Thứ hai, Tháng chín 16, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Elon Musk tuân thủ lệnh chặn truy cập X ở Brazil.

ĐNA -

Sau khi Tòa án Tối cao Brazil thông báo đóng băng tài khoản Starlink, lệnh chặn mạng xã hội X ở nước này, tỷ phú Elon Musk đã phải xuống nước và tuân thủ lệnh chặn truy cập X ở quốc gia Nam Mỹ. Nhưng người dân Brazil hiện nay chỉ quan tâm đến mạng xã hội Instagram hoặc WhatsApp mà không quan tâm đến mạng xã hội X nữa.

Thẩm phán Alexandre de Moraes tại Tòa án Tối cao Brazil ngày 8/2. Ảnh: AFP

“Tôi chỉ cảm thấy mất mát nếu họ chặn Instagram hoặc WhatsApp. Mọi người ở đây không cần X”, Sampaio, nhân viên bán đồ trang sức 56 tuổi, nói.

Một ngày sau, dù lên án gay gắt lệnh cấm là “bất hợp pháp một cách trắng trợn”, X xuống nước, thông báo công ty sẽ tuân thủ yêu cầu của Brazil.

“Bất chấp việc Starlink bị đối xử bất hợp pháp bằng cách đóng băng tài sản, chúng tôi vẫn tuân thủ lệnh chặn quyền truy cập X tại Brazil”, tuyên bố của công ty cho hay. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi mọi con đường pháp lý. Và nhiều người khác cũng đồng ý rằng lệnh gần đây của thẩm phán Moraes vi phạm hiến pháp Brazil”.

Brazil, với dân số 215 triệu người, là một trong những nước tiên phong và nhiệt tình nhất trong sử dụng mạng xã hội X, trước kia là Twitter. Hơn 40 triệu người Brazil, chiếm gần 1/5 dân số, thường xuyên sử dụng mạng xã hội này để tham gia các cuộc thảo luận sôi nổi về mọi vấn đề cuộc sống.

Twitter được cho là đã góp phần thúc đẩy các cuộc biểu tình lớn và rộng khắp ở Brazil năm 2013, mở đường để chính trị gia cực hữu Jair Bolsonaro vươn lên nắm quyền.

Nhưng kể từ đó, tầm ảnh hưởng của X tại Brazil đã giảm đáng kể. Theo thống kê gần đây nhất, ước tính có 22 triệu người Brazil dùng X. Các cuộc khảo sát cho thấy người Brazil có xu hướng sử dụng WhatsApp, Instagram hoặc ứng dụng chia sẻ video Kwai của Trung Quốc hơn X.

Khảo sát của Viện Dân chủ và Dân chủ hóa truyền thông ở Brazil năm 2022 chỉ ra chỉ có 3% người dân nước này coi Twitter là nơi yêu thích để theo dõi tin tức chính trị, lĩnh vực mà nền tảng này từng thống trị.
Sau khi được tỷ phú Mỹ Elon Musk mua lại năm 2022, mạng xã hội này đã chịu thêm tổn thất. Kể từ khi ông tiếp quản và đổi tên nền tảng thành X, hơn 2 triệu người dùng Brazil đã rời đi.

Cuộc chiến tuần trước giữa X và Brazil đã càng làm suy giảm vị thế của nền tảng này tại quốc gia Nam Mỹ. Mâu thuẫn bắt đầu từ tháng 4, khi thẩm phán Tòa án Tối cao Brazil Alexandre de Moraes ra phán quyết yêu cầu chặn hàng chục tài khoản ủng hộ cựu tổng thống Jair Bolsonaro duy trì quyền lực sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 2022.

Thẩm phán Moraes, một trong những người chống thông tin sai lệch quyết liệt nhất thế giới, cho rằng các tài khoản này phát tán tin giả, đe dọa nền dân chủ. Ông đề nghị Musk chỉ định một đại diện công ty tại Brazil để thực hiện yêu cầu này.

Tuy nhiên, Musk từ chối thực hiện, buộc thẩm phán Moraes ra lệnh chặn X cho đến khi nền tảng tuân thủ các lệnh của tòa án, nộp phạt đầy đủ và chỉ định đại diện pháp lý mới tại nước này.

Đáp lại phán quyết, ông Musk từ chối tuân thủ, viết trên X rằng Brazil đang “đóng cửa nguồn thông tin uy tín hàng đầu”, cáo buộc chính phủ nước này “quá sợ hãi khi người dân biết sự thật đến mức sẽ chặn bất kỳ ai nỗ lực tìm hiểu”.

Một số người Brazil đã chỉ trích phán quyết của thẩm phán Moraes, nhưng hầu hết đều tiếp tục cuộc sống của họ vì cũng không còn dùng X nhiều nữa.

“Trong khoảng 5-10 năm, Twitter từng được xem như quảng trường ở Brazil, nơi chúng tôi thực hiện hầu hết các cuộc trò chuyện quan trọng. Nhưng sau đó, nó không còn thú vị và quan trọng như trước”, Pedro Doria, nhà bình luận về công nghệ của O Globo, nói.

Quyết định đình chỉ X ở Brazil đã làm suy yếu khả năng cạnh tranh của công ty này với các công ty truyền thông xã hội khác. Sau khi X bị cấm, hơn một triệu người Brazil đã chuyển sang nền tảng Bluesky hoặc Threads.

Starlink, công ty cung cấp mạng do Musk sở hữu và đang hoạt động tại Brazil, ban đầu nói rằng sẽ cho phép người dùng tiếp tục truy cập X bất chấp lệnh cấm của Tòa án Tối cao. Tỷ phú Musk liên tục đăng bài chỉ trích thẩm phán Moraes, thậm chí mô tả ông là tội phạm.

Nhưng cán cân trong cuộc chiến ngày càng tỏ ra chênh lệch. Thẩm phán Moraes tuần trước đóng băng tài khoản của Starlink như biện pháp buộc công ty phải trả khoản tiền phạt X lên tới hơn 3 triệu USD, với lý do hai công ty này thuộc cùng một tập đoàn. Stalink đã đệ đơn kháng cáo.

Tuy nhiên, một ủy ban của Tòa án Tối cao Brazil ngày 2/9 cũng nhất trí duy trì lệnh cấm, làm suy yếu nỗ lực của Musk và những người ủng hộ.

Chủ tịch công ty viễn thông Brazil Anatel cùng ngày cảnh báo sẽ hủy giấy phép hoạt động của Starlink ở nước này nếu công ty của Musk không chặn quyền truy cập X. Anatel có thể tịch thu thiết bị từ 23 trạm mặt đất của Starlink, theo Artur Coimbra, thành viên hội đồng quản trị Anatel.

Một số chuyên gia pháp lý đã đặt câu hỏi về cơ sở để thẩm phán Moraes đóng băng tài khoản của Starlink, khi công ty chủ quản của nó là SpaceX không liên quan tới X. Musk lưu ý rằng hai công ty có cơ cấu cổ đông khác nhau.

Tuy nhiên, quyết định tuân thủ lệnh cấm X của ông Musk khiến nhiều người ở Brazil đang phụ thuộc vào Starlink cảm thấy nhẹ nhõm. Công ty có hơn 250.000 khách hàng ở Brazil, nhiều người trong số này sống ở các vùng xa xôi không thể truy cập Internet tốc độ cao.

Trước khi có Starlink, việc truy cập Internet ở nhiều khu vực phụ thuộc vào ăng-ten cố định thường chậm và không ổn định. Các thiết bị dễ lắp đặt và kết nối của Starlink đã giải quyết vấn đề, giúp một số cộng đồng sử dụng mạng nhanh hơn.

Brazil có diện tích lãnh thổ lớn với nhiều vùng nông thôn, rừng núi, khiến nước này trở thành thị trường đầy hấp dẫn với Starlink. Tuy nhiên, hiện diện của công ty vẫn chưa lớn như Musk và nhiều người kỳ vọng. Từ khi bắt đầu hoạt động ở Brazil vào tháng 1/2022, Starlink mới chiếm được 0,5% thị phần Internet của quốc gia này, thấp hơn nhiều lần so với nhà cung cấp hàng đầu Anatel.

“Cuộc chiến giữa Musk và Moraes đã nhắc nhở chúng ta về việc các lãnh đạo công nghệ đã trở nên quyền lực và khiêu khích như thế nào. Brazil sẽ không phải là quốc gia cuối cùng tìm kiếm trách nhiệm giải trình hoặc dựng lên các rào chắn với các tập đoàn công nghệ”, Marietje Schaake, giám đốc chính sách quốc tế tại Trung tâm Chính sách mạng thuộc Đại học Stanford ở Mỹ, nói.

Hoàng Hạnh/tổng hợp từ Washington Post, Guardian và AP