Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Điện lực Đà Nẵng: Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức từ chuyển đổi số

ĐNA -

(Đà Nẵng). Trong tối ưu các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu “kép”: Đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cho thành phố, hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, tái đầu tư phát triển; Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) đã phát huy thành công hiệu quả từ chuyển đổi số.

Đồng bộ giữa đầu tư công nghệ và chuyển đổi số quy trình, Điện lực Đà Nẵng đóng góp kinh nghiệm và mô hình cho chuyển đổi số đang diễn ra trên diện rộng. Ảnh trong bài: PC Đà Nẵng.

“Đến nay, PC Đà Nẵng đã áp dụng nhiều công nghệ số mới trong quản lý vận hành lưới điện; chúng tôi cũng triển khai nghiên cứu các công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data),…. Ngành Điện ứng dụng AI trong dự báo phụ tải, cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực, cảnh báo mất điện ở Trạm biến áp công cộng. PC Đà Nẵng cũng đã thử nghiệm xong, tính năng AI của ứng dụng “Kiểm tra hiện trường để nhận dạng và đánh giá tình trạng thiết bị trên lưới điện phục vụ quản lý vận hành“.

Tất cả hướng đến mục tiêu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số được giao đã và kế hoạch chúng tôi đề ra; từ đó, mang đến nhiều tiện ích, tăng khả năng tương tác, đưa ngành điện đến gần hơn, phục vụ tốt hơn khách hàng. Đặc biệt, trong năm nay (2024), PC Đà Nẵng sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, hoàn thành các nội dung chuyển đổi số của ngành, đóng góp cho thành công của đề án xây dựng Thành phố thông minh và kế hoạch Chuyển đổi số của Đà Nẵng”, ông Lê Hồng Cương – Chủ tịch kiêm Giám đốc PC Đà Nẵng nhấn mạnh.

Điện lực đầu tiên của cả nước, thực hiện cấp điện cho khách hàng trong nửa ngày
Chuyển đổi số tại PC Đà Nẵng được khởi động từ năm 2014, với mô hình chuyển đổi hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử. Năm 2015, khách hàng được chủ động lựa chọn hình thức thanh toán phù hợp (qua ngân hàng, điểm thu, dịch vụ trung gian thu hộ, …) khi kênh thanh toán tiền điện trực tuyến chính thức ra đời. Đến năm 2020, PC Đà Nẵng là điện lực đầu tiên trên toàn quốc, thực hiện cấp điện hạ áp không khảo sát hiện trường.

 “Đáp ứng yêu cầu đổi mới, đơn giản hóa, thủ tục gọn gàng, minh bạch, rút ngắn thời gian cấp điện, Công ty đã số hóa toàn bộ chu trình cấp điện hạ áp cho khách hàng. Từ thông tin khách hàng cung cấp, dựa trên những dữ liệu sẵn có trên các chương trình thu thập hiện trường, cấp điện bằng máy tính bảng, nhân viên Điện lực nhanh chóng lập phương án cấp điện, dự toán vật tư và tiến hành thi công.

 Tất cả các công đoạn đều được thực hiện “trọn gói” trên môi trường internet, rút ngắn thời gian cấp điện xuống chỉ còn nửa ngày so với quy trình trước đó, mang đến sự hài lòng cho khách hàng, bảo đảm triển khai ngay hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng, có điện để sinh hoạt, làm việc. Thực hiện cung ứng điện sớm nhất cho khách hàng có nhu cầu, PC Đà Nẵng thể hiện rõ nét tính chuyên nghiệp và trách nhiệm, luôn lấy sự thuận tiện và quyền lợi của khách hàng làm trọng.

Từ năm 2017, chúng tôi đã có dịch vụ điện trực tuyến. Khách hàng chỉ cần truy cập vào website Cổng dịch vụ công quốc gia; Dịch vụ công thành phố Đà Nẵng hay Trung tâm chăm sóc khách hàng điện lực miền Trung, là thoải mái chọn và sử dụng đến 20 dịch vụ điện lực. Năm 2022, tỷ lệ khách hàng đăng ký dịch vụ điện trực tuyến mức độ 3, 4; tỷ lệ hồ sơ kinh doanh – dịch vụ khách hàng xử lý trên mạng theo phương thức điện tử và tỷ lệ khách hàng ký hợp đồng qua phương thức điện tử đều đạt 100%”, ông Bùi Đỗ Quốc Huy Phó Giám đốc PC Đà Nẵng cho biết.

Hiện nay, tại 6 Điện lực trực thuộc đều triển khai riêng không gian hỗ trợ khách hàng sử dụng dịch vụ điện trực tuyến, có sẵn công cụ khảo sát sự hài lòng của chính khách hàng. Đặc biệt, đã phát triển công cụ hỗ trợ khách hàng tự động điền thông tin CCCD vào đơn đăng ký cấp điện mới hạ áp. Nhân viên tiếp nhận nhu cầu sẽ có bước khai thác thông tin, dữ liệu dân cư, hộ gia đình từ cơ sở dữ liệu quốc gia, xác minh và triển khai ngay các dịch vụ cấp điện hộ gia đình.

Đến cuối năm 2023, PC Đà Nẵng đã kết nối 16 ngân hàng, 8 tổ chức trung gian, thực hiện đa dạng hình thức thanh toán (qua ATM/Thẻ ngân hàng, Internet Banking, trích nợ tự động, ủy nhiệm thu/ủy nhiệm chi, ví điện tử, web CSKH EVNCPC), đạt tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt 99,47%, trong đó thu qua ví điện tử có tỷ lệ cao nhất: 47,65%.

Trung tâm điều khiển lưới điện thành phố Đà Nẵng.

Từ trạm biến áp  không người trực, đến phát triển lưới điện thông minh
Cuối tháng 9 năm 2016, Trung tâm điều khiển lưới điện Đà Nẵng chính thức khánh thành, đi vào hoạt động; ngay sau đó, các trạm biến áp 110kV không người trực cũng được xây dựng thành công, đưa vào vận hành (từ 9 giờ sáng ngày 28/9/2016), mở đầu cho lộ trình phát triển lưới điện thông minh của Điện lực Đà Nẵng (giai đoạn 2015 – 2020).

Năm 2017, PC Đà Nẵng tiếp tục thử nghiệm thành công công nghệ tự động hóa lưới điện phân phối (Distribution Automation System-DAS) trên lưới điện Đà Nẵng và đã nhân rộng tại 54 xuất tuyến (cuối năm 2022), hoàn thành cơ bản tự động hóa lưới phân phối.

“Phát triển lưới điện thông minh (Smart Grid) là mối quan tâm hàng đầu của ngành điện Việt Nam, nhằm mục tiêu đảm bảo cung ứng điện năng liên tục cho khách hàng. Với PC Đà Nẵng, khi triển khai thực hiện tự động hóa lưới điện phân phối (DAS) trên địa bàn thành công, điểm (xảy ra) sự cố được định vị nhanh, giảm phạm vi mất điện khi sự cố và qua đó, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện của lưới trung áp cho phụ tải. Triển khai vận hành DAS, còn mang lại nhiều lợi ích trong nhiệm vụ vận hành lưới điện phân phối. Công ty đã thực hiện trọn vẹn lộ trình phát triển lưới điện thông minh, đáp ứng yêu cầu của UBND thành phố trong xây dựng đô thị thông minh”, ông Phó giám đốc PC Đà Nẵng, ông Nguyễn Đình Tuân phân tích.

Được biết, thông qua trung tâm điều khiển và tự động hóa lưới điện phân phối, khâu kỹ thuật vận hành các trạm biến áp 110kV, các thiết bị trên lưới, được thao tác ngay tại trung tâm; thời gian cô lập sự cố chỉ còn 11- 43 giây (so với trước đây khoảng 30 đến 1giờ). Mọi thông số vận hành, chỉ số “điều kiện sức khỏe thiết bị”, tình trạng vận hành…đều được số hóa và quản lý trên phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS và tích hợp trên hệ thống thông tin địa lý GIS, thể hiện trực quan trên bản đồ (ứng dụng dịch vụ điện trên nền bản đồ Google map), tạo môi trường quản lý, khai thác vô cùng thuận lợi.

Trên cơ sở này, năm 2021, PC Đà Nẵng cũng chuyển đổi từ phương thức sửa chữa bảo dưỡng định kỳ, sang bảo dưỡng thiết bị theo tình trạng thiết bị RCM/CBM. Và đến nay chính thức áp dụng cho 100% thiết bị tại Trạm 110kV, máy biến áp phân phối, thiết bị đóng cắt trung áp.

Năm 2023, nhiều dự án ở các Trạm biến áp, được PC Đà Nẵng hoàn thành đúng tiến độ, nâng cao chất lượng cung cấp điện năng, bảo đảm an toàn cao.

Bảo đảm duy trì dòng điện, sẵn sàng mọi phương án kỹ thuật, xử lý ngay sự cố, cũng như nhiều năm trước đây, PC Đà Nẵng khẳng định cam kết sẽ không thực hiện các công tác gây ngừng, giảm cung cấp điện khách hàng (trừ trường hợp sự cố bất khả kháng, cắt điện để xử lý sự cố hoặc theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền), từ ngày 7/2/2024 đến ngày 14/2/2024 (tức là từ ngày 28 Tết đến hết ngày mùng 5 Tết Nguyên Đán).

Theo chỉ đạo từ EVNCPC, PC Đà Nẵng cũng số hóa quy trình công tác sửa chữa lớn và xây dựng chương trình „Quản lý công tác sửa chữa lớn lưới điện“, cùng với triển khai đào tạo cho CBCNV trong Công ty sử dụng. Các công trình sửa chữa lớn từ năm 2025, sẽ áp dụng số hóa toàn quy trình.

Tự lực nghiên cứu, phát triển thành công nhiều ứng dụng, tiện ích thông minh
Trong quá trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022, đội ngũ kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật PC Đà Nẵng đã tự nghiên cứu, phát triển thành công nhiều ứng dụng, tiện ích thông minh. Đó là chương trình cảnh báo mất điện tại Trạm biến áp công cộng, giúp các đơn vị kịp thời phát hiện sự cố mất điện (do nhảy aptomat tại các trạm). Ứng dụng đã góp phần hạn chế mất lượng điện thương phẩm, mang lại sự hài lòng cao của khách hàng.

 Tương tự, còn có chương trình cảnh báo điện áp thấp. Thông qua “Ứng dụng thuật toán tìm đường và thống kê dữ liệu từ xa tự động phân tích cảnh báo khách hàng có điện áp thấp”, chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng được nâng cao rất nhiều, bởi chất lượng điện năng cung cấp đến khách hàng luôn ổn định. Ứng dụng đã hỗ trợ công tác cảnh báo điện áp thấp trên cả lưới điện hoặc khách hàng đến đơn vị vận hành. Qua đó, còn giảm tổn thất, ngăn ngừa nguy cơ sự cố lưới điện hạ áp. Đây là những ứng dụng thiết thực góp phần giảm sự cố, giảm số lần mất điện, đồng nghĩa với giảm phàn nàn và giảm thiệt hại hay gây xáo trộn cho khách hàng.

Ngoài ra, với mục tiêu tính chính xác đạt tối ưu khi phát hành hóa đơn tiền điện cho khách hàng, PC Đà Nẵng có “Giải pháp giám sát tự động quá trình ghi chỉ số, phúc tra chỉ số trước khi phát hành hóa đơn tiền điện”, dựa trên dữ liệu CMIS và đo xa Rf spider. Trong nhiều năm thực hiện ghi chỉ số tiêu thụ từ xa (công tơ điện tử), chưa hề có trường hợp khách hàng khiếu nại, phàn nàn về số tiền điện phải trả. Hệ thống đã thực hiện tốt chức năng kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu sai sót trong khâu chốt chỉ số tiêu thụ.

Hệ thống thu thập dữ liệu công tơ khách hàng RF Spider được triển khai tại Đà Nẵng. Đến năm 2023, có 353.564 điểm đo, sử dụng toàn bộ Data Collection Unit – DCU (tích hợp module truyền thông Modem GPRS/3G). Công nghệ đọc dữ liệu công tơ từ xa AMR (Automatic Meter Reading) đã được áp dụng cho 100% khách hàng.

Trong quản trị nội bộ, thời gian qua, tại PC Đà Nẵng, chế độ báo cáo thông minh BI với dữ liệu được cập nhật tự động, đã thực sự mang đến những chuyển đổi sâu sắc về quy trình làm việc. Chuyển đổi số đích thực đã góp phần nâng cao trải nghiệm cho người lao động trên môi trường số; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo khi có thể giải quyết công việc mọi lúc mọi nơi. Qua chế độ báo cáo thông minh BI, ngoài tính kịp thời, đáp ứng nhanh nhu cầu khai thác, tổng hợp; hiệu quả công việc còn nhờ vào khả năng cung cấp chi tiết, cụ thể, bảo đảm tính minh bạch, chất lượng chia sẻ của dữ liệu cao.

Tổng kết hoạt động sáng kiến – nghiên cứu khoa học của PC Đà Nẵng năm 2023 là một minh chứng cho nỗ lực tự đề ra các giải pháp, nâng cao hiệu quả tác nghiệp. Trong 32 giải pháp (được Hội đồng khoa học Công ty) xét duyệt và công nhận, có 11 giải pháp được xây dựng bởi lực lượng công nhân trực tiếp sản xuất và 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Trong năm, PC Đà Nẵng giành 1 giải thưởng “Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam (I4.0 Awards) lần II”, hạng mục “Top doanh nghiệp Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo”; 3 giải thưởng (1 giải Nhì, 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích) cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong Đoàn viên, thanh niên EVN”  do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức. Trước đó, giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2022 (VIFOTEC) đã vinh danh 2 đề tài của DNPC (giải Ba).

Không ngừng nâng cao hiệu quả kinh doanh từ dịch vụ khách hàng tận tâm
PC Đà Nẵng đã và đang xây dựng kho dữ liệu lớn, tăng cường phân tích dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích, dự đoán hành vi sử dụng điện… nâng cao hiệu quả công tác kinh doanh – dịch vụ khách hàng, xem đây là một trong những hoạt động. thiết thực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Năm 2023 vừa qua, đã khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu lưới điện trung thế trên nền tảng GIS, và đưa vào “Nghiên cứu, bước đầu triển khai thành công bài toán khai thác thông tin dữ liệu sét phục vụ công tác quản lý vận hành“; “Khai thác dữ liệu GIS hỗ trợ lập phương án đầu tư (hay) hỗ trợ công tác thoả thuận đấu nối trung áp“ (xem xét triển khai trong năm 2024); „Quản lý hệ thống tiếp địa lưới điện“. Theo lãnh đạo PC Đà Nẵng, đây là “bài toán khó“ của ngành, đến nay, đã „có cách giải“.

Đo kiểm tra nhiệt độ trạm biến áp.

Đối với khách hàng sử dụng điện, và quy trình thu thập dữ liệu từ khách hàng, Phó Giám đốc PC Đà Nẵng, ông Bùi Đỗ Quốc Huy nhấn mạnh thêm: “Dữ liệu có được và chia sẻ trở lại cho khách hàng phải luôn chính xác, tính minh bạch cao, chất lượng dữ liệu phải chuẩn. Với PC Đà Nẵng, khách hàng hoàn toàn có thể  tự tra cứu chỉ số điện sử dụng của mình, kèm theo là cảnh báo tự động (của hệ thống thông tin) về sản lượng điện tăng/giảm bất thường, tra cứu hóa đơn, ngành Điện  cũng luôn chủ động tương tác với khách hàng.

Trong đẩy mạnh chuyển đổi số đối với dịch vụ khách hàng, chúng tôi xác định rằng tập trung nguồn lực đầu tư lưới điện, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đo đếm theo hướng hiện đại hóa, là một vế; vế còn lại là tinh thần phục vụ tận tâm, chu đáo và trách nhiệm cao. Qua các ứng dụng điện tử và nền tảng như App EVNCPC CSKH (của Tổng CT Điện lực Miền Trung); Zalo OA; Email, PC Đà Nẵng gửi thông báo: lịch ghi chỉ số, điện năng khách hàng đã tiêu thụ, thông tin thanh toán tiền điện, hay lịch tạm ngưng cung cấp điện, cảnh báo an toàn điện, với lượng thông tin đầy đủ, mọi khách hàng đều dễ dàng và chủ động theo dõi, kiểm soát. Điều này mang đến độ tin cậy ngày càng cao ở khách hàng”.

Chủ tịch kiêm Giám đốc PC Đà Nẵng ông Lê Hồng Cương (giữa) có mặt tại hiện trường chỉ đạo xử lý sự cố sau thiên tai.

Được biết, năm 2023, sản lượng điện thương phẩm DNPC đã thực hiện cung ứng đạt 3.408,61 triệu kWh, tăng 13,14% so với năm 2022 (3.012,8 triệu kWh). Tổn thất điện năng: thực hiện 2,10%, giảm 0,11% so với năm 2022 (2,21%), thấp hơn 0,23% so với kế hoạch năm EVNCPC giao (2,33%). Nhiều  công trình trọng điểm của năm, có ý nghĩa lớn cho yêu cầu phát triển bền vững cũng hoàn thành. Hiệp hội năng lượng Việt Nam VEA đã tặng “Chứng nhận Top 100 doanh nghiệp vì sự phát triển năng lượng Việt Nam bền vững” cho PC Đà Nẵng.

“Chuyển đổi số đã góp phần lớn trong tối ưu nguồn lực, giúp PC Đà Nẵng chúng tôi vượt qua nhiều thách thức. Trong đó, có thách thức giá nguyên vật liệu tăng cao; tình hình kinh tế tiếp tục gặp khó khăn do suy thoái hậu đại dịch COVID-19; rồi biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan ảnh hưởng liên tục; hay các tác động khác từ lạm phát và bất ổn kinh tế, xung đột chính trị, quân sự  diễn ra ở quy mô toàn cầu” – Chủ tịch kiêm Giám đốc PC Đà Nẵng ông Lê Hồng Cương chia sẻ./.

T.Ngọc