Thứ hai, Tháng mười hai 9, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Du lịch văn hóa – Nhìn từ Đà Nẵng

ĐNA -

Trong những năm gần đây, lĩnh vực du lịch của thành phố Đà Nẵng đã có những bước phát triển rất đáng ghi nhận. Không thể phủ nhận, thành phố đã tích cực đầu tư, đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới, các lễ hội, liên hoan du lịch được  nâng cấp đưa vào hoạt động phục vụ du khách. Môi trường cho du lịch từng bước được cải thiện, nhiều chương trình quảng bá du lịch như tham gia hội chợ, triển lãm du lịch, quảng bá du lịch Đà Nẵng trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản các ấn phẩm du lịch, nguồn nhân lực du lịch được từng bước bổ sung và tăng cường…

Chùa Linh Ứng – Bãi Bụt: Chốn Bình Yên Giữa Lòng Đà Nẵng

Tuy nhiên, sức hấp dẫn của du lịch Đà Nẵng trên thị trường du lịch, đặc biệt là quốc tế vẫn cần phải được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa mới đáp ứng được nhu cầu phát triển cũng như tiềm năng về du lịch của thành phố, trong đó, việc xác định sản phẩm du lịch chủ lực, đặc trưng của Đà Nẵng cần tiếp tục được tập trung mở rộng và phát triển bền vững, nhất là sau giai đoạn phục hồi sau gần 3 năm đình trệ do dịch COVID-19.

Nói đến loại hình du lịch thu hút du khách khá nhiều, nhất là du khách nước ngoài, thì các địa danh lịch sử, văn hóa, các sự tích, truyền thuyết v.v.. thường được quan tâm tìm hiểu, thăm viếng. Về loại hình này, phải nhìn nhận là Đà Nẵng còn “khiêm tốn”, trong khi tiềm năng, lợi thế không phải là ít, chưa nói là khá phong phú. Điểm đến thu hút đông đảo du khách nhất là Bảo tàng Điêu khắc Chăm, sau đó là danh thắng Ngũ Hành Sơn. Các di tích lịch sử, văn hoá, bảo tàng tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa thật sự  tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn. Để khai thác những điểm du lịch hiện có và mở thêm các điểm tham quan mới, trong đó có các địa danh mang tính lịch sử của thành phố không phải là chuyện ngoài tầm tay.

Không gian Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đẹp nức lòng du khách. Ảnh: T.Ngoc-Asean News

Trước hết nói về cái hiện có. Bảo tàng Điêu khắc Chăm, những năm trước khi có dịch, Bảo tàng đã từng tổ chức chiếu phim và múa Chăm phục vụ khách, chất lượng thuyết minh viên từng bước được nâng cao. Việc cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Chăm cũng là một bước đi để Bảo tàng độc đáo này phát huy hết lợi thế để thu hút du khách gần xa. Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng đã thông qua chủ trương đầu tư hơn 140 tỷ đồng để nâng cấp, tôn tạo di tích Chăm Phong Lệ trở thành điểm đến mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Đây là di tích được phát hiện và khai quật tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ vào năm 2011. Như vậy sẽ có thêm điểm di tích văn hóa lịch sử kết nối với Bảo tàng Điểu khắc Chăm hiện tại, làm phong phú thêm cho “Chuỗi Văn hóa Chăm” ở Đà Nẵng gắn liền với Khu di tích “Thánh địa Mỹ Sơn” của tỉnh bạn Quảng Nam.

Hiện vật tiêu biểu (Trang trí vòm cửa tháp (Typam)- Phong Lệ)

Về Bảo tàng thành phố, nên khai thác tối đa theo hướng là Bảo tàng Lịch sử thành phố vì vị trí của Bảo tàng này đang trong quá trình chuyển về tòa nhà 42 Bạch Đằng, một vị trí được cho là rất phù hợp cả về vị trí địa lý và ý nghĩa lịch sử. Thành Điện Hải sau khi được công nhận là di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia và Bảo tàng thành phố dời đi, sẽ có cơ hội để phát triển xứng tầm, nơi ghi dấu ấn những ngày đầu quân và dân Đà Nẵng nổ những phát súng đầu tiên vào thực dân pháp xâm lược, cũng là mở màn cho cuộc kháng chiến lâu dài của cả dân tộc chống lại chủ nghĩa thực dân cũ.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, đã có Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, thu hút đông đảo du khách nước ngoài. Ở Đà Nẵng trước đây cũng đã từng có « Nhà chứng tích tội ác đế quốc Mỹ » sau này các hiện vật của Nhà chứng tích này tập trung về Bảo tàng thành phố. Lịch sử đã bước sang thời kỳ của hội nhập và mở cửa, nhưng không vì thế mà xem nhẹ lịch sử hào hùng của Đà Nẵng, của dân tộc cũng như và sự khốc liệt tàn bạo của chiến tranh xâm lược. Vì vậy, tập trung các hiện vật trên vào Bảo tàng lịch sử thành phố để tăng thêm về quy mô và tính phong phú của Bảo tàng này, đi theo đó sẽ thu hút du khách đến Đà Nẵng nhiều hơn.

Động Quan Âm, Ngũ Hành Sơn (vị trí lễ đài chính), nơi diễn ra nghi thức gắn bảng (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Ảnh T.Ngoc – Asean News

Ngoài ra, bên cạnh Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, trong tương lai gần, nên nghiên cứu hình thành một Bảo tàng Điêu khắc của thành phố vì Đà Nẵng có một Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước là cơ sở nền tảng của một Bảo tàng điêu khắc có tầm cỡ của khu vực miền Trung và cả nước.

Xét về mặt thị trường du lịch, đặc biết cần quan tâm đến thị trường  Âu-Mỹ, là thị trường tiềm năng. Trong chiến tranh, công chúng Mỹ chỉ biết đến Đà Nẵng qua các phim chiếu về các bãi biển tại Đà Nẵng. Khách Mỹ sẽ có khả năng tăng nhanh trong những năm đến do quan hệ kinh tế, thương mại và hàng không giữa Việt Nam – Mỹ được cải thiện. Đà Nẵng còn là mảnh đất quen thuộc của hàng ngàn cựu binh Mỹ, chính vì vậy, có thể hình thành một điểm du lịch khá đặc biệt là nơi những đơn vị đầu tiên của đội quân viễn chinh Mỹ đổ bộ lên bãi biển Mỹ Khê, mở màn cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Lễ hội cầu ngư truyền thống tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc – Asean News

Nói đến yếu tố lịch sử-văn hóa, không thể không nhắc đến khu “Nghĩa địa Y Pha Nho” (hay còn gọi là “Nghĩa địa Tây Ban Nha”) ở độ cao 80m, thuộc bán đảo Sơn Trà, nơi có nhiều ngôi mộ của lính Tây Ban Nha chết trận thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam 1858-1860. Di tích này chưa được xếp hạng, hiện chỉ còn một căn nhà nhỏ, mặt tiền có chiếc thánh giá với một từ tiếng Pháp chạm nổi Ossuaire (đồi hài cốt, nhiều lớp chồng lên nhau). Đây là một di tích đặc biệt ở Đà Nẵng, cả nước không nơi nào có, đánh dấu cuộc chiến tranh phi nghĩa của quân viễn chinh và khả năng kháng chiến của quân dân xứ Hàn. Địa chỉ này được khá nhiều du khách nước ngoài quan tâm, chỉ cách cổng cảng Tiên Sa 200 mét và đã có nhiều đoàn du khách tự tìm đến. Cách đây vài năm, “Đồi hài cốt” đã được xây dựng thành một nghĩa trang xinh xắn với nhà thờ nhỏ và tường rào xung quanh, nhưng có lẽ, do thiếu sự chăm nom nên cỏ bụi đã bao phủ trở lại, nên chăng đưa nó là một di tích lịch sử cấp thành phố để thu hút du khách tham quan, tìm hiểu. Ngoài ra, Đà Nẵng vẫn còn những sự tích, truyền thuyết chưa được khai thác như truyền thuyết Tiên Sa, sự tích Ngũ Hành Sơn v.v..

Đi du lịch, không ít du khách có nhu cầu muốn được thưởng thức âm nhạc không chỉ trong nhà hát, các quán bar, trong những sự kiện nghệ thuật lớn, mà còn là những chương trình nho nhỏ, gần gũi. Loại hình âm nhạc đường phố tỏ ra phù hợp với việc đáp ứng nhu cầu này của du khách và những năm qua, từ chỗ là “của lạ” nay đã dần trở thành quen thuộc với người dân và du khách. Đặc biệt là chương trình “Đưa tuống xuống phố”,”Hô hát bài chòi” mỗi tối cuối tuần, giai đoạn trước dịch đã thu hút khá đông khán giả là du khách, trong đó có không ít khách du lịch ngoại quốc ưa thích tìm hiểu về nghệ thuật tuồng, bài chòi…

Lễ hội đình làng Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng: Tưởng nhớ công đức tiền nhân hành phương Nam mở rộng bờ cõi. Ảnh: T.Ngọc – Asean News

Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn có những địa điểm du lịch chưa được khai thác hoặc khai thác chưa triệt để, ngoài Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh còn là khu Nghĩa trũng Khuê Trung, Lễ hội Cầu ngư, các lễ hội Đình làng Hòa Mỹ, Túy Loan v. v…Tất cả, rất  nên được quan tâm đưa vào khai thác phục vụ du khách.

Đà Nẵng đón chuyến bay của Vietnam Airlines đến “xông đất” ngày đầu năm mới 2023. Ảnh: T.Ngọc – Asean News

Để du lịch Đà Nẵng “cất cánh”, bên cạnh việc đầu tư cho hạ tầng du lịch ngày càng hoàn thiện, cần phải quan tâm đến những sản phẩm, loại hình du lịch phong phú, độc đáo mà chỉ có ở Đà Nẵng mới có, chẳng hạn như những di tích lịch sử văn hóa, những truyền thuyết, sự tích nổi tiếng, những lễ hội văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc và đặc trưng của Đà Nẵng. Từ đó, hy vọng sẽ thu hút được lượng khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài đến Đà Nẵng ngày một đông hơn.

Diệp Dân Hùng

Những bài viết liên quan: