Thứ ba, Tháng mười 15, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Festival Sáng tạo trẻ Đại học Đà Nẵng lần VI – 2024: Hướng đến nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo

ĐNA -

(Đà Nẵng). Festival Sáng tạo trẻ Đại học Đà Nẵng lần VI năm 2024, chủ đề “Chuyển đổi số – Không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” vừa chính thức khai mạc sáng 12/10/2024. Sự kiện là một trong chuỗi hoạt động, chào mừng kỷ niệm 30 năm (1994-2024) xây dựng và phát triển Đại học Đà Nẵng.

Trong khuôn khổ Festival lần này, Đại học Đà Nẵng và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) về phát triển hệ sinh thái vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), đã ký kết phụ lục bổ sung nội dung hợp tác đã ký kết trước đó (vào năm 2022); Đại học Đà Nẵng và CTCP Giáo dục Quốc tế Sun Edu cũng chính thức ký kết hợp tác liên quan đến hoạt động đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Thay mặt Đại học Đà Nẵng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc (hàng trước, bên trái) ký kết hợp tác với lãnh đạo Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và CTCP Giáo dục Quốc tế Sun Edu. Ảnh: T.Ngọc.

Hướng đến nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn, ông Trịnh Khắc Huề, Tổng Giám đốc Qorvo Việt Nam, cũng đã có phiên giao lưu, chủ đề “Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam: Xu hướng – Rào cản – Cơ hội cho sinh viên – Vietnam Semiconduct: Trend- Obstacles- Opportunities for Student”

Sinh viên hiến kế ý tưởng, đề xuất giải pháp khả thi cho phát triển
“Với vai trò là 1 trong 3 đại học trọng điểm quốc gia, thầy và trò Đại học Đà Nẵng ý thức rất rõ vai trò của mình trong đóng góp phát triển khu vực và cả nước, mà trọng điểm là các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Trong đó, chuyển đổi số và cơ hội vượt lên từ đổi mới sáng tạo không ngừng, chính là “Chìa khoá” phát triển kinh tế tri thức, chuyển đổi xanh. Những công nghệ đột phá mang tính sáng tạo, cốt lõi như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), công nghệ chuỗi khối (blockchain), vi mạch bán dẫn,… đang tạo ra những thay đổi căn bản, sâu sắc trên phạm vi rộng, xóa nhòa khoảng cách về địa lý, loại bỏ ưu thế của các phương thức sản xuất, mô hình kinh doanh truyền thống”, PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, nhấn mạnh.

Festival là cơ hội để sinh viên được giao lưu với cộng đồng doanh nghiệp khoa học công nghệ, trao đổi với các diễn giả uy tín, tìm hiểu các xu hướng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Festival cũng là dịp báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, giới thiệu các sản phẩm, đề tài, công trình nghiên cứu của chính sinh viên Đại học Đà Nẵng.

PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng: Thầy và trò Đại học Đà Nẵng ý thức rất rõ vai trò của mình trong đóng góp phát triển khu vực và cả nước. Ảnh: T.Ngọc.

Ban tổ chức cho biết, hơn 50 đề tài, sản phẩm (đã giành giải thưởng ở các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học, năm học 2023-2024; Ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo các cấp), được chọn trưng bày tại 15 gian hàng.

Được biết năm học 2023-2024 vừa qua, giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Đại học Đà Nẵng, đã nhận được 25 đề tài xuất sắc về tính sáng tạo, có khả năng ứng dụng cao, do Hội đồng cấp cơ sở chọn và gửi dự xét giải. Hội đồng khoa học đã chấm chọn 11 giải, với 2 giải Nhất:

“Nghiên cứu thuật toán chẩn đoán đa vị trí rò rỉ trong đường ống nước và điều chỉnh áp suất đầu ra thông qua mạng 4G”, của nhóm tác giả sinh viên, gồm Đoàn Anh Văn, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Tấn Quý, Phạm Thanh Vỹ và Dương Thị Thanh Hà; Giảng viên hướng dẫn: TS. Phạm Thanh Phong (trường Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật).

TS. Phạm Thanh Phong – Giảng viên hướng dẫn (thứ hai, từ trái sang, ảnh bên trái) và các bạn sinh viên trong Nhóm tác giả đề tài giành giải Nhất, giới thiệu giải pháp và chụp ảnh lưu niệm cùng khách tham quan.Ảnh: T.Ngọc.

Exploring the impact of Gratifications on the Behavioral Intention of Voice Assistants’ users: A cross-cultural study của nhóm tác giả sinh viên:Lê Khả Tuyết Phương, Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Phan Thu Ngân, Trần Kim Bảo Phúc; Giảng viên hướng dẫn: TS. Phạm Thị Bé Loan (Trường Đại học Kinh tế). Tiền thưởng cho giải Nhất là 20.000.000đ.

Ban tổ chức cũng trao 3 giải Nhì (mỗi Giải, tiền thưởng 15 triệu đồng), 3 giải Ba (tiền thưởng 8 triệu đồng/giải), 3 giải Khuyến khích (tiền thưởng mỗi Giải là 5 triệu đồng). Tổng kinh phí khen thưởng cho các đề là 124 triệu đồng. Mỗi giải đều có Giấy khen của Giám đốc Đại học Đà Nẵng.

“Tất cả đều là những ý tưởng, hiến kế, giải pháp khả thi, góp phần phát triển Đại học Đà Nẵng bền vững và thúc đẩy đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội địa phương, quốc gia trong bối cảnh giai đoạn đến với hàng loạt các khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ”, PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhìn nhận.

Chung tay phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành công nghiệp bán dẫn
Trong khuôn khổ Festival Sáng tạo trẻ, lần VI năm 2024, Đại học Đà Nẵng và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) về phát triển hệ sinh thái vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI); đã ký kết phụ lục bổ sung nội dung hợp tác đã ký kết.

Theo đó, hai bên sẽ cùng phối hợp trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và ươm tạo về công nghệ bán dẫn và AI, góp phần thúc đẩy hoạt động phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và AI của Việt Nam; Kết nối hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của hai bên, với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; Phối hợp đưa vào nội dung đào tạo: Kiến thức, kỹ năng, thực tiễn hoạt động từ phía doanh nghiệp, cũng như kinh nghiệm quốc tế; Trao đổi chương trình đào tạo; cập nhật chương trình đào tạo mới nhất cả dài hạn và ngắn hạn; hoàn thiện giải pháp chung tay phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành công nghiệp bán dẫn.

TS. Võ Xuân Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu tại sự kiện. Ảnh: T.Ngọc.

Trước đó, tại Festval Sáng tạo trẻ lần IV, năm 2022, Đại học Đà Nẵng và NIC đã ký kết biên bản ghi nhớ, thống nhất cùng triển khai hoạt động hợp tác, tổ chức các hội nghị, diễn đàn về đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, tư vấn, phát triển sản phẩm, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Liên quan đến hoạt động đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; Đại học Đà Nẵng cũng chính thức ký kết hợp tác với CTCP Giáo dục Quốc tế Sun Edu.

Hai bên hợp tác triển khai hoạt động nghiên cứu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điều khiển và tự động hóa, robot, IoT, công nghệ thông tin, chuyển đổi số; Hợp tác xây dựng và triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn trong lĩnh vực thiết kế vi mạch/chip bán dẫn và điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế; Hợp tác trong triển khai hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của các bên.

Đại học Đà Nẵng và Sun Edu còn hợp tác trong kết nối doanh nghiệp đối tác của hai bên, tạo điều kiện cho sinh viên được tham gia thực tập và cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp thiết kế vi mạch/chip bán dẫn và các ngành liên quan.

Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, Sở KH-CN, Sở GD-ĐT, lãnh đạo các trường thành viên, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, CTCP Giáo dục Quốc tế Sun Edu chụp ảnh lưu niệm cùng các em sinh viên giành giải thưởng cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học, năm học 2023-2024. Ảnh: T.Ngọc.

Theo lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, song song với nhiệm vụ đào tạo, Đại học Đà Nẵng vẫn luôn có các chương trình hợp tác nghiên cứu với địa phương và các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước như Tập đoàn Trường Hải, EVN, Vingroup, Fujikin-Nhật, UAC-Hoa Kỳ…. trong các lĩnh vực công nghệ cao và khởi nghiệp.

Trong năm 2024, 12/8 vừa qua, Đại học Đà Nẵng cũng đã ký kết hợp tác với Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu tại Pháp (AVSE Global), Giám đốc điều hành Trường Kinh doanh EMLV, Giám đốc Phát triển Quốc tế của Tập đoàn Giáo dục De Vinci Higher Education, nhằm thúc đẩy hợp tác học thuật, nghiên cứu, giáo dục và kết nối, trao đổi các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý nghiên cứu đổi mới và phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực.

Được biết, năm học 2023-2024, sinh viên Đại học Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ: 4 Giải thưởng cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học EURÉKA lần thứ 24; đạt 12/15 giải cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng; giải Nhất cuộc thi SV-Startup lần V do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, có 2 nữ sinh viên đạt Giải thưởng “Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam”, giải Quán quân Cuộc thi Mô phỏng Kinh doanh Cesim Elite Việt Nam-2023; đạt giải nhì hội thi Khoa học sinh viên toàn quốc “Olympic kinh tế lượng và ứng dụng” lần thứ VIII, năm 2023, giành 3 giải Nhì, 4 giải Ba và 1 giải Khuyến khích tại Kỳ thi Olympic Toán học toàn quốc lần thứ 29; đạt giải Nhất cuộc thi tìm kiếm ý tưởng sáng tạo “Vì một đại dương không nhựa của UNESCO”; 1 Giải Nhì, 1 Giải Ba và 3 Giải Tư tại Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc lần thứ XI; đạt 12 giải ở các hạng mục khác nhau của cuộc thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam và Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế,…

Trần Ngọc