Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Diễn đàn biển ASEAN lần thứ 12 và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng lần thứ 10, khuyến khích các đối tác tiếp tục ủng hộ và hợp tác với ASEAN



ĐNA -

Trong hai ngày 06 – 07/12/2022, Diễn đàn biển ASEAN (AMF) lần thứ 12 và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF) lần thứ 10 đã diễn ra tại Manila dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Philippines. Đoàn Việt Nam tham dự các Diễn đàn do Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN dẫn đầu.

Đoàn Việt Nam tham dự các Diễn đàn do Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN dẫn đầu.

Phát biểu tại các diễn đàn, Đại sứ Vũ Hồ đánh giá cao vai trò của AMF và EAMF trong thúc đẩy hợp tác biển trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực cũng như trong lĩnh vực hợp tác biển, khuyến khích các đối tác tiếp tục ủng hộ và hợp tác với ASEAN trên tinh thần tin cậy, xây dựng, tham gia đóng góp thực chất, hiệu quả cho các hoạt động của các cơ chế của ASEAN, trong đó có EAMF.

Đại sứ Vũ Hồ kêu gọi các nước trong khu vực có những biện pháp cụ thể, hữu hiệu trong đấu tranh với nạn đánh bắt cá trái phép (IUU Fishing). Đại sứ Vũ Hồ cho rằng đây là công việc lâu dài, phức tạp cần có sự hợp tác của tất cả các nước, các bên. Đặc biệt, trong bối cảnh phục hồi và phát triển đang là ưu tiên chung trong khu vực, việc đấu tranh với nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định cần xuất phát từ thực tiễn đời sống của người dân, nhất là cần tránh áp đặt hoặc sử dụng các biện pháp bảo hộ quá mức, ảnh hưởng tới sinh kế của đông đảo người dân.

Các nước ASEAN và đối tác đã rà soát, đánh giá tổng thể về hợp tác biển và an ninh biển trong khu vực thời gian qua, đồng thời trao đổi định hướng hoạt động của các diễn đàn thời gian tới. Các nước đề cao vai trò của AMF và EAMF trong thúc đẩy đối thoại, xây dựng nhận thức, tiếp cận đa phương và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế, khu vực để ứng phó với các vấn đề biển đang nổi lên. Trước thực tế các vấn đề biển ngày càng phức tạp, đa chiều, đa ngành và có tính chất xuyên quốc gia, các nước chia sẻ sự cần thiết phát huy vai trò và hiệu quả của cả hai cơ chế trong điều phối các nỗ lực thúc đẩy hợp tác biển trong ASEAN và tại khu vực.

Trên tinh thần cởi mở và xây dựng, các nước dành nhiều thời gian trao đổi về thực trạng, tác động và kinh nghiệm ứng phó với nhiều thách thức an ninh biển hiện nay, nhất là nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển, rác thải biển, đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), cướp biển… Theo đó, các nước nhấn mạnh cần thiết lập các cơ chế chia sẻ thông tin song phương và đa phương kịp thời, hiệu quả, tăng cường xây dựng lòng tin, khả năng phối hợp chính sách và triển khai các biện pháp đồng bộ, tổng thể trên cơ sở tôn trọng các thỏa thuận quốc tế liên quan.

Các nước đề cao tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, coi đây là lợi ích chung; nhấn mạnh cần tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển “40 năm tuổi” (UNCLOS 1982) – “Hiến chương của đại dương”, kêu gọi kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Hiện nay các nước phải đối diện nhiều vấn đề an ninh biển phức tạp, Đại sứ Vũ Hồ đề cao trách nhiệm và thiện chí của các quốc gia trong gìn giữ hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác tại các vùng biển trong khu vực, trong đó có Biển Đông trên cơ sở tăng cường đối thoại, tham vấn, tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc các cam kết, thỏa thuận quốc tế. Bên cạnh đó, cùng với tiến trình phục hồi sau COVID-19, việc áp dụng UNCLOS cần phải được xem xét toàn diện và hợp lý, trong đó cần tính tới những vấn đề như bảo vệ môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chy Le