Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Giá trị của dầu dừa dưới góc nhìn y học hiện đại



ĐNA -

Dầu dừa, một sản phẩm tự nhiên quen thuộc của người dân Việt Nam. Từ ngàn xưa, người Việt Nam đã sử dụng dầu dừa như là sản phẩm chăm sóc sức khỏe rất phổ biến và lưu truyền theo kinh nghiệm dân gian, nhưng những lợi ích to lớn của nó vẫn còn chưa được công nhận rộng rãi trong lĩnh vực y học hiện đại.

TS.BS Phạm Xuân Đà – Tác giả bài viết

Với sự ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến đã chiết xuất và bảo tồn được các hoạt chất quý hiếm có trong dầu dừa, đặc biệt là dầu dừa tinh khiết. Rất nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra dầu dừa có các hoạt tính sinh học như kháng viêm, điều hòa miễn dịch và chống oxy hóa. Khả năng kháng vi sinh vật của dầu dừa có hoạt phổ khá rộng từ vi nấm, vi khuẩn, vi-rút, đặc biệt trên các vi-rút có vỏ bọc.

Vượt trên những nghi ngại có hại do có hàm lượng a-xít béo bảo hòa cao, những nghiên cứu gần đây đã chứng minh dầu dừa có tác dụng tốt cho tim mạch nhờ các a-xít béo chuỗi trung bình. Ngoài ra dầu dừa còn cho thấy có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer và gần đây nhất là bệnh Covid-19. Cần có những cải tiến, mở rộng phạm vi ứng dụng các chế phẩm dầu dừa, tiến tới công nhận dầu dừa như một thực phẩm chức năng và tiến hành các nghiên cứu lâm sàng nhằm khẳng định các giá trị về mặt y học của các hoạt chất có trong dầu dừa tinh khiết.

Giới thiệu chung

Từ xa xưa, ông bà ta đã biết chế tạo ra dừa bằng cách đun nước cốt dừa trong vài giờ. Cuối cùng, chiết tách ra một loại dầu dừa nguyên chất truyền thống, có màu vàng sánh và hương thơm mùi caramen đặc trưng, dùng trong nhiều mục đích khác nhau: dưỡng tóc, chăm sóc cơ thể, nấu ăn, và trị nhiều bệnh ngoài da.

Trải qua nhiều thế hệ, đã có những thay đổi lớn về nhu cầu, mục đích sử dụng và thị trường. Đồng thời, có những bước tiến mới của công nghệ chiết xuất dầu dừa, từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau, đã dần tạo nên một sự đa dạng, phong phú, nhưng cũng rất phức tạp về chất lượng, chủng loại dầu dừa tại thị trường Việt Nam. Điều đó vừa có ý nghĩa thuận lợi, nhưng cũng tạo ra nhiều bất cập trong việc chọn lựa một sản phẩm dầu dừa tại Việt Nam, với mục tiêu chất lượng, an toàn và kinh tế.

Tại một đất nước có uy tín đáng nể trên thế giới về chất lượng dừa, nhất là dừa Bến Tre. Nhưng hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống phân loại hoàn chỉnh và bộ tiêu chí chuẩn về chất lượng các loại dầu dừa. Sự khiếm khuyết này càng đáng quan tâm hơn, khi mà khuynh hướng hiểu biết và sử dụng dầu dừa ngày càng gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam nói riêng, và toàn cầu nói chung.

Điều đó liên quan đến sự tự tin và uy tín của sản phẩm dầu dừa Việt Nam trên trường Quốc tế. Và càng đặc biệt hơn nữa, dầu dừa ngày nay đã và đang được quan tâm, nghiên cứu rộng rãi trong y sinh học, có khả năng điều trị hoặc hỗ trợ điều trị rất nhiều bệnh lý, từ ngoài da cho đến nhiều bệnh lý mạn tính, thậm chí là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm [1-3].

Do đó, nhu cầu để xác định rõ tiêu chuẩn của một loại dầu dừa đủ độ tinh khiết và chất lượng cao, đáp ứng điều kiện sử dụng trong y tế càng trở nên cấp bách.

Các ứng dụng trong đời sống của dầu Dừa

Dầu dừa có đầy đủ những tiêu chuẩn của một thực phẩm bảo vệ sức khỏe (hay còn gọi là thực phẩm chức năng – functional food), đó là một loại thực phẩm mang lại giá trị dinh dưỡng, đồng thời có nhiều công dụng quý để tăng cường và bảo vệ sức khỏe của người dùng [4, 5]. Nhưng hiện nay tại Việt Nam, dầu dừa vẫn chưa chính thức được công nhận với vai trò này, mà chỉ đơn thuần được xem là một loại dung môi, và chất nền dùng trong hóa dược. Đó có nên xem là một bất cập lớn, tạo nên nhiều khiếm khuyết hạn chế trong cơ hội tiếp cận và ứng dụng của người dân đối với một sản phẩm tự nhiên cực kỳ hữu ích này?

Hơn thế nữa, nếu dựa trên các kiến thức, kinh nghiệm và ứng dụng trong y học dân gian, các nền y học cổ bậc nhất thế giới (Trung Y, Ấn Y hay Ayurveda…), cũng như các chứng cứ khoa học hiện đại, về công dụng điều trị đối với nhiều bệnh lý, dầu dừa cũng thật sự xứng đáng để được xem xét và công nhận là một loại thuốc trị liệu (dạng thảo dược – herb) dùng trong y tế. Điều này có lẽ không còn xa, khi mà các tín hiệu về sự quan tâm của nhiều Chuyên gia lớn trong lĩnh vực Khoa học công nghệ và Y sinh học bắt đầu nhen nhóm và bùng cháy.

Nếu chúng ta quan sát kỹ, sẽ dễ dàng nhận thấy tất cả các ứng dụng trong nhân dân đều mang tính tự phát, theo kinh nghiệm dân gian và truyền miệng. Chuyên gia y tế còn nhiều thành kiến, và chưa quan tâm đúng mức về giá trị của sản phẩm tự nhiên này.

Đâu là lý do?

Trước hết, về mặt bản chất, chất béo trong dầu dừa phần lớn là dạng bão hòa, cái mà thường mặc định về tính chất gây hại cho tim mạch và sức khỏe. Thành kiến về tính gây hại của dầu dừa dựa trên sự liên hệ với những tác động gây hại của mỡ động vật, một cách không chắc chắn và chưa hoàn toàn đủ cơ sở khoa học. Điều đó tồn tại cả trong giới chuyên gia sức khỏe và người dân, và có nhiều ý kiến được truyền thông rộng rãi, mặc dù chưa được kiểm chứng đầy đủ.

Mặt khác, chuyên gia y tế nhiều lúc có ý xem thường giá trị dầu dừa như là một giải pháp điều trị, vì chưa thật sự hiểu rõ về bản chất và cơ sở dược lý của chúng.

Cho dù vấn đề hiện hữu ở chuyên gia y tế hay ở người dân, thì nguyên nhân chính vẫn là sự thiếu hụt nguồn kiến thức, y văn và khả năng tiếp cận với các kiến thức khoa học căn bản về dầu dừa, và nhất là các nghiên cứu thực nghiệm cùng các trãi nghiệm cần thiết. Đó chính là vai trò quan trọng mà các Chuyên gia khoa học, đào tạo và y sinh học nước nhà cần quan tâm, để sớm triển khai bổ khuyết từ tri thức đến ứng dụng, nhằm có thêm một giải pháp an toàn, hữu ích, sẵn có, chi phí thấp trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tổng quan về thành phần hóa học và các dược chất quý giá có trong dầu dừa.

Những dược tính có trong dầu Dừa

Tùy theo quy trình, yêu cầu và mục đích sử dụng hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại sản phẩm khác nhau như: dầu dừa truyền thống, dầu dừa tinh khiết (Virgin coconut oil – VCO), dầu dừa ép từ cơm dừa nạo sấy và dầu dừa tinh luyện. Dầu dừa tinh khiết được chiết xuất từ kỹ thuật ly tâm lạnh: là sản phẩm thu được bằng kỹ thuật chiết xuất ướt qua hệ thống ly tâm, tách dầu từ hỗn dịch sữa dừa tươi, bảo tồn được các đặc tính ưu việt tự nhiên. Dầu dừa tinh khiết được chiết xuất bằng kỹ thuật này là một sản phẩm có chất lượng cao nhất hiện tại, cả về chất lượng, thành phần dược tính, với mùi thơm nhẹ, trong suốt, hấp thu dễ dàng qua da và đường tiêu hóa. Đây là loại dầu lý tưởng cho mục đích chăm sóc cơ thể, hỗ trợ sức khỏe, và dùng trong trị liệu y khoa.

Hợp chất Fatty acids

Về mặt hóa học, dầu dừa là một loại dầu rất giàu chất béo bão hòa, hay còn gọi là chất béo no. Cụ thể, thành phần của dầu dừa chứa tới 90–92% a-xít béo bão hòa và khoảng 8–10% a-xít béo không bão hòa, tồn tại dưới dạng triglycerides. Một điều rất đặc biệt là, phần lớn các a-xít béo bão hòa trong dầu dừa có chiều dài chuỗi carbon từ 6-12 carbon (tức là chuỗi dài trung bình). Trong đó, a-xít béo lauric (C12: 0) là loại chiếm ưu thế nhất (chiếm > 45%), cũng là một a-xít béo quan trọng nhất (có trong sữa mẹ), sở hữu nhiều tác dụng sinh học và trị liệu nhất trong dầu dừa. Monolaurin là một dẫn xuất của a-xít lauric trong cơ thể đã được chứng minh có tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa, điều hòa miễn dịch, kháng vi sinh vật và hỗ điều trị bệnh Alzheimer [6, 7]. Một vài nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng a-xít capric có tác dụng kháng vi-rút, đặc biệt trên các vi-rút có vỏ bọc như HIV, vi-rút cúm và vi-rút hô hấp hợp bào [8, 9]. Mặc khác, dầu dừa chứa một tỷ lệ cao triglycerides chuỗi trung bình (Medium-Chain Triglycerides – MCTs), một loại chất béo tự nhiên dễ thủy phân tiêu hóa trong đường ruột.

Hợp chất Phenolic

Các hợp chất phenolic được biết đến như là những hợp chất thực vật quan trọng có hoạt tính sinh học bao gồm cả hoạt tính chống oxy hóa nhờ vào khả năng trung hòa các gốc tự do có trong cơ thể. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các a-xít phenolic có khả năng kháng viêm, chống viêm gan, chống oxy hóa (ferulic, p-coumaric và catechin) và các hoạt động bảo vệ hóa học. Tuy nhiên các phương pháp chế biến khô thường làm mất đi các hợp chất quý giá này, do đó chỉ có dầu dừa tinh khiết mới có khả năng bảo tồn hợp chất phenolic ở hàm lượng cao [3].

Hợp chất Triacylglycerol

Thành phần chính của các triacylglycerol có trong dầu dừa là: khoảng 19% trilaurin (C36), tiếp theo là 16% mỗi diaurylcapryl glycerol (C34) và diaurylmyristylglycerol (C38) và 10% mỗi loại của lauryldicaprylglycerol (C32) và lauryldimyristyglycerol (C40). Mặc dù có hàm lượng a-xít béo bảo hòa cao, trilaurin thúc đẩy sự giảm cân do có sự hiện diện của các triglyceride chuỗi trung bình (medium-chain triglycerides -MCTs).

Hợp chất Phospholipids

Phospholipids thường được tìm thấy trong hầu hết các dầu thực vật tự nhiên, chúng có khả năng ổn định các tác động của các thức ăn chứa nhiều mỡ.

Hợp chất Tocopherols

Tocopherols (tương tự Vitamin E) là chất chống oxy hóa tự nhiên hòa tan trong lipid được tìm thấy trong hầu hết các loại rau và dầu thực vật. Tuy hàm lượng tocopherols có trong dầu dừa không cao, chúng có đặc tính chống ung thư và tác dụng làm dịu da, tóc.

Hợp chất Sterols

Trong những năm gần đây, sterols nhận được nhiều quan tâm của các nhà khoa học nhờ vào khả năng làm giảm cholesterol trong máu và có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim mạch. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng β-sitosterol và stigmasterol có khả năng kiểm soát ung thư bằng cách ức chế tế bào ung thư trong mô thực quản, buồng trứng, vú, ruột kết và tuyến tiền liệt. Mặc dù tổng hàm lượng sterols có trong dầu dừa (100mg/100g) thấp hơn nhiều so với các dầu thực vật khác nhưng hàm lượng β-sitosterol lại chiếm cao hơn rất nhiều.

Các chế phẩm hỗ trợ sức khỏe từ dầu dừa hiện có và tiềm năng phát triển

Hiện trên thị trường có rất nhiều các chế phẩm dầu dừa tinh khiết phục vụ cho các mục đích như dầu mát-xa, súc miệng bằng dầu (oil pulling), chất bổ sung trong son môi, nước sát khuẩn tay, kem dưỡng ẩm… Monolaurin dạng viên nang mềm. Tiềm năng ứng dụng của dầu dừa tinh khiết còn rất lớn, cần có những sản phẩm như thực phẩm chức năng, chế phẩm tiện lợi cho người dùng (viên nang, chai xịt mũi…) và hoặc thậm chí là sản phẩm trị liệu như thuốc.

Các dược tính và công dụng cơ bản của dầu dừa: theo quan điểm y học cổ xưa, và dưới ánh sáng y sinh học hiện đại.

Hoạt tính sinh học và khả năng diệt vi sinh vật gây bệnh của dầu dừa

Kháng viêm

Khả năng kháng viêm của dầu dừa tinh khiết được thể hiện qua tác động làm giảm các yếu tố gây viêm và tiền viêm như C-reactive protein (CRP), Interleukin-6 (IL-6), IL-8, IL-5, Tumor necrosis factors (TNF-α), IFN-γ… Trong một nghiên cứu của Famurewa A.C. và cộng sự cho thấy VCO pholyphenols có tác dụng làm giảm IL-6 có ý nghĩa thống kê (p<0,01) trên chuột bị gây viêm thận bởi Cadmium [10]. VCO ức chế biểu hiện các cytokines như TNF-α, IFN-γ, IL-6, IL-5 và IL-8 và kích hoạt các yếu tố có chức năng bảo vệ da ở vùng da bị kích thích bởi tia UVB [11].

Chống Oxy hóa

Khả năng chống oxy hóa của dầu dừa tinh khiết đã được chứng minh là nhờ các hợp chất phenolic [12]. Cơ chế chống oxy hóa của dầu dừa là làm giảm oxidative stress, trung hòa các reactive oxygen species (ROS), giảm hoạt tính của paraoxonase 1 và làm tăng các hoạt tính của catalase, superoxide dismutase, glutathione peroxidase and glutathione reductase [13-15].

Điều hòa miễn dịch

Dầu dừa có tác dụng điều hòa miễn dịch thông qua cơ chế tăng cường khả năng Th1 bằng cách điều chỉnh các tín hiệu sinh tồn và ức chế các gốc tự do trong lách [5].

Kháng vi sinh vật

Khả năng kháng vi sinh vật của dầu dừa rất phong phú, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng dầu dừa có khả năng kháng nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn và cả vi-rút [7]. A-xít lauric (C-12) là chất có hoạt tính kháng khuẩn mạnh nhất trong nhóm a-xít béo chuỗi trung bình. Đặc tính kháng khuẩn còn được nhân lên gấp bội khi a-xít lauric ester hóa thành monolaurin [16]. Bản thân dầu dừa đã được chứng minh là có đặc tính chống HIV trong các nghiên cứu lâm sàng nhỏ. Thử nghiệm lâm sàng đầu tiên sử dụng dầu dừa (45 mL mỗi ngày) và monolaurin (95% độ tinh khiết, 800 mg mỗi ngày) chống lại HIV-AIDS đã được tiến hành ở Philippines. Nghiên cứu này liên quan đến 15 bệnh nhân HIV, từ 22 đến 38 tuổi, 5 nam và 10 nữ, trong 6 tháng. Chỉ có một trường hợp tử vong và 11 bệnh nhân có số lượng CD4 và CD8 cao hơn sau 6 tháng [17]. Trong một nghiên cứu khác, 40 đối tượng HIV có số lượng tế bào lympho T CD4 dưới 200 tế bào/μL được chia thành nhóm dùng dầu dừa tinh khiết (VCO) (45 mL mỗi ngày) và nhóm đối chứng (không có VCO). Sau 6 tuần, nhóm VCO cho thấy số lượng tế bào lympho T CD4 +  trung bình cao hơn đáng kể so với nhóm chứng [18]. Angeles-Agdeppa I và cộng sự đã bổ sung VCO vào chế độ ăn của người nhiễm Covid-19, kết quả cho thấy nhóm có bổ sung VCO có giá trị trung bình CRP thấp có ý nghĩa và rút ngắn thời gian hồi phục so với nhóm chứng [19].

Quan điểm chuyên gia về công dụng của dầu dừa và các vấn đề tranh luận chất béo bảo hòa có trong dầu dừa

Hiện vẫn đang có một số quan điểm nghi ngại thậm chí là bài bác việc sử dụng dầu dừa vì cho rằng chất béo bảo hòa có trong dầu dừa gây ảnh hưởng đến tim mạch. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng lượng chất béo bảo hòa trong VCO bản chất là axit béo chuỗi trung bình (Medium chain fatty acid-MCFA) chúng không những không gây tác động xấu trên tim mạch mà còn làm tăng một cách có ý nghĩa lượng cholesterol “tốt” HDL-cholesterol [20].

Bệnh Alzheimer (AD) là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất. Hiện tại, không có thuốc hiệu quả để ngăn ngừa hoặc điều trị AD. Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra VCO có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị bổ sung. VCO chứa các MCFA, khi chuyển hóa trong cơ thể, một lượng lớn MCFA trực tiếp đến gan quan tĩnh mạch cửa, do đó đi qua hệ thống bạch huyết. Có giả thuyết cho rằng giảm chuyển hóa glucose trong não là dấu hiệu ban đầu chính của AD, có thể phát hiện được trước khi xuất hiện các triệu chứng, các thể ceton từ quá trình chuyển hóa MCFA có thể đóng vai trò như một nguồn năng lượng thay thế để bù đắp cho sự thiếu hụt sử dụng glucose trong não. Ngoài ra, VCO còn có tác dụng bảo vệ các tế bào thần kinh bằng cách chống các tác nhân oxy hóa thông qua các hợp chất pholyphenolic [6, 21].

Kết luận

Dầu dừa, một sản phẩm tự nhiên vô cùng quý giá với những lợi ích to lớn về mặt chăm sóc sức khỏe đã được ghi nhận qua các kinh nghiệm sử dụng dân gian, y học cổ truyền và các nghiên cứu y khoa hiện đại. Đẩy mạnh đầu tư phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, xây dựng thương hiệu mạnh trên thị trường; hoàn thành các đề án nghiên cứu khoa học phục vụ cho chế biến dừa là một trong những mục tiêu trọng điểm của hiệp hội dừa Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng. Do đó đa dạng hóa các chế phẩm từ dầu dừa tinh khiết phục vụ cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ điều trị các bệnh mới nổi như Covid-19 cần được chú trọng và có những nghiên cứu lâm sàng để chứng minh hiệu quả của dầu dừa trong thực tiễn.

TS.Phạm Xuân Đà, Phạm Phương Phi, Lê Văn Chương

Dựa trên nguồn tài liệu

  1. Jayawardena R, Swarnamali H, Ranasinghe P, and Misra A (2021) “Health effects of coconut oil: Summary of evidence from systematic reviews and meta-analysis of interventional studies”. Diabetes Metab Syndr. 15(2): 549-55.
  2. Palaniappan M and Kasthuri R (2017) “Antimicrobial Effects of 1-Monocaprylin and 1-Monocaproin Through in vitro Growth Inhibition and Molecular Docking Studies”. Am J Biochem Biotechnol. 13(3).
  3. Deen A, Visvanathan R, Wickramarachchi D, Marikkar N, Nammi S, et al. (2021) “Chemical composition and health benefits of coconut oil: an overview”. J Sci Food Agric. 101(6): 2182-93.
  4. Famurewa AC, Ejezie AJ, Ugwu-Ejezie CS, Ikekpeazu EJ, and Ejezie FE (2018) “Antioxidant and anti-inflammatory mechanisms of polyphenols isolated from virgin coconut oil attenuate cadmium-induced oxidative stress-mediated nephrotoxicity and inflammation in rats”. J. Appl. Biomed. 16(4): 281-8.
  5. Hima L, Pratap UP, Karrunanithi S, Ravichandran KA, Vasantharekha R, et al. (2019) “Virgin coconut oil supplementation in diet modulates immunity mediated through survival signaling pathways in rats”. J Complement Integr Med. 17(1).
  6. Chatterjee P, Fernando M, Fernando B, Dias CB, Shah T, et al. (2020) “Potential of coconut oil and medium chain triglycerides in the prevention and treatment of Alzheimer’s disease”. Mech Ageing Dev. 186: 111209.
  7. (2006) “A Review of Monolaurin and Lauric Acid: Natural Virucidal and Bactericidal Agents”. 12(6): 310-4.
  8. Joshi S, Kaushik V, Gode V, and Mhaskar S (2020) “Coconut Oil and Immunity: What do we really know about it so far?”. J Assoc Physicians India. 68(7): 67-72.
  9. Hilmarsson H, Traustason BS, Kristmundsdóttir T, and Thormar H (2007) “Virucidal activities of medium- and long-chain fatty alcohols and lipids against respiratory syncytial virus and parainfluenza virus type 2: comparison at different pH levels”. Arch Virol. 152(12): 2225-36.
  10. Famurewa AC, Ejezie AJ, Ugwu-Ejezie CS, Ikekpeazu EJ, and Ejezie FE (2018) “Antioxidant and anti-inflammatory mechanisms of polyphenols isolated from virgin coconut oil attenuate cadmium-induced oxidative stress-mediated nephrotoxicity and inflammation in rats”. Journal of Applied Biomedicine. 16(4): 281-8.
  11. Varma SR, Sivaprakasam TO, Arumugam I, Dilip N, Raghuraman M, et al. (2019) “In vitro anti-inflammatory and skin protective properties of Virgin coconut oil”. Journal of Traditional and Complementary Medicine. 9(1): 5-14.
  12. Marina AM, Man YB, Nazimah SA, and Amin I (2009) “Antioxidant capacity and phenolic acids of virgin coconut oil”. Int J Food Sci Nutr. 60 Suppl 2: 114-23.
  13. Sinaga FA, Harahap U, Silalahi J, and Sipahutar H (2019) “Antioxidant Effect of Virgin Coconut Oil on Urea and Creatinine Levels on Maximum Physical Activity”. Open Access Maced J Med Sci. 7(22): 3781-5.
  14. Yeap SK, Beh BK, Ali NM, Yusof HM, Ho WY, et al. (2015) “Antistress and antioxidant effects of virgin coconut oil in vivo”. Exp Ther Med. 9(1): 39-42.
  15. Arunima S and Rajamohan T (2013) “Effect of virgin coconut oil enriched diet on the antioxidant status and paraoxonase 1 activity in ameliorating the oxidative stress in rats – a comparative study”. Food Funct. 4(9): 1402-9.
  16. Batovska DI, Todorova IT, Tsvetkova IV, and Najdenski HM (2009) “Antibacterial study of the medium chain fatty acids and their 1-monoglycerides: individual effects and synergistic relationships”. Pol J Microbiol. 58(1): 43-7.
  17. Dayrit CSJICJ (2000) “Coconut oil in health and disease: its and monolaurin’s potential as cure for HIV/AIDS”. 31: 19-24.
  18. Dr. Kadek Dharma W (2016) “Virgin Coconut Oil for HIV – Positive People”. CORD. 32(1): 8.
  19. Angeles-Agdeppa I, Nacis JS, Capanzana MV, Dayrit FM, and Tanda KV (2021) “Virgin coconut oil is effective in lowering C-reactive protein levels among suspect and probable cases of COVID-19”. J Funct Foods. 83: 104557.
  20. Teng M, Zhao YJ, Khoo AL, Yeo TC, Yong QW, et al. (2020) “Impact of coconut oil consumption on cardiovascular health: a systematic review and meta-analysis”. Nutr Rev. 78(3): 249-59.
  21. de la Rubia Ortí JE, García-Pardo MP, Drehmer E, Sancho Cantus D, Julián Rochina M, et al. (2018) “Improvement of Main Cognitive Functions in Patients with Alzheimer’s Disease after Treatment with Coconut Oil Enriched Mediterranean Diet: A Pilot Study”. J Alzheimers Dis. 65(2): 577-87.