Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đồng minh với Mỹ nhưng UAE hiện nay đã thay đổi chính sách đối ngoại



ĐNA -

UAE và Mỹ là đồng minh nước ngoài quan trọng nhất từ khi lập quốc năm 1971. Trong những năm qua, UAE đã thi hành chính sách “làm bạn với tất cả” nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, đối ngoại với nhiều nước trên thế giới. Nhưng chính sách đó lại khiến mối quan hệ giữa UAE với Mỹ trở nên khó khăn hơn.

Tổng thống UAE bin Zayed Al Nahyan (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Jeddah, Arab Saudi tháng 7/2022. Ảnh: AFP

Richard Clarke, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, từng mô tả Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là đồng minh chống khủng bố thân cận nhất ở Vùng Vịnh. Washington cũng coi Abu Dhabi là đối tác quan trọng trong ổn định thị trường năng lượng toàn cầu. Nhưng Dù là đồng minh thân cận của Mỹ, UAE hiện nay đã theo đuổi chính sách làm bạn với tất cả, kể cả Trung Quốc hay Nga, khi hoài nghi các cam kết an ninh từ Washington.

Vào đầu năm 2021, tình báo Mỹ phát hiện tập đoàn vận tải biển Cosco của Trung Quốc xây dựng một công trình “đáng ngờ” tại khu vực cảng Khalifa của UAE và cho rằng đây là một “căn cứ quân sự bí mật”. Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó đã điện đàm với ông Mohamed bin Zayed Al Nahyan, người khi đó là Thái tử UAE, cảnh báo rằng việc để Trung Quốc “xây căn cứ” sẽ tác động nghiêm trọng đến quan hệ đối tác giữa Mỹ và UAE.

Chính phủ UAE tuyên bố họ không biết đến kế hoạch xây dựng cơ sở quân sự trong cảng Khalifa, cho rằng đây là cảng thương mại thuần túy, nhưng vẫn ghi nhận mối lo ngại từ Mỹ. Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden sau đó cho hay UAE đã dừng dự án này.

Cuối năm 2021, UAE đe dọa hủy thương vụ mua tiêm kích tàng hình F-35, máy bay không người lái (UAV) Reaper và nhiều khí tài hiện đại khác của Mỹ, với lý do Washington đặt ra quá nhiều yêu cầu khắt khe về an ninh để ngăn các vũ khí này lọt vào tay tình báo Trung Quốc. Mỹ cũng phản đối việc UAE mời tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng 5G.

“Cán cân trong mối quan hệ đã thay đổi. Mỹ giờ đây không còn có thể nhấc điện thoại lên và yêu cầu UAE làm theo yêu cầu của mình”, Dina Esfandiary, cố vấn cấp cao về Trung Đông tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế ở Brussels, Bỉ, nói. “Mặt trái của điều đó là đôi khi UAE sẽ không nhận được những gì họ muốn từ Mỹ, bởi họ không làm theo những gì Washington đề ra”. Cho thấy ông Mohamed đã theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập hơn sau khi chứng kiến những biến động trong nền chính trị Mỹ dưới thời Donald Trump.

Quan chức UAE cho biết họ cảm thấy hoài nghi về cam kết của Mỹ sau khi Washington cáo buộc Iran tiến hành các vụ tấn công vào mỏ dầu và tàu chở dầu của Arab Saudi ở Vùng Vịnh năm 2019 nhưng không có biện pháp đáp trả công khai nào. Trước đó, UAE cũng cho rằng họ bị gạt ra rìa khi Mỹ bí mật đàm phán với Iran, dẫn tới thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà UAE phản đối.

Họ cũng bất bình với phản ứng của Washington trong các vụ tấn công bằng tên lửa và UAV của lực lượng Houthi ở Yemen nhắm vào Abu Dhabi hồi tháng 1/2022. Nhiều lãnh đạo thế giới đã gửi thông điệp bày tỏ cảm thông và đoàn kết với Thái tử Mohamed sau các vụ tấn công, nhưng Tổng thống Biden không thực hiện bất kỳ cuộc gọi nào.

Vài tuần sau, Mỹ điều tiêm kích và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đến khu vực. Khi một chỉ huy cấp cao Mỹ tới thăm, ông Mohamed đã từ chối gặp. Vài tuần sau đó, khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine, ông Mohamed từ chối hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ Kiev của Tổng thống Mỹ Biden.

Các quan chức Mỹ thừa nhận họ đã đánh giá thấp nỗi lo của UAE về các mối đe dọa an ninh trong khu vực. Một quan chức nói rằng việc Mỹ triển khai tiêm kích, tàu chiến đến Vùng Vịnh sau các vụ tấn công của Houthi là bằng chứng về cam kết an ninh của Washington với Abu Dhabi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Sheikh Mohamed tại UAE hồi tháng 10/2019. Ảnh: Reuters

Thái tử Mohamed nhậm chức Tổng thống UAE hồi tháng 5/2022, sau khi tổng thống Khalifa bin Zayed Al Nahyan qua đời vì bệnh nặng. Ông sau đó đã chọn Pháp thay vì Mỹ cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên, khi quan hệ giữa Abu Dhabi và Washington căng thẳng vì cuộc khủng hoảng năng lượng.

Hai lần trong 7 tháng qua, UAE cùng các đối tác trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã cùng Nga cắt giảm sản lượng dầu, bất chấp phản đối của Mỹ. Quan chức Mỹ nhiều lần cảnh báo UAE đang giúp Nga né tránh lệnh trừng phạt, khi người Nga đổ xô đến Dubai để giao dịch dầu, mua bất động sản và cất giữ tiền. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã trừng phạt các công ty UAE tạo điều kiện cho giao dịch dầu mỏ của Nga và có quan hệ làm ăn với tỷ phú Nga Alisher Usmanov.

Trong cuộc trao đổi với ông Biden hồi tháng 7/2022 bên lề hội nghị thượng đỉnh khu vực, Tổng thống Mohamed bày tỏ thất vọng khi cho rằng Mỹ đã từ bỏ cam kết an ninh với UAE và nhắc nhở ông Biden rằng các binh sĩ UAE đã sát cánh cùng lính Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố suốt ba thập kỷ, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề.

Sultan Al Jaber, bộ trưởng phụ trách chính sách khí hậu UAE, nói rằng nước này muốn phát triển quan hệ với Mỹ, nhưng không phải đánh đổi bằng cách từ bỏ quan hệ với các nước khác. Ông nói UAE muốn duy trì quan hệ với Mỹ cũng như với Ấn Độ, châu Âu, Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác.

Tổng thống Mohamed bắt đầu tăng cường quan hệ với Trung Quốc từ nhiều năm trước, song hợp tác song phương chỉ thực sự trở nên gần gũi hơn trong đại dịch Covid-19, khi UAE mở cửa biên giới với Trung Quốc, trong khi phần lớn thế giới đóng cửa. UAE đã sản xuất khẩu trang bằng máy móc nhập từ Trung Quốc, hợp tác với Bắc Kinh phát triển thiết bị xét nghiệm PCR hay vaccine Covid-19. Thương mại UAE – Trung Quốc đã vượt 70 tỷ USD. Ngoài dầu mỏ, hai nước còn mở rộng phạm vi hợp tác sang lĩnh vực tài chính, công nghệ và trao đổi văn hóa.

Tổng thống Syria Bashar Al-Assad gặp Thái tử Abu Dhabi Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan tại Abu Dhabi, UAEa.

UAE cũng chia sẻ nhiều lợi ích của Nga. Hồi tháng 2/2022, Abu Dhabi từ chối bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine, khi nước này tìm kiếm ủng hộ của Moskva cho nghị quyết liệt Houthi vào danh sách tổ chức khủng bố.

Việc UAE bỏ phiếu trắng đã giáng đòn vào nỗ lực ban đầu của Mỹ nhằm lôi kéo các đồng minh cô lập Nga. Bà Lana Nusseibeh, đại sứ UAE tại Liên Hợp Quốc, cho biết quyết định được đưa ra khi UAE chuẩn bị giữ chức chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và tìm cách làm trung gian hòa giải xung đột. Đến ngày 2/3/2022, UAE bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng LHQ yêu cầu Nga chấm dứt xung đột.

Các quỹ đầu tư của UAE đã rót hàng tỷ USD vào Nga và ông Mohamed cũng thường xuyên gặp Tổng thống Vladimir Putin trong hai thập kỷ qua nhằm tăng cường quan hệ cá nhân giữa hai lãnh đạo. “Ông Mohamed đã rất kiên nhẫn xây dựng mối quan hệ này với Nga”, Anwar Gargash, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống UAE, nói.

Các quan chức cấp cao UAE cho biết, nước này không cảm thấy mối quan hệ đồng minh với Mỹ cản trở họ duy trì hợp tác với Nga hay Trung Quốc. “Với chính sách này, chúng tôi sẽ không vướng vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc”, Gargash nói.

Chy Lê/nguồn WSJ