đầu. Hiện trên địa bàn xã đang thực hiện các nguồn thuộc Chương trình MTQG để hỗ trợ nhân dân tăng gia sản xuất, đề nghị huyện Điện Biên tận dụng tối đa nguồn này để hỗ trợ sản xuất cho nhân dân.

Vấn đề liên quan đến việc hỗ trợ nhà ở Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Điện Biên tiếp tục xây dựng các phương án, trước mắt rà soát, lựa chọn và bố trí chỗ ở cho các hộ hiện đang ở tạm trong các trường học để trả lại cơ sở vật chất cho nhà trường chuẩn bị khai giảng năm học mới vào 5/9 tới theo chỉ đạo chung của Chính phủ. Về lâu dài hỗ trợ nhà ở cho các hộ bị ảnh hưởng, huyện cần chủ động sử dụng các nguồn hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng, các đơn vị thuộc Bộ Công an và các nguồn hỗ trợ xã hội hóa để thực hiện hỗ trợ nhà ở cho nhân dân, tuy nhiên việc hỗ trợ nhà ở sẽ thực hiện sau khi định hình ra được các khu, điểm tái định cư.

Để đảm bảo giao thông, yêu cầu Sở Giao thông vận tải duy trì lực lượng trực đảm bảo giao thông trên tuyến quốc lộ 12, đoạn qua xã Mường Pồn; khẩn trương hoàn thành các phương án khắc phục giao thông để huyện Điện Biên có cơ sở điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới xã Mường Pồn. Về thủy lợi, huyện Điện Biên cần rà soát, đánh giá thật kỹ để lựa chọn đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình thủy lợi, ưu tiên các công trình có vùng tưới đảm bảo ổn định.

Lãnh đạo Công ty Cao su Điện Biên trao lương thực, đồ dùng thiết yếu hỗ trợ người dân xã Mường Pồn.

Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất lựa chọn 4 điểm tái định cư cho người dân, trong đó có 3 điểm chính, thực hiện trước gồm: Bản Tin Tốc; bản Lĩnh, Huổi Ké và 1 điểm dự phòng tại bản Mường Pồn 1, bản Mường Pồn 2. Tại điểm sắp xếp dân cư bản Lĩnh, các cơ quan chức năng và huyện Điện Biên nghiên cứu phương án chỉnh trị, thay đổi dòng chảy suối Nậm Pồn gắn với việc tính toán lưu lượng nước dòng suối dưới tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai. Huyện Điện Biên nghiên cứu kỹ các tài liệu về cảnh báo thiên tai tại khu vực xã Mường Pồn; khi xây dựng phương án cần rà soát, khảo sát kỹ lưỡng, không chỉ tại địa điểm xây dựng công trình, mà phải khảo sát rộng hơn, đảm bảo tính ổn định lâu dài. Các cơ quan chức năng và huyện Điện Biên cần tính toán, xác định những vị trí cần xây dựng kè cứng chống sạt; những khu vực không thật sự cần thiết thì làm kè rọ thép để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả vốn đầu tư. Về nguồn kinh phí, trước mắt, huyện Điện Biên chủ động sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ khẩn cấp của Trung ương (10 tỷ đồng), nguồn điều chỉnh dự án của huyện (5 tỷ đồng) và nguồn các đơn vị ủng hộ chưa có địa chỉ (hơn 7,3 tỷ đồng) để giải quyết nhu cầu trước mắt. Đối với phương án lâu dài, trên cơ sở đề xuất của huyện Điện Biên và kết quả rà soát, đánh giá lại của các cơ quan chức năng, đề nghị huyện Điện Biên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất tham mưu cho tỉnh để báo cáo Trung ương trong thời gian sớm nhất.

Nguyễn Sơn- Vũ Phú