ASEAN news – Trong năm 2020 và 2021, dịch Covid-19 đã gây thiệt hại không nhỏ đối với du lịch- ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng. Cùng với việc khắc phục khó khăn, đã đến lúc “Thành phố của những cây cầu” cần những bước đi mới mẻ, tạo sự chuyển mình mạnh mẽ và ổn định.
Lao động mất việc, doanh nghiệp khó khăn
Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng- Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du dịch Việt Nam (Vitours), dịch Covid-19 thực sự khiến ngành du lịch miền Trung nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng lâm vào tình trạng “kiệt quệ”. Mặc dù chính quyền địa phương, các ngành chức năng và doanh nghiệp đã có kế hoạch đưa ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của du khách khi dịch bệnh kết thúc nhưng dự báo sẽ rất khó có sự “bùng nổ” bởi đây là mùa thấp điểm du lịch nội địa.
Trao đổi với phóng viên của Tạp chí Đông Nam Á, ông Nguyễn Minh- Tổng Giám đốc Khách sạn Seven Sea (đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà) cho biết: Khách sạn đặt mục tiêu doanh thu cho năm 2020 là 39 tỷ đồng. Nhưng đến hết năm 2020 doanh thu mới chỉ đạt hơn 3 tỷ đồng, chỉ bằng doanh thu trung bình một tháng ở thời điểm chưa có dịch Covid-19. Do phải thường xuyên đóng cửa bởi dịch Covid-19, hàng trăm nhân viên, người lao động của khách sạn phải nghỉ việc không lương.
Đó cũng là tình trạng chung của các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn TP Đà Nẵng. Doanh nghiệp khốn khó dẫn tới người lao động mất việc làm và không có nguồn thu nhập ổn định. Chị Phạm Thị Duyên (quận Hải Châu) là người đã làm nhân viên dọn buồng khách sạn gần 10 năm chia sẻ: “Thời gian đầu dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi phải cắt giảm ngày công ở khách sạn. Ít lâu sau thì phải nghỉ việc tạm thời. Hiện tại, tôi và nhiều đồng nghiệp chuyển sang làm nhân viên cho các cửa tiệm ăn uống, cà phê với mức thu nhập thấp, chỉ đủ trang trải một phần cuộc sống”.
Theo số liệu do Sở Du lịch Đà Nẵng cung cấp, năm 2020, tổng số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 2,7 triệu lượt (giảm 62,6% so với năm 2019; trong đó khách quốc tế
giảm 69,2%, nội địa giảm 58,4%), doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt hơn 15 ngàn tỷ đồng (giảm 40,7% so với năm 2019). Tính đến thời điểm bùng phát dịch bệnh lần 2 tại Đà Nẵng, đã có 93% tổng số doanh nghiệp lĩnh vực du lịch (tương ứng với 1.746 đơn vị) phải tạm dừng hoạt động, kéo theo đó là hàng vạn lao động mất việc làm. Cách xử lý khách du lịch thời điểm đó còn bị động do chưa có kinh nghiệm trong sự phối hợp đồng bộ của chính quyền với các hãng lữ hành và khách lẻ, dẫn đến dễ phát tán dịch bệnh đến các địa phương khác . Đến thời điểm hiện tại, tuy đã có hơn 70% doanh nghiệp du lịch (tương đương với hơn 1.000 đơn vị) bắt đầu hoạt động nhưng hầu hết trong trạng thái cầm chừng.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, chính quyền TP Đà Nẵng đã thực hiện nhiều giải pháp như tiến hành rà soát, đánh giá lại hoạt động của các doanh nghiệp, tình hình thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và thành phố. Từ đó, báo cáo và đề xuất các giải pháp hỗ trợ lao động thất nghiệp, hỗ trợ cho vay ưu đãi, đề xuất ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ… Ngoài ra, TP Đà Nẵng áp dụng giảm 50% mức thu phí cấp đổi thẻ cho 580 hướng dẫn viên (trị giá hơn 188 triệu đồng); mức thu
phí cấp, cấp đổi Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa cho 9 doanh nghiệp (trị giá 13 triệu đồng) theo quy định tại Thông tư số 35/2020/TT-BTC ngày 05/5/2020 của Bộ Tài chính. Thành phố phối hợp với Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng xác nhận thủ tục và danh sách cơ sở lưu trú để áp dụng giảm giá điện cho khoảng 1.000 cơ sở (với tổng số tiền giảm đến tháng 6/2020 khoảng gần 10 tỷ đồng). Bên cạnh đó, thành lập Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng để hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thị trường; tổ chức các chương kích cầu du lịch nhằm thu hút khách hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức quảng bá xúc tiến theo hình thức trực tuyến (webinar) đối với các thị trường Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Singapore và Malaysia để trao đổi tình hình du lịch, các doanh nghiệp gặp gỡ thông tin giới thiệu về kế hoạch và sản phẩm du lịch mới…
Ông Lê Trung Chinh- Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhận định: Du lịch cần tính đến câu chuyện sống chung an toàn với dịch. Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng cũng là cơ hội để khẳng định hình ảnh Đà Nẵng đồng thuận chống dịch, dù khó khăn nhưng không ai bị bỏ lại phía sau.
Sau Covid-19, rất cần “làn gió mới”
Theo đánh giá của một số chuyên gia, du lịch Đà Nẵng sau một thời gian phát triển “nóng” nếu không có sự thay đổi toàn diện thì sẽ bước vào giai đoạn thoái trào. Trong đó, có ý kiến của ông Nguyễn Văn Hùng- Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phát biểu tại một hội nghị gần đây, chỉ ra những hạn chế của du lịch Đà Nẵng như: Chưa có chiến lược phát triển du lịch dài hạn, thiếu những đề án quy mô làm điểm nhấn mang tầm quốc tế; chưa
thực sự chú trọng vào việc liên kết vùng miền để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn (big data) dẫn tới du khách còn gặp nhiều khó khăn khi khai thác, tiếp cận thông tin.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Đông Nam Á về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Bình- Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng thừa nhận những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tạo ra nhiều áp lực với ngành du lịch địa phương. Sau dịch, thật sự rất cần những giải pháp tổng thể để tạo ra “làn gió mới”. Về định hướng phát triển du lịch trong Quy hoạch thành phố giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Tổ chức lại không gian du lịch của Đà Nẵng theo hướng biển và mở rộng về phía Tây; cấu trúc lại các “không gian chức năng”, xác định các khu vực trọng điểm du lịch; mở rộng “ranh giới mềm” của không gian du lịch Đà Nẵng trong mối liên kết với các địa phương phụ cận Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, trong khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, thành phố tập trung điều chỉnh lại cơ cấu thị trường. Trước mắt ưu tiên tập trung thị trường nội địa và phát động phong trào “Người Đà Nẵng đi du lịch Đà Nẵng”. Chuẩn bị các điều kiện khôi phục hoạt động du lịch quốc tế với việc xây dựng phương án thí điểm đón và phục vụ khách quốc tế tập trung vào thị trường khách du lịch golf, khách nghỉ dưỡng cao cấp, khách chơi casino, khách thương mại từ các nước kiểm soát dịch bệnh tốt. Về lâu dài, du lịch Đà Nẵng đặt mục tiêu cơ cấu lại thị trường khách quốc tế theo hướng tăng tỷ lệ khách từ thị trường ASEAN lên 25%; các thị trường xa (Bắc Mỹ, châu Âu và Châu Đại Dương) lên 30%; giảm tỷ lệ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc xuống 40%; các thị trường khác điều chỉnh ở mức 5%, trong đó chú trọng khai thác một số thị trường tiềm năng mới nổi mà du lịch Việt Nam mới thiết lập quan hệ như Ấn Độ, Israel…
Đà Nẵng cũng xác định 4 nhóm sản phẩm chủ lực, gồm: Du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, vui chơi giải trí, golf, hội nghị hội thảo (MICE); du lịch văn hoá, lịch sử,
tâm linh, cộng đồng, sinh thái (gắn với nông nghiệp công nghệ cao) và du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực. Triển khai Đề án phát triển kinh tế ban đêm đã được UBND TP phê duyệt. Về đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng du lịch, Đà Nẵng huy động các nguồn lực để đẩy mạnh triển khai mở rộng sân bay, đầu tư cảng biển du lịch, xây dựng bến tàu, cầu tàu, điểm dừng chân phục vụ du lịch đường thủy… Cơ cấu lại hệ thống các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng chuyên nghiệp và đủ năng lực cạnh tranh quốc tế để khai thác hiệu quả các nguồn khách quốc tế truyền thống và tiềm năng.
THE CUONG – NGUYEN SON