Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Động lực phát triển đất nước trong bối cảnh mới: Những đòi hỏi cấp thiết

ĐNA -

152 tham luận và báo cáo khoa học của gần 200 nhà khoa học (đang công tác tại 60 trường đại học, học viện, viện nghiên cứu trên cả nước); trong đó, 112 bài được tuyển chọn vào kỷ yếu của hội thảo “Nguồn nhân lực và động lực phát triển đất nước”.

Mỗi tham luận là một góc nhìn riêng với tất cả tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn đóng góp giải pháp cho chiến lược phát triển đất nước “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao” theo nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Nguồn nhân lực và động lực phát triển đất nước” diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng. Ảnh: T.N

Chiều ngày 23/9/2022, đã diễn ra hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Nguồn nhân lực và động lực phát triển đất nước” do Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Trường Đại học Sư Phạm – Đại học Đà Nẵng, tổ chức. Gần 100 chuyên gia, nhà khoa học từ nhiều trường đại học, học viện, viện nghiên cứu trên cả nước đã tham dự.

“Mục đích của phiên hội thảo là đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, động lực phát triển đất nước, đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh mới. Với hai chủ đề trọng tâm “Nguồn nhân lực” và “Động lực phát triển đất nước”, hội thảo tập trung làm rõ thực trạng “còn yếu kém nguồn của nhân lực Việt Nam”, qua các tiêu chí phân tích, so sánh với những dữ liệu mới được công bố (số lượng, chất lượng, cơ cấu đào tạo, mức độ đáp ứng hiệu quả đối với yêu cầu phát triển của kinh tế – xã hội, khả năng thích ứng với đại dịch Covid-19) và tương quan so sánh với nguồn nhân lực của các quốc gia trong khu vực.

Nhiều đề xuất tâm huyết cùng các giải pháp có yếu tố căn cơ, nhằm phát triển nguồn nhân lực, nhất là đáp ứng thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư (từ lực lượng lao động có tay nghề cao; đội ngũ cán bộ khoa học – công nghệ; đội ngũ lao động có chất lượng với việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo – quản lý giỏi; đội ngũ cán bộ – công chức giỏi)” .

Tính nhất quán của các đề xuất là “Nguồn nhân lực được xem là sức mạnh, là nội lực đặc biệt quan trọng phải là con người hội đủ phẩm chất về nhân cách, trí thức sáng tạo, có năng lực thực hành; gắn với sau đào tạo là sử dụng có chất lượng và hiệu quả, khai thác và phát huy được lợi thế nguồn nhân lực”, PGS.TS. Ngô Văn Hà – Trưởng Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng, Trưởng ban Nội dung cho biết.

Qua các tham luận, cũng nhận thấy: Xuyên suốt trong các đề xuất, các tác giả luôn nhấn mạnh “Để nguồn nhân lực đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập, có nhiều sự đổi thay về hình thái và nền tảng của tăng trưởng (kinh tế tri thức – kinh tế tuần hóa – xanh và bền vững), yêu cầu đào tạo, cũng như yêu cầu từ chính bản thân nguồn nhân lực nhất thiết phải có tính toàn diện (văn hóa, đạo đức, nhân cách; năng lực tri thức chuyên môn; năng lực tư duy sáng tạo; năng lực thực hành và kỹ năng mềm, đặc biệt là ngoại ngữ). Với tầm nhìn toàn diện, nhiều cảnh báo cũng được các tác giả thẳng thắn đề cập, cùng những nguyên nhân chủ quan và nội tại.

“Trong Văn kiện Đại hội XI (năm 2011) và Nghị quyết số 29 – NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (năm 2013) đã chỉ rõ phải “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” theo định hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”, nhưng cho đến nay nhiều nội dung vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể hóa để có nhận thức sâu sắc và thống nhất, làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện trong thực tiễn. Dường như đang có “điểm nghẽn” trong tư duy nhìn nhận về phát triển giáo dục gắn với “bệnh thành tích”, “tư duy nhiệm kỳ”, “phát triển theo chiểu rộng”. Chưa quán triệt sâu sắc vì sao Đảng ta đặt ra chủ trương “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” (?).

Cần nhận thức sâu sắc rằng việc Đảng đưa ra chủ trương “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” có một ý nghĩa mang tính cách mạng, cao hơn cả ý nghĩa “cải cách”, trong đó nêu rõ quan điểm: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục – đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học”.

Cần nhận thức sâu sắc mục tiêu của “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” là làm thay đổi và nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền giáo dục; xây dựng được một nền giáo dục năng động và sáng tạo, thường xuyên đối thoại với thực tiễn, nhằm đáp ứng với đòi hỏi của sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Trong “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục”, đổi mới mục tiêu giáo dục có ý nghĩa chi phối toàn cục quá trình đổi mới; phải xuất phát từ yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, từ hệ giá trị xã hội, giá trị con người, tiêu chí nguồn nhân lực của giai đoạn mới để xây dựng hệ mục tiêu mới của giáo dục được khái quát ở hai nội dung cơ bản liên quan mật thiết với nhau là phẩm chất con người (nhân cách) và năng lực chuyên môn”.
PGS.TS. Trần Quốc Toản

Nhiều tham luận đi sâu phân tích, động lực thúc đẩy tiến trình đổi mới và hội nhập phát triển đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không gì hơn và cần phải (quan tâm) trước hết, chính là “biết” phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, một sức mạnh nội tại – nội sinh luôn bền vững một khi đã “khơi dậy được lòng yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, bản lĩnh và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc”. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp kiến nghị rất cụ thể về hệ thống chính sách, phát triển văn hóa – con người, đầu tư và đổi mới thật sự giáo dục, khoa học – kỹ thuật, cũng như trong thực hành dân chủ, xây dựng cơ chế, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh – Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng tặng hoa Ban tổ chức hội thảo: (từ trái sang) PGS.TS. Phạm Minh Tuấn Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ; PGS.TS. Ngô Văn Hà – Trưởng Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng và PGS.TS. Võ Văn Minh – Chủ tịch Hội đồng Trường, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Thanh
Hoàng.

Diễn ra tại trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, hội thảo trở thành diễn đàn mở, đón nhận nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận đánh giá đúng và sâu thực trạng (chuẩn bị, đào tạo và sử dụng, huy động) nguồn nhân lực, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo động lực phát triển đất nước. Trong đó, có cả thực trạng và những giải pháp mang tính đặc thù riêng cho từng địa phương, vùng miền, kể cả chú ý đến đồng bào các dân tộc anh em. Tất cả phải hội tụ và cùng đồng hành mới tạo động lực lớn để xây dựng và phát triển đất nước cường thịnh…

Ban tổ chức cho hay, hội thảo quốc gia “Nguồn nhân lực và động lực phát triển đất nước” đã được đầu tư chuẩn bị liên tục, khoa học và nghiêm túc suốt 6 tháng qua. Các bài báo, tham luận gửi về đều được các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao thực hiện phản biện độc lập.

Đối diện thực trạng và những điểm nghẽn
Trong tham luận “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới: Thực trạng, vấn đề và giải pháp“, PGS.TS. Trần Quốc Toản, chuyên gia cao cấp, nguyên Thư ký Thủ tướng Chinh phủ, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương,… cho biết:

Vị trí của giáo dục đại học Việt Nam trong tương quan khu vực và thế giới còn thấp; theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WER) Việt Nam hiện đứng thứ 45/142 trên thế giới. Nhiều chỉ số, tiêu chí (so với các nước trên toàn cầu), đạt và xếp ở mức thấp: Mức độ cải thiện và hiệu quả: đạt 3,9 điểm, xếp thứ 98/142; điểm số đạt các chỉ tiêu, xếp thứ 100/142, đặc biệt Chất lượng của hệ thống và Quản lý chất lượng (xếp khá thấp) thứ 120/142. Trong 10 quốc gia thành viên ASEAN, Việt Nam xếp thứ 7 (trên Lào, Campuchia và Myanmar).

Bàn thêm về cơ cấu trình độ nhân lực được đào tạo, báo cáo điều tra (của Tổng Cục Thống kê về lao động và việc làm Việt Nam năm 2019), chỉ ra rằng, trong tổng số lực lượng lao động đang làm việc (55,76 triệu), thì 77,2% không có trình độ chuyên môn – kỹ thuật, 3,7% qua dạy nghề, 4,7% trung cấp, 3,8% cao đẳng và 10,6% đại học.

Thực trạng này nói lên trình độ nguồn nhân lực của Việt Nam còn rất thấp, đa số lớn không được đào tạo, không có trình độ chuyên môn – kỹ thuật. Báo cáo gần đây (của Bộ Lao động và Thương binh, xã hội), cũng cho thấy lao động không chính thức và phổ thông vẫn chiếm chủ yếu. Lực lượng đã qua đào tạo, có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, khoảng 24,5% năm 2020 (so với kế hoạch đặt ra là 40%).

Cơ cấu đào tạo nhân lực lao động của Việt Nam cũng còn nhiều bất cập lớn. Hiện tỷ lệ đào tạo giữa các bậc là 1 đại học trở lên/ 0,32 cao đẳng/ 0,61 trung cấp/ 0,37 sơ cấp (thế giới thường là 1 đại học – 4 cao đằng – 25 trung, sơ cấp). Theo cơ cấu của thị trường lao động, những người lao động trình độ thấp thường phải nhiều hơn nhiều lần so với lao động trình độ đại học trở lên. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của số lao động được đào tạo ở Việt Nam.

Tính đến hết tháng 3/3021, cả nước có 417,3 nghìn người có chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp (chiếm 39,7%), nhưng người có trình độ đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (155,5 nghìn người). Thực tế này cho thấy, đang có độ “vênh” không nhỏ giữa cơ cấu đào tạo của hên thống giáo dục – đào tạo và cơ cấu nguồn nhân lực mà xã hội đang cần.

Mặt khác, cũng có tình trạng nhân lực “đã qua đào tạo, lại chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn”. Và điều này được thể hiện qua những hạn chế của nguồn nhân lực cho ngành Logicstics, một trong những ngành quan trọng của Việt Nam: thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao (24%); chưa có chưa có chức danh cán bộ logistics trong các doanh nghiệp (22%); tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực chất lượng thấp (35%) và các trường chưa có chuyên ngành đào tạo logistics (19%).

Chất lượng nguồn nhân lực thấp được phản ảnh qua năng xuất lao đông thấp. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO/Cơ quan của Liên Hiệp Quốc), công bố trong năm 2019, năng suất của lao động Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á – Thái Bình Dương và ở ASEAN: Chỉ bằng 1/15 so với Singapore và Malaysia; bằng 2/5 so với Thái-lan, và gần 1/2 của Indonesia, gần 3/5 của Philippine, gần 7/10 của Brunei, bằng gần 9/10 của Lào, chỉ cao hơn Campuchia (chưa kể so sánh với năng suất lao động của Nhật Bản, Hàn Quốc…).
Một đánh giá từ ILO, còn chỉ ra rằng, kỹ năng của lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế (với 46/100 điểm, Việt Nam xếp thứ 103 trên thế giới, chỉ cao hơn Indonesia, Lào và kém rất xa so với nhóm ASEAN-4).

Chất lượng nguồn nhân lực thấp (có một phần lớn) là hệ quả trực tiếp của chất lượng đào tạo. Tuy phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và hội nhập. Ở nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, ở những vị trí đòi hỏi kỹ thuật cao, vẫn thường do lao động nước ngoài đảm nhận.

“Trong thời gian qua, do tác động của đại dịch Covid – 19, các chuyên gia nước ngoài về nước không thể sang Việt Nam, nên dẫn đến nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam không thể vận hành bình thường được, thậm chí phải dừng sản xuất” – PGS.TS. Trần Quốc Toản nhấn mạnh.

Cũng theo một báo cáo (2019), từ Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với nhân lực qua đào tạo, thông qua đánh giá về mức độ thiếu hụt năng lực/kỹ năng của người lao động ở ba mức (không thiếu: 1 điểm; tương đối thiếu: 2 điểm và thiếu – 3 điểm); cho thấy, mức độ thiếu hụt năng lực/kỹ năng của lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh là 1,43, của lao động gián tiếp là 1,33.

Ngay đối với hệ thống các trường nghề chất lượng cao (45 trường) theo quyết định số 761/QĐ-TTg (năm 3014) của Thủ tướng Chính phủ, sau mấy năm thực hiện, đến 2020 đã không hoàn thành kế hoạch; kết quả đánh giá cho thấy dưới 50% học sinh, sinh viên sau đào tạo, đáp ứng được các tiêu chuẩn về trình độ, kỹ năng nghề.

Chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao được đánh giá qua nhiều chỉ số, trong đó có chỉ số về số đăng ký sáng chế. Tại Việt Nam, trong 10 năm qua (2007 – 2017) số đăng ký sáng chế mặc dù đã tăng gần gấp đôi từ 2.860 lên 5.382 đơn. Song nếu so sánh với các nước trong khu vực Asean+ 3 thì chúng ta đứng cuối và cách biệt khá xa với Thái Lan, Singapore. Công bố của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO/ Tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc), năm 2017, tổng số đơn sáng chế và giải pháp hữu ích của Việt Nam là 669, thì của Thái Lan và Malaysia lần lượt là 3.133 và 1.439.

“Hơn nữa, điều đáng suy nghĩ là trong số đơn đăng ký sáng chế ở Việt Nam, có đến gần 90% chủ đơn là các tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong khi chủ đơn Việt Nam chỉ chiếm con số rất khiêm tốn – trên dưới 10%. Một chỉ số khác là số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học. Trong những năm gần đây, số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam đã tăng đáng kể, song cũng mới bằng 28% của Thái Lan, 25% Malaysia và 15% Singapore. Đáng lưu ý là, trong số các công bố quốc tế đó của Việt Nam, số bài báo có hợp tác quốc tế chiếm gần 80%. Điều đó cho thấy “nội lực” của nhân lực khoa học công nghệ Việt Nam còn rất khiêm tốn”, tác giả phân tích sâu thực trạng.

Trong các lĩnh vực công nghệ cao, nhân lực được đào tạo qua các trường đại học còn nhiều bất cập so với yêu cầu của các doanh nghiệp. Qua khảo sát, 82% các CEO cho rằng các sinh viên ra trường chưa đáp ứng yêu cầu, thường phải đào tạo lại từ 3 tháng dến 1 năm. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cả nước có 129 cơ sở đào tạo, hàng năm đào tạo hơn 110.000 sinh viên, nhưng chỉ có 10% đáp ứng tốt yêu cầu.

Nhiều CEO cho rằng “người lao động Việt Nam thiếu cả tay nghề và ý thức”; kỷ luật lao động chưa đáp ứng yêu cầu cao của quá trình sản xuất công nghiệp hiện đại; chưa được tập huấn kỹ về kỷ luật lao động công nghiệp; chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, khả năng hợp và chia sẻ kinh nghiệm làm việc còn kém; tư duy sáng tạo hạn chế.

Trong 2 năm 2020-2021, tác động “dáng sợ” của đại dịch Covid -19 đã làm bộc lộ rõ hơn những bất cập (dẫn đến) phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, dừng hoạt động, thậm chí phá sản; làm đứt gãy các chuỗi cung ứng ứng lao động, thị trường lao động và việc làm có nhiều biến động. Qua đó, còn cho thấy: Nguồn nhân lực được đào tạo của Việt Nam chủ yếu được sử dụng ở khâu “gia công, lắp ráp” trong các chuỗi sản xuất kinh doanh, nguồn nhân lực trình độ cao còn rất hạn chế (điều này được thể hiện rất rõ ngay trong các doanh nghiệp FDI).

Điều này đưa đến nhìn nhận (khách quan rằng), quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào khoa học – công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao – trình độ cao còn nhiều bất cập, chưa tạo được “bên cầu” đủ mạnh để thúc đẩy nâng cao chất lượng và trình độ đào tạo nhân lực. Đồng thời, cũng thể hiện rất cụ thể tính không bền vững của sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp – nông thôn sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; các khu công nghiệp, khu đô thị lớn đối diện với thách thức thiếu về số lượng do cả triệu lao động mất việc làm, thiếu việc làm, dịch chuyển về nông thôn, việc quay trở lại có nhiều rủi ro (phần lớn lao động di cư chỉ đăng ký tạm trú, không có hộ khẩu, gặp nhiều khó khăn về nhà ở, học tập, chữa bệnh…; không có đủ dịch vụ hạ tầng xã hội như ký túc xá, nhà trẻ, nhà văn hóa, tham gia bảo hiểm xã hội, ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản).

PGS.TS. Vũ Văn Phúc – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương trình bày tham luận. –
Ảnh: Thanh Hoàng.

Khẳng định các chủ thể của quá trình phát triển giáo dục – đào tạo
PGS.TS. Vũ Văn Phúc – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, trong tham luận “Thống nhất nhận thức và giải pháp thực hiện đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng”, nhận định:

Yêu cầu xác lập, hoàn thiện về thể chế cho phát triển nhân lực, khoa học và công nghệ (của chúng ta) còn chậm, chưa đồng bộ và thiếu định hướng rõ ràng, thực hiện còn chưa quyết liệt. Đến nay, vẫn chưa rõ vai trò, chức năng của Nhà nước, của doanh nghiệp và các chủ thể khác trong quá trình phát triển giáo dục-đào tạo.

Một dẫn chứng: Thực tiễn hiện nay dường như vẫn có một “tâm lý” chung rằng Nhà nước (phải) lo phát triển nguồn nhân lực để cung cấp cho nền kinh tế, cho xã hội (mặc dù đây là chức năng quan trọng của Nhà nước), trong khi nguồn lực của Nhà nước hạn chế. Và (cần thấy rõ hơn), Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Lao động có quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động về việc đào tạo và đào tạo lại lao động đối với lao động được tuyển dụng.
Hẳn nhiên, khi tác riêng từng vế của vấn đề như vậy, là không bao giờ đủ…

Phải nói thẳng rằng, do chưa phân định một cách rõ ràng và hợp lý vai trò, chức năng, trách nhiệm… của các chủ thể trong quá trình phát triển giáo dục – đào tạo, nên quản lý nhà nước về hoạt động giáo dục – đào tạo còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết dẫn đến lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện… Đưa đến tình trạng “chưa thực sự sẵn sàng cho một cuộc cải cách, đổi mới căn bản trong hoạt động đào tạo”.

Nhà nước (Bộ Giáo dục và Đào tạo, và các bộ, ngành) vẫn chưa muốn từ bỏ quyền chủ quản đối với các cơ sở đào tạo; chưa cho phép các cơ sở đào tạo tự chủ toàn diện, vẫn can thiệp vào bộ máy, biên chế, tài chính, nội dung, phương pháp, chỉ tiêu, kế hoạch tuyển sinh của các cơ sở đào tạo… Bên cạnh đó, thị trường lao động còn kém phát triển và chưa tạo lập được sự liên kết giữa phát triển nhân lực (hệ thống đào tạo) và phát triển thị trường lao động.

Thị trường lao động phát triển và gắn kết với các cơ sở đào tạo sẽ tạo điều kiện để xã hội (cụ thể là người dân) định hướng đào tạo kỹ năng cho bản thân mình, đồng thời từ đó sẽ tạo ra “áp lực” để các cơ sở đào tạo phải thay đổi chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm “tồn tại” và đáp ứng nhu cầu của xã hội…

Một khía cạnh thiếu gắn kết nữa, đó là giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển, ứng dụng khoa học – công nghệ, dẫn đến hạn chế năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ gây ảnh hưởng mạnh đến chất lượng phát triển nhân lực. Có thể dẫn chứng: Hoạt động nghiên cứu ở các cơ sở đào tạo (nhất là bậc đại học) còn hết sức khiêm tốn, đặt biệt là ở các trường đại học công nghệ. Thế nhưng, vẫn chưa có những quy định mang tính pháp lý thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, ít nhất là với các trường công lập…

Mặt khác, hoạt động đào tạo, phát triển nhân lực thông qua các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ đã được triển khai hàng năm (thông qua Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia), nhưng chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu hàn lâm trong khu vực công, chưa có nhiều nghiên cứu ứng dụng, đặc biệt chưa hướng đến việc gắn kết phát triển nhân lực của khu vực tư và doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Quy định, thủ tục để nhân lực, doanh nghiệp khu vực tư tiếp cận nguồn vốn này là rất khó khăn,…

Phát huy vai trò của các chủ thể
“Với tư cách là chủ thể trực tiếp sử dụng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực. Một logic tất yếu của sự phát triển của các quốc gia, nhất là trong lĩnh vực kinh tế: nền kinh tế quốc gia phụ thuộc rất lớn vào sự lớn mạnh và phát triển của các doanh nghiệp, đến lượt mình, sự phát triển của các doanh nghiệp tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của nguồn nhân lực mỗi một quốc gia.

Ở Việt Nam hiện nay, tồn tại rất nhiều các loại hình doanh nghiệp và thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nhiệp (nhất là các tập đoàn kinh tế lớn) đều đã xác định rõ: Nhân lực là vốn quý nhất, là yếu tố quyết định sự thành công và phát triển của doanh nghiệp. Vai trò này được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Dễ dàng nhận ra nhất, là công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực Đây là nhiệm vụ tất yếu của các doanh nghiệp, bởi sự phát triển của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ và nền kinh tế tri thức. Nhận thức rõ tầm quan trọng có ý quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp nên hiện nay nhiều tập đoàn, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực của mình”.

PGS.TS. Phạm Minh Tuấn Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (hàng trên, bên
phải ảnh).Ảnh: T.N.

Trên đây là (trích dẫn) tham luận Phát huy vai trò của các chủ thể nhằm phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay của PGS.TS. Phạm Minh Tuấn Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Ông khẳng định thêm: “Doanh nghiệp – là chủ thể quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, quyết định việc sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả”.

Rõ ràng, trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức, doanh nghiệp là chủ thể của quá trình truy cập (và khai thác có hiệu quả nhất) kho tri thức toàn cầu, vận dụng tri thức mới vào thực tiễn để tạo ra giá trị mới. Đó cũng là cơ sở để các doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho lợi ích của mình.

Tuy nhiên – PGS.TS. Phạm Minh Tuấn phân tích – hiện nay, rất ít các doanh nghiệp (chủ yếu là các tập đoàn, các tổng công ty) chú ý một cách bài bản tới phát triển nguồn nhân lực, số còn lại (chủ yếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ) chưa thực sự chú ý tới vấn đề này, nhất là khâu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp này thường dựa vào vai trò của Nhà nước, nguồn cung nhân lực từ xã hội. Việc kết nối với các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề của các doanh nghiệp chưa được chú trọng.

Nhiều doanh nghiệp (trên/trong một địa bàn hay lĩnh vực công nghệ nhất định), chưa tạo điều kiện cho sinh viên tới thực tập để gắn kết giữa học và hành. Hơn nữa, trong đổi mới công nghệ – yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực. Thường thấy nhất là chính các doanh nghiệp này, cũng đang ứng dụng ở mức độ nhất định, hoặc sử dụng các công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu. Nhưng điều này lại ảnh hưởng không nhỏ đến yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung, nhất là về mặt chất lượng (cũng như từng bước tiếp cận, làm chủ công nghệ mới).

Hội thảo góp phần trả lời câu hỏi lớn: Những thay đổi lớn về cơ cấu lao động, kinh tế – xã hội phát triển trên nền tảng công nghệ số và đổi mới sáng tạo đã và đặt ra yêu cầu gì cho trọng trách đào tạo nhân lực, cũng như chính bản thân của mỗi lao động tham gia vào thị trường lao động ?. Ảnh: Thanh Hoàng.

Theo PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh – Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng, nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là lực lượng tinh túy, quan trọng cấu thành nguồn nhân lực của quốc gia, nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Trong những năm qua, nguồn nhân lực của nước ta không ngừng gia tăng cả về quy mô và chất lượng. Quy mô nguồn nhân lực tăng lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực đột phá. Cơ cấu lao động chuyển dịch từ khu vực năng suất lao động thấp sang khu vực năng suất lao động cao. Công tác đào tạo nhân lực có những thay đổi theo hướng tập trung nâng cao chất lượng; đào tạo gắn kết với nhu cầu lao động của địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động; bước đầu áp dụng các phương pháp đào tạo của các tổ chức đào tạo nhân lực quốc tế.

Tuy nhiên, thế giới đang trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã và đang tạo ra những thay đổi lớn về cơ cấu và công tác đào tạo nhân lực dựa trên nền tảng công nghệ số và đổi mới sáng tạo. Đây là câu hỏi lớn, là vấn đề đặt ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường đối với sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi Trung ương và mỗi địa phương phải có những chủ trương lớn, quyết sách đúng để tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa đất nước chúng ta vào một thời kỳ phát triển mới: Bền vững và Phồn vinh. Hội thảo ngày hôm nay, góp phần trả lời câu hỏi lớn nêu trên./.
The Cuong-Trần Ngọc