Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

GS.TS Lưu Tiến Dũng – Đắc cử Phó Chủ tịch phụ trách Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam, Khóa IV, nhiệm kỳ 2023-2028

ĐNA -

8g sáng 11/01/2023, tại Hội trường nhà khách Văn phòng Trung ương Đảng, số 08 đường Chu Văn An, quận Ba Đình, Hà Nội; Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam (SEARAV), khóa IV, nhiệm kỳ 2023-2028 đã được tổ chức trọng thể.

Đến dự Đại hội, ngoài Đại biểu, khách mời còn có bà Ma Thị Thu – Chuyên viên Vụ tổ chức Phi chính phủ – Bộ Nội vụ, bà Đỗ Quỳnh Hoa – Giám đốc văn phòng đăng ký hoạt động KH&CN – Bộ KH&CN, ông Đào Bá Mạnh – đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ – Bộ Công An. Nhiều quan khách được mời nhưng do trùng lịch công tác không đến tham gia được đã gửi Hoa và Điện chúc mừng Đại Hội thành công tốt đẹp.

Lễ chào cờ
Lễ chào cờ

Đại hội tiến hành Lễ chào cờ.

Đại hội đã bầu ra Đoàn Chủ tịch Đại hội gồm: GS.TS Lưu Tiến Dũng, ông Trần Xuân Định, ông Phạm Thanh Tịnh, ông Nguyễn Ngọc Thăng, bà Nguyễn Thị Hòa. GS.TS Lưu Tiến Dũng được bầu là Chủ tịch Đại hội.

Đại hội đã bầu ra Đoàn Chủ tịch Đại hội gồm: GS.TS Lưu Tiến Dũng, TS Trần Xuân Định, TS Phạm Thanh Tịnh, Nguyễn Ngọc Thăng, Nguyễn Thị Hòa. GS.TS Lưu Tiến Dũng được bầu là Chủ tịch Đại hội. Ban thư ký Đại hội gồm: bà Ngô Thị Lan Phương, bà Nguyễn Thị Lan Anh.

Phát biểu khai mạc Đại hội, GS.TS Lưu Tiến Dũng cho biết Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam (SEARAV) được thành lập theo quyết định số 563/TTg ngày 20 tháng 8 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam đã được Bộ Nội vụ phê duyệt lần 2 theo quyết định số 30/2005/QĐ-BNV ngày 04/3/2005.

Những năm gần đây, tình hình Thế giới trong bối cảnh biến động phức tạp, bất ổn gia tăng, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh và đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã xảy ra khắp nơi trên thế giới và Việt Nam cũng không khỏi bị ảnh hưởng và đặt ra nhiều thách thức cho môi trường phát triển và cuộc sống của người dân.

GS.TS Lưu Tiến Dũng Chủ tịch Đại hội phát biểu khai mạc Đại hội.

Nhiệm kì III là nhiệm kỳ đầy khó khăn và thách thức mà BCH nhiệm kỳ III phải vượt qua: điều kiện làm việc, trụ sở làm việc, nguồn tài chính hạn hẹp và thành phần các đồng chí trong BCH đều là những nhà khoa học có uy tín, giỏi về chuyên môn nhưng là những người chưa có nhiều kinh nghiệm về tổ chức và quản lý theo mô hình tổ chức phi Chính phủ. Năm 2012 Ban Chấp hành Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam đã bầu Ban Thường vụ TW Hội gồm 17 người và bầu GS.TS Phạm Đức Dương làm Chủ tịch Hội, TS. Trần Quốc Trị làm phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, TS. Phạm Quý Hiệp làm Phó Chủ tịch Hội và GS.TS. Lưu Tiến Dũng – Phó Chủ tịch Hội phụ trách phía Nam.

Bà Nguyễn Thị Hòa, CVPTWH đọc báo cáo tài chính trước Đại hội

Mặc dù khó khăn và thách thức như vậy, nhưng nhìn chung SEARAV vẫn có những dấu hiệu phát triển với nhiều nội dung và hình thức tổ chức mới đầy sáng tạo. Nhiệm kỳ III đã đánh dấu những bước phát triển quan trọng của SEARAV, các hoạt động trở nên chuyên sâu hơn, gắn với đời sống xã hội hơn, đáp ứng với tình hình phát triển chung của đất nước và phù hợp với bối cảnh quốc tế. Các đồng chí trong Ban chấp hành và Ban thường vụ trong nhiệm kì vừa qua luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, hạ quyết tâm cao hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, quán xuyến, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các chương trình, đề tài khoa học đã đề ra, bám sát và động viên các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm chỉnh Điều lệ và qui chế Hội để hoạt động có hiệu quả cao, không sai sót, không vi phạm luật pháp nhà nước Việt Nam và được các cơ quan có liên quan và các địa phương đánh giá cao.

Về công tác quản lý và Tổ chức của Hội:
Nhiệm kỳ vừa qua, SEARAV luôn tích cực tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động Hội nhằm phát triển phong trào, khuyến khích các nhân tố mới có điều kiện và năng lực tham gia.

Theo Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á Việt Nam đã được Bộ Nội vụ phê duyệt, SEARAV không có tổ chức chi hội ở địa phương mà chỉ có chi hội ở cơ sở. Do vậy, với một hệ thống tổ chức như hiện nay, Hội có các viện nghiên cứu, các trung tâm, các liên hiệp khoa học, các công ty thành viên, các câu lạc bộ là các tổ chức chi hội cơ sở là phù hợp, khoa học và đúng với Điều lệ. Hiện tại Hội có hơn 500 hội viên với tư cách là hội viên cá nhân, hội viên tập thể, hội viên liên kết, hội viên danh dự trong cả nước.

Các Đại biểu dự Hội nghị

Hiện nay, Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam (SEARAV) có 91 đơn vị thành viên có trụ sở tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác bao gồm: 55 Viện NC khoa học, 34 Trung tâm NC khoa học, 02 Liên hiệp khoa học, 1 Tạp chí Đông Nam Á (bao gồm: tạp chí in, tạp chí điện tử và 1 trang tin điện tử tổng hợp) .

Trong đó: 77 tổ chức do Bộ KH và CN và các Sở KHCN cấp phép, 12 tổ chức do Bộ Nội vụ cho phép thành lập, 2 tổ chức do UBND thành phố Hà Nội cho phép thành lập, 01 Tạp chí ĐNA do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép có trụ sở tại Hà Nội.

Các Đại biểu dự Hội nghị

Trong những năm qua, Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực đóng góp vào sự nghiệp xã hội hóa của Đảng và Nhà nước. Trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức về Đông Nam Á, dịch vụ khoa học và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên môi trường, giáo dục đào tạo chuyên môn, chuyên sâu, nâng cao năng lực và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, nhiều chương trình và một số dự án do các Viện, các Trung tâm trực thuộc Hội thực hiện đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng thành công vào đời sống thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Đất nước. Đặc biệt đã thu hút và sử dụng được một lực lượng đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia đã nghỉ hưu và nhiều sinh viên ra trường có công ăn việc làm, giảm tải áp lực cho xã hội. Các hoạt động của Hội và các đơn vị trực thuộc được xã hội, các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Các đề tài nghiên cứu khoa học:
Các Viện, các Trung tâm thuộc Hội đều có những đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Những đề tài nghiên cứu về khu vực và Quốc tế học, có nhiều đóng góp khoa học về lý luận và thực tiễn của Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực Quốc tế. Các đơn vị trực thuộc Hội đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị phục vụ cho lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội, Bảo vệ môi trường – phát triển bền vững tài nguyên, giáo dục, đào tạo, phổ biến kiến thức và  chăm sóc sức khỏe cộng đồng, kỹ thuật nông nghiệp phát triển nông thôn. Điển hình như Trung tâm Công nghệ Sinh học đã thực hiện các đề tài nghiên cứu về các lĩnh vực:  Công nghệ sinh học sinh sản, công nghệ tế bào gốc và nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học luôn được các đối tác và xã hội đánh giá cao. Viện Nghiên cứu khoa học và ứng dụng Công nghệ ASEAN đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học như: Khoa học công nghệ xử lý chất thải rắn xây dựng; khoa học xử lý chất thải công nghiệp, hoá chất, chất thải nguy hại; khoa học công nghệ về nông nghiệp sạch và dược liệu, thảo dược quý; Giải pháp công nghệ thiết bị đỗ xe thông minh… là những công trình khoa học theo định  hướng phát triển đô thị  xanh, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Viện nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á trong nhiều năm vừa qua đã thực hiện một số chương trình, đề tài khoa học, nghiên cứu ứng dụng thực nghiệm tạo ra các sản phẩm  nghiên cứu có giá trị như: Nghiên cứu giải pháp phát triển nguồn nhân lực VN đáp ứng nhu cầu cạnh tranh của thị trường lao động trong nước và quốc tế; Nghiên cứu và sản xuất thành công nhóm sản phẩm thức ăn hỗn hợp dùng trong chăn nuôi…

Chương trình ca múa nhạc chào mừng Đại hội

Công tác Giáo dục và đào tạo:
Các chương trình phối hợp đào tạo liên kết với các cơ sở trong và ngoài nước đã thực hiện thành công trên nhiều lĩnh vực như: Viện Nghiên cứu Châu Á TP. Hồ Chí Minh đã phối kết hợp với các trường ĐH nổi tiếng của Anh, Mỹ, Úc tập huấn về phương pháp giảng dạy, kinh nghiệm quản lý cho giáo viên. Viện Nghiên cứu Giáo dục Quốc tế (IIER) đã thực hiện nhiều đề tài và công trình  nghiên cứu về giáo dục như: “Các tác động của giáo dục thế giới đến nền giáo dục Việt Nam”; hay công trình NC “ Các yếu tố ảnh hưởng đến động lực học ngoại ngữ của học sinh, sinh viên Việt Nam”.

Viện Khoa học Công nghệ và Nghiên cứu Giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh  kết hợp với các tổ chức giáo dục, trường Đại học trong nước để thực hiện một số công việc như: Nghiên cứu và tiến hành trao đổi trong lĩnh vực tư vấn, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, kinh tế, giáo dục với các trường Đại học trong nước, để tư vấn tuyển sinh và  bồi dưỡng kiến thức về khoa học và công nghệ, giáo dục.

Trong lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ và tin học, kĩ năng sống, hướng nghiệp nghề cho thanh niên  do các đơn vị thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả như: Viện phát triển quốc tế học, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ đào tạo tiếng Anh Victoria.

Các Đại biểu dự Hội nghị

Công việc tư vấn, giám sát và phản biện xã hội:
Thực hiện nhiều chương trình tư vấn cho các chương trình phát triển kinh tế  – xã hội. Tham gia đóng góp tích cực cho các hoạt động tham vấn và góp ý cho các văn bản pháp luật bao gồm Luật Phát triển và bảo vệ rừng, các văn bản hướng dẫn thực hiện luật đất đai, nghị định về quản lý và sử dụng viện trợ nước ngoài.

Hợp tác quốc tế:
Hiện nay SEARAV đang có nhiều mối quan hệ với các tổ chức Quốc tế, bao gồm các tổ chức chính phủ và tổ chức phi chính phủ. Ngoài các nước trong khu vực Đông Nam Á, SEARAV có các mối quan hệ hợp tác phát triển với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các đại sứ quán các nước… đặc biệt với các quĩ và các chương trình phát triển như: Tổ chức Mariestopes International Anh – Úc, Ủy ban y tế Việt Nam – Hà Lan, Quỹ Kennan Châu Á, Tổ chức Bánh mì Thế giới, Tổ chức Plan International Việt Nam, Tổ chức Crritas – Pháp, Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế tại VN…  Trong năm vừa qua các hoạt động hợp tác quốc tế giữa TW Hội và các đơn vị thành viên đều thực hiện nghiêm túc các qui định về hợp tác quốc tế do Ban đối ngoại TW qui định, không để xảy ra một sai sót nào. Trong quá trình làm việc đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao về sự hợp tác có hiệu quả.

Các Đại biểu dự Hội nghị

Công tác Báo chí – Xuất bản

Tạp chí in Đông Nam Á đăng tải nhiều bài viết của các đơn vị trực thuộc Hội đã biên soạn và xuất bản nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Việt Nam và các nước ASEAN.

Tạp chí Đông Nam Á trong những năm gần đây luôn được độc giả đón nhận và đánh giá cao. Nội dung Tạp chí nghiêm túc, mang tính khoa học, giáo dục và phổ biến kiến thức tới đông đảo độc giả trong nước. Năm 2021 Tạp chí điện tử Đông Nam Á (tapchidongnama.vn) đã phát hành số đầu tiên và được đông đảo bạn đọc yêu thích. Nhiều bài xã luận trên Tạp chí điện tử Đông Nam Á thể hiện được quan điểm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ pháp quyền của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một trang tin điện tử (seatimes.com.vn) để phục vụ tuyên truyền công tác của Hội và các Viện thuộc Hội. Nhiều đơn vị trực thuộc Hội đã biên soạn và xuất bản nhiều công trình nghiên cứu bộ sách khoa học, sách về lịch sử, văn hoá Việt Nam và các nước ASEAN.

 

Nhiều bài xã luận trên tapchidongnama.vn thể hiện được quan điểm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ pháp quyền của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện, Hội luôn luôn chấp hành và tuân thủ nghiêm túc các quy chế về quản lý nhà nước, đặc biệt là sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ qua các văn bản hướng dẫn thực hiện. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Đối ngoại trung ương, Bộ Công an, Bộ giáo dục và đạo tạo, Bộ Tài chính và các địa phương trong lĩnh vực kiểm tra thường kỳ và đột xuất hàng năm, do vậy các hoạt động của Hội và cá đơn vị không sai phạm quy chế và pháp luật của Nhà nước.

Trong nhiệm kì vừa qua, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam cùng với các tổ chức thành viên đã nỗ lực vượt qua, tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, phát triển đúng hướng, đúng đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam luôn ghi nhận và chân thành cảm ơn sự giúp đỡ vô cùng quí báu của các Bộ, Ban, Ngành và các địa phương đã luôn ủng hộ và giúp đỡ Hội cũng như các đơn vị trực thuộc Hội.

Những kết quả của nhiệm kì vừa qua là nền tảng quan trọng cho định hướng phát triển hoạt động của Hội trong nhiệm kì tới.

Đại hội bầu ra Ban bầu cử gồm: Bà Nguyễn Thị Kim Định (trưởng Ban), ông Nguyễn Ngọc Ngân, ông Nguyễn Đình Hưng.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành khóa IV, nhiệm kỳ 2023-2028. Gồm 65 uỷ viên Ban chấp hành, 15 ủy viên thường vụ.

GS.TS Lưu Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội là đại biểu duy nhất được giới thiệu và trúng cử chức danh Chủ tịch, nhưng ông Lưu Tiến Dũng nhận tạm Phó Chủ tịch phụ trách Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam, Khóa IV, nhiệm kỳ 2023-2028 (vì đang kiêm nhiệm Tổng Biên tập Tạp chí Đông Nam Á) với số phiếu 100%; 3 Phó Chủ tịch gồm: ông Trần Xuân Định, ông Phạm Thanh Tịnh, ông Nguyễn Ngọc Thăng. Tổng Thư ký Hội: Bà Nguyễn Thị Hòa.

Ban kiểm tra gồm: bà Nguyễn Thị Lan Phương (Trưởng Ban); Ủy viên: bà Nguyễn Thị Hòa, ông Nguyễn Ngọc Ngân, ông Nguyễn Quang Huy và ông Phạm Thanh Hùng.

Phó Chủ tịch phụ trách Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam, Khóa IV,  Nhiệm kỳ 2023-2028 GS.TS Lưu Tiến Dũng đã trình bày báo cáo các đơn vị trực thuộc Hội và định hướng hoạt động của khóa IV, Nhiệm kỳ 2023-2028 bằng một thước tư liệu (video) dài gần 20 phút với tư liệu, âm thanh, hình ảnh chân thực đem lại cho Đại hội một sự đổi mới trong công tác báo cáo theo kịp xu hướng chuyển đổi số CN 4.0 và được rất lời khen ngợi từ các đại biểu khách mời.

65 Ủy viên Ban chấp hành khóa IV, nhiệm kỳ 2023-2028

Trong nhiệm kỳ tiếp theo, SEARAV sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong những năm vừa qua, đặc biệt chú trọng vào những nội dung sau:

Tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức. Đặc biệt phát huy vai trò của các Ban và các đơn vị thành viên .

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị, bằng việc xây dựng một quy chế cam kết giữa lãnh đạo các đơn vị và thường vụ TW Hội.

Đẩy mạnh hoạt động toàn Hội về khoa học, văn hoá, xã hội nhằm nâng cao vị thế của Hội hơn nữa trong cả nước và trong khu vực.

Tăng cường khai thác các dự án, đặc biệt các dự án về an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo theo đúng pháp luật  Nhà nước Việt Nam.

Thường xuyên rà soát chất lượng lãnh đạo, tư cách pháp nhân, tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động cho các đơn vị thành viên để Hội ngày càng vững mạnh, góp phần có hiệu quả hơn trong việc nâng cao dân trí, văn hoá cho cộng đồng.

Phát triển mạng lưới hội viên, đặc biệt là hội viên chính thức, hội viên liên kết có niềm đam mê và nhiệt tình trong công tác Hội.

Thành lập những đơn vị thành viên có đủ năng lực và điều kiện hoạt động đúng chuyên môn, chuyên ngành nhằm mang lại lợi ích cho tổ chức, cho cộng đồng.

Tích cực mở rộng và nâng cao chất lượng bản in, bản điện tử của Tạp chí Đông Nam Á nhằm phục vụ có hiệu quả công tác thông tin truyền thông nâng tầm hiểu biết về Đông Nam Á trong quần chúng nhân dân phục vụ cho công tác đối ngoại của Đảng và nhà nước trong lĩnh vực hợp tác quốc tế.

Tăng cường công tác quan hệ đối ngoại với các nước Đông Nam Á và trên thế giới. Thiết lập các mối quan hệ với các tổ chức Quốc tế bao gồm các tổ chức Chính phủ và phi chính phủ

GS.TS Lưu Tiến Dũng PCT phụ trách Hội và 3 Phó Chủ tịch: ông Trần Xuân Định, ông Phạm Thanh Tịnh, Nguyễn Ngọc Thăng. Tổng thư ký Hội: Bà Nguyễn Thị Hòa.

“Mặc dù nền kinh tế cả nước đang phải trải qua những thử thách gay go trước tác động của khủng hoảng suy thoái kinh tế thế giới, nhưng những kết quả mà Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam khóa III đạt được là đáng ghi nhận. Chúng ta nhận thức được rằng, Hội còn phải vượt qua nhiều khó khăn và thách thức mới. Nhưng với sự đồng tâm, nhất trí của Ban chấp hành T.W Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam, Khóa IV, nhiệm kỳ 2023-2028, cùng toàn thể các cán bộ và hội viên SEARAV, nhất định sẽ biến mọi thách thức thành những cơ hội mới, hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ tiếp theo để đóng góp ngày một nhiều hơn cho sự phát triển mạnh mẽ và phồn vinh của đất nước.” Phó Chủ tịch phụ trách Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam, Khóa IV, nhiệm kỳ 2023-2028 khẳng định.

Phó Chủ tịch Phụ trách GS.TS Lưu Tiến Dũng tuyên bố bế mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc  khóa IV, nhiệm kỳ 2023-2028 của TW Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam
Đại hội thành công tốt đẹp.

Các đơn vị thành viên nhận bằng khen của TW Hội.

 

 

Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam,  Khóa IV, nhiệm kỳ 2023-2028 thành công tốt đẹp, kết thúc hồi 15 giờ 16 phút ngày 11/1/2023.

Thành viên Ban tổ chức Đại hội khóa IV, nhiệm kỳ 2023-2028

Nhóm phóng viên Tạp chí Đông Nam Á thực hiện: Thế Cương – Minh Trung – Hoàng Hạnh – Trần Việt – Tiến Chí