Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đô thị đầu tiên tại Việt Nam triển khai dự án 3R từ chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm và hỗ trợ của thành phố Yokohama

ĐNA -

Thành phố Đà Nẵng trở thành địa phương đầu tiên của Việt Nam triển khai dự án “Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải – 3R” thông qua một chương trình hợp tác chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất thải rắn đô thị của thành phố Yokohama (D-3RYM).
Hôm nay (2/8), tại Đà Nẵng, đã diễn ra hội thảo khởi động dự án 3R – Giai đoạn 2, do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng lần này do Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu (IGES – Nhật Bản) tổ chức.

Phiên hội thảo khởi động dự án 3R – Giai đoạn 2. Ảnh: Trung Đức/Asean News.

“Cách đây 5 năm, dự án “Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy phân loại và tái chế tại Đà Nẵng – Giai đoạn I” thuộc Chương trình đối tác phát triển của JICA, đã được thực hiện với mục tiêu giảm thiểu chất thải thông qua sáng kiến phân loại tại nguồn, góp phần quản lý chất thải bền vững ở Đà Nẵng.

Kết quả giai đoạn I đã thành công với sự hợp tác hiệu quả giữa hai thành phố, sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu Nhật Bản- IGES, nhiều lượt cán bộ của thành phố đã được đào tạo, tập huấn trực tiếp tại Nhật bản, và Đà Nẵng đã triển khai nhiều mô hình có sức lan toả trong cộng đồng tại 2 quận Hải Châu, Thanh Khê.

Với quyết tâm cao, UBND thành phố Đà Nẵng đã đồng thuận đẩy mạnh triển khai dự án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến năm 2025. Hôm nay là phiên hội thảo khởi động đầu tiên của giai đoạn 2 dự án”, TS. Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng nhấn mạnh.

Được biết, từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực, với khá nhiều nội dung mới. Trong đó, hàng loạt các quy định cụ thể về triển khai phân loại rác thải tại nguồn, quản lý chất thải nhựa được nêu rõ.

Triển khai thực hiện theo Luật, các đô thị trên cả nước sẽ tự quyết định phương thức phân loại cho mình và thời gian triển khai chậm nhất trước 31/12/2024.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của thành phố Yokohama, Đà Nẵng kỳ vọng sẽ sớm đáp ứng yêu cầu quản lý chất thải rắn theo các quy định mới hiện nay.

“Yokohama là “thành phố kiểu mẫu về bảo vệ môi trường” ở Nhật Bản, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và giải pháp hiệu quả nhằm đem lại sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và duy trì môi trường sinh thái. Với sự đồng hành của thành phố Yokohama trong nhiều năm qua, Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả trong công tác bảo vệ môi trường, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố” – TS. Tô Văn Hùng cho biết.

3R (được viết tắt từ Reduce (Tiết giảm) – Tái sử dụng (Reuse) – Recycle (Tái chế). Một mô hình quản lý và xử lý rác thải với tầm nhìn Rác là tài nguyên – Tai nguyên làm nên Kinh tế tuần hoàn được nhiều quốc gia tiên tiến áp dụng.
Kanazawa – Nhà máy xử lý rác thải tiên tiến nhất Yokohama đi vào hoạt động từ năm 2001 , vào thời điểm này, mỗi ngày nhà máy xử lý 800 tấn rác thải sinh hoạt; và chỉ 1 năm sau đó, Trung tâm Phân loại tài nguyên Kanazawa cũng được khởi công xây dựng (tháng 3/2002) và sớm đi vào hoạt động, công suất xử lý đạt ban đầu là 30 tấn/ngày. Sau khi Trung tâm Phân loại tài nguyên, Nhà máy xử lý rác thải hoạt động đồng bộ, một kế hoạch có tên gọi là “Yokohama G30”, chính thức ra đời. Và từ năm 2002 đến 2010, hai cơ sở này đã hoàn thành nhiệm vụ giảm thiểu 30% lượng rác thải (ứ đọng, chậm được xử lý) cho toàn thành phố Yokohama.
Từ năm 2010-2025, một kế hoạch mới “Giấc mơ Yokohama 3R” lại ra đời…
Từ chương trình hành động Yokohama G30 đến Giấc mơ Yokohama 3R, Yokohama đã đặt mục tiêu đô thị bền vững lên hàng đầu, lượng rác thải giảm thiểu đáng kể. Yokohama cũng có tên trong danh sách những đô thị nỗ lực góp phần giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính

Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng, ngài Yakabe Yoshinori phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Trung Đức/Asean News.

Kinh nghiệm từ Giấc mơ Yokohama 3R

Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng, ngài Yakabe Yoshinori đã bày tỏ niềm vui khi giai đoạn 2 dự án chính thức được khởi động. Ông cho rằng với Đà Nẵng, “yêu cầu quản lý chất thải, nhất là rác thải nhựa (dùng 1 lần) cũng như triển khai phân loại rác thải tại nguồn, là một yêu cầu rất cấp thiết, bởi “Đà Nẵng đang có đà tăng trưởng kinh tế mạnh, đặc biệt, du lịch Đà Nẵng rất phát triển”. Ngài Tanaka Akihisa, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, bổ sung thêm: “Kinh tế càng phát triển ở mức độ cao bao nhiêu, ô nhiễm môi trường cầng trầm trọng bấy nhiêu. Đây là lý do vì sao chúng ta phải kiểm soát, quản lý các nguồn thải.

Với dự án dự án 3R – Giai đoạn 2 được triển khai tại Đà Nẵng kể từ hôm nay, JICA mong muốn đóng góp một bước ngoặt, một dấu ấn cho cột mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. JICA sẽ hỗ trợ Đà Nẵng tăng cường năng lực thu gom và một nền tảng tái chế bền vững. Tất cả sẽ bắt đầu ở những nơi là mô hình điểm”.

Giám đốc điều hành Cục Quản lý và Tái chế rác thải, thành phố Yokohama, ông Sadayuki Kanazawa chia sẻ: Yokohama từng chịu sức ép rất lớn của tăng trưởng dân số, phát triển kinh tế, kéo theo những hệ lụy về rác thải và môi trường. Thành phố từng áp dụng các biện pháp thủ công như chôn lấp, hay đốt rác. Vừa lãng phí lớn tài nguyên, vừa tiếp tạo nên những tác động xấu khác cho môi trường.

Đi sâu vào một số mô hình cụ thể, TS. Yasuhiko Hotta, Trưởng dự án, đại diện Viện Chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES) đã giới thiệu “Liên danh các cơ quan công quyền với các tổ chức dân sự, cộng đồng doanh nghiệp và những đại diện của người dân” để cùng giải quyết bài toán phân loại rác tại nguồn.

“Chúng tôi bắt đầu với rất nhiều khó khăn…Đã có hơn 10.000 cuộc tiếp giữa đại diện cơ quan công quyền với người dân. Đầu tiên, phải giúp người dân biết cách phân loại rác như thế nào, và chúng tôi đã có phương án phân thành 10 nhóm rác thải.

Để khuyến khích phân loại rác tại nguồn, chúng tôi cũng giải thích rõ để người dân hiểu rõ hành trình tiếp theo của một loại rác. Cái nào sẽ là tài nguyên, cái nào phải tiêu hủy. Trẻ em cũng là đối tượng được chúng tôi quan tâm, có cả Game giáo dục bảo vệ môi trường và hướng dẫn cách phân loại rác. Khâu truyền thông cải thiện nhận thức của cộng đồng rất quan trọng. Không có sự hưởng ứng, chung tay của cộng đồng, dự án khó thành công” – TS. Yasuhiko Hotta nhấn mạnh.

Đề xuất từ “Người trong cuộc”

“Nếu chưa làm rõ được mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, sau phân loại từ hộ gia đình, lại không đồng bộ trong thu gom và xử lý sẽ đi đến thất bại. Mà chuyện này thì đã xảy ra ở một số địa phương không đồng bộ…” – ông Nguyễn Hữu Tiến, thay mặt Hiệp hội môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (VUREIA) chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Hữu Tiến, thay mặt VUREIA đề xuất thực hiện thí điểm phương án thu gom chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng với quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn liên quan. Ảnh: Trung Đức/Asean News.

Trao đổi và làm rõ những nguyên nhân dẫn đến sự chưa thành công trong công tác phân loại rác tại nguồn (một thực tế rất rõ), ông Tiến cho rằng: Trước đây, việc phân loại (nếu có), ở hầu hết các địa phương, chủ yếu chỉ thực hiện ở mô hình thí điểm, nhỏ lẻ. Triển khai là (chủ yếu) trong giai đoạn rút kinh nghiệm, tạo cơ sở để mở rộng.

Ngoài ra, trước đây, cũng chưa có cơ chế, quy định cụ thể. Khó triển khai rộng do thiếu chế tài xử phạt, cũng chưa có nguồn ngân sách để đầu tư chuẩn bị thực hiện… Cơ sở hạ tầng ngày trước cũng rất khó khăn trong hình thành hệ thống phân loại (ngõ xóm nhỏ, sâu…), công nghệ xử lý chất thải sau khi phân loại còn manh múm, thủ công.

Nay, tình hình đã khác, Luật đã quy định rất cụ thể, ý thức của người dân giờ đây đã khác, cộng đồng sẵn sàng tham gia.

Đại diện VUREIA cũng đề xuất đầu tư (khoảng 50 tỷ đồng) một nhà máy, dây chuyền công nghệ sản xuất viên đốt thân thiện môi trường RPF. Nhà máy có công suất đầu vào: 150 tấn (rác) /ngày ; công suất đầu ra: 100 tấn (viên đốt RPF)/ngày.

Công nghệ sản xuất viên đốt thân thiện môi trường RPF là nội dung từng được Asean News chúng tôi phản ảnh (qua công trình nghiên cứu và đề xuất của GS.TSKH Bùi Văn Ga, GS.TS Trần Văn Nam).
Cũng như TS. Yasuhiko Hotta, ông Nguyễn Hữu Tiến lưu ý ngay từ đầu trong tham luận của mình rằng: Thành công của nước Đức trong phân loại và xử lý rác thải có được phần lớn là do làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, thay đổi nhận thức, hành vi của người dân.

VUREIA đề xuất thu gom, phân loại và xử lý rác thải cho Đà Nẵng. Trong đó rác tài nguyên trở thành nguyên liệu phát điện, chế biến phân hữu cơ; các laoji rác khác được đốt, chôn lấp hay tiêu hủy theo quy trình riêng.

Tham vấn từ cơ sở

Đồng tình với ý kiến của đại diện VUREIA, đại diện Quận Thanh Khê, cho rằng cần sớm hệ thống hóa được quy trình tổ chức phân loại, thu gom và vận chuyển các loại rác sau phân loại. Trong truyền thông, cần hướng đến những đối tượng là số hộ dân chưa hòa nhập, nhận thức về môi trường và phân loại rác thải trong cộng đồng còn hạn chế, chưa có thói quen thu gom phân loại rác thải.
Đại diện Phòng Tài nguyên – Môi trường Quận Hải Châu, trong nhiều nội dung đề xuất, đã đưa lên hàng đầu, phải “Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phân loại rác thải cho các đối tượng liên quan” và biện pháp song hành cũng rất cần, đó là “Tăng cường nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng truyền thông hướng dẫn thực hiện phân loại rác thải”.

Hai đại diện đến từ Quận Thanh Khê và Hải Châu đều có đề xuất chung là hiện trạng trang thiết bị phân loại còn thiếu so với nhu cầu thực tế; thành phố còn thiếu điểm tập kết, điểm thu hồi rác tái chế đảm bảo quy định.

20 bộ sản phẩm tái chế (từ rác tài nguyên) thành các vật dụng, đồ dùng có tính năng tái sử dụng cao, được các đội thi mang đến tranh tài tại cuộc thi sản phẩm tái chế từ rác thải với tên gọi “Đời sống mới của rác thải” do Công ty TNHH Coca Cola Việt Nam cùng UBND phường Hòa Minh đồng tổ chức (30/7/2022). Ảnh: Thùy Trinh

Theo TS. Tô Văn Hùng, tại phiên hội thảo khởi động đầu tiên của dự án, ý kiến thảo luận và phản hồi cụ thể đối với dự thảo kế hoạch, phạm vi, nội dung triển khai dự án, ngay từ các quận, huyện, các đơn vị và chuyên gia liên quan của hai thành phố là vô cùng hữu ích và cần thiết. Tất cả đều hướng đến chuỗi giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm đạt mục tiêu quản lý và triển khai hiệu quả công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chất thải rắn nói riêng và bảo vệ môi trường thành phố nói chung.

Ông Sadayuki Kanazawa Giám đốc điều hành Cục Quản lý và Tái chế rác thải, thành phố Yokohama, cho biết: Từ những gì đã trải qua, những bài học kinh nghiệm có được, cùng với những ý kiến được những cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện, triển khai ở giai đoạn 1, thành phố Yokohama sẽ có những đề xuất tham vấn sâu cho Đà Nẵng.

Sau phiên hội thảo khởi động ở Đà Nẵng, các phiên họp sẽ diễn ra tại Yokohama để có những nội dung đề xuất, mà ở đó “chúng tôi sẽ lưu ý phù hợp để Đà Nẵng có thể vận dụng, triển khai”. Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 của Việt Nam đã có hiệu lực, chúng tôi giúp Đà Nẵng triển khai phân loại rác tại nguồn cũng như công đoạn tiếp theo là xử lý, đúng với những gì Luật đã quy định./.
Trung Đức