Thứ Năm, Tháng Năm 9, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Doanh nghiệp Việt trước cơ hội đồng hành ra biển lớn

ĐNA -

(Đà Nẵng). Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng; Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Lê Trí Hải chia sẻ với ASEAN News, sau khi quan hệ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ được chính thức nâng cấp, Việt Nam sẽ đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ và các nước khác. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước được tiếp cận các cơ hội về nguồn lực, công nghệ cũng như được tiếp cận các cơ hội hợp tác đến từ các nhà đầu tư.

Đặc biệt, Hoa Kỳ là một cường quốc về khoa học – công nghệ, với nhiều thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực. Tăng cường hợp tác khoa học – công nghệ với Hoa Kỳ sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với những công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trung tuần tháng 11/2023 vừa qua, tại Đà Nẵng, đã diễn ra diễn đàn “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hoa Kỳ- Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?”, do Am Cham Đà Nẵng và Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức. Nhiều cơ hội lớn thực sự đã mở ra cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Phó Chủ tịch thường trực, UBND thành phố Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh đã tặng quà lưu niệm đến Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngài MARC E. KNAPPER. Người đứng ở bìa phải ảnh, cùng chụp ảnh lưu niệm là Anh Lê Trí Hải. Ảnh: Quang Hải.

“Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn thứ nhất thế giới với thị trường tiêu thụ khổng lồ và tiềm năng. Doanh nghiệp Việt Nam chúng ta, có nhiều cơ hội trong tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, tìm kiếm đối tác kinh doanh, đầu tư, gia tăng xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ của mình sang Hoa Kỳ và các thị trường khác thông qua các kênh phân phối của đối tác Hoa Kỳ. Chúng ta tiết kiệm được chi phí và thời gian trong tìm kiếm thị trường tiêu tĐặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia của Hoa Kỳ ngay tại Việt Nam, hoặc tại các thị trường khác trên thế giới. Đồng thời, cũng có thể hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ và cùng xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp cận thị trường Hoa Kỳ và các thị trường khác một cách thuận lợi hơn”, anh Lê Trí Hải phân tích.

Là người có cơ hội tham gia nhiều sự kiện, trực tiếp đón tiếp nhiều đoàn ngoại giao và doanh nhân các nước, anh Trương Quốc Tuấn Giám đốc Nova Square; hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội Doanh nhân trẻ (YBA) Đà Nẵng, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giao thương quốc tế (YBA-ITCC), có nhìn nhận rằng: “Đối với các công ty trong ngành Công nghệ tại Việt Nam nói chung, sau khi quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ được nâng tầm lên đối tác chiến lược toàn diện, chúng ta có khá nhiều cơ hội hợp tác ở nhiều lĩnh vực, trong đó, đặc biệt ở lĩnh vực Công nghệ bán dẫn – một vấn đề đang rất thời sự; lĩnh vực hạ tầng và sản xuất; ngay cả SME (Small and Medium Enterprise, tức Doanh nghiệp vừa và nhỏ) cũng có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng,… Và đặc biệt, trong giáo dục, chúng ta có cơ hội rộng lớn trong mảng đào tạo STEM”.

“Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ khi đã nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện, đã là một minh chứng cho mối quan hệ sâu rộng, toàn diện trên nhiều mặt từ chính trị, ngoại giao, đến các lĩnh vực mang lại được nhiều cơ hội tốt hơn cho giao thương kinh tế lẫn nhau.

Tôi cho rằng, quan hệ này sẽ sớm có tác động hiệu quả, mang lại cho các doanh nghiệp hai nước nhiều triển vọng hợp tác trong thời gian tới. Với doanh nghiệp Việt Nam, tôi nghĩ rằng, hiệu quả lớn nhất là sự chuyển hướng, tái cấu trúc sẽ trở nên bức bách hơn. Tôi có nói đến SME, rõ ràng, SME có nhiều cơ hội hơn và triển vọng hơn, nếu cộng đồng SME cũng đầy quyết tâm chuyển mình, sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng”, anh Trương Quốc Tuấn phân tích thêm.

Anh Lê Trí Hải: Doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị và hiểu biết sâu sắc để có thể hội nhập một cách thuận lợi. Ảnh: T.Ngọc.

Chủ động sớm nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, lưu ý rằng, muốn tận dụng tốt các cơ hội này, doanh nghiệp Việt Nam rất cần tính chủ động cao trong nghiên cứu, nắm bắt thông tin về thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt, chủ động cập nhật nhanh các xu hướng phát triển mới của khoa học – công nghệ,. Và hẳn nhiên doanh nghiệp phải chủ động hơn trong hoạch định lộ trình hợp tác với đối tác Hoa Kỳ, trong đó, chú ý xây dựng mối quan hệ bền vững, lâu dài.

Anh Trương Quốc Tuấn phân tích “Vấn đề còn lại, hẳn nhiên là “tâm thế nhập cuộc” cộng đồng doanh nghiệp Việt, chúng ta cần xây dựng lại “cách đi đứng sao cho phù hợp với hướng phát triển của chính mình và cũng phù hợp với định hướng phát triển, với chính sách của Chính phủ. Không trông chờ, doanh nghiệp Việt cần chủ động sớm kiện toàn nội lực, bảo đảm khi đã hợp tác cùng với đối tác Hoa Kỳ, thì trên sân nhà, mình phải có tâm thế của mình, cái gì đã cam kết với đối tác, với bạn hàng Hoa Kỳ, phải thực hiện cho bằng được, dứt khoát và đúng hẹn với tiến độ, với chất lượng y như cam kết từ hợp đồng.

Ở đây, tôi muốn nói, doanh nghiệp Việt, nhất là cộng đồng SME cần sự chuẩn bị về tầm nhìn, chuẩn hóa theo thể chế của thị trường nước ngoài. Đó là hợp quy chuẩn (Hoa Kỳ và quốc tế), phải bài bản từ quản trị, đến chất lượng chuẩn của sản phẩm, của dịch vụ, bắt đầu từ chứng chỉ vận hành sản xuất, sẵn sàng nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn, đến các yếu tố môi trường và bền vững.

“Thị trường Hoa Kỳ là một thị trường lớn và phức tạp. Bên cạnh đó, khả năng nắm bắt, hiểu về các chuẩn mực quốc tế, văn hóa, pháp luật, ngôn ngữ… của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị và hiểu biết sâu sắc để có thể hội nhập một cách thuận lợi”, anh Lê Trí Hải đồng tình và nhấn mạnh thêm.

“Mọi điều đều phải được nâng tầm để đáp ứng đúng với thị trường Mỹ, từ yêu cầu về giao tiếp – trao đổi (ngoại ngữ), có kỹ năng làm việc với khách hàng, có cách tiếp cận tinh tế, biết thỏa thuận, thương lượng với khách hàng theo tinh thần trung thực và lưu ý là phải mang lại lợi ích cho cả hai phía. Bài toán đặt ra là không chỉ ở vốn đầu tư, mà cần doanh nghiệp chúng ta phải thay đổi toàn diện trong rất nhiều khâu quản trị và vận hành để đáp ứng đúng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp đến từ Hoa Kỳ, thị trường Hoa Kỳ, vốn rất khó tính. Tính chủ động thích nghi càng sớm, càng nắm bắt được lợi thế !”, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ YBA-ITCC, nhấn mạnh lại tính chủ động của doanh nghiệp trong nước.

Đại diện nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đã có mặt tại diễn đàn “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hoa Kỳ- Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt (10/11/2023). Ảnh: T.Ngọc.

Cơ hội nhiều – Thách thức lớn – Chính sách, cơ chế phải bắt nhịp, mở đường
Nhìn lại dòng lịch sử, quan hệ ngoại giao 2 quốc gia, các cột mốc lớn đã được giới quan sát ghi nhận: Ngày 12/7/1995: Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 25/7/2013: Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức xác lập quan hệ đối tác toàn diện. Ngày 10/9/2023, hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.

Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ với tầm vóc mới là “đối tác chiến lược toàn diện” của nhau, đã khẳng định cả hai quốc gia sẽ cùng đóng góp cho an ninh, cho hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững tại khu vực và trên thế giới, vì tinh thần phát triển.

Đặc biệt, trong bối cảnh quan hệ hai quốc gia, đã đi vào chiều sâu, nhiều cơ hội to lớn cho doanh nghiệp 2 nước, đã chính thức rộng mở thêm. Doanh nghiệp Việt cần phải tranh thủ cơ hội này.

Anh Lê Trí Hải khẳng định, thời cơ đã rõ, nhưng thách thức cũng cần được nhận diện rõ nét: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, doanh nghiệp trẻ Việt Nam nói riêng, có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế về nhiều mặt (nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí, năng suất còn thấp). Muốn tham gia vào thị trường Hoa Kỳ, cần nâng cao năng lực cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ, quản trị… Cần lưu ý rằng, thị trường Hoa Kỳ luôn có sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp (lớn, đã gây dựng vững vàng vị trí) của nhiều nước trên thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam nếu không có chiến lược cạnh tranh phù hợp, rất khó tồn tại và phát triển”.

Một điều không thể thiếu là để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được những cơ hội này, rất cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, và phải tập trung vào các nội dung trọng yếu, như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để tăng quy mô sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, nhân lực. Đây là những hỗ trợ tối cần thiết, để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần theo dõi các diễn biến của chính sách, để có thể nắm bắt kịp thời cơ hội, sẵn sàng “hóa giải” thách thức mới.

“Rõ ràng, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã được nâng tầm, nhưng trước mắt, thách thức về chính sách vẫn còn. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, họ đang vấp phải nhiều tồn tại từ rào cản về chính sách. Doanh nghiệp cũng mong muốn (ở cấp hai Chính phủ, các Bộ ngành), tiếp tục đẩy mạnh đàm phán và tiến tới ký kết các hiệp định, thỏa thuận thương mại, đầu tư,… giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Có như vậy mới giảm thiểu chuỗi rào cản thuế quan, phi thuế quan; nhanh chóng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, đầu tư…”, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng kiến nghị.

Trong khi đó, Giám đốc tâm sự thêm rằng, khách hàng Mỹ hẳn nhiên luôn đòi hỏi trình độ cao, yêu cầu rất khắc khe trong quản trị, chính vì lý do này, sau khi Việt Nam và Mỹ đã nâng tầm chiến lược toàn diện, các doanh nghiệp cần giải quyết bài toán tổng thể hơn. Và tôi cho rằng, các vấn đề liên quan chính sách của Nhà nước, của Chính phủ, chắc chắn rồi đây cũng sẽ tạo mọi điều kiện tốt hơn, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác cùng làm ăn lâu dài, bài bản và toàn diện với doanh nghiệp Mỹ.

Anh Lê Trí Hải tâm sự thêm: Sự kỳ vọng cho doanh nghiệp (ngoài khu vực công) trong nước của chúng ta, phần lớn là doanh nghiệp tư nhân, có quy mô vừa và nhỏ, là rất lớn. Để có thêm lợi thế và sự tự tin, doanh nghiệp cần hỗ trợ để tìm hiểu sâu sắc thị trường Hoa Kỳ, bao gồm nhu cầu, đối thủ cạnh tranh,…Hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, có thể bắt đầu từ mời tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư… để quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình tại Hoa Kỳ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường Hoa Kỳ. Đặc biệt, cần tổ chức các chương trình đào tạo, trao đổi kinh nghiệm giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ.

 “Ở cấp địa phương, chúng tôi cho rằng, cần hỗ trợ các nhà đầu tư tiếp cận các doanh nghiệp trên địa bàn, song song, tạo điều kiện để thủ tục thông thoáng hơn, tạo môi trường thuận lợi, nhà đầu tư có thể nhanh chóng tiếp cận, giúp họ tiết kiệm được chi phí, thời gian, có được sự hài lòng ngay ở quá trình xúc tiến”.

Lễ Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa IPA Đà Nẵng với Công ty ITSJ-G. Phó Giám đốc IPA Đà Nẵng. Anh Lê Hoàng Phúc, bên trái ảnh, hàng trước. ITSJ-G là Công ty đã phối hợp cùng IPA Đà Nẵng tổ chức hội thảo Xúc tiến đầu tư “Đà Nẵng – Điểm đến đầu tư lĩnh vực bán dẫn”. Nguồn ảnh: IPA Đà Nẵng.

Niềm tin vào nội lực
“Người Việt Nam với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, các Doanh nhân trẻ là người có thể lĩnh hội kiến thức nhanh chóng, có khả năng học tập và nghiên cứu, kỳ vọng rằng với sự nỗ lực, nắm bắt kịp thời, doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Doanh nhân trẻ nói riêng sẽ chinh phục được những thách thức, tiến sâu vào con đường hội nhập”, anh Lê Trí Hải bày tỏ niềm tin.

Là khách mời chính thức, với vai trò diễn giả của diễn đàn “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hoa Kỳ- Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt ?”, do Am Cham Đà Nẵng và Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, anh Lê Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA) Đà Nẵng, thành viên Đoàn Công tác thành phố Đà Nẵng, vừa có chuyến công tác tại Hoa Kỳ, cũng có góc nhìn và niềm “chinh phục được những thách thức”.

Theo Anh Lê Hoàng Phúc, thống kê của cơ quan hữu quan, tính đến hết quý III năm 2023, Đà Nẵng có khoảng 38.700 doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp. Trong đó trên 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhận định qua các kế hoạch, chiến lược phát triển của thành phố, đều thừa nhận tầm quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với sự tăng trưởng kinh tế của thành phố. Thực tế cho đến nay, vẫn chưa có một báo cáo chính thức đánh giá về điểm mạnh, điểm yếu đối với lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hẳn nhiên có những yếu tố chủ quan đến từ doanh nghiệp, qua tham khảo các đề tài nghiên cứu đánh giá của Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các cơ quan chuyên môn, có thể kể ra như sự hạn chế năng lực về vốn, về nguồn nhân lực, về kỹ năng quản trị, về mặt ứng dụng công nghệ, về năng lực dự báo và thích nghi của doanh nghiệp với sự biến đổi và cạnh tranh của thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp bị tạm ngừng hoặc rời khỏi thị trường thì, trong 10 tháng đầu năm, thành phố cũng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 3.490 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký 15.366 tỷ đồng. Bên cạnh những doanh nghiệp khó khăn, thì vẫn có nhiều doanh nghiệp “bơi ngược dòng”, tận dụng “trong nguy có cơ” để phát triển kinh doanh, đầu tư của mình.

Nếu như rà soát các đơn vị này thì có thể thấy đây là đội ngũ doanh nghiệp có tầm nhìn và hướng phát triển rất bài bản, hướng đến việc tạo dựng các giá trị cốt lõi, tập trung nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực, xây dựng thương hiệu mạnh, ứng dụng công nghệ và đặc biệt là chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các doanh nghiệp này đều có những lộ trình chuyển đổi và phát triển tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được các yêu tốt cạnh tranh, biến đổi ngày càng phức tạp của thị trường.

Doanh nghiệp Việt Nam chúng ta cần được “tiếp thêm sức mạnh”, nâng tầm nhiều khâu để đáp ứng đúng với yêu cầu của nhà đầu từ – doanh nghiệp FDI – và thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: T.Ngọc.

Trăn trở về số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực
Cũng theo anh Lê Hoàng Phúc – Phó Giám đốc IPA Đà Nẵng, trong những buổi làm việc với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là đối tác Hoa Kỳ, 2 điểm luôn được các nhà đầu tư quan tâm làm rõ trước khi quyết định đầu tư đó là số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực và sự hoàn thiện, đồng bộ, kết nối của hạ tầng cơ sở. Đà Nẵng được biết đến như là 1 trong 3 trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố (bên cạnh thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh); thế nhưng vẫn còn nhiều ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, vi mạch, bán dẫn, bày tỏ những trăn trở về số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực thành phố.

Để giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực, đòi hỏi sự chung tay phối hợp của Nhà nước (với tư cách là cơ quan hoạch định chiến lược), doanh nghiệp nghiệp (với tư cách là người sử dụng lao động) và đặc biệt là các cơ sở đào tạo (trường Đại học, Cao đẳng, cơ sở dạy nghề).

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quan tâm hoạch định và đầu tư cho việc phát triển nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp cũng khá năng động, nhanh nhạy trong việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho mình.

“Với thiển ý của một người tham gia công tác giảng dạy ở các trường Đại học, tôi mong muốn các trường Đại học cần tập trung vào mục tiêu đào tạo “cái xã hội, doanh nghiệp cần” chứ không chỉ tập trung vào “cái mình đang có và mình nghĩ là mạnh”. Trên cơ sở quy hoạch, dự báo chiến lược của Nhà nước và từ phía xã hội, doanh nghiệp; các cơ sở đào tạo phải xác định mục tiêu, đối tượng và lộ trình đào tạo phù hợp để đáp ứng được các yêu cầu. Mỗi cơ sở đào tạo cần có sự nâng cao chất lượng đào tạo, thông qua nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và đặc biệt là đội ngũ giảng viên của nhà trường.

Hiện nay, Nhà nước đang có nhiều sự hỗ trợ để các nhà trường nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên như: hỗ trợ về mặt kinh phí đào tạo đội ngũ giảng viên (train the trainer), hợp tác với các doanh nghiệp lớn, cơ sở đào tạo nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Và nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế, cơ hội và nguồn lực cho lĩnh vực này là rất nhiều. Các nhà trường cần có sự bàn tính thấu đáo và kỹ lưỡng, tận dụng cơ hội này”.

“Các cơ sở giáo dục – đào tạo, hãy đẩy mạnh, tăng cường hợp tác đào tạo, giáo dục với Hoa Kỳ, và từ đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển trong mong đợi. Điều hiển nhiên là Hoa Kỳ có hệ thống giáo dục, đào tạo tiên tiến hàng đầu thế giới”, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố; Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Anh Lê Trí Hải, lưu ý một cơ hội, khi quan hệ hai nước đã nâng tầm./.

T.Ngọc thực hiện