Thứ tư, Tháng mười hai 25, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đưa hình ảnh “Những miền di sản Việt Bắc” đến với Duyên hải miền Trung



ĐNA -

(Đà Nẵng). Sáng nay (8/7/2024), tại Đà Nẵng đã diễn ra sự kiện giới thiệu, quảng bá chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV – Bắc Kạn năm 2024, gắn với một số hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bắc Kạn (24/8/1949-24/8/2024).

Được biết, năm 2022, 6 tỉnh Việt Bắc gồm: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và Bắc Kạn đã có thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch (giai đoạn 2022 – 2027). Năm 2024, tỉnh Bắc Kạn được giao nhiệm vụ đăng cai tổ chức Chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV – Bắc Kạn, sẽ diễn ra từ ngày 24 đến ngày 29/8/2024 tại Đà Nẵng.

Ông Phạm Duy Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: 6 tỉnh Việt Bắc sẽ trở thành “Điểm đến du lịch” lý thú, an toàn, thân thiện và hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ảnh: T.Ngọc.

“Lần này, các tỉnh Việt Bắc sẽ giới thiệu tổng thể nội dung của sự kiện Chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV-Bắc Kạn năm 2024, mà tỉnh Bắc Kạn vinh dự đăng cai tổ chức.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, cùng với sự nhiệt tình mến khách của nhân dân các tỉnh Việt Bắc, sự giúp đỡ của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Hiệp hội du lịch Việt Nam, lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng; đặc biệt là sự quan tâm, phối hợp và liên kết của các doanh nghiệp, công ty lữ hành và sự ủng hộ của các cơ quan thông tấn, báo chí, 6 tỉnh Việt Bắc sẽ trở thành “Điểm đến du lịch” lý thú, an toàn, thân thiện và hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước. Chúng tôi đã sẵn sàng chào đón và phục vụ các bạn”, ông Phạm Duy Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ.

Việt Bắc giữ vị trí là 1 trong 7 vùng du lịch của quốc gia
Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” được tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Hà Giang vào năm 2009, qua 14 năm luân phiên tổ chức tại các tỉnh trong khu vực, chương trình đã góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, trong đó Việt Bắc được xác định là 1 trong 7 vùng du lịch của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011.

Năm 2024 hành trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” bước sang năm thứ 15 đã tạo nên thương hiệu du lịch riêng có, đặc sắc của 6 tỉnh Việt Bắc – 1 điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.

Không chỉ là vùng đất thiêng lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống quý báu, Việt Bắc được thiên nhiên ban tặng cho những cảnh quan hùng vĩ được Nhân dân các dân tộc nơi đây giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị.

Không gian giới thiệu sản phẩm OCOP phục vụ du lịch của các địa phương Việt Bắc. Ảnh: T.Ngọc.

Đến với Cao Bằng, du khách được chiêm ngưỡng thác Bản Giốc (là 1 trong 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới); trải nghiệm Vườn quốc gia Phja Oắc, Phja Đén, thăm danh thắng cảnh quốc gia Động Ngườm Ngao; thăm quan Công viên địa chất toàn cầu.

Đến với Lạng Sơn, địa điểm lâu nay luôn thu hút mạnh mẽ du khách , có giá trị như một “sản phẩm điểm nhấn” là đỉnh Mẫu Sơn nằm ở độ cao 1.541m so với mặt nước biển, có khí hậu ôn hòa; hệ thống hang động kỳ ảo như động Tam Thanh, Nhị Thanh…; tượng đá tự nhiên Nàng Tô Thị bồng con chờ chồng…

Trong khi đó, Hà Giang – nổi tiếng là mảnh đất địa đầu Tổ quốc, ngoài nhiều cảnh đẹp làm nao lòng người, tự hào và kiêu hãnh với cột cờ Lũng Cú khẳng định chủ quyền lãnh thổ và sự trường tồn của quốc gia; còn có cao nguyên đá Đồng Văn – công viên địa chất toàn cầu di sản thiên nhiên thế giới; Mã Pí Lèng – một trong tứ đại đỉnh đèo; Núi đôi Quảng Bạ – một “tác phẩm nghệ thuật” kỳ vĩ của tạo hóa. Hà Giang được đề nghị đảm nhận vai trò “tâm điểm dẫn dắt” cho du lịch vùng Việt Bắc.

Tuyên Quang thu hút du khách bởi có khu bảo tồn thiên nhiên danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang – Lâm Bình, đã được ví như “Hạ Long giữa đại ngàn”. Vào dịp trung thu hàng năm, du khách thường đổ về tham dự Lễ hội Thành Tuyên – một trong những lễ hội “Trăng Rằm” lớn nhất cả nước.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo của đồng báo các dân tộc Việt Bắc. Ảnh: T.Ngọc.

“Thủ đô gió ngàn” là mỹ từ tặng cho Thái Nguyên, gắn với địa danh Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa thuộc quần thể di tích Việt Bắc. Thái Nguyên còn nổi tiếng với danh thắng Hồ Núi Cốc – bên cạnh vẻ đẹp nhân tạo, sắc màu huyền thoại của truyền thuyết nàng Công – chàng Cốc, đã kể với du khách sức mạnh dời non lấp biển, khai sơn, phá thạch và sức sáng tạo của con người là vô tận. Không gian xanh của Thái Nguyên được bao phủ bởi rừng cọ, đồi chè bạt ngàn luôn tươi tốt.

Nhắc đến 4 câu thơ của Bác Hồ, tặng lực lượng thanh niên xung phong 312 (“Không có việc gì khó Chỉ sợ lòng không bền – Đào núi và lấp biển – Quyết chí ắt làm nên”), phải nhớ về di tích quốc gia đặc biệt: An toàn khu Chợ Đồn; khu di tích Nà Tu, Bắc Kạn. Và đã đến Bắc Kạn, không thể không đến di tích quốc gia đặc biệt – đó là Danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể (1 trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới), được mệnh danh là viên ngọc xanh của nhân loại.

Việt Bắc còn được biết đến với nhiều sản vật có giá trị như hạt Dẻ (tỉnh Cao Bằng); Miến Dong, Quýt, Trám Đen (tỉnh Bắc Kạn); quả Hồng, Đào, Na (tỉnh Lạng Sơn); Chè Tân Cương (tỉnh Thái Nguyên); quả Mận, quả Lê (Hà Giang)… Cùng với hương vị ẩm thực đặc sắc và độc đáo mang đậm nét tập quán, lối sống của người vùng cao như: Bánh khảo (tỉnh Cao Bằng); Tôm chua Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn); Lợn quay (tỉnh Lạng Sơn); bánh Chưng (tỉnh Thái Nguyên); bánh gai (tỉnh Tuyên Quang); Thắng cố, cháo Ấu tẩu (tỉnh Hà Giang) và rượu men lá, hương vị đặc hữu của các tỉnh Việt Bắc.

Hiện 6 tỉnh Việt Bắc đã hình thành được 4 tour, tuyến du lịch, sắp đến, sẽ thiết kế những tour, tuyến phù hợp hơn, phù hợp với nhiều đối tượng, tăng thêm sự lựa chọn khi đến với  Việt Bắc.

“Ngoài những di tích lịch sử văn hóa – danh lam, thắng cảnh nêu trên, trải qua những thăng trầm của lịch sử và sự phát triển của xã hội, đồng bào các dân tộc 6 tỉnh Việt Bắc còn lưu giữ được nhiều giá trị bản sắc riêng, từ hệ thống các lễ hội, nghi lễ truyền thống đến trang phục và các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc mang đậm bản sắc văn hóa tộc người, là những sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ giao lưu, trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa bản địa của du khách”, ông Phạm Duy Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, nhấn mạnh.

Hợp tác đưa hình ảnh “Những miền di sản Việt Bắc” đến với Duyên hải miền Trung, làm phong phú sản phẩm cho Du lịch Việt Nam.Ảnh: T.Ngọc.

“Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV – Bắc Kạn năm 2024
Đây là chương trình du lịch được tổ chức với quy mô cấp khu vực, gồm 6 tỉnh Việt Bắc: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và Bắc Kạn. Trong đó, có một số hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bắc Kạn (24/8/1949-24/8/2024) được tổ chức với quy mô cấp tỉnh.

Chương trình được khai mạc vào lúc 20h00 ngày 25 tháng 8 năm 2024, tại sân khấu Quảng trường Nhà Văn hoá tỉnh Bắc Kạn (phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn), với sự tham dự của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Ủy ban Dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan; Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Cục Di sản văn hóa, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch; Quỹ phát triển du lịch; Hiệp hội du lịch Việt Nam; Lãnh đạo các địa phương, ….

Chuỗi các hoạt động gồm: Cuộc thi “Người đẹp Việt Bắc” lần I – Bắc Kạn 2024 (vòng chung kết: 20h00 ngày 29 tháng 8 năm 2024) ; Giải đua xe đạp địa hình tỉnh Bắc Kạn mở rộng (chinh phục tuyến đường mới thành phố Bắc Kạn – Hồ Ba Bể), diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 25 đến ngày 26 tháng 8 năm 2024. Ngày hội nông sản OCOP và văn hóa ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc (tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh Bắc Kạn), từ ngày 24 đến ngày 28 tháng 8 năm 2024; Triển lãm tranh và ảnh du lịch 6 tỉnh Việt Bắc (tại tiền sảnh Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến Du lịch, Trung tâm Hoạt động Thanh Thiếu nhi tỉnh Bắc Kạn),từ ngày 24 đến 29 tháng 8 năm 2024; Cuộc thi Hướng dẫn viên du lịch tại điểm (diễn ra ở các điểm du lịch của 6 tỉnh Việt Bắc), chủ đề: “Trải nghiệm một vòng Việt Bắc”, từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 8 năm 2024.

Sản phẩm OCOP phục vụ du lịch của các địa phương Việt Bắc. Ảnh: T.Ngọc.

Chuỗi các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày giải phóng tỉnh bắc kạn (24/8/1949 – 24/8/2024): Chương trình ca nhạc và trình diễn thời trang “Dấu ấn Việt Bắc” (20h00 ngày 24 tháng 8 năm 2024. tại Sân khấu Quảng trường Nhà Văn hóa tỉnh Bắc Kạn) ; Chương trình biểu diễn di sản văn hóa phi vật thể nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tỉnh Bắc Kạn (20h00 ngày 26 tháng 8 năm 2024, tại sân khấu ngoài trời Quảng trường Nhà văn hóa tỉnh).

 Các di sản nghệ thuật được trình diễn gồm: Di sản Lượn Cọi, Lượn Slương của người Tày; Hát Sli của người Nùng; Hát Pá Dung của người Dao; Hát Then – Đàn Tính của người Tày, Nùng, Thái. Nghệ thuật Múa Khèn của người Mông; Múa Bát của người Tày. Nghệ thuật trang trí họa tiết, hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ.

Từ ngày 24 đến ngày 29 tháng 8 năm 2024. Tại Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến Du lịch tỉnh; Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh; Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, sẽ diễn ra Triển lãm tranh, ảnh kỷ niệm 75 năm Ngày giải phóng tỉnh Bắc Kạn. Và từ ngày 25 đến ngày 26 tháng 8 năm 2024, là chuỗi hoạt động thể thao trải nghiệm, các trò chơi dân gian phục vụ người dân và khách du lịch (Chèo thuyền Kayak trên hồ Ba Bể; Dù lượn ; Khinh khí cầu).

Đà Nẵng sẽ lan tỏa “Những miền di sản Việt Bắc”
Theo bà Nguyễn Thị Hoài An – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng và 6 tỉnh Việt Bắc có nhiều điểm tương đồng và lợi thế để cùng hợp tác khai thác phát triển du lịch. Trong đó, phát huy thế mạnh liên kết phát triển du lịch với các sản phẩm du lịch đặc sắc và có chiều sâu giá trị văn hóa, lịch sử, tạo nên sức hấp dẫn riêng của nhau.

Trong phiên thảo luận chung, đại biểu đến từ 6 tỉnh Việt Bắc và thành phố Đà Nẵng, đã đóng góp thêm nhiều đề xuất, đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp miền duyên hải với vùng Việt Bắc. “Nếu mùa Hè du khách từ phương bắc về Đà Nẵng tận hưởng mùa du lịch biển, thì từ tháng 8 trở đi, du khách có xu hướng ngược ra Việt Bắc”.

Đón đầu nhu cầu này, ngành du lịch và doanh nghiệp 7 địa phương, cần có thể thiết kế các tour tuyến phù hợp, trao đổi khách vùng miền, trao cơ hội phát triển cho nhau. Trước mắt, doanh nghiệp các địa phương sẽ bàn hình thức hợp tác, phối hợp trong tư vấn, hỗ trợ từ khâu nhận tour, đến đáp ứng cho hành trình điểm đến mà khách chọn.

Đại diện Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Trung tâm xúc tiến Du lịch Đà Nẵng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho 6 tỉnh Việt Bắc, như đầu tư mạnh mẽ hơn cho truyền thông, chú ý sản phẩm truyền thông cho các nền tảng mạng xã hội, do lượng khách đi lẻ ngày càng nhiều và trao đổi sản phẩm truyền thông cho nhau để lan tỏa đến đối tượng khách hàng mà mỗi bên có được.

Đại biểu đến từ ngành Du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và thành phố Đà Nẵng tham gia diễn đàn chung. Ảnh: T.Ngọc.

Các đại diện từ 6 tỉnh Việt Bắc cũng khẳng định sẽ “cùng ngồi lại” và bàn sâu thêm về các kịch bản truyền thông theo hướng chọn những sản phẩm tinh hoa, tinh túy nhất của mỗi địa phương, giới thiệu, trao đổi với Đà Nẵng – với vai trò, vị trí là một tâm điểm lan tỏa cho ngành du lịch cả vùng duyên hải và cả khu vực Tây Nguyên. Ngành Du lịch Đà Nẵng, cũng đã sớm tổ chức tìm hiểu sản phẩm du lịch của 6 tỉnh Việt Bắc, mở thêm thị trường mới.

Ký kết hợp tác giữa đại diện ngành Du lịch các tỉnh việt Bắc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc.

“Vùng Việt Bắc là cái nôi cách mạng, lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống quý báu với nhiều di sản văn hóa độc đáo, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ, tiêu biểu. Đà Nẵng là nơi giao thoa giữa các vùng, miền văn hóa – di sản của miền Trung với mật độ di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được UNESCO công nhận dày đặc, tạo thành vệt trải dọc qua 3 tỉnh kề nhau gồm Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Thánh địa Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An.

Hội nghị giới thiệu, quảng bá chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV – Bắc Kạn năm 2024 hôm nay, tạo thêm cơ hội đẩy mạnh khai thác nguồn khách nội địa đi và đến các địa phương, tăng cường giao lưu hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch trong thời gian tới.

Đà Nẵng và 6 tỉnh Việt Bắc sẽ đồng hành để cùng phát triển du lịch, cùng phối hợp với nhau phát huy thế mạnh và liên kết tiềm năng, hợp tác nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới, mở tuyến du lịch với các sản phẩm liên kết vùng kết nối các địa phương. Đặc biệt thúc đẩy phát triển các hoạt động du lịch đặc sắc và bản sắc, mang lại nhiều giá trị, trải nghiệm đa dạng cho người dân và du khách”./.

Trần Ngọc