Bloomberg đưa tin, Giám đốc điều hành hãng dầu khí Shell (liên doanh Anh – Hà Lan), Ben Van Beurden, hoài nghi về đề xuất của các nhà lãnh đạo G7 về việc giới hạn giá dầu của Nga.
Các nhà lãnh đạo của các nước G7 (Anh, Đức, Ý, Canada, Mỹ, Pháp và Nhật Bản) tại hội nghị thượng đỉnh vào hai ngày 26-28/6/2022, đã xác nhận ý định giảm phụ thuộc vào năng lượng từ Nga và đồng ý bắt đầu hạn chế giá đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga. Theo một thông cáo chung sau hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo G7 “hoan nghênh quyết định của Liên minh châu Âu trong việc tìm hiểu với các đối tác quốc tế các cách để kiềm chế giá năng lượng, bao gồm cả tính khả thi của việc áp dụng hạn chế tạm thời đối với giá nhập khẩu khi cần thiết”.
“Bạn đã có thể nhìn thấy tất cả các sai sót của đề xuất này”, Bloomberg trích dẫn lời của người đứng đầu công ty Shell.
Theo Van Beurden, hệ thống được đề xuất sẽ chỉ hoạt động khi có nhiều quốc gia tham gia, không giới hạn ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Nếu không, dầu thô của Nga sẽ được gửi đến những quốc gia có quan hệ thân thiện với Nga.
Theo Van Beurden, nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng sẽ chảy vào châu Âu, nhưng nguồn cung cấp thêm sẽ không bù đắp được thiệt hại do việc rút các nguồn năng lượng của Nga. Ông nói thêm rằng tình hình dầu mỏ cũng không khả quan hơn: OPEC có ít công suất dự phòng hơn dự kiến.
Trong hi đó, nhà kinh tế và là nghị sĩ Venezuela, ông Tony Bosa cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo giới rằng kế hoạch hạn chế giá dầu và khí đốt từ Nga do các nhà lãnh đạo G7 đề xuất sẽ rất khó thực hiện.
“Các thị trường năng lượng có cấu trúc sâu, và G7 rõ ràng có khả năng tác động đến chúng. Nhưng trong tình hình như hiện tại, khi cuộc đối đầu đã vượt ra khỏi phạm vi Âu-Á và chạm đến toàn bộ hành tinh, rất khó để tạo ra các cơ chế đáng tin cậy cho phép kiểm soát giá cả”, nghị sĩ nói.
Sáng kiến giới hạn giá năng lượng của Nga là sự tiếp nối những nỗ lực của phương Tây nhằm giảm nguồn thu của Nga từ xuất khẩu dầu và khí đốt. Không thể thực hiện điều này bằng cách áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu mỏ, bao gồm toàn bộ Liên minh châu Âu đối với vận tải hàng hải, hoặc bằng sự từ chối tự nguyện của các công ty nước ngoài. Việc chuyển hướng xuất khẩu của Nga, các kế hoạch cung cấp thay thế và “phần thưởng trừng phạt” đối với giá dầu cho phép Nga đảm bảo nguồn thu ngân sách ngay cả khi bán hàng giảm giá.
Ông Bosa nói: “Chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống mà phương Tây đã mất kiểm soát, mọi thứ đều có thể xảy ra, nhưng ít có khả năng nhất là giá năng lượng sẽ giảm, tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra.
Theo chuyên gia kinh tế này, giá dầu và vàng tiếp tục tăng nhẹ ngay cả trong và sau cuộc họp của các thành viên G7.
“Xu hướng chung là trong tình hình khủng hoảng đang diễn ra hiện nay, rất khó có thể hạ giá ngay cả khi có sự tham gia của một tổ chức lớn như OPEC (Tổ chức các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ). Tổ chức này hành xử hết sức thận trọng”, vị chuyên gia nói thêm.
Hội nghị thượng đỉnh G7, như nghị sĩ chỉ ra, “được tổ chức trong một tâm thế tuyệt vọng”, vì các nhà lãnh đạo của các nước này đang cố gắng làm dịu “hiệu ứng boomerang” khi các lệnh trừng phạt của họ chống lại Liên bang Nga lại ảnh hưởng ngược đến nền kinh tế của họ – do đó mới có các đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bật đèn xanh cho phép dầu từ Iran và Venezuela đi vào thị trường.
“Quan điểm của việc nới lỏng trừng phạt đối với Iran và Venezuela là họ (G7) đang cảm thấy ngột ngạt vì mùa đông đang đến, và trong tình huống này, họ sẽ bị dồn tới chân tường. Sự thật là phong tỏa chống lại Nga không có tác dụng”, ông Bosa nói.
Theo chuyên gia kinh tế này, nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của các lệnh trừng phạt là do trọng tâm kinh tế toàn cầu đã chuyển từ tây sang đông.
“Các biện pháp trừng phạt có thể có hiệu lực, nhưng các cách để lách chúng rất rộng rãi đến mức nếu bạn hạn chế việc bán vàng và dầu ở một nơi nào đó, một người mua mới sẽ ngay lập tức được tìm thấy ở nơi khác”, nguồn tin cho biết.
Theo TASS, RIA