(Đà Nẵng). Trung tâm xúc tiến du lịch – Sở Du lịch; Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng, Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Hải Châu cho biết, Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Đà Nẵng sẽ rộn ràng với hàng loạt hoạt động và sự kiện văn hóa, nghệ thuật.
Thành phố ngập tràn sắc Xuân, rộn ràng đón chào Kỷ nguyên mới, Đất nước và Thành phố vươn mình; chào năm 2025, năm của nhiều sự kiện trọng đại, những cột mốc và dấu ấn lớn của nửa thế kỷ (1975-2025) đã qua. Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung hội nhập sâu rộng với tâm thế của một quốc gia phát triển vững mạnh.
Tạp chí Đông Nam Á xin giới thiệu “Cẩm nang điện tử bỏ túi” các họat động, sự kiện văn hóa truyền thống và hiện đại, gửi tặng độc giả những không gian Tết Việt ấm áp và sôi động của Đà Nẵng, như tiếp thêm năng lượng cho một năm mới tràn đầy niềm tin vào cơ đồ của non sông.
Khi hòa mình vào những ngày xuân đang đến rất gần, đây là những điểm đến được Đà Nẵng chuẩn bị chu đáo, dành tặng cho chính độc giả, dù là du khách từ xa hay người dân của thành phố bên sông Hàn.
Chào Xuân mới – Mừng 95 năm ngày thành lập Đảng
Từ ngày 22/1 (tức 23 tháng Chạp) đến ngày 7/2/2025 (mồng 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại Thư viện khoa học tổng hợp thành phố, sẽ diễn ra Hội báo Xuân năm 2025 và triển lãm sách kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật chủ đề “Mừng Đảng đón Xuân”:, diễn ra tối 17/1/2025 (18/12 âm lịch) tại Công viên bờ Đông cầu Rồng (khu đất đường Trần Hưng Đạo – Lý Nam Đế).
* Chương trình nghệ thuật phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, diễn ra lúc 20h đêm, từ 29/1 – 2/2/2025 (tức từ mồng 1 đến mồng 5 tháng giêng âm lịch), tại Công viên bờ Đông cầu Rồng, quận Sơn Trà. Ngay sau đó, đêm 3 tháng 2 năm 2025, tức mồng 6 tháng Giêng âm lịch, cũng tại địa điểm trên là chương trình nghệ thuật mừng Tết Nguyên Đán 2025, với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc “Mừng Đảng, đón Xuân”. Đây cũng là chương trình khép lại chuỗi sự kiện (trình diễn nghệ thuật) Tết Nguyên Đán (tại Công viên bờ Đông cầu Rồng).
Điểm đến check-in ngày Xuân
Đường hoa xuân Bạch Đằng: Chính thức mở cửa từ 15/1 – 1/5/2025. Như mọi năm, đường hoa xuân sẽ biến tuyến phố chạy dọc bên sông Hàn, trở thành không gian của muôn hoa khoe sắc, nơi người dân thành phố và du khách không chỉ tham quan, thưởng lãm vẻ đẹp của muôn hoa, những tiểu cảnh sáng tạo và nghệ thuật, được bài trí tinh tế, mà còn chụp ảnh lưu niệm hương sắc Xuân mới. Đặc biệt, lần đầu tiên, đường hoa được duy trì kéo dài đến ngày 1/5/2025.
Đường hoa biển (trưng bày trong tháng 1/2025) chạy dọc theo vỉa hè từ bãi biển Mỹ Khê đến bãi biển Mỹ An. Với đường hoa biển, không gian của muôn hoa sẽ hòa quyện cùng vẻ đẹp của bãi biển Đà Nẵng. Điểm đến lý tưởng để người dân thành phố và du khách thư giãn sau một năm bận rộn, vất vả, cùng gia đình, người thân; tận hưởng không khí biển trong lành và chiêm ngưỡng nghệ thuật trang trí độc lạ.
Tại Công viên Biển Đông, chương trình Hương sắc xuân (Mô hình check-in Tết), mở cửa từ 26/1/20205 (27 tháng Chạp âm lịc) đến ngày 10/2/2024 (tức 12 tháng Giêng Âm lịch). Với sự đầu tư công phu về thiết kế, nhiều mô hình check-in sáng tạo với chủ đề Tết Nguyên Đán được trưng bày, tạo nên một không gian “sống ảo” cho khách tham quan, trải nghiệm hình ảnh độc đáo, lại phù hợp với mọi lứa tuổi.
Hội Hoa Xuân 2025, như mọi năm, Công viên 29 tháng 3 là nơi người dân thành phố và du khách tìm đến và hòa mình vào gian hoa xuân ngập tràn màu sắc, về đêm là các hoạt động nghệ thuật. Khách còn trải nghiệm ở khu vực ẩm thực đa dạng, có nhiều món đặc trưng của xứ Quảng và món ngon miền biển. Hội Hoa Xuân Ất Tỵ diễn ra từ 24/1/2025 (tức 25 tháng Chạp) đến ngày 9/2/2025 (12 tháng Giêng âm lịch).
Đi đâu vui Hội Tết Xuân ?
Hội chợ Xuân Đà Nẵng 2025 sẽ mở cửa từ sáng ngày 9/1/2025 đến 14/1/2025 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng; phiên khai mạc diễn ra lúc 17h30 chiều cùng ngày.
Cũng tại Công viên Biển Đông, trong khuôn khổ chương trình Hương sắc xuân, từ 15/1/2025 (16 tháng Chạp) đến 19/1/2025 (20 tháng Chạp Âm lịch), diễn ra chương trình Tết truyền thống, tái hiện không gian Tết cổ truyền (như làm bánh chưng, bánh tét, viết thư pháp, vẽ tranh). Du khách đều có thể tham gia trực tiếp các hoạt động, và lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ (BTC còn bài trí các mô hình check-in sáng tạo). Ý tưởng của chương trình là cùng hoài niệm nét đẹp truyền thống trong không gian biển xanh hiền hòa.
Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025. Đây là chương trình diễn ra ở địa điểm xa trung tâm thành phố (tuyến đường từ Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang đến Phố đêm Túy Loan). Tuy nhiên năm nào cũng thu hút rất đông khách tìm đến, bởi chất “quê” đặc trưng. Lễ hội tái hiện nhiều không gian Tết xưa qua các phiên chợ Tết, giới thiệu trưng bày mâm cỗ xưa. Khách đến với lễ hội còn có các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy dây, vẽ thư pháp, … Năm nay, chương trình còn có phiên giao lưu văn hóa Việt – Hàn, với các sản phẩm độc đáo từ huyện Yeongyang.
Yeongyang – Gun là một huyện ở ở phía đông bắc tỉnh Gyeongsang Bắc, Hàn Quốc. Yeongyang chỉ có 10% đất đai có thể canh tác được còn lại là núi. Nhưng Yeongyang cũng rất nổi tiếng với các loại sốt ớt và táo. Ớt Yeongyang có tiếng vang xa và còn là biểu tượng văn hóa của vùng đất. Yeongyang còn nổi tiếng với nghề trồng tiêu. Đây là phiên giao lưu, tương tác, mang đến trải nghiệm đa văn hóa, nhưng rất gần gũi với người tham gia. Lễ hội này diễn ra từ 17/1 – 21/1/2025.
Một chương trình khác cũng diễn ra xa trung tâm thành phố (Quảng trường Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu) là chương trình “Tết Việt – Mừng Đảng quang vinh”, trong các ngày từ 21/1 – 23/1/2025 (tức từ 22 đến 24 tháng Chạp âm lịch). Chương trình có các phiên chợ hoa Xuân, không gian Tết xưa, hoạt động như vẽ thư pháp, trưng bày mâm cỗ, các trò chơi dân gian.
Trước đó, tại khu vực cổng chính Trung tâm Hội chợ triển lãm thành phố (đường Cách mạng tháng 8), từ 17/1 đến 19/1/2025 sẽ diễn ra chương trình “Tết Việt – Xuân Ất Tỵ 2025”, với các hoạt động như vẽ thư pháp, gói và nấu bánh chưng, thi trò chơi dân gian và trình diễn trang phục Tết. Du khách tha hồ khám phá văn hóa Tết Việt Nam qua từng hoạt động.
Chương trình Phiên chợ ngày Tết – một hoạt động thường niên của Bảo tàng Đà Nẵng. Năm nay cũng là năm đầu tiên, diễn ra tại địa điểm mới 42-44 Bạch Đằng. Phiên chợ mang đến những trải nghiệm truyền thống, như nặn “con tò he”, têm trầu, viết thư pháp, làm bánh chưng và mứt Tết. Không gian này còn có các trò chơi dân gian hấp dẫn, giúp người tham gia hiểu hơn về nét đẹp văn hóa Việt Nam. Phiên chợ diễn ra trong 1 ngày 19/1/2025 (20 tháng Chạp âm lịch).Chợ hoa Tết Ất Tỵ 2025, hoạt động thường niên của Đà Nẵng, năm nay diễn ra ở khu vực đất trống (trong phạm vi sử dụng) của Cung thể thao Tiên Sơn từ 19/1 (20 tháng Chạp) đến 28/1/2025 (tức 29 Tết).
Chuỗi hoạt động tại Công viên APEC
Ngày 15/1/2025 mở đầu với chương trình “Tết sum vầy – Xuân yêu thương” với các hoạt động trình diễn áo dài và biểu diễn nghệ thuật và triển lãm Mỹ thuật Xuân đất nước – Tết Việt Nam (triển lãm kéo dài đến 4/2/2025). Ngày hội gói bánh, chương trình “vui Tết cổ truyền”, diễn trong 2 ngày 21, 22/1/2025. Ngày 24/1/2025, tại Công viên APEC, sẽ diễn ra Workshop “Hoa bong bóng” và ngày 25/1/2025 là chương trình Âm nhạc đường phố chào Xuân. Các chương trình nghệ thuật truyền thống khác: Hô hát Bài chòi – Đón xuân yêu thương (30/1/2025, mồng 2 Tết) ; Trình diễn Nhạc cụ dân tộc và Ca Huế (31/1/2025, mồng 3 Tết).
và trên Phố đi bộ Bạch Đằng: Chương trình nghệ thuật “Chào Xuân yêu thương 2025” là chương trình diễn ra sớm nhất ở phố đi nộ đầu tiên của thành phố biển (11/1/2025. Tức 12 tháng Chạp âm lịch). Tiếp đến là Ngày hội dân gian đường phố – Chào xuân 2025 (18/1/2025); Diễu hành Mascot và Chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư, cho lĩnh vực nông sản và đặc sản của các địa phương khu vực Miền Trung – Tây Nguyên (24/1/2025).
Chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật “Vũ điệu sông Hàn”, từ 19h đến 21h30, tối 25/1/2025 (tức 26 tháng Chạp âm lịch) tại Vòng bán nguyệt đường Bình Minh 6. Phố đi bộ Bạch Đằng còn có chương trình Nghệ thuật chào Xuân, diễn ra vào 25-26/1 (tức 26 và 27 tháng Chạp âm lịch).
Ngày hội dân gian đường phố – Chào xuân (17, 18/1/2025) ; Thư pháp – Cho chữ đầu năm (các ngày 29 đến 31/1/2025, tức mồng 1, 2, 3 Tết Ất Tỵ). Triển lãm ảnh (trong tháng 1/2025). Trình diễn EDM và nhạc Rock: 30, 31/1/2025 (Mồng 2, 3 Tết).
Đêm Giao thừa rực rỡ sắc màu, cảm xúc
Những màn pháo hoa lung linh, sắc màu rực rỡ, nhiều hình tượng sẽ thắp sáng, tô điểm bầu trời đêm Đà Nẵng vào thời khắc chuyển giao năm mới. Như mọi năm, các điểm sẽ khai hỏa vào lúc 00h00 ngày 30/1/2025 (thời khắc đầu tiên của năm mới âm lịch). Các điểm bắn (dư kiến) Quảng trường đường Bạch Đằng nối dài, trên Phố đi bộ (đoạn giao đường Bạch Đằng – Bình Minh 6); khu vực (đối diện phía Đông), trước Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu; khu tái định cư đường vành đai phía Tây (thôn Dương Lâm 1, xã Hòa Phong, Hòa Vang).
Riêng chương trình nghệ thuật chủ đề đón xuân và chào năm mới, đêm Giao thừa mừng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sẽ diễn ra sớm hơn (tại Công viên bờ Đông cầu Rồng – Quận Sơn Trà, tối 28/1 tức 29 tháng Chạp âm lịch).).
Triển lãm sắc Xuân
Hội Sinh vật cảnh thành phố sẽ chủ trì triển lãm “Mai Vàng Đà Nẵng” lần thứ III và Sinh vật cảnh mở rộng 2025 tại số 3 đường Phan Đăng Lưu (khuôn viên Trung tâm Thể dục -Thể thao), từ 16/1 đến 25/1/2025.
Bảo tàng Mỹ thuật thành phố là nơi diễn ra nhiều hoạt động chào Xuân mới: Triển lãm Tình xuân (từ 18/1 đến 16/2/2025), giới thiệu tác phẩm của 5 họa sỹ (là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam).
Theo “truyền thống”, cứ đến dịp Tết Nguyên đán, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng lại mở chương trình hoạt động trải nghiệm mỹ thuật dành cho khách đến tham quan (trang trí không gian đón tết, vẽ tranh tết, in tranh dân gian….).
Năm nay, đợt 1 diễn ra vào lúc 8h30 đến 10h30 ngày 18/1/2025 (ngày 19 tháng Chạp) gồm: Cùng làm bao lì xì, các đồ vật trang trí chủ đề Tết, chào đón năm mới; cùng in tranh dân gian Đông Hồ (trong chủ đề trải nghiệm Vui xuân Ất Tỵ). Đợt 2, diễn ra vào lúc 8h30 đến 11h và từ 14h đến 16h30, từ ngày 29/1 đến ngày 7/2/2025 (Mồng 1 đến mồng 10 âm lịch): In tranh dân gian Đông Hồ. Các hoạt động này được tổ chức tại không gian trải nghiệm thiếu nhi (tầng 1) và không gian sân vườn của Bảo tàng.
Tết ở các điểm đến
Tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, ngoài cảnh quan tự nhiên núi non hùng vĩ, các hang động, BTC trưng bày các tiểu cảnh hoa tươi để khách thưởng lãm và check-in cùng sắc xuân.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật Nhật Bản duy nhất sẽ diễn ra tại Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa trong khoảng thời gian từ 20/01 – 9/2 (tức từ 21 tháng Chạp đến 12 tháng Giêng âm lịch). BTC cho biết, các Samurai, Geisha, cùng Ninja sẽ xuất hiện trong chương trình và chào đón khách tham dự. Còn tại Công viên nước Mikazuki Water Park 365, sẽ diễn ra hoạt động làm bánh Wagashi (từ ngày 20/01 – 9/02) và làm bánh chưng, bánh tét vào ngày 27 – 28/1 (tức 28, 29 tháng Chạp âm lịch).
Cũng như bánh chưng, bánh tét của văn hóa ẩm thực Tết Việt, gợi nhớ đến cội nguồn; Wagashi (tên tiếng Hán: Hoà quả tử) là loại bánh truyền thống của Nhật bản. Theo các tài liệu lịch sử, bánh Wagashi đã xuất hiện từ thời Yayoi (300 trước công nguyên TCN), và là lễ vật để cúng tế thần linh. Thoời Edo (1603 – 1867), bánh Wagashi được phổ biến rộng rãi trong đời sống, nhưng chỉ tầng lớp quý tộc mới dùng như một món ăn tráng miệng.
Bánh Wagashi . Nguồn: https://ussinavietnam.vn/
Wagashi có nghĩa là vẻ đẹp thiên nhiên, mỗi một loại bánh Wasaghi đều được tạo hình dạng ứng với các hình ảnh thiên nhiên (các loài hoa, lá, bông tuyết,…) Nhân bánh luôn được làm từ đậu đỏ azuki,, mang ý nghĩa rằng con người luôn đứng giữa trung tâm của vũ trụ, hòa hợp với tự nhiên chung quanh.
Vì điều này, Người Nhật rất chăm chút khi làm bánh, vừa chú ý giữ hương vị, vừa làm đẹp vỏ bọc bên ngoài của chiếc bánh, sao cho có tính nghệ thuật. Độc đáo nhất, bánh Wagashi được làm theo chủ đề của 12 trong năm. Tháng Giêng là tháng mở đầu của một năm, người Nhật làm bánh Hanabiramochi, mang ý nghĩa là Mochi cánh hoa. Đây cũng là loại bánh , mà người Nhật dùng vào những ngày đầu năm. Cũng là bánh Wagashi, nhưng làm vào tháng 7, sẽ có tên là Rakugan. Đây là 1 trong 3 loại bánh hàng đầu, được đưa vào danh sách “Top 3” khi dùng bánh trong nghệ thuật trà đạo ở Nhật Bản. Bánh Wagashi, vì thế đã trở thành một trong những đại diện của văn hoá ẩm thực Nhật Bản.
Cùng với phiên giao lưu văn hóa Việt – Hàn tại Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 (diễn ra ở tuyến đường từ Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang đến Phố đêm Túy Loan); các hoạt động tại Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa, mang đến hương sắc đặc trưng văn hóa Hàn Quốc, Nhật Bản, cùng hòa quyện vào không gian Tết Việt. Khách tham dự sẽ cảm nhận được những giá trị văn hóa tinh tế riêng của mỗi quốc gia, dân tộc.
Cũng tại Công viên nước Mikazuki Water Park 365, dịp Tết này, còn xuất hiện mô hình check-in sáng tạo, lạ mắt và độc đáo, tăng thêm trải nghiệm cho khách tham quan. BTC cũng tái hiện Tết Việt qua các màn múa lân, ném còng, đi cà kheo, … cùng hàng loạt hoạt động vui chơi giải trí.
Ảnh minh họa: Hòa quyện văn hóa Nhật Bản vào không gian ngày Xuân Việt tại Công viên nước Mikazuki Water Park 365. Nguồn: Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa.
Trong khi đó, ở Làng Toom Sara ( thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), nơi được mệnh danh là “điểm du lịch thôn dã vùng cao”, hoạt động chào Xuân đón Tết từ 30/1 – 7/2 (tức từ Mông 2 Tết Nguyên đán đến mồng 10 tháng Giêng âm lịch) với chủ đề “Tết Làng – Tết Lành”, sẽ tái hiện không gian làng quê truyền thống Việt. Chuỗi hoạt động gồm gieo mầm, trò chơi dân gian, hô lô tô, nhảy sạp và đốt lửa trại. Chương trình còn có các buổi biểu diễn âm nhạc, hoạt động cộng đồng ý nghĩa, tạo không gian Tết ấm áp và gần gũi.
Trong khi đó, góc Bếp Việt (ngày Tết), biểu diễn như Lân sư rồng, Cà kheo áo dài, sẽ là những điểm nhấn ý nghĩa của hoạt động chào Xuân Việt tại Da Nang Downtown (tức Công viên châu Á cũ). Từ 29/1 đến 3/3 (tức từ mồng 1/1 đến mồng 6 tháng Giêng âm lịch), không gian Da Nang Downtown rực rỡ đa sắc màu với nhiều tiểu cảnh hoa, dãy đèn lồng, cây điều ước.
Một sự kiện nghệ thuật dành riêng cho giới trẻ cũng diễn ra tại đây (vào đêm mồng 5 Tết, 2/2/2025), với chủ đề “Đêm hội Việt Phục & Cosplay”. Xuyên suốt từ mồng 2 (30/1/2025) đến mồng 5 Tết (2/2/2025), là chương trình ưu đãi dành tặng khách: “Lộc đầu năm” và “Túi mù may mắn”.
Trung tâm xúc tiến du lịch (Sở Du lịch Đà Nẵng) cho biết, tại các khách sạn, resort 4 – 5 sao trên địa bàn, đều bài trí góc không gian Tết cổ truyền, tái hiện qua mô hình check-in để du khách chụp ảnh, tìm lại ký ức xưa./.
Trần Ngọc