Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đường thiên lý thế kỷ XIX – con đường thống nhất đất nước Việt Nam

ĐNA -

Đường Thiên Lý (đường Cái Quan), như tên gọi, là con đường ngàn dặm nối liền các vùng miền của Tổ Quốc Việt Nam, tiêu biểu là 3 miền Bắc – Trung – Nam, đại diện bằng 3 trung tâm Hà Nội – Huế – Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh). Theo tiến trình lịch sử dân tộc, từ vùng đồng bằng Bắc bộ, đường Thiên Lý cũng vươn dài ra mãi. Nhưng có thể khẳng định rằng, đến thế kỷ XIX, con đường ấy mới trở nên hoàn chỉnh, kéo dài từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, trở thành một biểu tượng của sự thống nhất đất nước. Con đường Thiên Lý thế kỷ XIX với vai trò đặc biệt trong việc thống nhất đất nước với một lãnh thổ, lãnh hải rộng hơn bao giờ hết, là nền tảng của lãnh thổ quốc gia Việt Nam hiện nay.

Bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ vẽ năm 1838 thể hiện rõ lãnh thổ lãnh hải nước ta bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đường Thiên lý trước thế kỷ XIX
Ngay trong buổi đầu dựng nước, đường Thiên Lý đã manh nha hình thành (1). Đó là những tuyến giao thông để nối kết các vùng miền, tuy vậy, người Việt cổ dường như vẫn quen sử dụng đường thủy hơn là đường bộ. Thời kỳ Bắc thuộc, đường bộ được xây dựng nhiều hơn, phần vì thói quen giao thông của bọn cai trị người phương Bắc (vốn là cư dân đại lục), phần để thuận tiện cho việc khai thác bóc lột dân ta. Theo các sử liệu, thời kỳ này hệ thống đường bộ từ thủ phủ Đại La (Thăng Long-Hà Nội sau này) lên Đông bắc, nối qua Quảng Đông và hệ thống đường bộ lên phía Tây bắc, nối qua Vân Nam đều đã hình thành và được sử dụng thường xuyên (2).

Từ khi giành được độc lập, các vương triều Tiền Lê, Đinh, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê đều quan tâm xây dựng và mở mang đường Thiên Lý để thuận tiện cho việc liên lạc giữa các vùng miền và đưa ảnh hưởng của triều đình đến mọi nơi.

Năm 1402, Hồ Quý Ly huy động một lực lượng rất lớn binh sĩ, dân phu để mở đường Thiên Lý từ Hoan Châu (Nghệ An) đến Hóa Châu (Huế). Đường Thiên Lý đi được một nửa hành trình.

Năm 1471, cùng với việc mở rộng lãnh thổ đến núi Đá Bia, vua Lê Thánh Tông cũng cho củng cố và nối đường Thiên Lý đến tận Bình Định. Xem Hồng Đức bản đồ chúng ta đã thấy đường Thiên Lý nối thông từ địa đầu phía bắc đến chân Thạch Bi Sơn.

Đường Thiên Lý đi qua Quảng Bình quan.

Nhưng có thể nói, kể từ khi các chúa Nguyễn vào Nam, cùng với quá trình Nam tiến được đẩy lên cao trào, đường Thiên Lý mới vươn dài mạnh mẽ theo bước chân của những đoàn quân Việt hăm hở khai phá đất phương Nam. Trong khoảng thời gian hơn 150 năm (1611-1775), đường Thiên Lý ở Đàng Trong liên tục được nối ra dài ra mãi, tới Phan Rang (1653), tới Sài Gòn (1698), tới Hà Tiên (1708), tới Vĩnh Long (1731), tới Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và Cà Mau (1757)…

Ở Đàng Ngoài, chúa Trịnh cũng cho mở rộng đường Thiên Lý để thuận tiện cho việc đưa hàng vạn quân lương, voi ngựa từ kinh đô Thăng Long vào giao chiến với họ Nguyễn ở đất Quảng Bình.

Năm 1775, đoàn quân của chúa Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy đã vượt qua sông Gianh vào chiếm đất Phú Xuân của họ Nguyễn, nối thông con đường Thiên Lý bị cắt đoạn cả trăm năm trước đó. Nhưng Nguyễn Huệ-Quang Trung mới là người biết tận dụng sự “nối thông” đó để đưa quân đội của mình thần tốc tiến ra Bắc, đánh tan 29 vạn quân Thanh, đặt nền móng cho sự thống nhất đất nước.

Đường Thiên Lý đi qua 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên (năm 1881)..

Đường Thiên Lý thế kỷ XIX
Trên cơ sở kế thừa những thành quả của các triều đại trước, triều Nguyễn đã mở hoàn, hoàn chỉnh đường Thiên Lý, biến nó thành con đường quan trọng nhất nối liền ba miền đất nước, và nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, đường Thiên Lý là “huyết mạch kinh tế và là hệ thần kinh quản trị quốc gia”.

 Xây dựng
Ngay sau khi thống nhất đất nước, cùng với việc huy động hàng vạn dân công thợ thuyền về xây dựng kinh đô Huế, triều Nguyễn đã đặc biệt chú trọng mở mang các tuyến đường từ kinh đô đến mọi miền đất nước. Ngay trong năm 1804, đường Thiên Lý đã được củng cố và triều Nguyễn cho đặt một hệ thống gồm 99 dịch trạm suốt từ Bắc chí Nam với những quy định chặt chẽ về quy thức nhà trạm, số lượng phu dịch… Xem Hoàng Việt nhất thống dư địa chí do Lê Quang Định (lúc đó là Thượng thư bộ Binh) biên soạn, chúng ta có thể thấy hệ thống đường giao thông đầu thế kỷ XIX dường như đã vươn đến mọi vùng miền của đất nước, suốt từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, trong đó đường Thiên Lý là xương sống của hệ thống trên.

Năm 1805, vua Gia Long ra lệnh cho Tổng trấn Bắc thành truyền bảo thuộc hạt và các quan địa phương phải “chiếu núi sông, đường sá, dân cư, chợ phố, và trấn sở, phủ huyện sở, đồn thủ các sở, và vẽ bản đồ các đường cái, đi thông suốt cùng là để cống đường 2 bên sông, chiếu đo từ nơi nào đến nơi nào, bao nhiêu trượng thước; và sông to nhỏ, trên từ đầu nguồn, dưới từ cửa bể chỗ nào có cầu đò, chỗ nào có thế nước sâu nông, lòng sông đò ngang bao nhiêu trượng thước, thủy triều lên đến nơi nào?.. Mỗi huyện vẽ một bản đồ huyện, quan trấn tham xét hình thế, lại tổng họa một bức bản đồ trấn, dâng lên vua xem” (3).

Đường Thiên Lý đi qua Hải Vân quan

Trong khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, các vua Nguyễn từ Gia Long đến Thiệu Trị đều hết sức chăm lo củng cố nâng cấp đường Thiên Lý. Đây cũng chính là thời kỳ chúng ta có đầy đủ tư liệu nhất để biết được quy mô xây dựng, cách thức tổ chức quản lý và điều hành hệ thống đường Thiên Lý của người xưa.

Đường Thiên Lý có quy mô khá lớn, rộng ít nhất là một trượng trở lên (4m), riêng trong phạm vi kinh đô và phủ Thừa Thiên mặt đường rộng đến 3 trượng (12m). Về cơ bản con đường này tuy chưa được đổ đá, lát gạch nhưng xây đắp khá công phu; mặt đường vồng lên kiểu lưng rùa, giữa cao, hai bên thấp, lại có rãnh để thoát nước và trồng cây dọc hai bên đường. Năm 1812, một người nước ngoài là De la Bissachere đã ca ngợi, con đường Thiên Lý nối giữa Phú Xuân và Đông Kinh (Hà Nội) “đẹp tựa đường châu Âu” (4).

Hệ thống đồn phòng thủ của triều Nguyễn trên đỉnh đèo Hải Vân nơi đường Thiên Lý xuyên qua

Tuy nhiên, tại những chỗ núi cao, đèo hiểm, đường có quy mô nhỏ, việc giao thông đi lại rất khó khăn, triều đình đã không ít lần huy động sức lính và dân tham gia cải tạo, nâng cấp. Năm 1832, vua Minh Mạng dụ cho Bộ Công rằng: “Đường cái quan có nhiều chỗ núi cao, lính trạm leo trèo, nhân dân đi lại có nhiều khó khăn trở ngại. Vậy truyền lệnh cho các quan địa phương xét xem địa phận hạt mình, chỗ nào có đá lớn ngăn trở thì đốt cho nát phá bỏ đi, cốt rộng từ 4-5 thước trở lên (thước ta, tương đương với 0,424m-PTH), đủ đi lại được; chỗ nào vì nước mưa lụt chảy xói, lâu ngày trũng sâu, thì lấy đá lấp đầy hoặc xây thành bậc cho được bằng phẳng rồi ủy cho phủ huyện thuê dân làm, trả công ưu hậu bằng tiền và gạo, rộng cho thời hạn, cốt được thành công để lợi ích lâu dài” (5).

Trên tuyến đường Thiên Lý, triều Nguyễn đã cho xây dựng 1.023 chiếc cầu, 213 chiếc cống bằng gạch đá kiên cố, đặt 140 bến đò ngang (những chỗ không thể xây cầu) để đảm bảo con đường được bền vững và luôn thông suốt (6).

Nhờ những nỗ lực to lớn đó nên đến khoảng giữa thế kỷ XIX, hệ thống đường bộ của triều Nguyễn trở nên rất hoàn chỉnh. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, nó đã vươn tới cả 18.000 thôn, xã, ấp, phường, trại… trong toàn lãnh thổ nước ta với tổng chiều dài hàng chục ngàn km. Riêng đường Thiên Lý Bắc Nam đã có tổng chiều dài hơn 3.184km (từ kinh đô Huế đến Hà Tiên dài 2.336 dặm 85 trượng 4 thước 9 tấc, tương đương 1.832km; từ kinh đô Huế đến Ải Nam Quan khoảng 848km(7).

 Quản lý, sử dụng, vận hànhTriều Nguyễn rất chú trọng việc quản lý và điều hành hệ thống dịch trạm dọc theo đường Thiên Lý để đảm bảo giao thông liên lạc từ kinh đô đi đến mọi miền được thông suốt.

Kinh thành Huế năm 1892 và các tuyến đường đi ra từ Kinh thành.

Quản lý điều hành mọi công việc liên quan đến hệ thống dịch trạm trên đường Thiên Lý được triều đình giao cho Ty Bưu Chính. Bộ máy ty này gồm một Chủ sự (chánh lục phẩm), 1 Tư vụ (chánh thất phẩm), Chánh bát, cửu phẩm thư lại 4 người, Vị nhập lưu thư lại 15 người. Hệ thống dịch trạm trên toàn quốc được nghiên cứu, thiết lập cẩn thận với số biên chế phu trạm khác nhau. Đầu thế kỷ XIX có 99 dịch trạm, đến giữa thế kỷ XIX tăng lên là 139 dịch trạm với tổng số phu trạm khoảng trên 6.000 người, các trạm còn được cấp ngựa, thuyền để phục vụ công việc (8):

 “Phàm các sở dịch trạm ở các trực các tỉnh miền Nam, miền Bắc, mỗi sở cách nhau từ trên dưới 20 dặm đến 34, 35, 36 dặm. Mỗi trạm đặt 1 chức dịch thừa và 1 dịch mục. Phu trạm thì từ 100 tên, 3-40 tên không đều nhau, đều phải tùy theo đường sá hiểm trở dễ dàng, công việc nhiều, ít làm thứ bậc. Mỗi trạm cấp cho 4 con ngựa để sung vào việc chuyển đưa (công văn)”(9).

Từ điện Kiến Trung nhìn về phía nam Kinh thành Huế.

Quy mô kiến trúc dịch trạm cũng khác nhau, nơi quan trọng thì làm nhà kiên cố, lợp ngói, thường thì bằng tre nứa, lợp tranh, kiểu 3 gian 2 chái theo quy định của bộ Công. Mỗi nhà trạm đều có biển ghi tên gọi, có dựng cột cờ, treo cờ  hiệu (trạm ở kinh thì treo 2 cờ vuông thêu chữ “Kinh trạm” và 2 cờ đuôi nheo thêu chữ “Mã thượng phi đệ”; trạm khác thì treo 2 cờ đuôi nheo và 1 cờ vuông), được cấp khí giới và dụng cụ hỗ trợ (trạm ở kinh thì cấp 6 thanh đoản đao, các trạm khác thì cấp 3 cái lệnh đồng, 3 thanh đoản kiếm, 10 ngọn giáo dài, 5 chiếc dao nhọn). Mỗi trạm đều phải sắm sẵn 2-3 nắm lông gà trống, lấy chỉ khâu thành phiến, khi gặp việc quân cơ tối khẩn thì dùng phiến lông gà ấy cắm vào túi kết trên cờ lệnh, các trạm thấy cờ hiệu lông gà thì phải dốc sức phối hợp để chuyển công văn được nhanh nhất.

Triều Nguyễn quy định rõ các mức độ tối khẩn, khẩn vừađi thường trong việc chuyển đưa các công văn, tin tức từ kinh đô đến các địa phương và theo chiều ngược lại đồng thời căn cứ vào đó để khen thưởng hay trách phạt người thực thi nhiệm vụ. Khung thời gian chuyển công văn đi bằng ngựa đến các địa phương (từ Huế) cụ thể như sau:

(Ghi chú: Mỗi ngày ở đây thực chất là 1 ngày-đêm với 12 giờ; mỗi giờ tương đương với 2 tiếng đồng hồ hiện nay).

Về quy định thưởng phạt trong việc thực thi công vụ, triều Nguyễn quy định: “Về thời hạn tối khẩn, khẩn vừa thuộc các hạt ấy, như viên nào đúng hạn cùng chưa đến hạn mà đã đến trước, đều thưởng tiền từ 6 quan đến 1 quan. Viên nào đi quá hạn, thứ mỗi ngày phải phạt 20 roi, nhưng tội chỉ đến phạt 90 trượng thôi; đi thường mà quá hạn, cứ mỗi ngày phạt 10 roi, nhưng tội chỉ đến phạt 50 roi thôi. Nếu có sự cố gì mà không thể tiến trước được, phải có cam kết với quan sở tại, thì miễn tội”(10).

Công văn đều được cất vào ống trạm do triều đình sai làm. Các bộ, nha, sở và các tỉnh đều được cấp hàng trăm ống trạm với kích thước phù hợp để đựng công văn cần chuyển. Ống trạm làm bằng tre hoặc gỗ, nửa trên khắc danh hiệu (nha môn, địa phương); nửa dưới khắc số hiệu ống.

Ngoài nhiệm vụ chuyển phát công văn giấy tờ của triều đình và các địa phương, các trạm dịch của Ty Bưu Chính còn phải phục vụ cho các đối tượng là quan lại, công chức của triều đình đi công cán ở các địa phương, quan viên về quê  hưu dưỡng (quan lại cao cấp, văn từ Tứ phẩm, võ từ Tam phẩm trở lên), đặc biệt là mỗi khi vua đi tuần hành, quân đội đi đánh giặc, tiễu phỉ…

Gắn bó với công việc của Ty Bưu Chính là Ty Thông Chính Sứ, đây là cơ quan làm nhiệm vụ phân phát mệnh lệnh của triều đình, thu nhận các báo cáo từ địa phương sau khi chuyển về về kinh đô. Hai cơ quan này phải kết hợp chặt chẽ với nhau và túc trực hoạt động suốt cả ngày đêm nhằm đảm bảo cho mối liên lạc giữa triều đình và các địa phương luôn luôn được thông suốt (11).

Đoàn ngự đạo đi tế Giao thời Nguyễn

Không chỉ là con đường phục vụ cho việc giao thông đi lại, vận chuyển công văn, hàng hóa, tài vật của triều đình, đường Thiên Lý còn phục vụ cho toàn dân trong việc đi lại, buôn bán, giao lưu thương mại giữa các vùng miền của Tổ quốc. Các vua Nguyễn đều nhìn thấy rõ lợi ích sâu xa của con đường chiến lược này. Vua Minh Mạng từng dụ cho bộ Công:

 “Sửa sang đường sá cũng là một trong những công việc chính sự của người làm vua. Mỗi khi thấy đường cái quan chỗ cát sỏi trời hè nóng bỏng, người đi vất vả, lòng trẫm rất áy náy. Tuy đường sá rất dài, công trình sửa sang thực không phải dễ, nhưng triều đình làm lợi cho dân, ví như có thể đặt phương pháp làm tiện cho dân, cũng phải lần lượt mà làm… Đấy là trẫm không tiếc phí tổn để lợi nghìn muôn đời vô cùng. Người là quan địa phương đều nên theo lòng trẫm mà làm, đừng sợ khó, đổ trách nhiệm, do đó mà làm hại cho dân. Sao cho không phụ trách nhiệm quan to một địa phương. Phải nghiêm theo. Phải cố gắng”.

Những lời “gan ruột” của vua Minh Mạng với bề tôi của ông đã cho thấy rõ nhận thức, tầm nhìn của vua Nguyễn đối với việc xây dựng hệ thống giao thông của đất nước mà quan trọng nhất là con đường Thiên Lý Bắc Nam. Đường Thiên Lý của thế kỷ XIX dĩ nhiên có sự kế thừa công sức và thành quả to lớn của bao thế hệ người Việt Nam trước đó nhưng nếu không có nhận thức đúng đắn cùng sự đầu tư to lớn của triều Nguyễn thì chắc chắn nó không thể hình thành và giữ một vai trò trọng yếu đối với nền kinh tế, chính trị của đất nước đến vậy.

Đường Thiên Lý thực sự trở thành một công cụ đặc biệt để thực hiện và duy trì sự thống nhất đất nước trong thế kỷ XIX, do vậy nó cũng là biểu tượng cho sự thống nhất của Tổ Quốc.

Đến nay, hệ thống giao thông nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc nhưng ý nghĩa của con đường Thiên Lý vẫn không hề thay đổi. Đó là một con đường đặc biệt trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam.

TS. Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế

Chú thích
Các sử liệu chính yếu của Việt Nam thời phong kiến như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ… đều có đề cập. Những tác gia có ghi chép, mô tả hay luận bàn về đường Thiên Lý cũng không hiếm, nhưng nổi bật là nhóm tác giả thời Lê Sơ với Hồng Đức bản đồ (1490),  Đỗ Bá (Công Đạo) với Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (1686), Bùi Thế Đạt với Giáp Ngọ niên bình nam đồ (1774), Lê Qúy Đôn với Phủ biên tạp lục (1776), Lê Quang Định với Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806)… Thời Pháp thuộc cho đến năm 1975 cũng có khá nhiều công trình ít nhiều đề cập đến đường Thiên Lý, nhưng đầu tư và có thành tựu hơn cả có lẽ là Nguyễn Đình Đầu, người chủ biên của công trình nghiên cứu, dịch thuật và giới thiệu tổng tập địa bạ thời Nguyễn, bộ tư liệu Hán Nôm đồ sộ ghi chép đầy đủ nhất về toàn bộ lãnh thổ Việt Nam trong thế kỷ XIX. Gần đây, Nguyễn Thanh Lợi cũng có một công trình khảo cứu công phu về đường Thiên Lý xưa nay và đã  được đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (số 5-6/2006)…

Nguyễn Đình Đầu, Con đường cái quan, www.baomoi.com/Đất nước mến yêu.

Nội Các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tập 13: Bộ Công, tr 524.

De la Bissachere, Etat actuel du Tonkin de la Cochinchine et les royaumes de Cambodge, Laos et Lactho (Hiện trạng Bắc Kỳ, nam Kỳ, các vương quốc Lào, Campuchia và Lạc Thổ), dẫn theo Nguyễn Thanh Lợi trong  Con đường Thiên Lý, Tc Nghiên cứu và Phát triển, số 5-6/2006, tr 102.

Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH, 1964, tập 9, tr 191.

Theo Nội Các triều Nguyễn, từ kinh đô Huế về phía Nam thì phủ Thừa Thiên có 123 cầu, 6 đò ngang; Quảng Nam có 108 cầu, 13 đò ngang; Quảng Ngãi có 35 cầu, 5 đò ngang; Bình Định có 142 cầu, 8 đò ngang; Phú Yên có 30 cầu, 45 cống đá, 7 đò ngang; Khánh Hòa có 46 cầu, 5 đò ngang; Bình Thuận có 18 cầu 2 đò ngang; Biên Hòa có 17 cầu; Gia Định có 12 cầu 4 đò ngang; Định Tường có 5 cầu 5 đò ngang; Vĩnh Long có 13 cầu 11 đò ngang; An Giang có 74 cầu 10 đò ngang; Hà Tiên có 9 cầu 1 đò ngang. Từ kinh đô ra Bắc, Quảng Trị có 46 cầu, 6 đò ngang; Quảng Bình có 5 cầu, 168 công đá cống nước, 4 đò ngang; Hà Tĩnh có 127 cầu 7 đò ngang; Nghệ An có 29 cầu, 4 đò ngang; Thanh Hóa có 19 cầu, 3 đò ngang; Ninh Bình có 6 cầu, 3 đò ngang; Hà Nội có 2 cầu, 3 đò ngang; Bắc Ninh có 4 cầu, 3 đò ngang; Lạng Sơn có 37 cầu; Cao Bằng có 3 cầu; Thái Nguyên có 9 cầu; Sơn Tây có 40 cầu, 8 đò ngang; Hưng Hóa có 2 cầu, 2 đò ngang; Tuyên Quang có 6 cầu, 3 đò ngang; Nam Định có 18 cầu, 5 đò ngang; Hưng Yên có 14 cầu, 3 đò ngang; Hải Dương có 23 cầu, 8 đò ngang; Quảng yên có 1 đò ngang. Xem Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Sđd, Bộ Công, tập 13, tr 534-538.

Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, Nxb Thành phố HCM, 1994, 14 tập, xem phần Lời giới thiệu và Tựa ở các tập.

Có thể xem danh sách tên các dịch trạm, khoảng cách giữa các trạm, số lượng phu trạm ở phần quy định cho Ty Bưu Chính trong sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 252 (bản dịch, tập 15, từ trang 165-209).

Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, sđd, Ty Bưu chính I, tập 15, tr 165.

Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, sđd, tập 15, Ty Bưu Chính I,  tr 169.

Ty Thông Chính Sứ gồm có 1 Chính sứ (chánh tam phẩm), 1 Phó sứ (tòng tam phẩm), 1 Viên ngoại lang (chánh ngũ phẩm), 1 Chủ sự (chánh lục phẩm), 1 Tư vụ (chánh thất phẩm), 4 Chánh bát, cửu phẩm thư lại, 10 Vị nhập lưu. Hai người đứng đầu đều do nhà vua đích thân lựa chọn. Ty này hoạt động như một bộ phận của văn phòng trung ương với nhiệm vụ xem xét tất cả các sớ tấu đưa về từ 4 phương, từ đó phân loại và chuyển về các bộ, nha để xử lý (trừ các văn bản mật và tối khẩn thì do Thị Vệ Xứ xem và trình trực tiếp cho nhà vua). Với chức năng đó, Ty Thông Chính Sứ đóng vai trò là cơ quan đầu mối để nối kết giữa chính quyền trung ương và các địa phương thông qua hoạt động của Ty Bưu Chính trên đường Thiên Lý. Xem thêm Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, sđd, quyển 231: Ty Thông Chính Sứ (bản dịch, tập 14, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993).