Nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố then chốt để phát triển ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt tại những địa phương trọng điểm như Khánh Hòa. Tuy nhiên, thực trạng thiếu hụt lao động có chuyên môn và kỹ năng đang trở thành “nút thắt” kìm hãm đà tăng trưởng của ngành công nghiệp không khói. Trong khi nhu cầu tuyển dụng ngày càng gia tăng, thì lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp lại còn quá mỏng.

Với việc đón hơn 2,4 triệu lượt khách Hàn Quốc trong năm 2024, các đơn vị lữ hành, lưu trú ở Khánh Hòa luôn thiếu hụt nhân sự biết nói tiếng Hàn. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng đã phải tuyển dụng lao động từ Hàn Quốc để đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Trong bối cảnh lượng khách du lịch cả nước tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2024, nhưng nguồn nhân lực du lịch hiên tại có đến 92,3% chưa đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, 84,6% cần được đào tạo bổ sung kỹ năng nghề nghiệp.
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ ảnh hưởng của dịch COVID-19, khi nhiều lao động, đặc biệt là những người có chuyên môn cao, đã rời bỏ ngành. Thêm vào đó, sự không liên thông trong đào tạo giữa các cơ sở giáo dục và nhu cầu thực tế trên thị trường đã tạo ra một khoảng cách lớn. Không những vậy, giai đoạn chững lại của các hoạt động du lịch cũng khiến như cầu học các ngành học phục vụ cho lĩnh vực này cũng giảm sút.
Việc thiếu hụt nhân lực du lịch nói chung, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao đang ảnh hướng rất lớn đến chất lượng và hiệu quả của ngành kinh tế này. Hệ quả của tình trạng này là chất lượng dịch vụ có thể bị giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của khách du lịch. Hơn nữa, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ làm chậm quá trình phục hồi của ngành mà còn dẫn đến tăng chi phí đào tạo cho doanh nghiệp.

Phát triển du lịch bền vững cần hoàn thiện chuỗi cung ứng nhân lực du lịch
Nhân lực chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã trở thành một nguồn lực, yếu tố đầu vào quan trọng của ngành kinh doanh này. Việc thiếu hụt nhân lực chất lượng cao thể hiện sự đứt gãy trong chuối cung ứng nguồn lực này. Khôi phục được hoạt động của chuỗi cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu, đối tượng trong chuỗi cung ứng, từ người lao động, cơ sở giáo dục đào tạo đến đơn vị sử dụng nhân lực.
Để giải quyết triệt để tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, cần có sự tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Hiện nay, cả doanh nghiệp cũng như các trường đại học cũng đang không ngừng nỗ lực để khắc phục và giải quyết sự đứt gãy này. Các trường đại học, điển hình như Trường Đại học Thái Bình Dương, đã xây dựng các chương trình liên kết chặt chẽ với các thương hiệu lớn trong ngành du lịch. Tại sự kiện ký kết biên bản hợp tác giữa trường Đại học Thái Bình Dương với 3 khu nghỉ dưỡng hàng đầu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, gồm: Six Senses Ninh Vân Bay, Radisson Blu Resort Cam Ranh, Wyndham Garden Cam Ranh Resort Sáng 16-7 vừa qua, một liên minh với những cam kết chặt chẽ giữa Nhà trường và doanh nghiệp đã hình thành.
Tại sự kiện, GS. TS. Đào Văn Đông đề xuất 5 mũi nhọn hợp tác giữa Nhà trường các đối tác. Trong đó nhấn mạnh rằng việc đào tạo nhân lực tại Trường là hướng đến thực tế doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Và để làm được điều đó, sự phối hợp chặc chẽ giữa Nhà trường và doanh nghiệp cần được nâng lên một tầm cao mới, không chỉ là tiếp nhận và tuyển dùng sinh viên mà còn cần tham gia, đồng hành trong quá trình phát triển chương trình đào tạo với chuẩn đầu ra bám sát nhu cầu doanh nghiệp, tham gia sâu vào quá trình đào tạo hơn nữa ở các giai đoạn giảng dạy, kiến tập, thực tập, và đánh gia năng lực người học. Bằng cách này, chuỗi cung ứng nhân lực du lịch chất lượng cao sẽ lại được kết nối và liền mạch.
Cần làm tốt công tác quy hoạch và dự báo trong du lịch
Việc thiếu một hệ thống thông tin du lịch liền mạch, thiếu cơ sở dữ liệu du lịch đủ lớn để sử dụng cho công tác dự báo nhu cầu cũng đang ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động của các doanh nghiệp du lịch nói chung, cũng như kế hoạch nhân sự của các doanh nghiệp du lịch.
Ông Võ Trần Hải Linh, Phó Trưởng khoa Phụ trách Khoa Du lịch Trường Đại học Thái Bình Dương khẳng định rằng, Nhà trường và doanh nghiệp cần phối hợp và đầu tư hơn nữa trong công tác dự báo nhu cầu thị trường. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp, đồng thời có thể chủ động hợp tác với các trường đại học, xác định rõ nhu cầu tuyển dụng, giúp nhà trường xác định được quy mô đào tạo cũng như chất lượng đào tạo cần thiết. Mô hình đào tạo dựa trên năng lực và nhu cầu thị trường sẽ tạo điều kiện cho sinh viên thực tập và làm việc tại doanh nghiệp, từ đó nâng cao tính khả thi tìm kiếm cơ hội việc làm.
Việc có được công tác dự báo tốt, doanh nghiệp có thể xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng theo nhu cầu doanh nghiệp, đồng thời cũng có thể chủ động hợp tác, đặt hàng các trường đại học tuyển sinh, đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp du lịch theo chiến lược đã đề ra.

Đa dạng hóa và liên thông các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn.
Lực lượng lao động chất lượng cao ở các lĩnh vực kinh tế khác cũng đóng vai trò quan trọng, là một nguồn nhân lực dự phòng cho việc phát triển hoạt động du lịch trong ngắn hạn. Với đối tượng này, các chính sách hỗ trợ và môi trường làm việc hấp dẫn sẽ thu hút lao động trở lại với ngành du lịch. Trong ngắn hạn, cần khuyến khích người lao động quay trở lại ngành. Cung cấp các chính sách hỗ trợ, tạo môi trường làm việc hấp dẫn để thu hút lao động trở lại làm việc trong ngành du lịch. Hiển nhiên cần có các chính sách đào tạo lại để họ cập nhật với những thay đổi của môi trường kinh doanh, với tiêu chuẩn cao hơn của hoạt động trong lĩnh vực này. Điều này phát sinh nhu cầu trong việc Xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn, chuyên sâu. Cần đáp ứng nhu cầu đào tạo lại và đào tạo nâng cao của lao động trong ngành.
Trường Đại học Thái Bình Dương có lợi thế lớn khi có đủ năng lực đào tạo khối ngành Du lịch, Nhà hàng- Khách sạn ở các bậc đại học, sau đại học (Quản trị kinh doanh du lịch), các chứng chỉ nghiệp vụ, nghề nghiệp hướng dẫn viên. Nhà trường còn đào tạo chuyên sâu các khối ngành ngôn ngữ Tiếng Trung, Tiếng Hàn, Tiếng Anh, Tiếng Nhật. Với hệ thống đào tạo này, nhà Trường có đủ điều kiện để linh hoạt đào tạo học viên, sinh viên theo định hướng năng lực chuyên môn cũng như ngôn ngữ mà các đối tác yêu cầu, đặt hàng.
Giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Trong bối cảnh ngành du lịch đang bước vào giai đoạn phát triển mới, mô hình đào tạo gắn với năng lực thực tiễn và nhu cầu thị trường được xem là xu hướng tất yếu. Việc tạo điều kiện để sinh viên thực tập, làm việc tại doanh nghiệp không chỉ mở ra cơ hội việc làm vững chắc sau tốt nghiệp, mà còn giúp nhà trường đầu tư đúng hướng vào chương trình đào tạo và cơ sở vật chất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi chủ động sở hữu đội ngũ nhân sự chất lượng, tiết giảm chi phí tuyển dụng và nâng cao hiệu quả hoạt động trong dài hạn.
Văn hữu Quang Nhật/Đại học Thái Bình Dương