Giá khí đốt tại châu Âu tăng tới 40% sau khi vừa mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai (5/9), trong bối cảnh Nga khoá van vô thời hạn đường ống Nord Stream 1, làm dấy lên nỗi lo sợ mới về sự thiếu hụt khí đốt và khả năng các nước trong Liên minh châu Âu (EU) phải chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông này.
Trên sàn TTF ở Hà Lan, giá khí đốt giao tháng 10 vào thời điểm hơn 16h chiều theo giờ Việt Nam đứng ở mức gần 280 Euro/megawatt giờ, từ mức khoảng 200 megawatt giờ đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tuần trước, tương đương mức tăng 40%. Giá khí đốt giao sau tại sàn này là giá tham chiếu của thị trường khí đốt châu Âu.
“Nguồn cung khan hiếm là một vấn đề khó khắc phục, và ngày càng khó thay thế cho mỗi giọt khí đốt bị mất từ Nga”. – Chuyên gia cấp cao Jacob Mandel, Aurora Energy Research
Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá khí đốt giao sau trên sàn TTF đã tăng gấp khoảng 6 lần. Đà tăng chưa từng có tiền lệ này khiến người tiêu dùng trên toàn châu Âu rơi vào một cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí và khiến nhiều doanh nghiệp trong khu vực phải tạm ngừng sản xuất.
Phương Tây cáo buộc Nga “vũ khí hoá” năng lượng, nhưng điện Kremlin bác bỏ những cáo buộc đó, nói rằng Nga vẫn là một nhà cung cấp đáng tin cậy và sẵn sàng thực thi mọi nghĩa vụ trên hợp đồng, còn việc giảm nguồn cung khí đốt chẳng qua do vấn đề kỹ thuật và trở ngại từ chính các biện pháp trừng phạt.
Nord Stream 1- đường ống dẫn khí đốt khổng lồ chạy ngầm qua biển Baltic, nối giữa Nga và Đức – vốn chiếm 1/3 tổng lượng khí đốt mà Nga xuất khẩu sang châu Âu. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7, dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1 chỉ còn 20% công suất đường ống. Vào hôm 31/8, hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom khóa đường ống này trong 3 ngày để bảo trì bất thường, nhưng sau đó nói rằng chưa thể mở đường ống trở lại đúng như dự kiến vì phát hiện thêm trục trặc kỹ thuật. Đến nay, chưa có thông tin gì từ Gazprom về việc đến khi nào Nord Stream 1 sẽ mở lại.
Ngoài Nord Stream 1, Nga còn cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua một số đường ống khác, bao gồm đường ống đi qua Ukraine. Tuy nhiên, lượng cung cấp qua các đường ống này cũng đã giảm, khiến EU phải chạy đua tìm kiếm các nguồn cung khí đốt thay thế để làm đầy dự trữ cho mùa đông. Một số nước trong khu vực đã triển khai các kế hoạch khẩn cấp bao gồm kịch bản chia khẩu phần khí đốt trong trường hợp cực đoan. Nguy cơ suy thoái kinh tế châu Âu trong năm nay vì thế cũng trở nên lớn hơn bao giờ hết.
“Nguồn cung khan hiếm là một vấn đề khó khắc phục, và ngày càng khó thay thế cho mỗi giọt khí đốt bị mất từ Nga”, chuyên gia cấp cao Jacob Mandel thuộc Aurora Energy Research phát biểu trong cuộc trao đổi với hãng tin Reuters.
Giá năng lượng cao ngất ngưởng đã buộc nhiều ngành công nghiệp ở châu Âu, bao gồm các hãng phân bón và nhô, phải cắt giảm sản xuất. Các chính phủ trong EU cũng đã phải bơm hàng chục tỷ Euro vào các chương trình hỗ trợ các hộ gia đình.
Theo một tài liệu do Reuters thu thập được, bộ trưởng bộ năng lượng các nước thành viên EU sẽ nhóm họp vào ngày 9/9 để thảo luận về các lưạ chọn kiềm chế đà leo thang của giá năng lượng, bao gồm áp trần giá khí đốt và cung cấp hạn ngạch tín dụng khẩn cấp cho các doanh nghiệp tham gia thị trường năng lượng.
Phát biểu ngày Chủ nhật, Thủ tướng Olaf Scholz của Đức – đầu tàu kinh tế của châu Âu và cũng là nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất khu vực – cho biết nước này đang chuẩn bị cho khả năng bị Nga cắt khí đốt hoàn toàn.
Đức đang ở vào giai đoạn thứ 2 của một kế hoạch khẩn cấp gồm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 3 sẽ yêu cầu áp dụng khẩu phần khí đốt đối với một số ngành công nghiệp. Trong nỗ lực xoay sở để thay thế khí đốt Nga, Đức đang đẩy mạnh việc xây dựng các cảng nhập khẩu khí hoá lỏng (LNG) tạm thời để có thể nhập khí đốt hoá lỏng từ các nhà cung cấp xa xôi. Ngoài ra, nước này cũng có kế hoạch xây dựng các cảng LNG kiên cố.
Theo ông Klaus Mueller – Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, cơ quan điều tiết năng lượng của nước này – ngay cả khi dự trữ khí đốt của Đức đầy 100%, dự trữ này sẽ bị rút kiệt trong 2 tháng rưỡi nếu dòng chảy khí đốt Nga bị cắt đứt hoàn toàn.
Na Uy, một nước sản xuất khí đốt lớn ở châu Âu, cũng đang bơm khí đốt nhiều hơn cho các thị trường ở châu Âu.
“Hiện tại, còn nhiều dư địa để thay thế khí đốt Nga bằng LNG nhập khẩu, nhưng khi thời tiết chuyển lại và nhu cầu khí đốt tăng lên ở cả châu Âu và châu Á, sẽ không còn nhiều LNG để châu Âu có thể mua”, ông Mandel nói.
Thị trường LNG toàn cầu hiện đã thắt chặt do nhu cầu tăng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi từ sau cú sốc do Covid-19 gây ra. Sự thắt chặt xuất hiện thậm chí từ trước khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra.
Ông Klaus Mueller – Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, cơ quan điều tiết năng lượng của nước này – hồi tháng 8 nói rằng ngay cả khi dự trữ khí đốt của Đức đầy 100%, dự trữ này sẽ bị rút kiệt trong 2 tháng rưỡi nếu dòng chảy khí đốt Nga bị cắt đứt hoàn toàn.
Dự trữ khí đốt của Đức đã đầy khoảng 85%, trong khi mức dự trữ trên toàn châu Âu đã đạt 80% vào tuần trước – một tiến độ nhanh hơn kế hoạch đề ra. Dòng khí đốt Nga đi qua Ukraine vẫn chảy, dù giảm so với trước. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng dòng chảy này cũng có thể trở thành một “nạn nhân” của các cuộc giao tranh.
“Tâm điểm chú ý của chúng tôi đang chuyển sang dòng khí đốt tiếp tục chảy tới châu Âu qua Ukraine”, nhà phân tích James Huckstepp của S&P Global Platts viết trên Twitter. Ông cho rằng việc nguồn cung này cũng bị gián đoạn “chỉ còn là vấn đề thời gian”.
Chy Lê-Hoàng Hạnh/Theo Reuters