Trong cố gắng tìm cách giảm gánh nặng chi phí năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị công bố các biện pháp can thiệp khẩn cấp để ngăn chặn giá điện trong khu vực đang tăng vọt, cao hơn 10 lần so với mức giá trung bình trong một thập niên năm qua.
EU dự kiến giá điện ra khỏi giá khí đốt được sử dụng để sản xuất điện. Giá điện ở châu Âu tăng mạnh do cơ chế định giá hiện nay dựa vào giá khí đốt, vốn đang tăng đến 14 lần so với mức trung bình của nó trong 10 năm khi Nga bóp nghẹt dòng chảy nhiên liệu sang khu vực này.
Trong bài phát biểu Diễn đàn chiến lược Bled ở Slovenia hôm 29-8, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen cho biết EC đang xây dựng kế hoạch can thiệp khẩn cấp cũng như các cải cách cấu trúc đối với thị trường điện. Theo bà, giá điện tăng phi mã làm bộc lộ “những hạn chế trong mô hình thị trường hiện tại của chúng ta”.
Bà nói: “Chúng ta cần một mô hình thị trường điện mới thực sự hoạt động hiệu quả và đưa chúng ta trở lại trạng thái cân bằng”. Bà nhấn mạnh châu Âu cần phải phát triển một công cụ giúp bảo đảm giá khí đốt không còn chi phối giá điện.
Áp lực đang gia tăng ở các thủ đô của EU về việc khối này phải cải cách thị trường năng lượng bằng cách cắt đứt mối liên hệ giữa giá điện và giá khí đốt tăng cao. Giá điện đắt đỏ đã làm tăng đáng kể chi phí cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Giá điện chuẩn của châu Âu đã tăng gấp 10 lần so với mức trung bình trong thập niên qua để phản ánh mức mức tăng 14 lần khí đốt trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong mùa đông năm nay.
Hôm 29/8/2022, giá điện ở Đức giao cho năm tới lần đầu tiên vượt 1.000 euro/MWh, tương đương 1 euro (23.400 đồng VN)/KWh. Giá khí đốt tăng đột biến và sự thiếu hụt nguồn cung đang gây áp lực chưa từng có đối với một số công ty năng lượng ở châu Âu. Công ty năng lượng Uniper, nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức, đã đề nghị Ngân hàng đầu tư và phát triển nhà nước Đức (KfW) cho vay thêm 4 tỉ euro sau khi sử dụng hết hạn mức tín dụng 9 tỉ euro trong gói vay giải cứu mà KfW cung cấp hồi tháng trước.
Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Cộng hòa Czech (nước đang nắm giữ vai trò chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU), Jozef Sikela cho biết ông sẽ triệu tập cuộc họp đặc biệt Bộ trưởng năng lượng EU khẩn cấp vào ngày 9-9 tới ở Brussels, Bỉ để bàn giải pháp kiểm soát giá điện. “Chúng ta phải tách giá điện ra khỏi giá khí đốt” ông cho biết và nói thêm rằng EU có thể đặt ra mức giá giới hạn đối khí đốt được sử dụng để sản xuất điện.
Giá điện bán sỉ ở châu Âu phản ánh giá của đơn vị năng lượng cuối cùng được mua với giá cao nhất thông qua các cuộc đấu giá được tổ chức ở các nước thành viên EU. Với cơ chế như vậy, giá điện phản ánh giá khí đốt tự nhiên đang ở mức cao kỷ lục, chứ không tính đến chi phí sản xuất rẻ hơn nhiều của năng lượng tái tạo và điện hạt nhân.
Phát biểu với báo chí trong chuyến thăm Prague, Cộng hòa Czech hôm qua, Thủ tướng Đức, Olaf Scholzn nói rằng giá điện hiện nay ở châu Âu không phản ánh đúng tình hình nguồn cung và nhu cầu.
Giá khí đốt liên tục tăng mạnh kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, và có thể tăng cao hơn nữa khi Nga đe dọa sẽ hạn chế hơn nữa dòng chảy khí đốt cung cấp cho châu Âu. Theo Bộ trưởng Jozef Sikela, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng từ 18 euro lên 310 euro/MWh chỉ trong vòng hơn một năm.
Các nhà lãnh đạo EU bao gồm Thủ tướng Mario Draghi của Ý và Thủ tướng Pedro Sánchez của Tây Ban Nha đã thúc đẩy Brussels xem xét các biện pháp giới hạn giá khí đốt sử dụng để sản xuất điện. Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck cũng ủng hộ một “cải cách cơ bản” nhằm tách biệt hai thị trường điện và khí đốt.
Ngay cả Áo, theo truyền thống là một quốc gia ủng hộ mạnh mẽ tự do thị trường, cũng đứng về phía những người chủ trương can thiệp vào thị trường năng lượng. Hôm 28-8, sau một cuộc họp khẩn cấp về giá năng lượng, Thủ tướng Áo, Karl Nehammer phát biểu: “Chúng ta không cho phép Tổng thống Nga, Vladimir Putin quyết định giá điện hàng ngày ở châu Âu”
Tại Bỉ, Bộ trưởng Năng lượng, Tinne Van der Straeten cho biết trên Twitter rằng thị trường năng lượng châu Âu đang “thất bại và cần cải cách khẩn cấp”. Ông nhấn mạnh điện đang được bán với giá cao kỷ lục ngay cả khi nó có thể được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo với giá rẻ như năm ngoái. Brussels đã rất thận trọng với việc phá vỡ hệ thống định giá thị trường năng lượng hiện tại vì nó cung cấp nền tảng cho các khoản đầu tư trong tương lai vào năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng điện khác.
Hồi tháng 6, bà Ursula von der Leyen ám chỉ rằng EC sẽ phải xem xét lại hệ thống định giá điện. Bà chỉ ra rằng mô hình thiết kế thị trường hiện tại đã có tuổi đời 20 năm và có thể không phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Cơ quan về hợp tác các nhà quản lý năng lượng EU (ACER) từng phản đối những cải cách cơ bản đối với cách thức hoạt động của thị trường điện, nhưng hồi tháng 4, ACER cho biết châu Âu có thể thiết lập “một van xả tạm thời” để hạn chế giá một cách tự động khi giá điện đột ngột tăng mạnh.
Chy Lê/tổng hợp từ Bloomberg.