Thứ Năm, Tháng Năm 9, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đường hầm nguy hiểm nhất thế giới nối ngôi làng sau 600 năm bị cô lập

ĐNA -

Nằm trên một vách đá dựng đứng cao gần 2.000m, đường hầm Guoliang ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã được đào hoàn toàn bằng tay với các công cụ cơ bản như đục, búa và hiện được coi là đường hầm nguy hiểm nhất thế giới. Được khoét vào dãy núi Taihang, đây chính là đường độc đạo duy nhất để đi vào ngôi làng Guoliang hơn 600 năm tuổi. Được biết, người dân phải mất tới 5 năm để hoàn thành đường hầm dài 1.250m, cao 5m và rộng 4m, đủ để hai xe tránh nhau.

Đường hầm Guoliang nằm trên dãy núi Taihang nguy hiểm nhất thế giới nối ngôi làng sau 600 năm bị cô lập

Mỗi lần đi qua đoạn đường là một lần đối diện với tử thần
Nằm sâu trong dãy núi Taihang, Guoliang là ngôi làng được xây dựng bằng đá với dân số chưa đến 300 người. Do địa hình hiểm trở, làng Guoliang gần như bị cô lập hoàn toàn vì không có đường vào. Người dân trong làng chỉ có thể leo qua các vách núi rất nguy hiểm và khó khăn. Do đó, hầu hết trong số khoảng 300 cư dân tại đây đều cân nhắc việc chuyển đi nơi khác để tìm kiếm một cuộc sống dễ dàng hơn.

Người dân làng Guoliang gặp khó khăn về kinh tế vì sự cô lập, nhưng thách thức khó khăn nhất là đưa một người bệnh đến bệnh viện kịp thời. Nếu ai đó bị ốm, 8 người phải khiêng cáng xuống núi và sau đó thực hiện một hành trình kéo dài 4 giờ để đến bệnh viện gần nhất.

“Đó là một cuộc sống khó khăn. Hàng hóa từ thế giới bên ngoài không thể đến làng và các sản phẩm nông nghiệp tươi của chúng tôi không thể được vận chuyển đến những nơi khác”, Song Baoqun – một người dân làng 72 tuổi cho hay. “Chúng tôi đã phải giới hạn trọng lượng lợn ở mức 50 hoặc 60kg, nếu không thì rất khó để khiêng xuống núi”.

Do địa hình hiểm trở, làng Guoliang gần như bị cô lập hoàn toàn với phần còn lại của thế giới.

Huy động trai tráng tự tay đào đường hầm nguy hiểm nhất thế giới bằng đục và búa, ngôi làng đổi vận sau 600 năm bị cô lập.
Vào năm 1972, khi hội đồng làng quyết định đào một đường hầm xuyên núi để kết nối Guoliang với thế giới bên ngoài. Mặc dù chưa có bất kỳ kinh nghiệm hoặc kiến thức kỹ thuật nào nhưng 13 trong số những người dân làng khỏe nhất ở Guoliang vẫn tình nguyện bắt đầu công việc đào đường hầm trên núi.

Chỉ sử dụng những công cụ thô sơ như đục và búa, họ dùng dây thừng hạ mình xuống sườn núi Taihang để đục vào đá từng chút một. Ở giai đoạn khó khăn nhất, cứ 3 ngày đường hầm lại được đào sâu 1m, nhưng điều quan trọng là không ai bỏ cuộc. Họ phải mất tới 5 năm để hoàn thành đường hầm dài 1.250m, cao 5m và rộng 4m, đủ để hai xe tránh nhau.

Chỉ sử dụng những công cụ thô sơ như đục và búa, người dân phải mất tới 5 năm để hoàn thành đường hầm dài 1.250m, cao 5m và rộng 4m, đủ để hai xe tránh nhau.

Đến ngày 1/5/1977, đường hầm chính thức được khai thông. Đường hầm có tổng cộng 35 ô cửa sổ để đưa ánh sáng và không khí vào bên trong căn hầm. Lần đầu tiên, ngôi làng hẻo lánh có thể được tiếp cận bằng ô tô, và điều đó đã thay đổi mọi thứ.

Từ một ngôi làng có nguy cơ bị lãng quên, ngay sau khi đường hầm được đục bằng tay đầy ấn tượng được hoàn thành, làng Guoliang đã từ một ngôi làng nhỏ hầu như không ai biết tới đã trở thành một địa điểm du lịch nhộn nhịp, người dân Guoliang rất thân thiện và luôn chào đón du khách. Kể từ năm 2000, khi Trung Quốc đẩy mạnh du lịch trong nước, làng Guoliang đón hàng nghìn du khách mỗi năm.

Guoliang đã từ một ngôi làng nhỏ hầu như không ai biết tới đã trở thành một địa điểm du lịch nhộn nhịp

Theo Tân Hoa Xã, doanh thu bán vé vào cửa ở Guoliang đạt 120 triệu nhân dân tệ (khoảng 17 triệu USD) trong năm 2018. Những người dân địa phương trước đây từng vất vả mưu sinh nay đã trở thành những chủ doanh nghiệp đầu tư vào khách sạn và các tiện nghi khác phục vụ cho khách du lịch.

“Trong quá khứ, những người dân làng đói khát ghen tị với những người sống dưới đồng bằng. Bây giờ không ai muốn rời khỏi ngôi làng trên đỉnh vách đá này. Chúng tôi cảm thấy hài lòng về ngôi nhà của mình”, một người đàn ông làng Guoliang nói.

Hồng Sơn/https://tanvanlang.com