Theo Politico, ngoài Hungary và Slovakia, Pháp và Bỉ cũng từ chối ủng hộ kế hoạch của Ủy ban châu Âu về việc cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga. Các quốc gia này cho rằng cần thêm thời gian để đánh giá đầy đủ tác động kinh tế và pháp lý của biện pháp này đối với thị trường năng lượng và chuỗi cung ứng trong khu vực.

Pháp hiện là quốc gia nhập khẩu LNG Nga lớn nhất trong EU và ưu tiên chiến lược đa dạng hóa nguồn cung thay vì áp lệnh cấm hoàn toàn. Bỉ, nhà nhập khẩu lớn thứ hai cũng giữ lập trường thận trọng, yêu cầu báo cáo đánh giá tác động kinh tế chi tiết trước khi đưa ra quyết định.
Lập trường này trái ngược với Tây Ban Nha và Hà Lan, hai nước nhập khẩu LNG Nga tiếp theo trong khối. Cả hai tuyên bố sẵn sàng ủng hộ kế hoạch của Ủy ban châu Âu về việc cấm các hợp đồng mua LNG ngắn hạn từ năm 2024 và chấm dứt toàn bộ hợp đồng dài hạn với Nga trước năm 2027.
Sự đồng thuận của bốn quốc gia nhập khẩu LNG Nga lớn nhất sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thông qua kế hoạch này. Trong khi đó, Hungary và Slovakia nhiều khả năng phản đối nhằm duy trì nguồn cung từ Nga. Một bộ phận chính trị gia và doanh nghiệp châu Âu cũng tiếp tục kêu gọi xem xét lại lệnh cấm, với lý do chi phí năng lượng cao và áp lực kinh tế trong khu vực.
Năm 2024, bốn quốc gia nói trên đã nhập khẩu 16,77 triệu tấn LNG từ Nga – chiếm 97% lượng LNG Nga xuất sang EU và hơn 50% tổng xuất khẩu LNG toàn cầu của Nga – với tổng giá trị trên 6 tỷ euro.
Đối với Tây Ban Nha và Hà Lan, đề xuất của EU là cơ hội để giảm phụ thuộc năng lượng Nga. Bộ Chuyển đổi Sinh thái Tây Ban Nha tuyên bố ủng hộ cấm khí đốt Nga càng sớm càng tốt, dù vẫn còn hợp đồng dài hạn với tập đoàn Novatek đến năm 2042 thông qua công ty Naturgy. Hà Lan cũng giữ lập trường tương tự, bất chấp việc đang duy trì hợp đồng dài hạn với TotalEnergies (Pháp) đến năm 2032.
Ngược lại, Pháp cảnh báo rủi ro pháp lý và hệ quả đối với doanh nghiệp trong nước nếu EU ban hành lệnh cấm ở cấp độ toàn khối. Bộ trưởng Ferracci nêu lo ngại rằng các công ty Pháp, trong đó có TotalEnergies – đang sở hữu 20% cổ phần trong dự án Yamal (Siberia) và hợp đồng với Novatek đến năm 2032 – có thể bị Nga kiện do vi phạm hợp đồng.
Bỉ cũng đề nghị Ủy ban châu Âu cung cấp phân tích toàn diện về tác động kinh tế và pháp lý của lệnh cấm. Bộ trưởng Năng lượng Bỉ, Mathieu Bihet, cho biết nước này đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc họp kỹ thuật để đánh giá ảnh hưởng tới hạ tầng LNG quốc gia, trong bối cảnh Bỉ dự kiến tiếp tục tiếp nhận và lưu trữ LNG Nga đến năm 2035.
Dự thảo tuyên bố của EU hiện cho thấy nhiều quốc gia thành viên đang yêu cầu bổ sung đánh giá tác động toàn diện trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về lệnh cấm.
Theo chuyên gia Laura Page từ công ty phân tích dữ liệu năng lượng Kpler, sự chia rẽ trong nội bộ EU phần lớn xuất phát từ chênh lệch về công suất và mức độ dự trữ khí sau mùa đông. Tây Ban Nha có lợi thế nhờ kho dự trữ dồi dào, trong khi Pháp và Bỉ đối mặt nhiều rủi ro hơn nếu nguồn cung bị gián đoạn.
Minh Anh