Chủ Nhật, Tháng 2 2, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đức cùng các nước EU muốn mở lại đường ống khí đốt Nga khi giá khí đốt châu Âu tăng vọt



ĐNA -

Giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt sau khi Ukraine gần đây từ chối gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt có thời hạn 5 năm với Moscow. Khi giá khí đốt châu Âu tăng vọt, Đức cùng các nước EU muốn mở lại đường ống khí đốt Nga. Một số quan chức EU cho rằng, việc nối lại đường ống khí đốt Nga qua Ukraine có thể giúp giải quyết vấn đề căng thẳng với Moscow và cắt giảm chi phí năng lượng của khối.

Khi giá khí đốt châu Âu tăng vọt, Đức cùng các nước EU muốn mở lại đường ống khí đốt Nga

Tình thế trầm trọng khi giá khí đốt châu Âu tăng vọt
Theo RT, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2023, do gián đoạn nguồn cung sau khi Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Moscow. Dự báo thời tiết lạnh hơn đã làm trầm trọng thêm mối lo ngại trong thị trường năng lượng vốn đã eo hẹp.

Kiev đã quyết định vào cuối năm 2024 sẽ chấm dứt hợp đồng vận chuyển khí đốt kéo dài 5 năm với gã khổng lồ năng lượng Nga Gazprom, cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga tới Hungary, Romania, Ba Lan, Slovakia, Áo, Ý và Moldova.

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã tuyên bố việc chấm dứt hợp đồng là nhằm mục đích xóa bỏ doanh thu năng lượng của Moscow. Tuy nhiên, Slovakia và Hungary đã cáo buộc nhà lãnh đạo Kiev cố tình gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng vì lợi ích chính trị.

Hợp đồng chuẩn tháng trước tại trung tâm khí đốt TTF của Hà Lan đã tăng hơn 4% vào ngày 31/1/2025, vượt qua mức 590 USD cho một nghìn mét khối, hoặc 53,62 euro cho mỗi megawatt-giờ, kéo dài đà tăng của những ngày trước đó.

Dữ liệu cho thấy, mức dự trữ khí đốt của EU đã giảm xuống còn khoảng 55%, thấp hơn đáng kể so với mức 72% được ghi nhận cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn mức trung bình 5 năm là 62%.

Các nhà phân tích dự đoán nhu cầu sưởi ấm sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh nhiệt độ được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những ngày tới.

EU đã phải đối mặt với tình trạng sụt giảm mạnh lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga, vốn trước đây chiếm 40% tổng nguồn cung của khối, do các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine và vụ phá hoại đường ống Nord Stream năm 2022.

Để bù đắp, khối này đã tăng cường sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đắt tiền hơn từ Mỹ và Na Uy, đẩy chi phí năng lượng chung lên cao.

Các sự cố ngừng hoạt động gần đây tại các mỏ Gullfaks, Troll và Asgard của Na Uy đã hạn chế hơn nữa nguồn cung cấp năng lượng cho lục địa châu Âu.

Bất chấp những nỗ lực liên tục nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, các quốc gia thành viên EU vẫn nhập khẩu khối lượng LNG kỷ lục của Nga.

Trong nửa đầu năm 2024, Nga nổi lên là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai của EU, chỉ sau Mỹ, theo dữ liệu từ Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây đã thúc giục Brussels mua thêm LNG của Mỹ, đe dọa sẽ áp thuế nếu họ không tuân thủ.

Theo The MarketWatch, các nhà phân tích tại DNB Markets đã cảnh báo rằng, EU sẽ ngày càng phụ thuộc vào LNG trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, vì mức hiện tại là “không đủ” để thị trường châu Âu “cân bằng và xây dựng lại hàng tồn kho cho mùa đông tới”.

Các quan chức EU hiện đang thảo luận về khả năng nối lại hoạt động nhập khẩu khí đốt của Nga như một phần của thỏa thuận tiềm năng giải quyết xung đột Ukraine, tờ Financial Times đưa tin tuần này.

Tuy nhiên, vẫn còn cảnh giác rằng, động thái như vậy có thể làm suy yếu những nỗ lực đang diễn ra nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga. Moscow cũng đã bày tỏ sự hoài nghi về tính khả thi của kế hoạch được báo cáo.

Khi giá khí đốt châu Âu tăng vọt, Đức cùng các nước EU muốn mở lại đường ống khí đốt Nga
Financial Times trích dẫn nguồn tin thân cận cho biết các quan chức châu Âu đang tranh luận về việc tái nhập khẩu khí đốt Nga qua đường ống trong một phần của giải pháp tiềm năng nhằm chấm dứt xung đột với Ukraine. Một số quan chức EU cho rằng, việc nối lại đường ống khí đốt Nga qua Ukraine có thể giúp giải quyết vấn đề căng thẳng với Moscow và cắt giảm chi phí năng lượng của khối.

Các quan chức ủng hộ việc mua khí đốt Nga cho rằng tiếp tục nhập khẩu khí đốt Nga sẽ giúp hạ giá năng lượng đang ở mức cao tại EU. Theo đó, bước đi này sẽ khuyến khích Moscow ngồi vào bàn đàm phán và tạo động lực cho cả 2 bên đi đến thoả thuận ngừng bắn.

Tuy nhiên, việc đưa ra ý tưởng “mở van” dòng chảy khí đốt của Nga trong các cuộc thảo luận sơ bộ đã gây ra phản ứng dữ dội từ phía các nước đồng minh của Ukraine tại EU.

Financial Times cho hay, 3 trong số các quan chức tham gia các cuộc thảo luận cho biết, ý tưởng này được một số quan chức Đức và Hungary tán thành. Sự ủng hộ cũng đến từ một số nước khác, họ chỉ ra đây là một cách để giảm chi phí năng lượng của châu Âu.

Một quan chức cho hay: “Vài quốc gia thành viên lớn đang gây áp lực lên giá năng lượng và đương nhiên đây là một cách để hạ giá.”

Việc nối lại dòng chảy khí đốt của Nga sang châu Âu sẽ giúp tăng đang kể nguồn thu từ lĩnh vực này của Moscow. Trước khi mâu thuẫn với Ukraine xảy ra, khí đốt Nga vận chuyển qua đường ống chiếm khoảng 40% tổng nguồn cung của EU, trong đó Đức là nước nhập khẩu lớn nhất.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu sớm chấm dứt xung đột, thúc đẩy các cuộc thảo luận giữa các nước phương Tây về những yếu tố cần thiết cho một thoả thuận lâu dài với Moscow. Tổng thống Mỹ cũng đã đe doạ EU bằng việc áp thuế quan nếu không mua LNG của Mỹ – vốn đắt hơn khí đốt qua đường ống.

Việc đưa ra đề xuất nối lại nguồn cung khí đốt qua đường ống từ Nga đã khiến các quan chức Brussels và các nhà ngoại giao của một số nước Đông Âu không hài lòng. Nhiều nước trong số đó đã nỗ lực giảm nhập khẩu năng lượng của Nga trong 3 năm qua.

Việc tái khởi động cuộc tranh luận này đã khiến một số nhà xuất khẩu LNG của Mỹ đang tìm cách ký kết hợp đồng dài hạn với các công ty EU trở nên bối rối. Theo 2 quan chức EU, các công ty này lo ngại rằng nếu đường ống khí đốt trung chuyển qua Ukraine được tái khởi động, sản phẩm của họ sẽ mất đi sức cạnh tranh.

EU đã đặt ra mục tiêu loại bỏ toàn bộ nhiên liệu hóa thạch của Nga khỏi hệ thống năng lượng của khối vào năm 2027. Ủy viên năng lượng của EU Dan Jørgensen dự kiến sẽ trình bày một kế hoạch để đạt được mục tiêu đó vào tháng 3.

Dẫu vậy, tình hình khó khăn của các ngành công nghiệp nặng tại EU đã làm tăng nhu cầu của các nước châu Âu về việc tìm nguồn năng lượng rẻ hơn. Giá khí đốt ở châu Âu thường cao gấp 3 đến 4 lần so với ở Mỹ.

Khí đốt qua đường ống từ Nga chiếm khoảng 10% tổng nguồn cung của khối vào năm 2024, nhưng đã giảim một nửa kể từ khi thoả thuận trung chuyển qua Ukraine đến EU kết thúc vào tháng 1/2025.

Đường ống còn lại đưa khí đốt của Nga đến khối này là tuyến TurkStream qua Thổ Nhĩ Kỳ, cung cấp cho Hungary khoảng 7,5 tỷ mét khối khí đốt. Nước này và Slovakia đã vận động EU gây sức ép buộc Ukraine khởi động lại hoạt động trung chuyển khí đốt.

Trong bối cảnh này, một quan chức cấp cao của EU cho biết: “Cuối cùng, nước nào cũng muốn năng lượng giá rẻ.”

Thế Nguyễn