Thứ năm, Tháng Một 2, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đưa dự án “Học viện nghề nghiệp STEM” đến các trường THPT tại 3 địa bàn Đà Nẵng, Quảng nam và Quảng Ngãi



ĐNA -

“Một trong những mục tiêu dài hạn của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, là góp phần vào việc khơi dậy, nuôi dưỡng đam mê khoa học công nghệ, tạo điều kiện để các ý tưởng của các em học sinh và sinh viên trở thành sản phẩm thực tế, mang lại hiệu quả cho xã hội”, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng phát biểu khai mạc chương trình tập huấn. Ảnh trong bài: T.N.

Ngày 5/10/2022, tại Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã diễn ra hội nghị tập huấn “Đào tạo triển khai hoạt động STEM theo phương pháp PBL (Học qua dự án – Project Based Learning), dành cho các thầy cô là giáo viên (bộ môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học và Công nghệ) các trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng (gồm trường chuyên Lê Quý Đôn, THPT Phan Châu Trinh, Thái Phiên, Nguyễn Trãi và THPT Hoàng Hoa Thám) ; Quảng Nam (2 trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm) và Quảng Ngãi (trường PTTH chuyên Lê Khiết, Trần Quốc Tuấn, Bình Sơn).

TS. Tào Quang Bảng – Trưởng phòng Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, cho biết, các nội dung tập huấn lần này gồm: Giáo dục STEM tại trường THPT ở Việt Nam: Lý thuyết và thực tế triển khai (Báo cáo viên: TS. Vũ Đình Chuẩn – Nguyên Vụ trưởng Vụ THPT, Bộ GD&ĐT); Phát triển năng lực STEM qua mô hình học theo dự án (TS. Nguyễn Thị Anh Thư – Phó Trưởng khoa, khoa Khoa học công nghệ tiên tiến (FAST), Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng); Thiết kế và giảng dạy với phương pháp “học theo dự án” (TS. Lê Hoài Nam – Phó Trưởng khoa Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng).

“STEM đã là xu thế trong giáo dục thế giới, bởi phương pháp đào tạo này giúp học sinh phát triển toàn diện cả về kỹ năng, lẫn phẩm chất. Đó là năng lực tự chủ, thúc đẩy tinh thần tự học, thoi thúc tính tự tìm tòi, khám phá thêm ở các em; về năng lực giao tiếp, đó là tinh thần luôn sẵn sàng hợp tác, cùng các bạn trong nhóm giải quyết một vấn đề được đặt ra, liên quan đến vệc học cũng như gần gũi với cuộc sống.

Đặc biệt, ở đây các em dám đưa ra ý tưởng, cách giải quyết của chính mình và chịu trách nhiệm về những gì mình đưa ra, khuyến khích các em phát em cao năng lực, các tố chất bản thân.

Các Thầy cô tham dự chương trình tập huấn.

Về kiến thức, STEM là cách tiếp cận liên môn, nên trang bị khá tốt cho các em kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học theo hướng bổ sung lẫn nhau trong quá trình dung nạp bài giảng cũng như khi thực hành, làm bài tập.

Tại trường chúng tôi, STEM được lồng ghép vào nội dung chính khóa nhiều năm nay. Hằng năm, Trường tổ chức riêng một sân chơi khoa học kỹ thuật dành cho các khối lớp, kiến thức STEM của các em thể hiện qua ý tưởng, qua sản phẩm của chính các em sáng tạo nên. Đội ngũ giáo viên của Trường cũng được tập huấn nhiều lần, các Thầy cô đều rất tâm huyết trong vận dụng STEM để đổi mới phương pháp truyền đạt kiến thức, nhiều chủ đề STEM theo bài học đã được các thầy cô xây dựng và triển khai trong giờ lên lớp rất hiệu quả”, Thầy Nguyễn Mậu Thắng – Giáo viên Vật lý , trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) nhìn nhận.

Sau 3 chuyên đề nêu trên, khóa tập huấn sẽ đi sâu vào hoạt động thảo luận về ý tưởng phát triển 10 dự án STEM giữa các Giảng viên và các Thầy, cô giáo THPT. Ngay sau đó, là bài thực hành thiết kế và giảng dạy môn học STEM với phương pháp “học theo dự án” với các ví dụ thực tế.

Khóa tập huấn là 1 trong 9 hoạt động quan trọng của dự án “Học viện nghề nghiệp STEM khu vực miền Trung Việt Nam – Tiếp cận khu vực nhằm tăng cường nhận thức xã hội và xây dựng năng lực giáo dục và nguồn nhân lực cho STEM”.

Ngày hội STEM tại Trường THPT chuyên Lê Khiết – Quảng Ngãi (ảnh tư liệu của BTC).

“Năm 2022, cùng với các đối tác của mình là SEAMEO STEM-ED và Chevron – Hoa Kỳ, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã xây dựng dự án hợp tác nói trên, nhằm nâng cao nhận thức và triển khai thí điểm chương trình giáo dục nghề nghiệp STEM ở miền Trung Việt Nam.

Dự án kéo dài 18 tháng này nhằm mục đích tăng cường năng lực cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình giáo dục nghề nghiệp và truyền cảm hứng nghề nghiệp liên quan đến STEM nhằm thúc đẩy sự quan tâm của học sinh trong việc theo đuổi nghề nghiệp STEM và chuẩn bị tốt hơn cho các em trong công việc tương lai hoặc tiếp tục học đại học.

Sau thành công của sự kiện khởi động (kick off) vào tháng 5 tại trường Đại học Bách khoa và hoạt động Triển lãm khoa học công nghệ – hướng nghiệp cho học sinh THPT tại Trường THPT chuyên Lê Khiết – Quảng Ngãi vào tháng 8.2022; hội thảo tập huấn đào tạo hôm nay là một trong những hội thảo quan trọng của dự án.
”Như đã chia sẻ, đây là hoạt động góp phần vào việc khơi dậy, nuôi dưỡng đam mê khoa học công nghệ đối với lứa tuổi học sinh. Theo thống kê mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xu hướng chọn các ngành khoa học tự nhiên của học sinh THPT đang có xu hướng thấp (31.86%). Trong khi đó, để phát triển đất nước, thì nguồn lực khoa học công nghệ luôn phải giữ vai trò tiên phong”, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng cho biết thêm.

TS. Tào Quang Bảng – Trưởng phòng Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng giới thiệu các hoạt động của khóa tập huấn.

Được biết, hoạt động tiếp theo sau hội thảo tập huấn, là tổ chức các buổi hướng dẫn trải nghiệm STEM theo cách tiếp cận PBL cho ít nhất 90 học sinh/10 trường của 3 tỉnh, thành về các vấn đề liên quan đến “đô thị thông minh” ; yêu cầu trọng tâm là trang bị cho học sinh cách xây dựng ý tưởng và triển khai thực hiện ý tưởng STEM. Các Thầy cô là giảng viên trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, các Thầy cô giáo các trường THPT, chính là những nhân tố nòng cốt để triển khai hoạt động .

Đặc biệt, các Thầy cô là giảng viên trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng còn tiếp tục giữ vai trò tư vấn hỗ trợ (qua nhiều kênh tương tác trực tuyến), các Thầy, cô giáo và các em học sinh THPT, suốt từ tháng 10/2022 đến tháng 7/2023. Và theo lộ trình vào tháng 8/2023, sẽ có 3 phiên triển lãm về sản phẩm STEM tại 3 tỉnh, thành phố dành cho các em học sinh THPT đã trải nghiệm về STEM.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ chọn các khoá học đào tạo, với yêu cầu về kỹ năng, chuyên môn của chính doanh nghiệp, nhưng có liên quan đến lĩnh vực STEM. Chúng tôi phối hợp với doanh nghiệp đào tạo và cấp chứng chỉ cho 100 học sinh THPT và sinh viên Đại học Bách khoa, theo những nội dung liên quan đến phát triển năng lực đáp ứng đúng yêu cầu của doanh nghiệp” – TS. Tào Quang Bảng – Trưởng phòng Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng chia sẻ.

Bạn Nguyễn Bá Hoàng, sinh viên chuyên ngành Tin học công nghiệp (Khoa FAST), với 2 mô hình STEM: Cầu nâng hạ và Nhà thông minh

“STEM trước hết là môi trường cho em thỏa sức sáng tạo với những đam mê mà em (cũng như các bạn) theo đuổi. Mỗi khi xây dựng được một dự án, hay hình thành một ý tưởng (nghiên cứu), Nhóm bạn cùng đam mê các em lại có dịp ngồi lại với nhau, cùng đóng góp ý kiến, đề xuất cách thức triển khai, nêu giải pháp cho các tình huống.

Đôi khi em không phải là người đưa ra ý kiến sớm cho kế hoạch của Nhóm, nhưng ý kiến của em đã góp phần mở ra hướng nghiên cứu mới, vậy là cả Nhóm cùng đồng thuận. Qua đây, em vừa tự hào, vui sướng nhưng cũng chiêm nghiệm được một điều: Hãy biết lắng nghe và chấp nhận ý kiến đúng, ý kiến hay, dù đó không phải là ý kiến của mình.

STEM cũng giúp em nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, bởi quá trình tham khảo, tự tìm và nghiên cứu tài liệu, đều rất cần kiến thức Anh ngữ, nếu giỏi Anh ngữ, mình sẽ sở hữu thêm được nhiều kiến thức mới, kể cả phương pháp luận. Bên cạnh đó, qua các bài tập STEM, em cũng học được cách tư duy và phong cách hành văn, qua đó em sẽ thực hiện một bài thuyết trình đúng với các tiêu chuẩn đề tài khoa học, thuyết phục được người nghe.

Các Thầy cô là giảng viên trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, các Thầy cô giáo các trường THPT, chính là những nhân tố nòng cốt để triển khai hoạt động.

Em là học sinh chuyên Tin (của trường THPT Lê Thánh Tông – Hội An, Quảng Nam), may mắn cho em là được lĩnh hội STEM khá sớm. Và em đã vận dụng nhiều phương pháp luận của STEM để học giỏi bộ môn Tin mà em yêu thích”, bạn Nguyễn Thị Tâm (quê quán xã Quế Phong huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; sinh viên năm thứ 2, chuyên ngành Điện tử – Viễn thông, Khoa FAST, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng) chia sẻ.
T.Ngọc