Thứ tư, Tháng mười 9, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Độc đáo khiêm lăng, Khu vườn nghệ thuật đỉnh cao thời Nguyễn

ĐNA -

Một trong những điểm tham quan thu hút du khách nhất khi đến Huế là lăng vua Tự Đức, một khu lăng tẩm điển hình theo trường phải kiến trúc cảnh vật hóa, rộng lớn và đẹp trữ tình như một bài thơ. Lăng vua Tự Đức là đỉnh cao của kiến trúc lăng mộ hoàng gia thời Nguyễn và cũng là đỉnh cao của kiến trúc lăng mộ Việt Nam thời quân chủ; bản thân khu lăng tẩm này cũng là một ly cung, một khu vườn thượng uyển tiêu biểu của triều Nguyễn.

Sơ đồ tổng thể Khiêm lăng- lăng vua Tự Đức

Trong số các vị hoàng đế triều Nguyễn, vua Tự Đức được xem là một trong những người uyên thâm nhất về nền học vấn Đông phương. Nhà vua có kiến thức sâu rộng về sử học, triết học, văn học, âm nhạc, ngôn ngữ, đặc biệt ông được xem là một nhà thơ tiêu biểu của nền văn học cung đình thời Nguyễn. Di sản thơ văn mà ông để lại gồm khoảng 600 bài văn và hơn 4.000 bài thơ (trong đó có khoảng 100 bài thơ chữ Nôm). Thơ văn của vua Tự Đức phản ánh bản chất của một con người có tấm lòng nhân hậu, một tâm hồn đa cảm, nhạy bén trong nghệ thuật. Tất cả các tư chất ấy đều biểu lộ rõ ở nghệ thuật kiến trúc của Khiêm Lăng, bởi vì nhà vua cũng chính là tác giả của công trình này.

Khiêm Lăng/Lăng vua Tự Đức là khu lăng tẩm thứ tư của triều Nguyễn và cũng là một trong bốn khu lăng tẩm hoàng gia có quy mô lớn, được quy hoạch và xây dựng bài bản nhất. Quy trình xây dựng lăng vua Tự Đức về cơ bản cũng giống như các khu lăng tẩm khác, bao gồm các công đoạn sau:

– Tìm đất: Đây là công việc hết sức hệ trọng, tư liệu cho thấy hầu hết các lăng đều được chọn lựa vị trí rất công phu. Triều Nguyễn gọi đây là cuộc đất Vạn niên cát địa 萬年吉地, nên thường dốc rất nhiều sức lực để kiếm tìm. Các thầy địa lý, quan lại đại thần giỏi về phong thủy đều được huy động tham gia công việc này. Quá trình tìm kiếm khu đất Vạn niên cát địa đều được tường thuật rõ trong văn bia Thánh đức thần công 聖德神功碑 dựng tại các lăng. Sau khi chọn được đất quý, đích thân hoàng đế sẽ xem xét, quyết định phê duyệt, đổi tên đất, tên núi cho phù hợp (1).

–  Vẽ bản đồ địa cuộc: Sau khi chọn được đất, triều đình sẽ cho vẽ địa cuộc khu đất, xác định vị trí đặt huyệt mộ (điểm huyệt), quy hoạch các khu vực liên quan. Công việc này phần lớn do đích thân hoàng đế quyết định và bộ Công là cơ quan triển khai.

– Tiến hành xây dựng: Bao gồm cả khâu chuẩn bị và chuyên chở vật liệu xây cất. Các vật liệu chính là gỗ, tre, gạch, đá, đinh sắt, vôi, mật mía và các loại phụ liệu, ngói lợp, gốm sứ… Và chủ yếu được vận chuyển theo đường sông Hương để lên các khu lăng. Việc xây lăng bao giờ cũng huy động tài lực của cả quốc gia, tập trung các vật liệu tốt, thợ khéo từ các địa phương (như đá Thanh Hóa, gạch Bát Tràng, gỗ lim Thanh-Nghệ…). Lễ khởi công được xem là thời điểm xây dựng lăng.

Khiêm lăng đẹp hài hòa với thiên nhiên như một bài thơ trữ tình

Người ta thường xây khu tẩm điện (phục vụ nghỉ ngơi, thờ cúng) trước, sau khi nhà vua băng hà mới xây Huyền Cung, an táng và hoàn chỉnh các công trình ở khu vực lăng như Bửu Thành, Bi Đình (nhà bia) và bia Thánh Đức Thần Công; dựng tượng người, voi, ngựa tạc bằng đá hay xây đắp bằng các loại vật liệu kiên cố… Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhà vua băng hà đột ngột thì triều đình cho xây phần Huyền Cung trước, sau đó mới hoàn chỉnh các phần khác.

– Sau khi hoàn thành, triều đình tổ chức lễ tạ Sơn thần/Thổ thần (mỗi khu lăng đều có miếu thờ Sơn thần, vị thần được giao nhiệm vụ trông giữ khu vực lăng tẩm).

Nhưng điểm khác biệt của lăng vua Tự Đức là khu lăng được xây dựng và hoàn thành khi đương kim hoàng đế vẫn còn sống, không những thế, ông còn sử dụng khu lăng tẩm này như một ly cung đặc biệt của riêng mình trong thời gian khá dài (1867-1883). Trong bài Khiêm Cung Ký, chính nhà vua đã thổ lộ:

“Lăng làm xong, ta thân rước mẹ ta đến thăm, bày đủ yến tiệc, múa hát, lại cho phép quan trong quan ngoài cùng thê thiếp đến dự lễ lạc thành. Đấy cũng là thể theo ý quần thần chứ ta đâu dám bày ra nhiều nghi lễ làm gì. Nhưng ta cũng sẽ bắt chước Tư Không Biểu Thanh dùng đấy làm nơi uống rượu ngâm thơ, không chỉ để dùng làm nơi ăn ở hẩm hút mà thôi” (2).

Cảnh hồ Lưu Khiêm, Xung Khiêm tạ, Dũ Khiêm tạ mùa hạ.

Trong thời gian còn là Khiêm Cung, khu lăng này là nơi hoàng đế Tự Đức thường ghé thăm mỗi khi đi cáo yết các lăng tẩm tiền triều trong lễ Thanh minh, thậm chí còn lên ở lại với thời gian khá dài trong những ngày hè nóng nực hay lên ở lại khi nhà vua không đủ sức để trực tiếp chủ trì lễ tế Giao:

 “Về sau nhân lễ Thanh minh theo xe lên cáo lăng, tiện đường dừng lại chọn hái lấy những món ngon vật lạ, thơm ngọt tươi béo dâng lên để mẹ ta được vui lòng. Hoặc lúc nóng nực, để trút bỏ nỗi ưu phiền ta cũng tạm đến đây thăm viếng, nhưng trong một năm vài ba bận chẳng còn rảnh thay. Hoặc đang lúc tế Nam giao mà chưa thể thân hành dự tế lễ được thì cũng đứng dậy mà lạy vọng đến, bắt chước chuyện cũ Trúc cung mà tỏ bày chút lòng thành kính”.

Chính vì được sử dụng như một ly cung nên Khiêm Cung có những công trình đặc biệt để phục vụ nhà vua và cả lực lượng quần thần, thê thiếp theo hầu như 4 tòa Y Khiêm, Trì Khiêm, Tòng Khiêm, Dụng Khiêm Viện dành cho các bà cung phi; 4 tòa nhà Lễ Khiêm, Pháp Khiêm, Cung Khiêm, Công Khiêm phục vụ cho các đại thần theo hầu; nhà hát Minh Khiêm Đường phục vụ nhu cầu giải trí của nhà vua…Nhưng đặc biệt hơn cả vẫn là các công trình kiến trúc và không gian vườn cảnh độc đáo, tạo nên phong cảnh đặc biệt nên thơ, trữ tình của Khiêm Cung.

Toàn cảnh khiêm lăng Tự Đức

Xét một cách tổng thể, Khiêm Cung/Khiêm Lăng cũng chia thành hai phần Lăng và Tẩm, bố trí song song với nhau, gần giống như Xương Lăng (Lăng Vua Thiệu Trị), nhưng điểm khác biệt là phía trước của hai phần này lại xuất hiện thêm một không gian thứ ba, hoàn toàn mang tính giải trí, đó là không gian hồ Lưu Khiêm và toàn bộ phần đất phía Nam của chiếc hồ này. Tại không gian đó, vua Tự Đức đã cho bố trí những công trình kiến trúc không lớn nhưng hoặc rất tinh xảo, hoặc đơn giản nhưng rất hài hòa với cảnh quan thiên nhiên như Dũ Khiêm Tạ, Xung Khiêm Tạ ở ven hồ; một ngôi đình nhỏ khác lợp tranh tre đơn giản để làm nơi neo đậu hai chiếc thuyền của nhà vua; các ngôi đình nhỏ Nhã Khiêm, Tiêu Khiêm và Lạc Khiêm trên đảo Tịnh Khiêm; đình Thể Khiêm và Xạ trường để nhà vua bắn cung giải trí; Chấp Khiêm Trai là nơi để thư giản; Di Khiêm Lâu cao vút là nơi để phóng tầm mắt ngắm cảnh bên ngoài khu lăng… Các công trình trên được bố trí khá xa nhau, ẩn hiện trong rừng thông cổ thụ xanh biếc.

Các khu lăng tẩm hoàng gia thời Nguyễn hầu như đều sử dụng lối quy hoạch bố trí theo phong cách vườn cảnh kiểu phương Đông truyền thống rất nhuần nhuyễn, đặc sắc. Bốn nhân tố cơ bản của lối quy hoạch kiến trúc này là: Sơn (núi, non bộ, giả sơn), Thủy (mặt nước, nguồn nước), Mộc-Ngư-Cầm-Thú (các loại cây, hoa cỏ và các loại cá, chim, thú nuôi) và Kiến trúc (công trình xây dựng, cũng là nhân tố đại diện cho Con người) luôn được kết hợp rất hài hòa, tinh tế. Ở Khiêm Cung/Khiêm Lăng, sự kết hợp này thực sự đã đạt đến đỉnh cao.

Cuối xuân, hoa ngô đồng nở tím biếc khiến khung cảnh Khiêm lăng thêm thơ mộng.

“Sơn” ở đây có cả núi đồi tự nhiên, núi nhân tạo do đắp nên, có cả một đại giả sơn là đảo Tịnh Khiêm rộng đến 1.350m2, nằm giữa hồ Lưu Khiêm với tầng tầng lớp lớp các loại đá núi được xếp đặt, tạo hình rất khéo léo; lại có cả giả sơn nhỏ gọn đặt trong bể cạn nhỏ phía sau điện Lương Khiêm…

 “Thủy” ở đây có ao Tiểu Khiêm hình trăng non xinh xắn đặt trước Bửu Thành, chỉ dung để hứng nước mưa; lại có cả hồ Lưu Khiêm rộng đến 15.300m2, hình dạng độc đáo, quanh co uốn khúc, được tạo nên dựa theo địa thế khu đất, nước ăm ắp quanh năm không bao giờ khô cạn.

“Mộc-Ngư-Cầm-Thú” ở Khiêm Cung/Khiêm Lăng ngoài thông là cây chủ đạo còn có nhiều loại cây bản địa như vải, nhãn, xoài; các loài hoa cảnh quý như sứ, hoàng mai, mộc, hải đường, lê, hàm tiếu, nguyệt quế, thậm chí có cả giàn bầu bí, giàn mướp dân dã mà thân thuộc.

Hồ Lưu Khiêm có rất nhiều cá; đảo Tịnh Khiêm nuôi thả các loài chim và thú nhỏ; phía sau khu Tẩm điện có cả Lộc động để nuôi nai. Đó là “Ngư- Cầm- Thú” trong Khiêm Cung.

Còn “Kiến trúc” thì rất đa dạng, phong phú với nhiều quy mô, loại hình và vật liệu xây dựng khác nhau: Điện (Hòa Khiêm, Lương Khiêm), Đường (Minh Khiêm, Ôn Khiêm, Chí Khiêm…), Lâu (Di Khiêm), Các (Ích Khiêm), Viện (Y Khiêm, Trì Khiêm, Tòng Khiêm, Dụng Khiêm), Tạ (Dũ Khiêm, Xung Khiêm), Đình (Thể Khiêm, Nhã Khiêm, Lạc Khiêm, Tiêu Khiêm), Trai (Chấp Khiêm), Kiều (Tiễn Khiêm, Do Khiêm…), Môn (Khiêm Cung, Vụ, Thượng, Tự, Tả, Huy, Năng…)..vv.

Điện Chấp Khiêm trong lăng vua Tự Đức

Các thủ pháp nghệ thuật của vườn cảnh tại Khiêm Cung/Khiêm Lăng cũng rất điển hình, tiêu biểu là:
Hải đảo tiên sơn: Tức đắp đất tạo nên hòn đảo giữa mặt nước (ví như đảo tiên giữa biển cả). Đây được xem là một trong những thủ pháp đặc sắc của nghệ thuật cấu trúc vườn cảnh phương Đông (3).

Ở Khiêm Cung, đảo tiên chính là Tịnh Khiêm Đảo, trên trồng nhiều cây, hoa quý, xếp nhiều loại đá tạo thành các hang động, cảnh đẹp độc đáo; lại có cả 3 ngôi đình nhỏ ẩn hiện, cảnh đẹp không khác gì ở tiên giới.

 Ảo vu nhân tá (ảo diệu là nhờ mượn cảnh): Mượn cảnh là một thủ pháp tạo hình tiêu biểu của nghệ thuật vườn cảnh phương Đông, mục đích là làm cho cảnh vật trở nên phong phú, ảo diệu, lung linh (4)…

 Những nhà thiết kế của Khiêm Cung đã khéo léo mượn lấy những núi non vây bọc ở phía xa, những thắng cảnh bên ngoài để bổ sung cho vẻ đẹp của bên trong. Khiêm Cung, dù có vòng la thành bao bọc, nhưng không quá cao, lại được xây đắp tùy theo địa thế tự nhiên của cuộc đất nên đứng bên trong vẫn nhìn rõ cảnh bên ngoài, như cảnh sinh hoạt của làng quê thôn dã phía trước mặt, cảnh núi non, mây trời ở phía xa…

Cầu gỗ bắc qua hồ Lưu Khiêm

Nghệ thuật biến đổi cảnh (Bộ di cảnh dị hay Di bộ hoán cảnh, tức cảnh vật biến đổi theo bước chân) được áp dụng rất thành công ở Khiêm Cung nhờ cách bố trí các lối đi không theo trục thẳng mà quanh co uốn lượn theo địa thế tự nhiên và có tính dẫn dắt cao, nhất là tuyến đi chính dọc theo bờ hồ Lưu Khiêm.

Tiểu trung kiến đại (trong cái nhỏ nhìn thấy cái lớn): Tức là thủ pháp khái quát hóa, liên tưởng hóa, khiến chỉ cần nhìn hòn giả sơn sẽ nghĩ ngay đến núi Thái Sơn, nhìn dòng nước nhỏ có thể nghĩ đến con sông lớn… Đây là thủ pháp được áp dụng rất phổ biến trong Khiêm Cung và trong các ngự viên thời Nguyễn.

Sơn trùng thủy phục (núi non trùng điệp, mặt nước ẩn hiện): Tức thủ pháp làm cho cấu trúc vườn cảnh trở nên biến hóa, không trùng lặp, có nhịp điệu, có tiết tấu; cảnh vật liên tục thay đổi, có thể từ âm u chuyển qua rộng mở, khoáng đãng hoặc ngược lại. Thủ pháp này đôi khí được gọi bằng tên khác như “dục dương tiên ức” (muốn khoe ra, trước hết phải dấu)…

Điền viên thôn xá (tức đưa cuộc sông dân dã hay nếp sống sinh hoạt bình thường của dân cư bên ngoài vào vườn cảnh). Ở Khiêm Cung, có cả giàn bí giàn bầu, các loài cây hoa bản địa gần gũi với cuộc sống người dân bình thường đều được nghiên cứu bố trí trong các không gian thích hợp, góp phần làm khung cảnh nơi đây thêm phong phú, sinh động và tạo ra cảm giác gần gũi, thân thuộc.

Dũ Khiêm tạ và Xung Khiêm tạ

Lăng vua Tự Đức là đỉnh cao của kiến trúc lăng mộ hoàng gia thời Nguyễn và cũng là đỉnh cao của kiến trúc lăng mộ Việt Nam thời quân chủ; bản thân khu lăng tẩm này cũng là một ly cung, một khu vườn thượng uyển tiêu biểu của triều Nguyễn. Cho đến nay, lăng vua Tự Đức không chỉ được tôn vinh bởi nhiều danh hiệu cao quý: Di tích cấp quốc gia đặc biệt của Việt Nam, Di sản văn hóa thế giới, khu lăng có nhà hát cổ nhất Việt Nam (nhà hát Minh Khiêm Đường), khu lăng tẩm có Bảo vật quốc gia (tấm bia đá khắc bài Khiêm Cung ký)… mà còn chứa đựng những giá trị to lớn về nhiều mặt, nhất là những giá trị về kiến trúc cảnh quan và nghệ thuật vườn cảnh. Những giá trị đó sẽ còn mãi với thời gian như câu ca dao ca ngợi cảnh đẹp thần tiên của khu lăng tẩm này:

“Tứ bề núi phủ mây phong
Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn Niên.”

TS. Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế

Chú thích
Chẳng hạn sau khi tìm được khu đất xây lăng ở núi Định Môn 定門山, vua Gia Long cho đổi tên thành Thiên Thọ Sơn 天授山; khi tìm được đất ở núi Cẩm Kê錦雞山, vua Minh Mạng đổi tên thành Hiếu Sơn 孝山; vua Tự Đức thì đổi tên núi Cư Chánh 居政山 thành Thuận Đạo Sơn 順道山sau khi chọn được đất để xây Xương lăng cho cha mình; núi Dương Xuân 楊春山thì được đổi tên thành Khiêm Sơn 謙山.vv..

Khiêm Cung Ký: Toàn văn “lời tâm sự” của vua Tự Đức, Trí thức VN- trithuc.vn, bản dịch của Phan Hứa Thụy, sđd.

Theo truyền thuyết Trung Hoa, giữa Đông Hải có ngọn núi Bồng Lai (có khi là 3 đảo: Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu) là nơi thần tiên ngự trị. Tần Thủy Hoàng khi xây dựng lâm uyển đã cho đào hồ lớn, trên đắp núi Bồng Lai. Hán Võ Đế khi xây dựng Chương Cung cũng cho đào hồ Thái Dịch, trong hồ đắp 3 ngọn núi Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu… Điều này một mặt phản ánh khát vọng đi tìm tiên cảnh trên trần gian của con người, mặt khác cũng phản ánh sự tìm tòi để sáng tạo ra một kiểu bố cục mới của nghệ thuật tạo vườn. Bởi nước là một bộ phận khó có thể tách rời của kiến trúc vườn cảnh. Không có nước thì rất khó tạo vườn, nhưng chỉ có mặt nước không thì cũng không thể tạo nên cảm xúc. “Hải đảo tiên sơn” chính là thủ pháp giải quyết được một cách tuyệt vời mâu thuẩn trên. Trên mặt nước xuất hiện hòn đảo, trên đảo lại có các công trình điện đường, lầu các… rõ ràng là mang ý vị của chốn thần tiên. Các Ngự viên nổi tiếng nhất của Trung Hoa thời Minh Thanh (như Bắc Hải, Viên Minh Viên, Di Hòa viên, Tỵ Thử Sơn trang…) và vườn cung đình Huế (Hậu Hồ, Tịnh Tâm Hồ…) đều ứng dụng thủ pháp này.

Kế Thành trong tác phẩm Viên dã từng phân thành 5 loại mượn cảnh là: 1-Mượn cảnh xa (như núi non, dòng nước, đồng ruộng, lầu gác… ở bên ngoài làm thành nền cảnh của vườn mình); 2-Mượn cảnh gần (tức mượn các cảnh ngay sát bên cạnh như núi non, rừng cây, công trình kề bên…); 3-Mượn cảnh bên trên (tức bầu trời, ráng mây, mặt trăng…); 4-Mượn cảnh bên dưới (tức mặt nước và các loài hoa sen, súng, bóng cây cầu, bóng công trình, ngọn cây in xuống mặt nước…); và 5-Mượn cảnh theo thời gian (tức dựa vào sự thay đổi của cảnh vật theo thời tiết, theo mùa như hoa mùa Xuân, sắc xanh mùa Hè, lá vàng mùa Thu, tuyết trắng mùa Đông…). Tóm lại, việc mượn cảnh phải đảm bảo được đặc điểm nổi bật của vườn cổ điển là “Nghi” (thích nghi) và “Biến” (biến đổi phù hợp) mà khẩu quyết của nó thường được gói gọn trong chữ “Tùy”: tuỳ cơ, tùy nghi, tùy cảnh, tùy thời, tùy thế…