Sau những giấc “ngủ đông dài ngày”, ngành du lịch khắp mọi miền đất nước đã thức giấc … Ngày 15 tháng 3 năm 2022 trở thành ngày khai sinh trở lại cho mọi hoạt động du lịch, dịch vụ, trên cả nước. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, sau thách thức là những cơ hội. Nhưng cơ hội chỉ đến với những ai biết tranh thủ, tận dụng cơ hội. Ngành Du lịch Đà Nẵng đã và đang “tạo nét khác biệt”, tận dụng cơ hội vàng lần này ra sao ?
Sản phẩm mới và làm mới sản phẩm từ chuyển đổi số
“Tạo nên giá trị mới từ sản phẩm mới, và làm mới sản phẩm đã có, chính là cách Đà Nẵng tiếp cận với cơ hội vàng, sau giai đoạn khá dài gánh chịu tác động từ giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch…” – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình nhấn mạnh.
Để tạo nên giá trị mới từ sản phẩm mới, Đà Nẵng chọn những hướng tiếp cận theo xu thế chuyển đổi số. Vr 360 là một ví dụ.
Đây là sản phẩm hoàn toàn mới của du lịch Đà Nẵng, theo xu thế chuyển đổi số, phù hợp mô hình du lịch thông minh. Sự trải nghiệm mà du khách cần đến , gần như được đáp ứng tức thời qua một điện thoại thông minh. Vr 360 – Một chạm đến Đà Nẵng chính thức ra mắt vào dịp Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức chương trình triển khai kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch trong giai đoạn bình thường mới (28/10/2021).
“Tour du lịch thực tế ảo VR360 chính là giải pháp thiết thực nhất mà chúng tôi và đối tác triển khai. Tận dụng các giải pháp công nghệ, Vr 360 đã cung cấp thêm một cách tiếp cận điểm đến, có giá trị như trải nghiệm thực, góc nhìn vừa cận cảnh vừa toàn cảnh, để nói lên được tầm vóc giá trị du lịch Đà Nẵng”– Bà Nguyễn Thị Hoài An,Giám đốc Trung tâm (TT) Xúc tiến (XT) Du lịch Đà Nẵng cho biết.
“Một chạm đến Đà Nẵng” là hệ thống du lịch ảo, đăng nhập dễ dàng tại địa https://vr360.danangfantasticity.com, hỗ trợ người dùng thoả thích trải nghiệm một tour khám phá Đà Nẵng, qua nhiều điểm tham quan, nghỉ dưỡng nổi tiếng. Các địa danh, điểm đến được chọn giới thiệu, xuất hiện hình ảnh đa góc nhìn đầy sống động, bắt mắt. Ứng dụng này tích hợp web 3D (ứng dụng công nghệ Scan 3D và VR360)… cho hiệu ứng thị giác khác lạ về một điểm đến.
Nhiều tính năng ưu việt cũng được tích hợp sẵn. Đó là chức năng thuyết minh tự động (với 2 ngôn ngữ Anh – Việt); hay Chat trực tiếp (với Trung tâm hỗ trợ du khách , nếu du khách đang trải nghiệm Vr 360, cảm thấy cần được hỗ trợ thêm thông tin liên quan đến tour trải nghiệm); Chụp ảnh (nếu du khách cảm thấy thích một điểm đến nào đó trong tour trải nghiệm Đà Nẵng, thông qua tính năng chụp ảnh, có thể lưu giữ khoảnh khắc thích thú đó).
Vr 360 cũng là “người bạn chỉ dẫn đường” tuyệt vời cho du khách, ngay tại từng điểm tham quan, hay xa hơn là di chuyển từ địa danh này sang điểm đến khác, với mỗi cú click.
“Xu hướng đi du lịch sắp tới của khách hàng sẽ ưu tiên theo các lựa chọn là điểm đến an toàn (bao hàm cả sức khỏe, an ninh), kế đến là chất lượng dịch vụ được cung cấp, và sau cùng, lại là điều không thể thiếu. Đó là mọi tham khảo, đánh giá cũng như xúc tiến đặt dịch vụ phải nhanh chóng, tin cậy theo hình thức trực tuyến.
Chuyển đổi số được khẳng định là một trong những nhiệm vụ chính trong kế hoạch khôi phục du lịch trong tình hình mới của du lịch Đà Nẵng” – bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nhấn mạnh.
Vr 360 là một trong những nỗ lực của ngành du lịch Đà Nẵng để trong bối cảnh dù phải “ngăn”, nhưng sẽ “không có cách”. Du khách quốc tế chưa thể đến Việt Nam do các quy định cấm di chuyển, đi lại còn chưa được nới lỏng. Các đoàn khách nội địa thì còn e dè bởi nhiều lý do. Nhưng Đà Nẵng với du khách không hề có khoảng cách. Chỉ cần ở một nơi có kết nối internet, du khách vẫn gặp Đà Nẵng trên không gian mạng.
Nhớ lại những ngày mở cửa đón khách rồi lại vội vã đóng cửa, tiễn khách về, do diễn biến không thể lường của VOVID-19, mới cảm nhận sâu sắc, rằng ngành du lịch Đà Nẵng đã kiên trì “đeo bám không gian mạng” để “Đà Nẵng luôn luôn bên du khách” và làm sao “khi hết dịch, du khách nhớ ngay đến Đà Nẵng !” …
Chương trình livestream MĂM MĂM ĐÀ NẴNG (phát sóng lúc 16h00-17h00 các ngày thứ Bảy 10,17,24/7/2021 trên Fanpage, Tik tok Danang Fantasticity và Fanpage Helen’s Recipes), là một trong nhiều cố gắng. “Mai nầy hết dịch, vào Đà Nẵng, ra Đà Nẵng sẽ ăn gì?..” – livestream MĂM MĂM ĐÀ NẴNG, giúp du khách tự tìm cho mình câu trả lời
Phối hợp cùng Food Blogger Lê Hạ Huyền (KOL Helen Lê), thông qua kênh ẩm thực Helen’s Recipes, để thực hiện; TTXT Du lịch Đà Nẵng mong muốn gửi đi những thông điệp gợi nhớ cho du khách, về điểm đến Đà Nẵng. Biên tập viên và đầu bếp là hai nhân vật chính, đưa “du khách” bước vào hành trình khám phá du lịch Đà Nẵng, cũng như hướng dẫn chế biến, thưởng thức những món ăn, ẩm thực riêng có của thành phố bên sông Hàn.
“Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid trên cả nước, hiện nay các địa phương lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và vùng lân cận đã và đang thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội, khách du lịch không thể xê dịch và khám phá ẩm thực.
Mỗi kỳ tương tác, chương trình livestream “Măm măm Đà Nẵng” mang đến cho người theo dõi những chia sẻ thú vị về các món ẩm thực đặc trưng như bánh xèo, bún chả cá, mỳ quảng…. Bởi ngoài hải sản, đây là những món ăn rất phổ biến đối với người dân và du khách khi trải nghiệm tại Đà Nẵng…”- những bạn trẻ thực hiện chương trình giải thích.
Livestream MĂM MĂM ĐÀ NẴNG như một khởi động, rút kinh nghiệm để “Danang Now Open – Đà Nẵng đón bạn trở lại” – chương trình livestream quảng bá du lịch Đà Nẵng, trên nền tảng Facebook và Tiktok của du lịch Đà Nẵng (Danang Fantasticity), có buổi phát sóng trực tuyến ấn tượng (ngay buổi đầu tiên) lúc 16h00 ngày 20/11.
Không chỉ trải nghiệm cảnh quan xinh đẹp hai bên bờ sông Hàn; chương trình còn cung cấp và giải đáp thông tin, quy định của UBND thành phố Đà Nẵng đối với người từ địa phương khác, đi đến/về thành phố Đà Nẵng (trong giai đoạn mở cửa đón du khách quay trở lại), phương án thí điểm đón và phục vụ khách quốc tế đến với Đà Nẵng.
Hoạt động tương tác cùng du khách cuối cùng của năm 2021 mà Ngành Du lịch Đà Nẵng “bung ra” là cuộc thi ảnh “Danang in My Heart” (bắt đầu từ 15/11 đến 20/12/2021). Đây là một chiến dịch truyền thông xã hội, lan tỏa hình ảnh điểm đến Đà Nẵng, khơi dậy cảm xúc và mong ước thực hiện hành trình du lịch đến Đà Nẵng dành cho du khách Hàn Quốc. Người dự thi chỉ cần chia sẻ những khoảnh khắc đẹp (hình ảnh/ đoạn phim) về chuyến đi Đà Nẵng mà mình đã thực hiện, cùng từ khóa cuộc thi (#dananginmyheart), và tìm kiếm thật nhiều lượt yêu thích từ cộng đồng Instagram.
2022, “bùng nổ” chuyển đổi số từ những dự án hợp tác với “ông lớn”
Năm 2022, trong chuỗi những nỗ lực hợp tác, thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch nhằm thu hút khách đến Đà Nẵng, trước mắt đẩy nhanh quá trình hồi phục của du lịch, … TTXT Du lịch Đà Nẵng và Công ty TNHH Du lịch Klook Việt Nam đã sớm ký kết một thỏa thuận.
“Chuyển đổi số đã trở thành yêu cầu cấp bách và quan trọng, tác động đến nhiều hoạt động khôi phục du lịch trong tình hình mới. Chuyển đổi số mang đến sự đơn giản hóa trong tiếp cận các dịch vụ, và khách hàng cũng nhận được nhiều hơn tiện ích, nhờ chuyển đổi số. Hợp tác cùng Công ty TNHH Du lịch Klook Việt Nam, ngành Du lịch Đà Nẵng đã tiến thêm một bước trong cụ thể hóa yêu cầu chuyển đổi số, nâng cao thêm ứng dụng và tạo nên một môi trường chia sẻ, cung ứng đa dịch vụ trên không gian mạng, làm hài lòng mọi khánh hàng.
Từ thành công của Danang fantasticity (Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng – //danangfantasticity.com/), sau đó là hợp tác với Viettel (trong hỗ trợ chuyển đổi số, với 3 nội dung xây dựng nền tảng sàn giao dịch trực tuyến; hội chợ du lịch trực tuyến và thẻ du lịch thông minh), hợp tác với Klook Việt Nam, sẽ đưa Ngành Du lịch Đà Nẵng vươn xa” – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình phân tích.
Đồng hành cùng Klook Việt Nam, du lịch Đà Nẵng “thỏa sức hòa mình” cùng hơn 280.000 hoạt động và dịch vụ du lịch tại hơn 500 điểm đến khác nhau trên nền tảng Klook. Mỗi ngày, các “tín đồ du lịch” trên toàn cầu, để thỏa mãn niềm đam mê du lịch và khám phá của mình, đã đều dành một thời gian nhất định, dạo trên không gian thực tế ảo này.
Một minh chứng cụ thể, là các dịch vụ của Klook đã phải phát triển lên đến hơn 14 ngôn ngữ, trong giao dịch phải thực hiện hỗ trợ cho 41 loại tiền tệ khác nhau. Hệ thống này đã phát triển với 28 văn phòng trên toàn cầu.
“Hy vọng một chương mới của hành trình truyền thông du lịch Đà Nẵng qua mạng xã hội, sẽ được TTXT Du lịch Đà Nẵng và GDL JSC mở ra từ hôm nay” – lãnh đạo ngành du lịch Đà Nẵng khẳng định đầy lạc quan, tại sự kiện chính thức ký kết thỏa thuận, tăng cường hợp tác, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch với CTCP Truyền thông đa phương tiện GDL (Công ty GDL JSC), diễn ra hôm 18/3/2022.
Bắt tay cùng GDL JSC, thực sự ngành du lịch Đà Nẵng đã muốn viết một chương mới trên hành trình tìm kiếm những phân khúc mới trên thị trường du khách. Thế hệ Z, được xác định: là một trong những nhóm du khách đầy tiềm năng đối với du lịch Đà Nẵng.
Thế hệ Z, hay Gen Z, được xác định có khoảng 2,6 tỷ người trên toàn thế giới, chiếm khoản ⅓ dân số. Tại Việt Nam, Gen Z đang chiếm khoảng 25% lực lượng lao động quốc gia, tương đương với khoảng 15 triệu người.
Du lịch Đà Nẵng sẽ tìm đến thế hệ Z, Gen Z thông qua kết nối với các KOL, Micro Infuencer, Tiktoker. Những gì sôi động và chân thật nhất về điểm đến Đà Nẵng, thông qua các nền tảng mạng xã hội, (mà các KOL, Micro Infuencer, Tiktoker, … sử dụng), sẽ lan tỏa rộng rãi. Truyền thông quảng bá du lịch Đà Nẵng đã đổi mới theo hướng đi tìm đối tượng khách hàng mới.
Những cuộc tập dượt lớn, và động lực khi có những người bạn đồng hành mạnh mẽ, đã dẫn dắt Đà Nẵng mạnh tay tổ chức hội chợ trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam (Danang FantastiCity 2022, bắt đầu từ chiều 17/3/2022 và diễn ra trong một tuần, đến 25/3/2022).
Trong phiên đầu tiên kết nối (diễn ra từ 15h30 đến 17h00 chiều 17/3), các nhà triển lãm trong nước với các đối tác mua quốc tế đã có 250 cuộc hẹn/ hơn 500 cuộc hẹn gặp đã đăng ký. Thông tin về chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch của Việt Nam, cũng như giới thiệu gói sản phẩm du lịch mới, cùng các trao đổi nhằm kết nối cung ứng đa dịch vụ, sẵn sàng để đón du khách quốc tế, thúc đẩy giao dịch các bên đã diễn ra suôn sẻ.
Hội chợ du lịch trực tuyến Danang FantastiCity 2022 (tại hai địa chỉ danangfantasticity.com hoặc travelbook.vn/danang) đã cung cấp một nền tảng kết nối ưu việt để hơn 150 nhà triển lãm và 60 đối tác mua quốc tế được gặp gỡ. Lần này, ngành du lịch thành phố biển bắt tay cùng Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel.
Để quảng bá điểm đến du lịch Đà Nẵng, cũng như chuỗi liên kết miền Trung, Ban tổ chức đã thực hiện một Tour tham quan ảo, trực tiếp trên fanpage Danang FantastiCity. Và có cả một khung “Giờ vàng giá sốc” thu hút sự quan tâm của du khách.
Tầm nhìn Routes Asia
Với những sẵn sàng cho ngày mở cửa trở lại, bao nỗ lực của ngành du lịch Đà Nẵng suốt trong năm 2021, trải dài đến quý I năm 2022 rồi cũng được đền đáp. Những tín hiệu tích cực, lạc quan đã xuất hiện trên biểu đồ phát triển du lịch Đà Nẵng.
Từ tháng 11/2021, Đà Nẵng là 1 trong 5 địa phương được phép mở cửa đón khách du lịch, sau khi đợt dịch thứ tư (năm 2021) được kiểm soát.
Và trong 2 ngày 10 và 11/12/2021, Đà Nẵng đã có sự kiện MICE đầu tiên, khi thành phố chuyển trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, với sự có mặt tham dự của 500 đại biểu.
Chiều ngày 18/3/2022, tại Công viên Biển Đông-Đà Nẵng, cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng Manulife 2022 chính thức khai mạc, trở thành sự kiện có quy mô đông người tham dự nhất; sự kiện thể thao – du lịch đầu tiên kể từ khi thành phố Đà Nẵng chuyển trạng thái “bình thường mới, thích ứng linh hoạt”. Trong 2 năm 2020 và 2021, “một trong những sự kiện marathon nổi bật nhất Việt Nam – đường chạy marathon đẹp nhất châu Á”, đã phải hủy, do tác động của dịch bệnh COVID – 19.
Diễn ra liên tiếp trong 2 ngày 19 và 20/3, giải Marathon quốc tế Đà Nẵng Manulife 2022 đã chứng kiến cảm xúc của nhiều VĐV đã “phải đợi đến 2 năm, mới gặp lại Đà Nẵng”.
Một tuần sau đó, ngày 27/3/2022, thành phố Đà Nẵng như hồi sinh mạnh mẽ hơn mọi hoạt động dịch vụ du lịch trong không khí tưng bừng, nhộn nhịp và sôi động của cùng lúc 2 sự kiện lớn: Chào mừng mở lại đường bay quốc tế và Ngày hội khinh khí cầu.
“Với phương châm mở cửa, từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế trong trạng thái bình thường mới, vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19, bảo đảm Đà Nẵng luôn là một điểm đến thân thiện và thực sự an toàn; chúng tôi xác định tầm nhìn đến năm 2023, Đà Nẵng sẽ khôi phục lại tất cả các đường bay quốc tế như năm 2019.
Thành phố sẽ nỗ lực kết nối với các đối tác, tổ chức nhiều sự kiện MICE, thể thao, du lịch có tầm cỡ châu lục và quốc tế như Diễn đàn phát triển đường bay châu Á (Routes Asia) 2022 (vào tháng 6) ; Giải IRON MAN quốc tế (tháng 5) và giải Golf quốc tế (tháng 9), nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Đà Nẵng” – Phó Chủ tịch UBND thành phố, ông Trần Phước Sơn chia sẻ tầm nhìn.
Trong niềm vui mở lại đường bay quốc tế đến sân bay Đà Nẵng, nếu Việt Nam là quốc gia đầu tiên, thì Đà Nẵng là “thành phố đầu tiên của Việt Nam được Singapore Airlines chính thức kết nối, mở lại đường bay quốc tế”. Thông tin trên được chính Trưởng đại diện Singapore Airlines tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Bảo An, chia sẻ tại sự kiện “Chào mừng mở lại đường bay quốc tế “ (diễn ra ngày 27/3/2022).
“Các hoạt động mang tính kích cầu du lịch, các sự kiện đã và đang được chuẩn bị để diễn ra đúng vào mùa hè năm 2022, sau 2 năm chúng tôi phải tạm hoãn hay hủy rất nhiều sự kiện và hoạt động. Trong kế hoạch gần, Đà Nẵng đã sẵn sàng để cùng với nhà đầu tư khai trương tuyến du lịch đường biển Đà Nẵng – Lý Sơn …; tiếp đó, chúng tôi sẽ tổ chức giải đua thuyền buồm lần đầu tiên trên sông Hàn.
Đối với sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á (Routes Asia) 2022, Đà Nẵng đã từng có kinh nghiệm khi đăng cai tổ chức Tuần lễ cấp cao diễn đàn APEC vào năm 2017.
Với hạ tầng kỹ thuật đã có, các kịch bản chuẩn bị cho sự kiện được kế thừa khi đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, chắc chắn Đà Nẵng một lần nữa sẽ tổ chức thành công Routes Asia 2022, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các đại biểu trong và ngoài nước, đặc biệt là đại biểu cấp cao quốc tế” – ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định thêm.
Ông Steven Smalls, Giám đốc Routes, Vương quốc Anh, cũng đã có lời “Chúc mừng Đà Nẵng đã được chọn, là thành phố đầu tiên của Việt Nam đăng cai sự kiện Routes Asia 2022. Chúng tôi sẽ phối hợp với thành phố để hoàn thiện các mục tiêu phát triển dịch vụ hàng không, nâng cao hình ảnh thương hiệu và đóng góp cho việc hiện thực hóa quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế, xã hội thành phố Đà Nẵng”
Một nghiên cứu được tiến hành bởi tổ chức tư vấn độc lập cho thấy, các sự kiện Routes trước đây, đã tạo ra một mạng lưới vững chắc cho sự phát triển của điểm đến đăng cai, nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh cùng khu vực. Và Đà Nẵng đang nỗ lực để tận dụng cơ hội Routes Asia 2022. Một cơ hội không phải địa phương nào cũng có thể chạm tay đến
“Đà Nẵng được lựa chọn sau quá trình lựa chọn rất nghiêm ngặt từ Routes” – ông Steven Smalls, giải thích thêm.
Thành phố sạch – Điểm đến xanh
“Thành phố sạch – Điểm đến xanh” – “Clean City – Green Destination” trở thành một chương trình hành động mà Đà Nẵng sẽ hướng đến (môt cách trách nhiệm, nghiêm túc, chớ không phải phong trào), kể từ năm 2022. Sự kiện ra quân đầu tiên vừa diễn ra hôm ngày 8 tháng 4 năm 2022, tại Công viên Biển Đông.
Đây cũng là lần đầu tiên, công tác bảo vệ môi trường thành phố được nhìn nhận là một trong những giải pháp hàng đầu, giải pháp tạo nên sức thu hút, tạo nên sức hấp dẫn và giá trị bền vững cho Ngành Du lịch thành phố.
“Đà Nẵng hấp dẫn du khách với những bãi biển đẹp, cảnh quan tự nhiên, các giá trị văn hóa đặc trưng. Đà Nẵng được biết đến vì sự phong phú của ẩm thực, cũng như sự thân thiện của con người. Nay Đà Nẵng còn hấp dẫn hơn, để du khách sẽ quay trở lại lần thứ hai, khi chúng ta mang đến một cảnh quan môi trường luôn xanh – sạch – đẹp, một không gian xanh cho du khách tận hưởng. Hãy cùng giữ cho Đà Nẵng luôn xứng đáng là Clean City – Green Destination” – Tổng Giám đốc điều hành quần thể Furama-Ariyana Đà Nẵng, ông Andre Pierre tha thiết kêu gọi.
Theo ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng (cùng với Sở Du lịch là hai cơ quan chủ trì sự kiện), điều rất đặc biệt, là khi đến với Đà Nẵng, du khách đã nhận được nhiều hơn những gì họ tìm kiếm và cho dù đã hiểu biết bao nhiêu đi nữa, nơi đây vẫn luôn mang lại nhiều điều mới lạ cần trải nghiệm và khám phá.
“Để có được điều đó, các giải pháp đầu tư về hạ tầng và nguồn nhân lực du lịch; công tác xúc tiến, quảng bá, phát triển công nghệ thông tin, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống dịch bệnh hiệu quả; công tác bảo vệ môi trường cũng được xem là một trong những giải pháp ưu tiên nhằm tạo ra cảnh quan môi trường sáng- xanh – sạch – đẹp, một không gian xanh cho sự trải nghiệm”, ông Chương nhấn mạnh.
Sau khi triển khai thực hiện đề án Thành phố Môi trường giai đoạn 2008-2019, và Đà Nẵng là thành phố đầu tiên triển khai đề án này; mới đây, ngày 2/4/2021, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 1099/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố Môi trường giai đoạn 2021-2030.
“Việc thực hiện đề án, nhằm tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao các mục tiêu xây dựng Thành phố môi trường mà Đà Nẵng đã thực hiện trong 12 năm qua; phấn đấu đến năm 2025, thành phố đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái; tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố Đà Nẵng…” TS Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, cho biết.
Lan tỏa từ những mục tiêu rất rõ “vì môi trường – vì con người” mà Đà Nẵng đang hướng đến, nhiều tổ chức cá nhân đã thể hiện tinh thần đồng hành, với những việc làm cụ thể.
Tại giải Marathon quốc tế Đà Nẵng Manulife 2022, Ban tổ chức chính thức công bố nằm trong kế hoạch lâu dài, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, từ năm 2022, chiếc kỷ niệm chương được làm từ những huy chương còn tồn lại. Hay những chiếc túi phụ kiện được làm với các tấm pano được sử dụng trong những mùa trước. Nỗ lực bảo vệ môi trường này nhằm nâng cao ý thức của người tham gia ở rất nhiều cuộc thi marathon khác.
Nói không ngoa, Đà Nẵng đã và đang có những sản phẩm du lịch theo tinh thần “Xanh hóa mỗi hoạt động, khi có thể” đầy ấn tượng.
Cùng với quyết tâm chuyển đổi số, du lịch Đà Nẵng đã và đang từng bước “không chỉ phát triển du lịch cho Đà Nẵng”, mà còn giữ vai trò tác động đến du lịch cả vùng, cũng như trong toàn chuỗi liên kết (với Hà Nội, với Quảng Ninh, mà các tỉnh miền Trung, trong đó có Đà Nẵng, vừa ký kết), như gửi gắm của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Phạm Văn Thủy.
“Đà Nẵng phải có sản phẩm du lịch độc đáo, thể hiện bản sắc riêng, có dấu ấn gợi nhớ cho bản sắc du lịch quốc gia, thậm chí khu vực Đông Nam Á. Đó là một sản phẩm du lịch Đông Nam Á nhưng rất Việt Nam, sản phẩm du lịch mang thương hiệu du lịch Việt Nam, nhưng lại rất Đà Nẵng”, ông Thủy kỳ vọng.
Trần Ngọc