Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Định hướng của Đảng về chính sách dân số từ năm 1961 đến đại hội XIII



ĐNA -

Dân số là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội. Việc đảm bảo dân số ổn định, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng và mỗi thành viên trong xã hội là yêu cầu và mục tiêu đặt ra đối với mỗi quốc gia. Vì vậy, chính sách dân số của Đảng và Nhà nước ta đã được định hướng, triển khai liên tục, mạnh mẽ và đã đạt được thành công. Kết quả thực hiện các chính sách này đang tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và toàn xã hội.

Xuyên suốt quá trình phát triển, Đảng và Nhà nước ta đã đánh giá được tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề dân số đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; đồng thời xác định việc kiểm soát quy mô dân số, giảm tốc độ gia tăng quy mô dân số, nâng cao chất lượng dân số là vấn đề trọng tâm. Công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế – xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội. Trong quá trình phát triển đất nước, Đảng ta đã định hướng đúng đắn về vấn đề dân số, điều chỉnh các vấn đề dân số cho phù hợp với đường lối, chính sách phát triển của kinh tế – xã hội.

Trong buổi phát biểu bế mạc Hội Nghị Trung ương 6 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; Chú trọng toàn diện các mặt về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia”. Việc chuyển trọng tâm này nhằm giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề dân số đang đặt ra hiện nay và trong tương lai của quá trình phát triển đất nước.

Mức sinh giảm nhanh, hình thành cơ cấu dân số “vàng”

Sự phát triển nhận thức các vấn đề dân số từ năm năm 1961 đến đại hội XIII.
Chính sách về dân số thể hiện một cách có hệ thống qua văn kiện của các kỳ đại hội Đảng. Chính sách Dân số Việt Nam khởi đầu bằng Quyết định 216/CP ngày 26-12-1961 của Hội đồng Chính phủ về việc “sinh đẻ có hướng dẫn”, trọng tâm là giảm sinh. Từ Đại hội IV năm 1976 đến các kỳ đại hội sau, vấn đề dân số – kế hoạch hóa gia đình, trọng tâm là việc giảm tỷ lệ tốc độ tăng dân số luôn là quốc sách, là cuộc vận động rộng lớn, mạnh mẽ và sâu sắc trong toàn dân. Quyết định 216-CP được coi là văn bản pháp quy đầu tiên của Nhà nước ta về công tác DS-KHHGĐ và mang đậm tính nhân văn “Vì sức khoẻ của người mẹ, vì hạnh phúc và hoà thuận của gia đình và để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp”.  Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á thực hiện chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, trong những năm sau này, chính sách dân số không chỉ tập trung vào kiểm soát quy mô mà còn chú ý việc tăng chất lượng dân số sao cho phù hợp với yêu cầu về phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời đề cập đến vấn đề duy trì kế hoạch giảm sinh và giữ mức sinh thay thế…

Mục tiêu cơ bản của các quyết định này là vận động hạn chế sinh đẻ. Biện pháp thực hiện dân số chủ yếu là thuyết phục người dân tham gia thực hiện kế hoạch hóa gia đình để đạt mục tiêu hạn chế mức sinh. Đối tượng chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có đông con, trước hết là cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội; Sau đó mở rộng ra trong dân. Đây là giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, tuy nhiên công tác dân số kế hoạch hóa gia đình đã đạt được những thành công nhất định. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 3,8% xuống còn 2,5%. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 6,3 con xuống còn 5,25 con vào năm 1975

Từ năm 1976 -1990, giai đoạn này đất nước đã bước vào thời kỳ thống nhất đất nước. Tuy nhiên, các cuộc chiến tranh biên giới vẫn xảy ra ở phía Bắc và phía Tây Nam. Đất nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế – xã hội và bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (1986). Số liệu từ cuộc Tổng điều tra dân số năm 1979 cho thấy tỷ lệ dân số tăng 2,1 lần, số con trung bình của một người phụ nữ là 4,8 con, tổng số dân cả nước là 52,7 triệu người. Do hiện tượng tăng bù sau chiến tranh và di cư từ Bắc vào Nam nên tỷ lệ dân số phía Nam tăng lên khá cao khoảng 3,2% /năm trong giai đoạn này.

Nhận thấy rõ những biến đổi trong dân số cả nước, Đảng và Nhà nước ta đã đưa các chỉ tiêu về dân số vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Nghị quyết Đại hội lần thứ IV đã nêu rõ: Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, kiên quyết giảm dần tốc độ tăng dân số hàng năm, phấn đấu đến năm 1980 tỷ lệ tăng dân số là 2%. Mọi ngành, mọi cấp phải coi cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch là công tác có tầm quan trọng to lớn, có ý nghĩa kinh tế – xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Văn kiện Đại hội lần thứ V của Đảng nhấn mạnh: Giảm tốc độ tăng dân số bình quân của cả nước từ 2,4% xuống dưới 1,7% vào năm 1985. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động mục tiêu này không thực hiện đươc được.

Đến Đại hội VI (1986). Đảng ta đưa ra mục tiêu giảm tỷ lệ phát triển dân số từ 2,2% hiện nay xuống 1,7% vào năm 1990 và yêu cầu thực hiện đổng bộ các biện pháp như: Đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ y tế cấp xã, các trung tâm hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch ở huyện, đảng viên và thanh niên phải gương mẫu đi đầu thực hiện. Nhằm đẩy mạnh công cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản: Chỉ thị số 265/CP ngày 19-10-1978; chỉ thị số 29/HĐBT ngày 12-8-1981; Quyết định số 58/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 11-4-1984 về thành lập Ủy ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ có kế hoạch… Đặc điểm các chính sách dân số của Việt Nam ở giai đoạn này là sự ra đời của ủy ban Dân số và sinh đẻ có kế hoạch được thành lập, kết thúc thời kỳ bộ máy quản lý kiêm nhiệm; bắt đầu thực hiện chế tài “thưởng – phạt”. Chính sách sinh đẻ có kế hoạch tập trung vào việc khuyến khích các vợ chồng hạn chế sinh đẻ và chỉ nên có từ 1 đến 2 con, dùng lại ở mức 2 con để nuôi dạy cho tốt, trừ một số trường họp đặc biệt; Đồng thời, quy định chỉ những gia đình có 2 con được cấp đất làm nhà hoặc phân phối nhà. Các gia đình có 3 con trở lên không được nhập khẩu vào nội thành, nội thị và khu công nghiệp tập trung. Gia đình có số con vượt quy định thì phải đóng góp kinh phí bảo trợ xã hội. Các cặp vợ chồng công tác trong cơ quan nhà nước không thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, vượt quy định về số con sẽ bị xử phạt. Đối tượng áp dụng mở rộng ra toàn bộ phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ, từ thành thị đến nông thôn; đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm thực hiện của cán bộ, đảng viên công nhân viên chức nhà nước, lực lượng Vũ trang. Do thực hiện tốt các chính sách về dân số và kế hoạch hóa gia đình trong giai đoạn này nên tỷ lệ tăng dân số nước ta đã giảm từ 2,4% (1975) xuống còn 1,9% (1990). Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 5,25 xuống 3,8 con. Kết quả này đã góp phần hạ thấp tỷ lệ tăng dân số, tuy nhiên vẫn chưa đạt được các chỉ tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đề ra.

Từ năm 1991 – 2000, trong giai đoạn này, sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Các chương trình, chính sách dân số, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam nhận được sự hỗ trợ tích cực hiệu quả của cộng đồng thế giới; Đồng thời, tổ chức bộ máy thực hiện chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình được củng cố, kiện toàn. Tuy nhiên, do kết quả của sự phát triển kinh tế – xã hội mà Việt Nam đạt được dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng về dân số. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 1991, dân số Việt Nam là 67,2 triệu người, nếu vẫn tiếp tục đà tăng 2% thì sau khoảng 30 năm dân số sẽ tăng gấp đôi. Do đó, vấn đề kiểm soát mức sinh được Đảng và Nhà nước ta quan tâm đặc biệt, Văn kiện Đại hội VII nêu rõ: “Giảm tốc độ tăng dân số là một quốc sách, phải trở thành cuộc vận động rộng lớn, mạnh mẽ và sâu sắc trong toàn dân”. Do xác định dân số – kế hoạch hóa gia đình là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển của quốc gia, năm 1993, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ưong Đảng khóa VII đã ban hành Nghị quyết Trung trong 4  về Dân số kế hoạch hóa gia đình. Từ đây, các chỉ tiêu giảm dân số được Quốc hội giao theo từng năm và 5 năm; Chính phủ đã cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể khác nhau để từng bước khống chế việc tăng dân số.

Đặc điểm chủ yếu của chính sách dân số giai đoạn này là: “Thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh tạo điều kiện để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”; chú ý đa dạng hóa cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Đặc biệt là áp dụng triệt để hơn chính sách “thưởng – phạt” của giai đoạn 1976-1990. Dù còn nhiều hạn chế nhất định, song chính sách dân số của Việt Nam trong giai đoạn 1991 – 2000 về cơ bản đã thành công, nhất là cuộc vận động “Dừng ở hai con để nuồi và dạy cho tốt” được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Chính sách dân số giai đoạn 1991-2000 đã vượt các chỉ tiêu, tổng tỷ suất sinh giảm nhanh từ 3,8 con (1991) xuống 2,3 (2000), thấp hơn 0,6 con so vói mục tiêu 2,9 con. Quy mô dần số tăng 67,2 triệu người (1991) lên 77,6 triệu người (2000), thấp hơn mục tiêu 4,4 triệu người. Chất lượng cung cấp dịch vụ sức khóe sinh sán, kế hoạch hóa gia đinh được cải thiện. Tổng tỷ suất sinh giảm 3,74 con (1992) còn 2,28 con (2000).

Từ năm 2001 – 2010, Giai đoạn này Việt Nam bước vào thế kỷ XXI với nhiều thành tựu và thách thức trong phát triển kinh tế – xã hội. Chính sách dân số tiếp tục nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và có xu hướng phát huy nội lực và chủ động hơn. Dân số của Việt Nam đã tiến đến mức sinh thay thế. Mục tiêu duy trì mỗi cặp vợ chồng có 1 hoặc 2 con để ổn định quy mô dân số, đảm bảo cơ cấu dân số và phân bố dân cư hợp lý. Chính sách dân số giai đoạn này có điểm đáng chú ý là việc ban hành Nghị quyết 47- NQ/HNTW (khóa IX); Pháp lệnh Dân số 2003; Chiến lược dân số – kế hoạch hóa gia đình Việt Nam giai đoạn 2001-2010;… Nghị quyết số 47- NQ/TW (Khóa IX) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định: Chính sách dân số nhằm chủ động kiểm soát quy mô và tăng chất lượng dân số phù hợp với những yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình…Nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Pháp lệnh dân số năm 2003 nêu rõ “ Nâng cao chất lượng dân số là chính sách cơ bản của Nhà nước trong sự nghiệp phát triển đất nước”. Nhằm cụ thể hóa Pháp lệnh dân số năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định nghiêm cấm các hành vi cản trở hay cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình và lựa chọn giới tính thai nhi. Điều này chấm dứt thời kỳ áp dụng sự gò ép và chuyển sang khuyến khích sự tự nguyện của người dân trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Giai đoạn từ 2011 đến nay: Điểm nhấn của chính sách dân số ở Việt Nam trong giai đoạn này là hướng đến hội nhập với thế giới, bảo đảm quyền con người, đề cao tính tự nguyện và trách nhiệm của từng nhóm xã hội; chú trọng sức khỏe sinh sản. Đặt trong bối cảnh kinh tế – xã hội của đất nước có nhiều thay đổi lớn, đạt thành tựu nhiều nhưng hạn chế bất cập cũng lớn. Do vậy, như một hệ lụy tất yếu chính sách dân số cũng có những biểu hiện của các xu hướng tương tự. Số liệu và các nguồn phân tích khác nhau cho thấy, đến năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Một quốc gia được coi là già hóa dân số khi tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm 10% tổng số dân số. Trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã duy trì được mức sinh thay thế, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ sinh 2,1 con. Tuy nhiên, tỷ lệ bà mẹ tử vong khi sinh nở ở các vùng sâu, vùng xa và khu vực người dân tộc ít người còn cao gần gấp hai lần so với khu vực thành thị; tỷ lệ sinh đẻ ở nông thôn vẫn cao hơn thành thị. Bên cạnh đó, thách thức về việc làm, chỗ ở, an sinh xã hội và tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Tổng số người thất nghiệp, thiếu việc làm thường xuyên, thu nhập thấp chiếm gần 10% tổng dân số. Việt Nam đang trong thời kỳ đặc biệt “dân số vàng” với gần 58 triệu người trong độ tuổi lao động; Tuy nhiên, sự mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh sẽ tác động lên cơ cấu giới tính dân số trong tương lai và chắc chắn dẫn tới hiện tượng thừa nam giới trong tương lai là điều không thể tránh khỏi. Nhận thức được những đặc điểm và xu hướng mới, khác biệt của dân số nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2013/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược dân số – sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Với mục tiêu là: “nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh thấp họp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số và phân bố dân số, góp phần thực hiện tháng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước”.

Gần đây, ngày 25-10-2017, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 21, trong đó khẳng định: Phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số phù hợp với quá trình phát triển. Một trong những điểm nhấn của Nghị quyết số 21 là đề cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.  Đồng thời, khuyến khích toàn dân tham gia thực hiện chính sách số và phát triển một cách tự giác và có trách nhiệm.

Tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong hệ thống các nhiệm vụ cần làm, Đảng ta đã nêu rõ quan điểm về công tác dân số: “Nâng cao chất lượng dân số, tận dụng hiệu quả cơ hội thuận lợi từ cơ cấu dân số vàng; chủ động thích ứng với xu thế già hóa dân số…”. Chất lượng dân số là những yếu tố thuộc về thể lực, trí lực và tinh thần của người dân. Nếu như trước đây, công tác dân số nhìn chung là “kế hoạch hóa gia đình” để ổn định quy mô dân số thì bây giờ là “dân số và phát triển” nhưng muốn “phát triển” thì “chất lượng” dân số phải đảm bảo. Đại hội cũng xác định rõ trọng tâm công tác dân số trong giai đoạn này là tranh thủ tối đa thời cơ còn lại của dân số vàng, tập trung nâng cao trình độ cho lực lượng dân số trong độ tuổi lao động để phát huy tối đa nguồn lực cho quá trình phát triển kinh tế đất nước. Trên thế giới, có rất nhiều quốc gia đã tạo được bước nhảy vọt về kinh tế trong giai đoạn dân số vàng. Nhìn lại quá trình phát triển vừa qua, Việt Nam đã bỏ lỡ đi phần lớn cơ hội để phát triển đất nước. Nhìn lại các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…giai đoạn dân số vàng không khác so với Việt Nam, nhưng trình độ phát triển lại là một vấn đề cần quan tâm và suy ngẫm. Để đối phó với thách thức “Chưa giàu đã già” đòi hỏi một nỗ lực phi thường của những cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hoạch định và thực thi chính sách, cải cách thể chế để động viên các nguồn lực, sử dụng hiệu quả các nguồn lực bằng nhiều hình thức khác nhau: Đào tạo nghề, nâng cao chất lượng tay nghề, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ lao động, đào tạo nguồn lao động trình độ kỹ thuật cao, tác phong kỷ luật tốt…Muốn làm được điều này, hệ thống giáo dục cần phải có những cải cách đổi mới phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

 Bên cạnh đó, với xu thế già hóa dân số đang diễn ra. dân số cao tuổi Việt Nam tăng nhanh cả về số tương đối và tuyệt đối, và tăng nhanh hơn các nhóm dân số khác. Chỉ số già hóa tăng lên nhanh chóng theo thời gian, Tổng điều tra dân số năm 2019, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên của việt Nam chạm ngưỡng 7,7%, Tức là dân số Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” với chỉ số già hóa đã tăng từ 35,5% năm 2009 lên đến 48,8% năm 2019. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, thời gian để Việt Nam chuẩn bị đón nhận già hóa dân số ngắn hơn rất nhiều. Nếu như tốc độ chuyển đổi cấu trúc dân số từ dân số trẻ qua dân số già của Pháp là 115 năm, Mỹ mất 69 năm, Canada 65 năm thì Việt Nam chỉ mất 20 để chuyển từ dân số vàng qua già hóa dân số. Bên cạnh đó, dân số cao tuổi Việt Nam có xu hướng “già ở nhóm già nhất”, tức là tỷ lệ người cao tuổi ở nhóm lớn tuổi nhất (từ 80 trở lên) đã và đang tăng lên nhanh chóng. Tuổi thọ trung bình của Việt Nam ngày một tăng cao, nhưng gánh nặng bệnh tật và số năm sống khỏe mạnh khá thấp, mỗi người dân có đến 12 năm ốm đau.   Đất nước đang phải thích ứng nhanh với quá trình dân số già đang tiệm cận. việc chủ động ứng phó với già hóa dân số là cần thiết và quan trọng ngay từ bây giờ. Chuẩn bị tốt nhất mọi nguồn lực để thực hiện chính sách an sinh xã hội tốt nhất khi cơ cấu dân số vàng đi qua và đón nhận sự chuyển gia cơ cấu dân số mới, cơ cấu dân số già.

Như vậy, Trước những thách thức đang đặt ra về chất lượng dân số, chất lượng nguồn lao động và già hóa dân số đang tới gần. Đảng ta đã xác định được các vấn đề cần khắc phục, cần chuẩn bị, cần triển khai để nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực và hệ thống chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi nhằm đáp ứng tốt nhất cho quá trình phát triển của đất nước trong giai đoạn tới hoàn thành mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045.

Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số. Ảnh: minh họa

Kết luận và một số vấn đề đặt ra
Cùng với quá trình phát triển chính sách dân số ở Việt Nam đã dược Đảng và Nhà nước quan tâm từ rất sớm và thường xuyên. Qua 60 năm trưởng thành và phát triển, việc hoạch định, thực hiện chính sách dân số đã không ngừng phát triển, ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn. Vào thập kỷ 60 cho đến hết của thế kỷ XX, chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình chỉ tập trung vào một nội dung là kế hoạch hóa gia đình với mục tiêu giảm sinh thì đến những năm đầu thế kỷ XXI đã từng bước hoàn thiện và hướng đến nhiều nội dung, với phạm vi rộng, thực hiện mang tính đồng bộ, linh hoạt và hiệu quả hơn. Tức từ chính sách dân số “sinh đẻ có hướng dẫn” đến “dân số và phát triển”.

Như vậy, nhìn lại quá trình phát triển nhận thức của Đảng ta về công tác dân số trong giai đoạn 1961 đến Đại hội XIII. Có thể khẳng định rằng đó là một bước tiến trong các chính sách và chương trình dân số từ “kế hoạch hóa gia đình” sang “dân số và phát triển”. Từ số con trung bình 5,9 con (1975) xuống 2,1 con (2006) Việt Nam đạt mục tiêu mức sinh thay thế trước 10 năm so với kế hoạch đặt ra. Trong tình hình mới, trước đòi hỏi của quá trình phát triển về kinh tế – xã hội trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay. Việc xây dựng một dân số có chất lượng, tận dụng được hiệu quả cơ cấu dân số vàng còn lại và xây dựng một chính sách an sinh xã hội để đón nhận già hóa dân số như hiện nay là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu mà tại Đại hội XIII Đảng ta đã đề ra. Để đạt được điều này đòi hỏi các cấp, các ngành phải chung tay, góp sức, huy động nguồn lực để có thể nâng cao được chất lượng dân số, yếu tố vừa là động lực, vừa là mục tiêu trong quá trình phát triển.

 Ths. Nguyễn Thị Thuỳ Nhung Ths. Lê Thị Thuỳ Linh/HVCTKV2

Danh mục tài liệu tham khảo
Đặng Nguyên Anh (2007), Xã hội học dân số, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, Tr217.223
Số liệu từ cuộc Tổng điều tra Dân số năm 1979
Viện Xã hội học và tâm lý lãnh đạo, quản lý; Giáo trình Dân số và Phát triển, 2005. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.344
Viện Xã hội học và tâm lý lãnh đạo, quản lý; Giáo trình Dân số và Phát triển, 2005. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.345
Viện Xã hội học và tâm lý lãnh đạo, quản lý; Giáo trình Dân số và Phát triển, 2005. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.346
Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam -06/2003/PL-UBTVQH11; Pháp lệnh dân số, Khoản 1 điều 20, 2003.
Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2021, Tr48
Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 147/2000/QĐ –TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược dân số kế hoạch hóa gia đình Việt Nam giai đoạn 2001-2010. Khoản a, điểm 2, điều 1.
ĐCSVN: Nghị quyết số 21 –NQ/TW ngày 25 – 10- 2017 của Ban chấp hành TW Đảng khóa XI khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.