Thứ bảy, Tháng mười 5, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Dòng sông chảy ở miền di sản

ĐNA -

Có rất nhiều đô thị cổ trên thế giới đều gắn liền với các dòng sông, dựa vào dòng sông để quy hoạch và phát triển, để rồi dệt nên những huyền thoại lịch sử khiến du khách chỉ cần nghe là đã mong muốn được viếng thăm, khám phá. Huế là một đô thị như vậy, và còn hơn thế…

Sông Hương phía thượng nguồn.

Nằm giữa miền Trung Việt Nam với địa hình bề ngang rất hẹp, lưng tựa vào dãy Trường Sơn, mặt nhìn ra biển Đông, nhưng Huế lại được thiên nhiên ban tặng cho một dòng sông tuyệt đẹp: Sông Hương, một trong những dòng sông đẹp và thơ nhất thế giới.

Sông Hương không dài, chỉ chừng hơn 100km, nhưng có diện tích lưu vực rất rộng, đến 2.830km2, chiếm gần 3/5 diện tích toàn tỉnh Thừa Thiên Huế do có hệ chi lưu, phụ lưu phong phú. Khởi nguồn từ các dãy núi cao đến 900m, độ dốc phía tây lớn, nhưng 1/3 phía đổ ra biển lại bằng phẳng nên khác hẳn các con sông khác của miền Trung khi đầy khi cạn, nước sông Hương luôn tràn đầy ăm ắp đôi bờ ngay cả trong mùa khô hạn. Bởi vậy, sông Hương còn nổi tiếng với vẻ đẹp hiền hòa, nước xanh màu ngọc bích, phẳng lặng như mặt hồ: “Con sông dùng dằng con sông không chảy/Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” (Thu Bồn).

Sông Hương và kinh thành Huế. Bản vẽ khắc in trên mộc bản của bộ Công triều Nguyễn, năm 1845.

Và đã từ rất lâu rồi, dòng sông này đã trở thành một biểu tượng văn hóa, lịch sử của xứ Huế.
Trước khi vùng đất Huế trở về với Đại Việt, sông Hương đã là một dòng sông thiêng gắn liền với một đô thị cổ của cư dân bản địa. Các di tích Thành Lồi, thành Hóa Châu, đền thờ nữ thần Poh Nagar ở điện Hòn Chén, dấu tích tháp cổ ở đồi Hà Khê- chùa Thiên Mụ đã minh chứng cho điều đó. Nhưng phải đến năm 1636, khi chúa Nguyễn Phúc Lan xây dựng thủ phủ của Đàng Trong ở vùng đất Kim Long bên bờ bắc sông Hương và cho mở cảng Thanh Hà ở phía hạ lưu thì đô thị Huế mới chính thức ra đời. Và cũng từ đó, Huế luôn giữ vị thế của một đô thị hàng đầu của đất nước với vai trò là thủ phủ của Đàng Trong (1636-1775), kinh đô của triều Tây Sơn (1788-1801) và kinh đô của triều Nguyễn (1802-1945).

Đầu thế kỷ 19, cùng với việc chọn Huế để xây dựng kinh đô của nước Việt Nam thống nhất, triều Nguyễn đã huy động một nguồn nhân lực khổng lồ để cải tạo sông Hương và các chi lưu, phụ lưu của nó nhằm tạo nên một thủy hệ đa dạng và khiến kinh thành rộng lớn được đặt vào thế “tứ thủy triều quy” đầy vượng khí theo phong thủy học phương Đông. Kinh thành Huế với chu vi khoảng 10km, bốn mặt đều có dòng nước bao bọc, trước mặt là sông Hương, phía tây là sông Kẻ Vạn, phía bắc là là sông An Hòa và phía đông là sông Đông Ba. Chảy xuyên qua giữa lòng kinh thành lại có sông Ngự Hà. Trừ sông Hương, các con sông còn lại chủ yếu đều là sông đào, nhưng vẻ quy mô bề thế và sự hài hòa của chúng khiến người ta rất khó nhận ra được điều này. Phía nam kinh thành, triều Nguyễn cho đào sông Lợi Nông dài hơn 30km để mở tuyến đường thủy nối thông về đầm Hà Trung và dẫn nước tưới tiêu cho cả một vùng đồng bằng trồng lúa rộng lớn của huyện Hương Thủy, trong đó có cả những cánh đồng của làng An Cựu với giống gạo de nổi tiếng. Ở phía đông, triều đình lại cho đào sông Phổ Lợi dài ngót chục km, từ sông Hương về đến cửa Thuận An để vừa thoát lũ, vừa dẫn nước tưới tiêu cho nhiều xã của huyện Phú Vang. Như vậy, cả một hệ sông Hương gắn với kinh thành, với đô thị Huế đã được tạo nên không chỉ từ món quà của thiên nhiên mà còn bằng trí tuệ và công sức của con người.

Sông Hương nhìn từ cầu Trường Tiền

Trong con mắt của các nhà kiến trúc thời Nguyễn, sông Hương có một vai trò đặc biệt quan trọng về nhiều mặt: Trục quy hoạch chính để nối liền Kinh thành với vùng đền miếu lăng tẩm ở phía tây và các khu vực thương nghiệp, cảng thị ở phía đông; yếu tố phong thủy chủ đạo của kinh đô; tuyến hào tự nhiên để bảo vệ mặt nam của Kinh thành; tuyến giao thông đường thủy để nối liền kinh đô với các vùng miền… Bởi thế, hầu như tất cả các công trình kiến trúc quan trọng của triều Nguyễn đều gắn liền với sông Hương hay các chi lưu, phụ lưu của dòng sông này. Cũng từ thời Nguyễn, sông Hương trở thành một trong những chủ đề nổi bật của văn học, nghệ thuật xứ Thần kinh.

Hoàng đế Thiệu Trị từng ngợi ca sông Hương: Nhất phái uyên nguyên hộ đế thành (một dòng nước sâu thẳm bảo vệ kinh thành của nhà vua) và xếp sông Hương là một trong 20 thắng cảnh Thần Kinh. Vua Tự Đức thì cho xây dựng hẳn một khu vườn trên đảo Dã Viên để có thể gần gũi với dòng sông trong cả mùa hè. Trong Dữ Dã Viên ký nhà vua viết: “Lại như lúc đêm vắng canh dài, trăng sáng không trung, gió mát thoảng lại, thả chiếc thuyền con, đẩy mái chèo quế, lướt thuyền trên bóng sông ngân, nhấp nhô theo sóng nước. Tiếng hát dân chài vang vọng từ bến xa hòa hợp với tiếng chuông chùa, tiếng tụng niệm, vương vấn quanh thuyền, khiến chợt có những ý niệm thanh thoát. Trong không khí thoát tục đó càng thấy thanh tĩnh, vui không thể tả hết được“.

Có rất nhiều văn nhân, thi sĩ đã dành cho sông Hương những tình cảm đặc biệt. Đại thi hào Nguyễn Du từng trải lòng: “Hương Giang nhất phiết nguyệt/Kim cổ hứa đa sầu” (Một mảnh trăng dòng Hương/Vương vấn sầu kim cổ). Hàn Mặc Tử thì bâng khuâng: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay”…

Sông An Cựu, một chi lưu của sông Hương đồng thời là con sông đào nổi tiếng được triều Nguyễn tạo nên từ đầu thế kỷ 19

Có một báu vật khác mà sông Hương đã, đang lưu giữ và dâng tặng cho Huế, đó là kho tàng cổ vật phong phú từ lòng sông.
Kho tàng cổ vật ấy là một phần ký ức quan trọng của người Huế qua bao đời, vì trăm ngàn lí do khác nhau mà đã gửi gắm cho dòng sông. Và trong muôn vạn cổ vật ấy, đồ gốm vẫn chiếm chủ đạo do tính phổ quát, tính bền vững cùng thời gian.

Gọi là đồ gốm sông Hương nhưng thực ra bao gồm cả đồ sành, đồ gốm, đồ bán sứ, đồ sứ với chủng loại vô cùng phong phú: bình, ché, hũ, vò, ấm, bát, chén, dĩa, tô, chân đế, bát bồng, nắp, bình vôi, nồi, chum, vại, chì lưới… Đó là những di vật từng gắn bó mật thiết và phản ánh cụ thể, chân xác đời sống sinh hoạt của cư dân qua các thời kỳ lịch sử, từ khi con người biết làm gốm, trồng lúa từ hàng ngàn năm trước cho đến tận ngày nay. Chúng cũng phản ánh quá trình giao lưu trao đổi giữa các vùng miền của Việt Nam, giữa Huế với các tỉnh miền Trung, và các tỉnh phía Bắc, phía Nam; phản ánh cả quá trình giao lưu quốc tế của cư dân vùng Huế với nhiều quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, và cả các nước phương Tây.

Cầu gỗ Lim, nơi cộng đồng nhân dân và du khách dễ dàng tiếp cận với dòng sông Hương xinh đẹp.

Nhờ tâm huyết và nỗ lực của nhiều người, kho tàng cổ vật từ lòng sông Hương đã xuất hiện thành các sưu tập trong các bảo tàng công lập và tư nhân ở Huế, đặc biệt là bảo tàng Gốm cổ sông Hương của GS.TS Thái Kim Lan. Những cổ vật ấy càng góp phần làm cho xứ Huế thêm hấp dẫn và đáng khám phá hơn.

Như vậy, thủy hệ sông Hương không chỉ là những dòng sông chảy ở vùng đất di sản mà bản thân chúng đã là di sản quý của xứ Huế. Với tầm nhìn xa trông rộng, năm 1835, khi đúc Cửu đỉnh, Hoàng đế Minh Mạng đã cho khắc hình tượng sông Hương, sông Phổ Lợi, sông Lợi Nông lên báu vật này. Và tháng 5.2024, hình ảnh các dòng sông ấy đã trở thành một phần của Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á -Thái Bình Dương với sự vinh danh của UNESCO../

TS.Phan Thanh Hải