(ĐNA) – Trong khuôn khổ Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, sáng nay, 25/6/2022, Ban tổ chức đã có chương trình thực địa giới thiệu đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thông tin do Ban tổ chức Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 cung cấp đến nhà đầu tư, các doanh nghiệp, cho biết: Trong năm nay, khối nhà ICT 1 tại Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 (giai đoạn 1) chính thức được đưa vào khai thác. 3 không gian sẽ sớm vận hành gồm: Không gian đổi mới sáng tạo (gần 7.6200 m2) ; Không gian phục vụ chuyển đổi số (1.382m2); Không gian hỗ trợ doanh nghiệp (12.380 m2) và không gian khác (17.918,2m2).
Trong đó, Không gian đổi mới sáng tạo là nền tảng hình thành một Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, đào tạo tổ chức các hoạt động phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tại đây sẽ thực hiện ươm tạo các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ và cung cấp không gian làm việc chung, địa điểm kết nối khởi nghiệp, tổ chức đào tạo và huấn luyện khởi nghiệp, kết nối đầu tư, thu hút chuyên gia và nhà đầu tư…
Với mục tiêu hình thành hệ sinh thái tài chính công nghệ thông qua việc thúc đẩy sự tham gia của các công ty khởi nghiệp tài chính, nhà phát triển công nghệ, khách hàng tài chính và các định chế tài chính truyền thống; cơ quan tổ chức – điều hành sẽ vận động tài trợ, hợp tác công tư, xây dựng các Trung tâm, Viện nghiên cứu và đào tạo hình thành hệ thống đào tạo chuyên nghiệp chuyên cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp phần mềm, chuyển đổi số và xuất khẩu lao động tri thức. Bên cạnh đó, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại công nghệ thông tin; tổ chức hội thảo, triển lãm, trình diễn sản phẩm và dịch vụ công nghệ số thông tin, tạo cơ hội để các doanh nghiệp liên kết, chia sẻ thị trường.
Trong khi đó, Khu không gian phục vụ chuyển đổi số là nơi phát triển xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp (trong và ngoài khu Công viên phần mềm số 2), bao gồm phát triển dữ liệu số phục vụ kinh tế số, chính quyền số, xã hội số ; phát triển công nghiệp ICT và phát triển doanh nghiệp số.
Tại đây sẽ được triển khai thêm 1 Trung tâm dữ liệu mới (đạt chuẩn TIER -3 trở lên, quy mô trên 100 rack, có các công nghệ tính toán hiệu năng cao (high performance equipment), hỗ trợ các công nghệ 4.0.
Khu không gian hỗ trợ doanh nghiệp có chức năng như một địa điểm thực hiện việc kết nối các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, gắn kết đến thị trường quốc tế, công nghệ tiên tiến của Thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đối với các Khu Công nghiệp (KCN) trên địa bàn, theo ông Nguyễn Xuân Đại – Trưởng phòng Quản lý Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng) hiện tại các KCN cơ bản đã được lấp đầy, chỉ còn 85 ha (đất sạch, chưa khai thác) ở KCN Liên Chiểu.
Thành phố đang hoàn thiện thủ tục chấp thuận chủ trương và lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN mới: KCN Hòa Cầm (giao đoạn 2): 120 ha; KCN Hòa Ninh: 400 ha; KCN Hòa Nhơn: 360 ha và KCN hỗ trợ Khu Công nghệ cao là 58,38 ha.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Đại, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư rất quan tâm đến Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, do hệ thống hạ tầng tại đây được đầu tư đồng bộ (cấp điện, cấp nước, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống nhà máy xử lý nước thải,…).
Các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao được thể chế hóa tại danh mục 99 (ngành, lĩnh vực thuộc) công nghệ cao và 107 sản phẩm công nghệ cao (ban hành tại QĐ số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ).
Hiện tại Khu Công nghệ cao, đã có 12 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư (đăng ký và thực hiện) là 6.291 tỷ đồng ; 13 dự án FDI có tổng vốn đầu tư 607,6 triệu USD.
Thành phố Đà Nẵng còn có Khu công nghệ thông tin tập trung, tổng diện tích (giai đoạn 1) là 131ha, trong đó, nhóm phân khu chức năng (sản xuất, nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo): 89,9ha ; phân khu dịch vụ (nhà ở, khu sinh thái, dân sinh…) : 40,4ha.
Khu CNTT tập trung cũng là địa chỉ đã và đang thu hút các nhà đầu tư. Tính đến nay, đã có 5 dự án trong nước hoạt động tại đây (tổng vốn đầu tư: 2.719 tỷ đồng) và 1 dự án FDI ( tổng vốn đầu tư 340 triệu USD).
Trong chương trình thực địa sáng nay, thành phố Đà Nẵng giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung, Cảng Liên Chiểu và Khu Công viên Phần mềm số 2.
Cùng với Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, hôm nay 25/6/2022, sự kiện Carnival đường phố, chính thức mở đầu chuỗi các hoạt động của Lễ hội “Tận hưởng Mùa hè Đà Nẵng 2022” (do Sở Du lịch Đà Nẵng phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức), cũng sẽ diễn ra vào tối nay. Đoàn diễu hành Carnival đường phố Sun Fest sẽ xuất phát từ cầu Trần Thị Lý đến Công viên phía Nam bờ Tây Cầu Rồng, và quy tụ tại sân khấu chính tại khu vực Quảng trường Bạch Đằng.
Sôi động với nhiều hoạt động và sự kiện có tính thu hút, Đà Nẵng đã trở thành điểm đến của nhiều doanh nhân, nhà đầu tư và du khách.
Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng cho biết, hôm nay 24/6 sân bay Đà Nẵng đón 111 chuyến bay quốc nội và 9 chuyến bay quốc tế hạ cánh, trở thành ngày có số chuyến bay quốc nội đến Đà Nẵng cao nhất (kể từ khi “mở cửa bầu trời” trở lại).
“Thậm chí đã vượt qua cả mốc cao nhất của thời điểm năm 2019 trước khi xày ra dịch COVID-19 là 86 chuyến quốc nội đến/ngày” – ông Đỗ Trọng Hậu, Phó Tổng Giám đốc CTCP đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) cho biết.
Hiện mỗi ngày sân bay quốc tế Đà Nẵng đón từ 9 – 12 chuyến. Tuy còn kém nhiều so với thời điểm năm 2019 (75 – 86 chuyến quốc tế đến Đà Nẵng/ngày) nhưng đã tăng gấp 3 – 4 lần so với cách đây 1 tháng chỉ có 3 chuyến/ngày.
Tạp chí Đông Nam Á sẽ tiếp tục cập nhật thông tin từ Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, phục vụ độc giả./.
Thế Cương – Trung Đức ̣CQĐD.TCĐNA.MTTNĐ