Ngày 26/7/2025, hãng tin Reuters đưa tin, các nghị sĩ đối lập tại Đài Loan đã vượt qua cuộc bầu cử triệu hồi quy mô lớn diễn ra vào thứ Bảy, chặn đứng nỗ lực nhằm phế truất khoảng 1/5 thành viên lập pháp của hòn đảo. Động thái này, theo những người ủng hộ, nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc, trong khi phe đối lập lại lên tiếng chỉ trích đây là hành động đe dọa nền dân chủ.

Theo kết quả kiểm phiếu trực tiếp do truyền thông Đài Loan công bố, toàn bộ 24 nghị sĩ thuộc Quốc Dân Đảng (KMT), đảng đối lập lớn nhất đều vượt qua cuộc bầu cử triệu hồi. Đây là cuộc bỏ phiếu được khởi xướng bởi các nhóm công dân, với mục tiêu nhằm tái cơ cấu cơ quan lập pháp nhưng cuối cùng đã thất bại.
Diễn biến này được xem là đòn giáng mạnh vào Đảng Dân Tiến (DPP) của Tổng thống Lại Thanh Đức, khi đảng này không thể tận dụng cơ hội để giành lại thế đa số tại quốc hội. Chính phủ cũng cáo buộc Trung Quốc đã can thiệp vào cuộc bầu cử với mức độ “chưa từng có”, giữa lúc Bắc Kinh vẫn luôn tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan, điều mà Đài Bắc kiên quyết bác bỏ.
Dù Tổng thống Lại Thanh Đức giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái, nhưng DPP đã mất quyền kiểm soát quốc hội. Từ đó đến nay, phe đối lập không ngừng gia tăng ảnh hưởng, thông qua các đạo luật mà chính phủ phản đối và cắt giảm ngân sách, đặc biệt là ngân sách quốc phòng gây trở ngại cho các kế hoạch tăng cường năng lực quốc phòng của Đài Loan.
Phát biểu sau kết quả bầu cử, Chủ tịch KMT Eric Chu cảm ơn cử tri đã lên tiếng bảo vệ nền dân chủ, đồng thời kêu gọi Tổng thống Lại Thanh Đức phải suy ngẫm. “Không thể thua trong bầu cử rồi lại dùng đến chiêu bài bãi nhiệm. Không thể vì tham vọng thống trị mà đánh đổi nền dân chủ,” ông nhấn mạnh trong buổi họp báo tại Đài Bắc.
Ông Chu cho rằng người dân Đài Loan đã chọn sự ổn định và mong muốn một chính phủ hành động hiệu quả, thay vì bị cuốn vào những tranh đấu chính trị.
Bối cảnh chính trị căng thẳng trong nước càng trở nên phức tạp khi Trung Quốc không ngừng gia tăng áp lực quân sự và ngoại giao đối với Đài Loan. Dù Tổng thống Lại Thanh Đức nhiều lần ngỏ ý đối thoại, Bắc Kinh vẫn từ chối, đồng thời gán cho ông biệt danh “kẻ ly khai”.
Chiến dịch bãi nhiệm gây tranh cãi tại Đài Loan đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ phía Trung Quốc. Hãng tin Reuters cho biết, trong suốt quá trình bỏ phiếu, Văn phòng Các vấn đề Đài Loan cùng với truyền thông nhà nước Trung Quốc đã liên tục đưa ra bình luận, nhiều lần lặp lại các luận điểm tương tự như của Quốc Dân Đảng (KMT) để chỉ trích Tổng thống Lại Thanh Đức.
Trong tuần này, chính quyền Đài Bắc cáo buộc Bắc Kinh đang có hành vi “rõ ràng” can thiệp vào nền dân chủ của hòn đảo, đồng thời khẳng định người dân Đài Loan có quyền quyết định việc giữ lại hay bãi nhiệm các quan chức được bầu chọn.
Ngô Tư Dao, Tổng thư ký Ủy ban Lập pháp thuộc Đảng Dân Tiến (DPP), tuyên bố đảng cầm quyền tôn trọng quyết định của cử tri. Bà nói rằng kết quả này càng củng cố lập trường “chống cộng và ủng hộ Đài Loan” của DPP. “Lần này chúng ta thấy Trung Quốc đã dốc toàn lực can thiệp, từ việc gây áp lực quân sự đến việc phát tán thông tin sai lệch,” bà phát biểu tại trụ sở DPP ở Đài Bắc. “Chúng ta cần hết sức cảnh giác trước những âm mưu nguy hiểm nhắm vào Đài Loan.”
Trong khi đó, các nhóm vận động cho chiến dịch bãi nhiệm nhấn mạnh đây là phong trào “chống cộng”, cáo buộc Quốc Dân Đảng làm tổn hại đến lợi ích của Đài Loan thông qua việc thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh, phản đối tăng chi tiêu quốc phòng và làm gián đoạn hoạt động của cơ quan lập pháp. Quốc Dân Đảng đã bác bỏ những cáo buộc này, đồng thời chỉ trích điều họ gọi là “chế độ độc tài” và “khủng bố xanh” của Tổng thống Lại Thanh Đức, ám chỉ màu sắc đặc trưng của DPP.
KMT khẳng định họ không làm điều gì sai trái, cho rằng họ chỉ đang duy trì đối thoại với Trung Quốc và thực hiện giám sát chính quyền một cách hợp pháp. Đảng này cũng kịch liệt phản đối chiến dịch bãi nhiệm, cho rằng đó là hành động “ác ý” nhằm phủ nhận kết quả của cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái.
Đáng chú ý, Quốc Dân Đảng tiết lộ, sẽ có thêm bảy cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm khác được tổ chức vào ngày 23/8 tới đây, kéo dài thêm tình trạng căng thẳng chính trị đang chia rẽ sâu sắc tại Đài Loan.
Diễn biến quanh chiến dịch bãi nhiệm không chỉ phản ánh sự phân cực sâu sắc trong nội bộ chính trị Đài Loan, mà còn cho thấy mức độ nhạy cảm và tác động ngày càng rõ nét của yếu tố Trung Quốc đối với nền dân chủ tại hòn đảo này. Khi các cuộc đối đầu giữa chính quyền và phe đối lập tiếp tục leo thang, điều còn lại phụ thuộc vào lựa chọn của cử tri, những người đang đứng giữa làn ranh của ổn định chính trị và tranh chấp quyền lực. Cuộc bầu cử sắp tới vào ngày 23/8 có thể sẽ là một phép thử tiếp theo cho cả lòng tin vào thể chế dân chủ lẫn định hướng tương lai của Đài Loan.
Hien Nguyen