Thứ Ba, Tháng 7 8, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đông Nam Á tụt hậu so với đầu tư năng lượng sạch



ĐNA -

Ngày 8/7/2025, Tạp chí Mining (Australia) đăng tải bài viết với tiêu đề “Đông Nam Á tụt hậu so với đầu tư năng lượng sạch”, nhấn mạnh khu vực này cần đẩy mạnh nỗ lực và tăng chi tiêu cho năng lượng tái tạo. Theo bài viết, khi nhu cầu năng lượng được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 so với năm 2020, việc phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống, hiện chiếm tới 77% trong cơ cấu năng lượng, đang đặt ra thách thức lớn. Mining dự báo nhu cầu năng lượng ở Đông Nam Á sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 25 năm tới.

Hoa Kỳ rút khỏi JETP, gia tăng áp lực chuyển đổi năng lượng tại Đông Nam Á
Vào tháng 3/2025, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), một sáng kiến đa phương giữa các quốc gia giàu có nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch tại các nền kinh tế đang phát triển. Động thái này được dự báo sẽ tạo thêm áp lực cho các thị trường mới nổi, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.

Theo Financial Times, bà Amy Kong, nhà nghiên cứu tại tổ chức Zero Carbon Analytics nhận định rằng các chính phủ nên chuyển trọng tâm sang việc thúc đẩy đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch, thay vì chỉ trông đợi vào JETP hay các chương trình hỗ trợ quốc tế khác. Bà Kong cũng lưu ý rằng, trong bối cảnh Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ toàn cầu và giảm cam kết với các mục tiêu khí hậu dưới thời Tổng thống Donald Trump, tài chính đa phương đang chậm lại, trong khi tài chính công song phương có thể đóng vai trò thiết thực hơn.

Dù chiếm 9% dân số thế giới, 6% GDP toàn cầu và 4% mức tiêu thụ năng lượng, Đông Nam Á chỉ chi tiêu 2% tổng đầu tư năng lượng sạch toàn cầu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đầu tư năng lượng trung bình hằng năm của khu vực trong ba năm qua đạt khoảng 72 tỷ USD, nhưng cần tăng lên trên 130 tỷ USD mỗi năm để đáp ứng các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

IEA cũng nhấn mạnh, đầu tư cho công nghệ năng lượng sạch cần chiếm gần 40% tổng chi tiêu năng lượng trong khu vực. Với dân số dự kiến tăng lên gần 800 triệu người vào năm 2050, kết hợp cùng tăng trưởng kinh tế, Đông Nam Á sẽ là khu vực có ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu năng lượng toàn cầu trong tương lai gần.

Đầu tư năng lượng trong quá khứ và tương lai tại Đông Nam Á
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa cảnh báo rằng sự mất cân bằng trong dòng đầu tư toàn cầu, đặc biệt là đầu tư vào năng lượng sạch ngoài Trung Quốc đang khiến nhiều nền kinh tế kém phát triển, bao gồm cả các quốc gia Đông Nam Á, tụt lại phía sau trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Theo IEA, cách thức phân bổ đầu tư hiện tại sẽ quyết định mức độ đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng mạnh, kéo theo hệ lụy đối với an ninh năng lượng, khả năng chi trả và việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tính đến nay, tám trong số mười quốc gia Đông Nam Á đã công bố mục tiêu đạt mức phát thải carbon trung hòa, trong đó Singapore, Malaysia và bốn nước khác đặt mốc vào năm 2050, Indonesia vào năm 2060 và Thái Lan vào năm 2065.

Mặc dù vậy, vào năm 2024, tỷ trọng đầu tư năng lượng sạch toàn cầu vào các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển (EMDE) ngoài Trung Quốc dự kiến chỉ chiếm khoảng 15% tổng đầu tư, một con số mà IEA đánh giá là thấp đáng kể so với nhu cầu thực tế. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận năng lượng hiện đại và việc đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng một cách bền vững.

IEA cũng ghi nhận rằng, trong khi đầu tư vào hiệu quả năng lượng và điện khí hóa trong lĩnh vực xây dựng và công nghiệp vẫn duy trì ổn định dù gặp khó khăn kinh tế, thì phần lớn động lực tăng trưởng đến từ ngành giao thông vận tải. Đầu tư vào lĩnh vực này được dự báo sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024, tăng 8% so với năm trước, nhờ vào doanh số xe điện (EV) tăng mạnh.

Theo IEA, sự gia tăng chi tiêu cho năng lượng sạch hiện nay được thúc đẩy bởi các mục tiêu cắt giảm phát thải, tiến bộ công nghệ, yêu cầu cấp bách về an ninh năng lượng, đặc biệt tại Liên minh châu Âu cùng với một yếu tố chiến lược quan trọng: các nền kinh tế lớn đang triển khai các chiến lược công nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất và giành vị thế trên thị trường năng lượng sạch toàn cầu.

Tuy nhiên, IEA cảnh báo rằng dù các chính sách này có thể mang lại lợi ích nội địa, việc xây dựng lợi thế cạnh tranh về chi phí trong các lĩnh vực như sản xuất điện mặt trời, nơi đã có sự dư thừa năng lực toàn cầu sẽ là một thách thức. Cơ quan này nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc giữa chi phí và lợi ích để vừa tăng khả năng phục hồi chuỗi cung ứng năng lượng sạch, vừa duy trì lợi ích từ thương mại quốc tế.

Những cảnh báo từ IEA cùng với thực trạng mất cân đối đầu tư hiện nay đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Đông Nam Á, trong việc xây dựng chiến lược huy động tài chính bền vững cho chuyển đổi năng lượng. Việc chỉ dựa vào các sáng kiến toàn cầu như JETP là chưa đủ, các nước trong khu vực cần chủ động thúc đẩy đầu tư tư nhân, cải thiện môi trường chính sách và tận dụng các cơ hội từ chuyển dịch chuỗi cung ứng năng lượng sạch toàn cầu. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời, khoảng cách trong tiếp cận công nghệ và nguồn vốn sẽ ngày càng nới rộng, khiến mục tiêu phát triển bền vững trở nên xa vời hơn.

Hoàng Hạnh