(ĐÀ NẴNG), Trong khuôn khổ Diễn đàn Ulysseus-Danang (UDERIF-2023), với chủ đề trọng tâm là Hợp tác Đào tạo – Nghiên cứu – Sáng tạo thành phố thông minh, diễn ra tại Đà Nẵng trong các ngày 24 và 25/10/2023 vừa qua; tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo chủ đề: Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp.
Phiên hội thảo tại VKU góp phần làm rõ chủ đề chung và hiện thực mục tiêu triển khai hợp tác toàn diện, hiệu quả và lâu dài giữa Đại học Đà Nẵng với Liên minh các trường đại học Châu Âu Ulysseus (Ulysseus European University, gọi tắt là Liên minh Ulysseus), góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, đặc biệt, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đến nay, VKU là một trong những trường đại học triển khai sớm nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Từ năm 2015, một Vườn ươm đổi mới, sáng tạo, và chương trình “Ươm mầm ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp – Program: Incubation of Start-up and Innovation Ideas, viết tắt là PISI” đã được triển khai, nhằm mục đích thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo của sinh viên, học sinh. Đồng thời thúc đẩy Nhà trường kết nối, kêu gọi đầu tư và tài trợ từ bên ngoài cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp và sáng tạo có tính khả thi cao của sinh viên, học sinh. Các chương trình hoạt động đã có vai trò dẫn dắt rõ nét, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua thất bại để thành công. PISI cũng trở thành động lực quan trọng, kết nối 3 Nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà đầu tư trong các trường học, đặc biệt có sự đồng hành hỗ trợ chuyên môn bởi tổ chức PUM – Hà Lan và nhiều chuyên gia, doanh nghiệp.
Từ đó, hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của PISI đã lan truyền cảm hứng đến hàng trăm trường đại học, cao đẳng, trường THPT, kết nối nhiều nhà đầu tư (trong đó có Quỹ DARIU – The Dariu
Foundation Vietnam), thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor). Đã triển khai hơn 100 khoá đào tạo về khởi nghiệp và xuất bản sách khởi nghiệp song ngữ “Entrepreneurship Book of Vietnamese Cases – Những khởi nghiệp điển hình tại Việt Nam”, áp dụng cho các trường đại học trong nước và quốc tế … Đặc biệt, PISI đã đồng tổ chức nhiều chương trình khởi nghiệp với các đối tác Châu Á, Châu Âu và quốc tế; lan tỏa nhiều cuộc thi (khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo) đến học sinh THPT, sinh viên khắp cả nước. Vườn ươm cũng hỗ trợ cho 252 dự án khởi nghiệp tiền ươm tạo, điển hình là dự án Smart Mirror được nhận tài trợ thực hiện sản phẩm mẫu của Quỹ đầu tư Lotus Fund (Hoa Kỳ); sản phẩm mẫu cũng được trưng bày, sử dụng ở các resort tại thành phố Đà Nẵng.
Đại diện VKU cho biết thêm, chương trình ươm tạo, khởi động và các ý tưởng đổi mới – PISI vẫn đang lựa chọn các Startup, tập trung vào công nghệ cốt lõi, IC, AI, kinh tế số. Tiếp tục duy trì chủ trương hỗ trợ 50% nhóm làm sản phẩm mẫu, như đã triển khai nhiều năm qua.
“VKU, một trong những đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng, tự hào là trường đại học công lập hàng đầu về công nghệ thông tin và kinh tế số. Chúng tôi vừa đào tạo, vừa nghiên cứu và triển khai khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Với sứ mệnh và vị thế của mình, trong những năm qua, VKU không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. VKU đã triển khai nhiều hoạt động, dự án quốc tế về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo như tổ chức Chương trình đổi mới sáng tạo và ươm tạo ý tưởng khởi nghiệp (PISI), triển khai các dự án ODA-KOICA, HEI ICI, Erasmus+, IPP, … với mục đích thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho Việt Nam”, PGS.TS Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng VKU nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm đã có, học hỏi thêm, khẳng định lộ trình phát triển
Đây là lần đầu tiên, hội thảo chủ đề “Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp”, có sự tham gia của các trường trong Liên minh Ulysseus được tổ chức tại VKU. Các chuyên gia đến từ các Trường: Đại học Sevilla (Tây Ban Nha); Đại học Kỹ thuật Košice (Slovakia); Đại học Khoa học Ứng dụng Haaga-Helia (Phần Lan). Khách mời là diễn giả còn có bà Lê Mỹ Nga-Chủ tịch Quỹ đổi mới WeAngels, Giám đốc điều hành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam; bà Trần Hạnh Trang- Co-Founder and CEO of Enouvo IT Solutions, …
Hội thảo “Đổi mới sáng sáng tạo và khởi nghiệp”, góp phần thúc đẩy đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường hợp tác nghiên cứu với các trường đại học tiên tiến ở Châu Âu; kết nối Liên minh Ulysseus và các đối tác. Các chuyên gia đã có nhiều chia sẻ về phương pháp, giới thiệu các mô hình hoạt động đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp (Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong kinh doanh – Vai trò của trường đại học; Nghiên cứu đổi mới và khởi nghiệp tại Tây Ban Nha, Phần Lan; Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam, yếu tố nào tạo nên khởi nghiệp thành công?). Qua trình bày của đại diện các Trường trong Liên minh Ulysseus, có nhiều phương pháp, giải pháp, cũng như mô hình, đã được VKU triển khai tương tự.
Và hội thảo lần này, cũng chính là dịp, một lần nữa, VKU học hỏi thêm, từ kinh nghiệm của chính mình, định hướng rõ nét chuỗi giải pháp sẽ triển khai bao gồm từ giải pháp đổi mới sâu về tư duy, “làm mới” chương trình giảng dạy và nghiên cứu; thúc đẩy đào tạo STEM trong các trường phổ thông và đại học; tổ chức các cuộc thi, hoạt động; thúc đẩy cơ hội hợp tác bền vững giữa hai bên, như hợp tác đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thời gian đến. Trong đó, nền tảng quan trọng của VKU là từ thực lực hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược, đặc biệt là liên kết với các cựu sinh viên doanh nhân, đã hình thành một mạng lưới kết nối, từng bước hiện thực hóa hoạt động đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong giảng viên và học sinh, sinh viên.
Những mô hình kinh nghiệm quốc tế, ươm mầm cho đổi mới sáng tạo
Theo đại diện Trường Haaga-Helia – Đại học khoa học ứng dụng lớn thứ hai Phần Lan, kinh nghiệm bao trùm vẫn là “Người học chính là trọng tâm của phương pháp sư phạm. Do vậy, lộ trình và môi trường học tập phải được xây dựng linh hoạt, đa dạng, tạo thành một quá trình học tập có mục đích và chất lượng cao. Nhà trường có vai trò dẫn dắt sinh viên học hỏi kỹ năng sống qua công việc, khi đạt được năng lực, họ sẵn sàng cho quá trình nghiên cứu. Nhà trường do vậy, phải thực hiện phương pháp sư phạm trong sự hợp tác đa dạng với đời sống, với công việc, bằng cách tích hợp việc học với các hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới liên tục, linh hoạt. Phương pháp sư phạm của Haaga-Helia luôn tính đến mục tiêu và tiềm năng của học sinh. Một phương pháp tích cực cao và mang tính cộng đồng. Tất cả để phát triển năng lực của người học. Phương pháp sư phạm của Haaga-Helia kết nối việc học với cuộc sống, và công việc như một tổng thể. Nhà trường cố gắng để người học đạt được năng lực trong công việc và cuộc sống, với định hướng phải “phát triển theo cách mới, sáng tạo hơn”.
Trong khi đó, với mô hình “University Science Park (Công viên khoa học đại học) – TECHNICOM”, Đại học Kỹ thuật Košice (Slovakia) chia sẻ về một hệ sinh thái nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa Technical University of Košice (TUKE) và Liên minh Ulysseus, trong lĩnh vực ứng dụng đổi mới được hỗ trợ bởi công nghệ dựa trên tri thức. Với các đội khoa học xuất sắc, Trung tâm xuất sắc, cụm nghiên cứu (tương tự, các đại học Việt Nam cũng đã và đang xây dựng các Nhóm nghiên cứu…). Điều này giúp đẩy nhanh chuyển giao công nghệ, đổi mới và hỗ trợ kinh doanh tại TUKE. Chính công viên khoa học đại học này đã tạo không gian hỗ trợ thực hiện các nghiên cứu ứng dụng và phát triển (thành quả nghiên cứu, đảm bảo rằng kết quả nghiên cứu, có thể chuyển giao và tiếp tục phát triển trong thực tiễn). Công viên này cũng hỗ trợ việc thành lập các doanh nghiệp và phát triển sẽ sử dụng kết quả R&D (nghiên cứu, phát triển), cho hàng hóa và dịch vụ mới của chính họ. Công viên khoa học đại học là hình mẫu tích hợp cả kinh doanh, giáo dục, khoa học và nghiên cứu.
Bàn về vai trò của nhà trường, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, trách nhiệm của các bên đối với người học, người có năng lực tham gia vào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; MBA Ana Lê Mỹ Nga – Cố vấn đổi mới sáng tạo quốc gia, thành viên Ban Cố vấn quốc gia về Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo); Cố vấn chiến lược cho các công ty khởi nghiệp công nghệ quốc tế, cố vấn chuyển đổi số; Chủ tịch Quỹ đổi mới WeAngels, Giám đốc điều hành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam, lưu ý rằng, nhu cầu phát triển nhanh chóng của khu vực tư nhân có khi đưa đến sự mất kết nối giữa nhu cầu và cách cung cấp truyền thống của các tổ chức giáo dục. Doanh nghiệp khu vực tư nhân, có lúc giống như những hòn đảo riêng biệt với những nền văn hóa riêng biệt …
Tuy nhiên, tổ chức giáo dục vẫn có thể kết nối và hợp tác thông qua đánh giá nhu cầu từ phía doanh nghiệp để đáp ứng tốt hơn. Bản thân doanh nghiệp tư nhân cũng có thể chủ động cho quá trình hợp tác, thông qua các tài trợ cho nghiên cứu khoa học, hay thương mại hóa các nghiên cứu này. Cả tổ chức giáo dục và doanh nghiệp có thể nâng tầm hợp tác, cùng nhau thành lập và tham gia vào hội đồng tư vấn (chất lượng đào tạo, đào tạo theo nhu cầu), và đánh giá cả chương trình giảng dạy; cùng nhau bàn về chương trình thực tập cho sinh viên và đi sâu vào học nghề ngay tại doanh nghiệp. Các tiêu chuẩn để kết thúc một học phần, cấp chứng chỉ cho người học, nên có sự tham gia của doanh nghiệp. Bởi họ chính là người đã hướng dẫn một phần các kỹ năng quan trọng. Cuối cùng cả nhà trường và doanh nghiệp cùng nhau “lập trình khởi nghiệp” cho người học.
Thêm một mô hình nữa – được MBA Ana Lê Mỹ Nga – chia sẻ tại hội thảo hôm 24/10/2023, như một “bà đỡ” cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo: Đó là Trung tâm Đổi mới SMART (SMART IC) do Liên minh Nghiên cứu và Công nghệ Singapore – MIT (SMART), thành lập tại Singapore hơn 10 năm trước, hỗ trợ đắc lực cho đội ngũ giảng viên và nhà nghiên cứu.
“Thông qua các chương trình tài trợ, đào tạo và liên kết tư vấn, mục tiêu của Trung tâm Đổi mới SMART là hỗ trợ các giảng viên và nhà nghiên cứu trên khắp Singapore, kể cả những người có công nghệ đột phá và đam mê mở rộng quy mô sang một liên doanh mới. Phương pháp tư vấn đã được chứng minh (hiệu quả) là chúng tôi đã thông qua một “Khung đổi mới thích ứng”. Khung cung cấp cho các nhà nghiên cứu và nhà khoa học những công cụ, thúc đẩy công nghệ mới của họ, đi đến hình thành và tham gia vào quá trình vốn hóa liên doanh thành công (tài sản trí tuệ được vốn hóa). Ngoài các kênh hỗ trợ như nguồn tài chính, kênh đào tạo và tư vấn; các dự án kinh doanh mới còn mang lại khả năng tiếp cận toàn cầu tuyệt vời cho Trung tâm. Bao gồm vốn, thị trường (mới) và cả nguồn nhân lực. Với danh tiếng và uy tín, mạng lưới của SMART IC tiếp tục phát triển, quay trở lại hỗ trợ cho các giảng viên và nhà nghiên cứu. SMART IC đã giúp các nhà nghiên cứu Singapore thành lập 54 công ty với giá trị danh mục đầu tư ròng là 1,3 tỷ USD.
Hội thảo Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp nhằm giữa các trường đại học Ulysseus European và Đại học Đà Nẵng cũng như VKU. Tại hội thảo này, đại diện và chuyên gia đến từ các trường đại học, doanh nghiệp Châu u, Việt Nam sẽ có những bài trình bày thú vị về hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp như Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong kinh doanh – Vai trò của trường đại học; Nghiên cứu đổi mới và khởi nghiệp ở Tây Ban Nha và Phần Lan; Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.
Hội thảo “Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp” bước đầu đã góp phần quan trọng vào sự thành công của mối quan hệ hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng và các trường đại học thuộc Liên minh Ulysseus. Ngay sau hội thảo, đã diễn ra phiên thảo luận bàn tròn giữa VKU, các trường đại học thuộc Liên minh Ulysseus và đại diện các tổ chức, nghiệp để cùng đề xuất các ý tưởng đến định hướng, thực sự thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần đổi mới trong nội dung, phương pháp đào tạo; mở ra các quan hệ hợp tác vì người học của nhiều bên liên quan. Đặc biệt, là đồng tổ chức, hiện thực các chương trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên trong khu vực miền Trung -Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung./.
T.Ngọc