(Đà Nẵng). Kỷ niệm 5 năm thành lập (2020–2025), chiều 17/5/2025, Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch Đà Nẵng phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Du lịch Đà Nẵng trong kỷ nguyên mới – Hội nhập và bứt phá”. Sự kiện là dịp để các bên nhìn lại chặng đường phát triển, đồng thời đề xuất chiến lược đưa Đà Nẵng (mới) trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi nhấn mạnh, việc thực hiện chủ trương hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới không chỉ mở rộng không gian địa lý, đưa Đà Nẵng (mới) trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất cả nước, mà còn mở ra một tầm nhìn phát triển mới.
Trong bối cảnh đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi cho rằng, ngành du lịch cần chuẩn bị kỹ lưỡng và đóng vai trò tiên phong trong tái cấu trúc không gian phát triển, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng văn hoá, tài nguyên thiên nhiên và tăng cường liên kết vùng.
Quỹ xã hội hóa tiên phong trong lĩnh vực du lịch đầu tiên tại Việt Nam
Được biết, Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch thành phố Đà Nẵng cũng là mô hình Quỹ xã hội hóa tiên phong (trong lĩnh vực du lịch) đầu tiên tại Việt Nam. Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động năm 2020, Quỹ đã đóng vai trò quan trọng trong huy động hiệu quả nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp để mở rộng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi đầy thách thức sau đại dịch COVID-19.

Với những thành quả nổi bật, Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch thành phố Đà Nẵng vinh dự được Ủy ban Nhân dân thành phố trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tại Hội thảo, ghi nhận những đóng góp thiết thực của Quỹ vào sự phát triển của ngành du lịch giai đoạn 2020–2025. Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch danh dự của Quỹ cũng được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng tặng Giấy khen, ghi nhận vai trò quan trọng trong việc sáng lập và điều hành hiệu quả Quỹ trong giai đoạn vừa qua.
Nhân sự kiện tổng kết chặng đường phát triển và hoạt động của Quỹ vừa qua, xác lập định hướng chiến lược cho giai đoạn 2025–2030 trong bối cảnh Đà Nẵng bước vào thời kỳ phát triển mới, sau sáp nhập hành chính, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị: “Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch thành phố và Hiệp hội Du lịch thành phố tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu, vận động các doanh nghiệp chung tay cùng thành phố phát triển du lịch Đà Nẵng trong kỷ nguyên mới, khẳng định vị thế của du lịch thành phố Đà Nẵng trên bản đồ du lịch thế giới”. Với tầm nhìn và sự kỳ vọng đó, Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch TP.Đà Nẵng được nhìn nhận sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò cầu nối liên kết hiệu quả giữa chính quyền, doanh nghiệp và các đối tác trong nước và quốc tế.
Du lịch Đà Nẵng (mới) trong kỷ nguyên mới: Hội nhập – bứt phá – Tầm nhìn phát triển hoàn toàn mới
Hội thảo “Du lịch Đà Nẵng trong kỷ nguyên mới: Hội nhập và bứt phá” cũng là hội thảo chuyên ngành đầu tiên, được tổ chức, sau khi chủ trương sáp nhập 2 đơn vị hành chính Đà Nẵng và Quảng Nam đã rõ. Hội thảo tập trung định vị lại sứ mệnh, tầm nhìn và trọng trách của Quỹ nói riêng; ngành Du lịch Đà Nẵng nói chung trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Nhất là khi thành phố Đà Nẵng được mở rộng cả về quy mô địa lý và định hướng chiến lược theo chủ trương sáp nhập với tỉnh Quảng Nam của Trung ương.
Trong khuôn khổ Hội thảo, lần đầu tiên, Chi hội Điểm đến Sự kiện Đà Nẵng (DECA) chính thức ra mắt, đánh dấu một bước tiến mới trong chuyên nghiệp hóa và nâng tầm lĩnh vực du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo, khen thưởng và sự kiện) tại thành phố.
Điểm đặc biệt là Chi hội DECA quy tụ các doanh nghiệp lớn của thành phố Đà Nẵng – tỉnh Quảng Nam (hiện tại) trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, lữ hành MICE, khách sạn, trung tâm hội nghị và các dịch vụ hỗ trợ liên quan. Với tầm nhìn “về chung một nhà”, các thành viên DECA cùng cam kết hợp tác chặt chẽ để xây dựng hệ sinh thái dịch vụ MICE chất lượng cao, trong bối cảnh phát triển mới.

Các tham luận chính của Hội thảo do các diễn giả uy tín gồm PGS.TS Phạm Trung Lương,nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch; TS.Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam; ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty The Outbox Company và Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch TP. Đà Nẵng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng trình bày, đã đi sâu vào các chủ đề trọng tâm bao gồm cơ hội mới, thách thức mới trong định vị thương hiệu và thị trường du lịch của thành phố Đà Nẵng (mới) ; làm gì trước cơ hội khai thác tài nguyên du lịch và cơ sở hạ tầng lớn hơn, rộng hơn, và phong phú hơn trước? sau sáp nhập hành chính.
Phát biểu tại hội thảo, TS.Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản trong bối cảnh Đà Nẵng – Quảng Nam bước vào giai đoạn phát triển mới sau sáp nhập hành chính.
Theo TS.Hồng, một trong những trăn trở lớn hiện nay là làm sao để sau khi sáp nhập, lĩnh vực văn hóa – du lịch của thành phố Đà Nẵng (mới) có thể tận dụng tốt thời cơ để bứt phá. Ông khẳng định: “Du lịch chỉ có thể phát triển bền vững khi được xây dựng trên nền tảng các giá trị văn hóa. Việc khai thác và phát triển du lịch phải đi đôi với bảo tồn và phát huy di sản”.
Từ góc nhìn thực tiễn, người đứng đầu ngành văn hóa – du lịch Quảng Nam cho rằng, để hiện thực hóa định hướng này, thành phố cần tập trung nguồn lực đầu tư vào một số lĩnh vực mũi nhọn. Cụ thể, cần sớm triển khai các dự án lớn như cảng biển du lịch quốc tế, cảng du thuyền đẳng cấp, trung tâm mua sắm kết hợp giải trí (outlet) phục vụ khách du lịch và phát triển công nghiệp văn hoá gắn với bản sắc địa phương.
Đặc biệt, TS. Hồng nhấn mạnh đến tiềm năng khai thác các tuyến du lịch đường sông, một lợi thế lớn của vùng Đà Nẵng – Quảng Nam sau sáp nhập. Theo ông, cần thiết xây dựng các hành trình tham quan kết nối di tích lịch sử, không gian văn hóa ven sông, tạo điểm nhấn mới cho sản phẩm du lịch địa phương và mang lại trải nghiệm độc đáo cho du khách.
Phát biểu của TS. Nguyễn Thanh Hồng góp phần định hình một tầm nhìn phát triển du lịch Đà Nẵng (mới) theo hướng bền vững, bản sắc và hội nhập, đồng thời khẳng định vai trò của liên kết vùng trong chiến lược xây dựng Đà Nẵng (mới) trở thành điểm đến tầm khu vực và quốc tế trong giai đoạn mới.
Mỗi địa phương hiện đã có quy hoạch khu, điểm du lịch, sắp tới khi không gian địa lý không còn sẽ thực hiện quy hoạch lại và xây dựng đề án phát triển mới ra sao?. Điểm đến Đà Nẵng (mới) sẽ tăng cường liên kết chuỗi cung ứng dịch vụ cấp vùng, cũng như thực hành ứng dụng chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch, với những bước đi theo lộ trình như thế nào, song song với công tác xúc tiến quảng bá; phát triển sản phẩm (mới) phù hợp hơn.
Hội thảo trở thành cơ hội quan trọng để cộng đồng quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp cùng nhìn lại hành trình phát triển của ngành du lịch 2 tỉnh, thành Đà Nẵng – Quảng Nam thời gian vừa qua, ưu thế về nguồn lực đã tạo dựng được. Nay cùng xây dựng tầm nhìn chiến lược với chuỗi đề xuất, sáng kiến mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
“Trước đây, Đà Nẵng từ vị trí trung chuyển, chuyển sang cửa ngõ, rồi định hình là điểm đến. Nay với chủ trương sáp nhập Đà Nẵng-Quảng Nam, tôi cho rằng, Đà Nẵng (mới) thực sự định vị là một điểm đến hàng đầu của Việt Nam, là “Cửa ngõ” của Du lịch Việt Nam ở miền Trung, một Trung tâm du lịch quốc gia mang tầm khu vực Đông Nam Á và quốc tế, PGS.TS Phạm Trung Lương phân tích. Ông cũng nói thêm, chủ trương sáp nhập Đà Nẵng – Quảng Nam sẽ mang đến cho Đà Nẵng (mới) nhiều nguồn lực, kể cả kinh nghiệm quản lý ở mỗi địa phương thời gian qua. Trong đó với tỉnh Quảng Nam, có một giải thưởng đáng lưu ý và tự hào, đó là giải thưởng được quốc tế trao tặng: Cơ quan quản lý du lịch địa phương hàng đầu châu Á.

Lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, Quảng Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chi hội Du lịch MCIE Việt Nam, trong phần thảo luận sâu, đã đề xuất cần sớm định vị thị trường và hình thành hệ sinh thái sản phẩm du lịch bền vững, khi không gian, lẫn hạ tầng kỹ thuật Đà Nẵng (mới) có nhiều tài nguyên, đa dạng hơn không gian du lịch mở rộng; Tập trung xúc tiến mở mới thêm đường bay và tổ chức sự kiện thu hút khách thành phố Đà Nẵng (mới) theo nhìn nhận của các chuyên gia, trở thành 1 trong 3 địa phương có đến 2 sân bay nhưng là địa phương duy nhất có cả 2 sân bay quốc tế (Đà Nẵng, Chu Lai), và đề xuất các giải pháp sát thực tiễn và ý tưởng đổi mới cho Du lịch cho giai đoạn 2025–2030.
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, cần xây dựng hình ảnh, thương hiệu điểm đến mới dựa trên việc làm sâu sắc hơn thương hiệu điểm đã có: Đà Nẵng: Điểm đến sự kiện, sáng tạo và năng động hàng đầu khu vực và thế giới; Quảng Nam: Điểm đến du lịch di sản văn hóa, và xanh hàng đầu khu vực. Một cơ hội vàng để làm cho “Văn hóa Xứ Quảng” trở nên trọn vẹn và giàu bản sắc hơn.

Một vấn đề đặt ra mà PGS.TS Phạm Trung Lương nhấn mạng rằng, ông đã luôn trăn trở, đề xuất nhiều lần: Đó là phải đầu tư mạnh mẽ hơn về hạ tầng giao thông, trong xu thế liên kết du lịch, đặc biệt với Huế, Quảng Trị và xa hơn là các điểm đến trên tuyến du lịch Hành lang Đông Tây.
Ngay như với (nội vùng) Đà Nẵng (mới), khi không gian mở rộng gấp 10 lần, đường bờ biển tăng gấp 3 lần, du lịch biển sẽ mạnh lên, gắn với phát triển kinh tế biển, thì phải tính đến hạ tầng giao thông ngay trong địa phương. Khách du lịch tàu biển thường chỉ có 1 ngày khám phá, trải nghiệm. Vậy 1 ngày thì đi đâu, liệu có đến được với không gian văn hóa đầy bản sắc ở vùng tây Quảng Nam hiện nay không?
Hội thảo “Du lịch Đà Nẵng trong kỷ nguyên mới – Hội nhập và bứt phá” đã diễn ra thành công, ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc từ các chuyên gia, doanh nghiệp và đại diện ngành du lịch trong nước. Các tham luận tập trung phân tích tiềm năng, cơ hội và định hướng phát triển bền vững cho du lịch Đà Nẵng trong giai đoạn chuyển mình sau sáp nhập hành chính.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều đại biểu băn khoăn là tại một sự kiện quan trọng mang tính chiến lược này, việc thiếu vắng tham luận từ lãnh đạo cao nhất của Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Đà Nẵng khiến nhiều ý kiến kỳ vọng về tầm nhìn, định hướng cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước chưa được phản ánh đầy đủ tại hội thảo.
Dù vậy, với những đóng góp thiết thực từ cộng đồng chuyên gia và doanh nghiệp, hội thảo vẫn được đánh giá là bước khởi đầu quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch Đà Nẵng – Quảng Nam một cách toàn diện và hiệu quả trong kỷ nguyên mới.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, thiết thực từ các chuyên gia, tổ chức du lịch và cộng đồng doanh nghiệp. Bà khẳng định: “Qua phiên hội thảo hôm nay, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ các chuyên gia, tổ chức du lịch và các doanh nghiệp, nhằm phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng một cách bền vững, hiệu quả trong giai đoạn mới”.
“Những kiến nghị, đề xuất tại hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố nghiên cứu, tiếp thu, đưa vào chiến lược phát triển du lịch thời gian tới, hướng đến xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn, năng động, giàu bản sắc văn hóa và có sức cạnh tranh khu vực”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi nhấn mạnh.
Trần Ngọc