Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Điều kiện để Nga rút vũ khí hạt nhân khỏi Belarus

ĐNA -

Ngày 31/7/2023, Vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thuộc Bộ Ngoại giao Nga Alexey Polishchuk cho biết, Nga có thể rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Belarus nếu Mỹ làm điều tương tự với khí tài cùng loại ở châu Âu.

Xe chở đạn kiêm bệ phóng tên lửa Iskander của Belarus trong ảnh công bố ngày 25/2. Ảnh: BQP Belarus

“Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus là phản ứng với chính sách gây bất ổn hạt nhân kéo dài của NATO và Mỹ, cũng như những thay đổi cơ bản gần đây diễn ra tại khu vực an ninh châu Âu”, ông Polishchuk cho biết, việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus là biện pháp răn đe được thiết kế để đảm bảo an ninh cho không gian phòng thủ chung của Nhà nước Liên minh, bao gồm Nga và Belarus. Do đó, Nga chỉ có thể rút vũ khí chiến thuật khỏi Belarus nếu Mỹ và NATO “từ bỏ tiến trình phá hoại an ninh” của hai nước này.

“Điều này có nghĩa là Mỹ rút hoàn toàn vũ khí hạt nhân tại châu Âu về nước, cũng như phá hủy toàn bộ hạ tầng liên quan ở khu vực này”, quan chức Nga cho biết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tháng 3/2023 thông báo quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus. Trước đó vài tháng, Belarus nhiều lần đề nghị Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật tại nước này với lý do “chính sách hiếu chiến từ phương Tây” và “mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Mỹ tại châu Âu”.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hồi tháng 6/2023 xác nhận một số đầu đạn hạt nhân đã được bí mật chuyển tới nước này.

Tổng thống Putin cho biết động thái của Nga không khác nhiều so với việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân tại 5 quốc gia thành viên NATO là Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật thường có sức công phá nhỏ, được thiết kế để tấn công các sở chỉ huy, căn cứ, điểm tập trung quân của đối phương ở tiền tuyến. Chúng không được dùng để phá hủy các thành phố, cơ sở công nghiệp quốc phòng cách xa chiến trường.

Loại vũ khí này phát triển từ thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh nhằm răn đe đối phương, song chưa nước nào từng sử dụng chúng trong thực tế. Mỹ triển khai một số đầu đạn hạt nhân chiến thuật tại các căn cứ ở châu Âu nhằm “phản ứng linh hoạt trước bất cứ mối đe dọa nào từ đối phương”.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 15/5 cho biết Washington có 1.419 đầu đạn hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng triển khai kể từ ngày 1/3, giảm so với 1.515 đầu đạn vào tháng 3/2022 và nằm trong giới hạn 1.550 do Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) đặt ra.

Năm ngoái, Nga cho biết nước này có 1.474 đầu đạn hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng triển khai, nhưng chưa công bố dữ liệu của năm nay, sau khi đình chỉ tham gia New START.

Chy Lê/theo RIA Novosti