Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Điện Biên Phủ: Diện mạo của một đô thị thông minh, hiện đại.

ĐNA -

Theo phê duyệt của Chính phủ, ngày 18/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 408/QĐ-TTg  phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2045, phạm vi khu vực lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Điện Biên Phủ với tổng diện tích tự nhiên 30.657,79 ha với 12 đơn vị hành chính – bao gồm 07 phường (Mường Thanh, Tân Thanh, Him Lam, Thanh Trường, Thanh Bình, Nam Thanh, Noong Bua) và 05 xã (Thanh Minh, Mường Phăng, Nà Tấu, Nà Nhạn, Pá Khoang).

Diện mạo thành phố Điện Biên Phủ có nhiều khởi sắc

Tỉnh Điện Biên có đường biên giới dài hơn 455km với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc, có cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia và lối mở. Tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông – lâm nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch… Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã từng bước khai thác phát huy tiềm lực thành nguồn lực, di sản thành tài sản; huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch.

Điện Biên có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch với quần thể di tích lịch sử đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ; nhiều danh lam thắng cảnh; văn hóa các dân tộc đặc sắc, nhiều sản vật địa phương… Song những hạn chế về cơ chế, chính sách; hạ tầng; nguồn nhân lực… khiến Điện Biên chưa có sự phát triển đột phá.

Nhận diện được tình hình đó, thời gian qua tỉnh Điện Biên đã và đang nỗ lực khắc phục nhằm xây dựng Điện Biên phát triển thay đổi diện mạo của thành phố. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Năm 2022, tỉnh Điện Biên đạt và vượt 48/51 chỉ tiêu kế hoạch; GRDP tăng 10,19%. Trong quý I/2023, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục có nhiều điểm sáng tích cực: GRDP tăng 6,7%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 21,8% so với cùng kỳ; khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ; tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng tăng 49,3%; tổng lượng khách du lịch tăng gần 10 lần, trong đó khách quốc tế tăng hơn 11 lần.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên còn nhiều dư địa phát triển, nhất là về nông nghiệp, công nghiệp chế biến; du lịch lịch sử, sinh thái, văn hóa… Tuy nhiên, do những khó khăn đặc thù của tỉnh miền núi khiến Điện Biên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Do đó, tỉnh đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, từng bước tháo gỡ các “nút thắt” để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, biểu tượng của chiến thắng và hoà bình, được đặt trên đồi D1.

Phát triển thành phố Điện Biên Phủ trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt “Chiến trường Điện Biên Phủ”
Cùng với đặc trưng về sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hóa nhân văn và cụ thể hóa các định hướng phát triển chính của Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Điện Biên – Pá Khoang; đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, phân bố dân cư; đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất xây dựng; xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; phát triển bền vững, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu; làm cơ sở để triển khai các đề án, chương trình phát triển đô thị, nâng loại đô thị.

Cùng với đó, tỉnh Điện Biên đang tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án hạ tầng giao thông được phê duyệt đầu tư trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, như: Dự án Cải tạo nâng cấp quốc lộ 279B, tỉnh Điện Biên (đoạn Nà Tấu – Mường Phăng) và Dự án Cải tạo nâng cấp quốc lộ 12 đoạn Km102 – Km139+650, tỉnh Điện Biên (Mường Lay – Mường Chà); Dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12, tỉnh Điện Biên; Dự án Cải tạo nâng cấp đường tỉnh ĐT.143; Dự án Cải tạo nâng cấp đường tỉnh ĐT.147. Đồng thời, tỉnh đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để thực hiện các dự án giao thông quan trọng gồm: Dự án Cao tốc Sơn La – Điện Biên – Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1 (thành phố Điện Biên Phủ – Nút giao Km15+800/QL279); Dự án Cải tạo nâng cấp QL279 (đoạn Điện Biên – Tây Trang) và QL4H.

Xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7/5/2021 về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 dựa trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của ba trụ cột chính là: Du lịch lịch sử – tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025. Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia.

Điện Biên sở hữu “báu vật” của lịch sử là di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Thực hiện “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030”, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Điện Biên đã đầu tư xây dựng hoàn thành các công trình: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Bức tranh Panorama; Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; cải tạo, sửa chữa khu thờ tự Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Hiện nay, tỉnh Điện Biên đang kiến nghị với Chính phủ bổ sung thêm kinh phí để tiếp tục thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích thuộc di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ. Trọng tâm là di tích Trung tâm Đề kháng Him Lam, Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ giai đoạn 2… Đồng thời đề xuất Chính phủ xem xét, cho chủ trương xây dựng Khu căn cứ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng thành Khu Di tích lịch sử – Du lịch Mường Phăng để phát huy giá trị di tích lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo xung lực thúc đẩy phát triển du lịch, về nguồn, khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đang tập trung thực hiện công tác quy hoạch và đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp đối với các dự án khu du dịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Hiện nay, nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng.

Thành phố Điện Biên Phủ là thành phố du lịch văn hóa – lịch sử cách mạng cấp quốc gia; trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và trung chuyển (logistic) trọng điểm của khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh Điện Biên, vùng Tây Bắc và vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Để xây dựng và phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm, tỉnh Điện Biên cũng đang tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; đẩy nhanh tiến độ các Chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần xác định tính chất, chức năng đô thị phù hợp với các định hướng phát triển được xác định trên cơ sở các nghị quyết, quyết định, văn bản pháp lý, các chủ trương và chính sách của: Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đối với vùng trung du và miền núi phía Bắc và tỉnh Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ.

Tiến Chí/nguồndienbien.gov.vn