Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đồng bằng sông Hồng cần phát huy vai trò động lực kinh tế

ĐNA -

Ngày 14/9/2022, tại Hải Phòng, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 54-NQ/TW phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Phát triển không chỉ cho Hải Phòng mà còn cho khu vực và cả nước
Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết; đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, cùng sự tham gia của đại diện các ban, bộ, ngành địa phương.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu – Ảnh: VGP/HT

Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết: Thực hiện Nghị quyết 54, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng luôn xác định và thống nhất quan điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo: Đó là xây dựng, phát triển không chỉ cho Hải Phòng mà còn cho khu vực và cả nước; đồng thời, định hướng xây dựng, phát triển Hải Phòng không chỉ cho nội tại, địa giới hành chính Thành phố mà phải đặt trong mối liên kết, tạo sự lan tỏa tới các tỉnh, thành phố lân cận.

Đồng chí Trần Lưu Quang kỳ vọng Hải Phòng sẽ học tập được nhiều kinh nghiệm có giá trị, nhằm góp phần xây dựng, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng mới để phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho Hải Phòng cũng như các địa phương khác và cho cả vùng.

Đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Thời gian qua, một số địa phương phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước. Kinh tế vùng tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn bình quân cả nước với chất lượng được cải thiện dựa nhiều hơn vào năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP); quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỷ đồng, chiếm 29,4% tổng GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/người/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với vai trò trụ cột của các khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh, chiếm 31,4% tổng vốn FDI của toàn quốc. Đô thị phát triển nhanh, tỉ lệ đô thị hóa trên 41%…

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt thành tựu nổi bật, 99,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kinh tế biển phát triển khá, đặc biệt Hải Phòng và Quảng Ninh dần trở thành trung tâm kinh tế biển lớn. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển mạnh mẽ, đi đầu trong thực hiện các đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng…

Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, kinh tế-xã hội vùng còn những hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; phát triển không đồng đều các địa phương trong vùng. Chất lượng tăng trưởng chưa cao, vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm. Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp…
Tăng hiệu quả liên kết vùng, tận dụng tốt lợi thế

Tại Hội nghị, các đại biểu đã phát biểu tham luận về thành tựu đạt được, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm sau 17 năm thực hiện của toàn vùng và từng địa phương; về bối cảnh tình hình sắp tới, tình hình quốc tế và khu vực, các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống tác động đến nước ta nói chung và toàn vùng nói riêng…

Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị Trung ương sớm hoàn thành thẩm định, phê duyệt quy hoạch cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2020, tầm nhìn đến 2050.

Trước đó, Thủ tướng đã phê duyệt tại Quyết định 492/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 về việc phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2020, tầm nhìn đến 2050. Đây là cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý để các tỉnh, thành phố trong vùng phát triển quy hoạch tỉnh; nâng cao chất lượng quy hoạch theo hướng bền vững; khuyến khích phát triển đô thị xanh, thông minh trong đó Hà Nội trở thành đại đô thị thông minh dẫn dắt cả vùng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đặt vấn đề làm thế nào biến tư duy liên kết vùng vào thực tế triển khai thực hiện. Theo đó, cần làm rõ quy hoạch vùng, bố trí không gian phát triển cho vùng để tránh đứt đoạn. Trong quy hoạch nếu không bố trí các mạng lưới khu công nghiệp, trường đại học, trung tâm logistics thì sẽ thất bại về liên kết vùng. Nếu không xác định được cái nào phục vụ địa phương, cái nào phục vụ nội vùng và quốc gia thì sẽ không đạt được mục tiêu tổng thể…

Phát biểu kết luận, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tóm lược lại các vấn đề đã trao đổi, thảo luận và cơ bản được thống nhất và cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 54.

Đồng chí Trần Tuấn Anh cho biết: Hội nghị cơ bản thống nhất các nội dung Dự thảo Báo cáo tổng kết phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra của Ban Chỉ đạo; là kết quả tổng hợp, chọn lọc khoa học, nghiêm túc từ báo cáo của các bộ, ngành, các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng, các chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu của các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học và phản ánh khách quan, toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng sau 17 năm triển khai Nghị quyết 54-NQ/TW.

Tuy nhiên, báo cáo cần làm sâu sắc hơn về những thành tựu đạt được của vùng Đồng bằng sông Hồng, ngoài chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp của Đảng, Nhà nước là sự lãnh đạo chỉ đạo toàn diện của cấp ủy và sự tích cực chủ động, sáng tạo vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong vùng. Cần phân tích sâu sắc hơn các tiềm năng, lợi thế đặc thù, những khó khăn, thách thức của từng địa phương và các tiểu vùng để đề xuất ban hành các chính sách trúng, đúng và kịp thời cho từng tỉnh, tiểu vùng.

Cần làm rõ hơn vị trí, tầm quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh mới, tình hình mới nhất là vai trò động lực của vùng với cả nước; làm sâu sắc hơn về các xu thế phát triển kinh tế mới tác động đến vùng…
Hội nghị đã cơ bản thống nhất với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là cần phải thay đổi tư duy, nhận thức và tầm nhìn đối với liên kết phát triển vùng để vùng trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và phát triển dịch vụ hiện đại; nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn phát triển mạnh; đi đầu về phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và hệ thống đô thị thông minh, kết nối; phát huy vai trò của các hành lang kinh tế, các khu công nghiệp…

“Thường trực Tổ Biên tập tiếp tục tổng hợp các ý kiến tham gia tại Hội nghị để chắt lọc, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Báo cáo, Tờ trình và Nghị quyết mới vừa có tính kế thừa, vừa có những đề xuất mới, phù hợp tình hình mới, trình Bộ Chính trị, bảo đảm đúng thời gian, tiến độ theo Chương trình làm việc đã đề ra”, ông Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu.
Tiến Chí-Hoàng Hạnh/VPCP