Thứ hai, Tháng mười hai 30, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Giá trị đặc biệt về văn hóa, di sản của Vườn cung đình trong hệ thống kiến trúc cung đình Huế



ĐNA -

Vườn cung đình Huế từng một thời là niềm tự hào của các vua Nguyễn và cả thế hệ các văn sĩ đất Thần kinh. Trong 20 thắng cảnh của đế đô hồi giữa thế kỷ XIX  thì đã có mặt đến 7 khu vườn ngự: Ngự Viên, Thiệu Phương, Hậu Hồ, Trường Ninh, Tịnh Tâm, Thư Quang, Thường Mậu. Các hoàng đế triều Nguyễn, đặc biệt là vua Thiệu Trị (1841-1847) đã có hàng trăm bài thơ đề vịnh về các khu vườn này. Được hình thành chủ yếu trong giai đoạn phát triển đỉnh cao của triều Nguyễn, chủ yếu từ thời Minh Mạng đến Thiệu Trị (1820-1847), vườn cung đình Huế đã từng chiếm một bộ phận rất đáng kể trong tổ hợp các kiến trúc cung đình tại kinh đô. Gần 30 khu vườn với đủ loại hình: cung viên, biệt cung, ly cung, hành cung với tổng diện tích hàng trăm héc-ta đã thực sự làm nên vẻ lộng lẫy, quyến rũ đặc biệt của xứ Thần Kinh.

Có đến 65 bài thơ ngự chế của vua Thiệu Trị đề vịnh về các khu vườn cung đình/vườn Thượng uyển được giới thiệu qua công trình “Kinh thành Huế trong thi họa – Hoàng đế Thiệu Trị và Ngự đề đồ hội thi tập” của tác giả Nguyễn Văn Phương, và tất cả các bài thơ này đều thuộc bộ “Ngự đề danh thắng đồ hội thi tập”, đó là chưa kể 7/20 bài thơ trong “Thần kinh nhị thập cảnh” thuộc bộ sách này cũng dành để đề vịnh về các khu vườn. Điều đó cho thấy vị thế đặc biệt của các khu vườn cung đình/vườn Ngự uyển đối với các vị hoàng đế triều Nguyễn nói chung, và vua Thiệu Trị nói riêng.

Trên thực tế, Vườn cung đình cũng là một bộ phận vô cùng quan trọng và có giá trị đặc biệt về văn hóa, di sản trong hệ thống kiến trúc cung đình Huế. Bài viết dưới đây của Tiến sĩ Phan Thanh Hải sẽ khái quát một số điểm tiêu biểu nhất của vườn cung đình Huế.

Vườn Thiệu Phương trên tranh gương và tranh mộc bản thời Nguyễn (1845).

Vườn cung đình Huế
Đó chính là bộ phận tinh hoa trong thành phố vườn-thành phố Huế-cố đô lịch sử, là yếu tố làm nên nét trữ tình, mềm mại của kiến trúc cung đình Nguyễn, là những gì tài hoa óng ả nhất trong kiệt tác kiến trúc đô thị-kiến trúc thơ xứ Huế.

Đáng tiếc thay, những tuyệt phẩm kiến trúc ấy đã trở thành quá vãng, chúng chỉ còn lấp lánh trong những bức tranh gương hay mơ màng trong những bức tranh mộc bản, và trong cả những câu thơ hoài niệm:

“Khách du lần giở trang hoài cổ,
Mơ lại ngày xưa xóm Ngự viên”
(Nguyễn Bính)

Hồ Tịnh Tâm, khu vườn uyển rộng hơn 10ha trên tranh mộc bản thời Nguyễn (1845)

Được hình thành chủ yếu trong giai đoạn phát triển đỉnh cao của triều Nguyễn, chủ yếu từ thời Minh Mạng đến Thiệu Trị (1820-1847), vườn cung đình Huế đã từng chiếm một bộ phận rất đáng kể trong tổ hợp các kiến trúc cung đình tại kinh đô. Gần 30 khu vườn với đủ loại hình: cung viên, biệt cung, ly cung, hành cung với tổng diện tích hàng trăm héc-ta đã thực sự làm nên vẻ lộng lẫy, quyến rũ đặc biệt của xứ Thần Kinh.

Ngay trong Hoàng cung, những ngự uyển lừng danh như Thiệu Phương Viên, Ngự Viên, Cơ Hạ Viên, Hậu Hồ, Trường Ninh Cung đều được vị vua uyên bác, tài hoa Thiệu Trị xếp vào “Cung trung thập cảnh” (10 cảnh đẹp nhất trong cung cấm) hay “Thần Kinh nhị thập cảnh” (20 thắng cảnh của đất Thần Kinh). Ngoài Hoàng cung nhưng vẫn nằm trong phạm vi Kinh thành thì có Tịnh Tâm Hồ, Thư Quang Viên, Thường Mậu Viên, Khánh Ninh Cung, Bảo Định Cung… cũng đều là danh thắng của kinh đô một thuở. Những người đạt đến học vị cao nhất dưới thời Nguyễn, tức những vị thi đỗ Tiến sỹ, hẳn đều ghi nhớ trong tâm khảm những hình ảnh tuyệt diệu nhất về kinh đô không chỉ là lúc được vinh danh trên Bảng vàng tại Phu Văn Lâu, hay được tung hô trong lễ Truyền Lô trước Ngọ Môn, mà còn là khi được ban yến thưởng hoa trong Thư Quang Viên hay tại Tịnh Tâm Hồ. Cũng vì thế mà may mắn thay, dù phần lớn vườn cung đình Huế đã bị phá hủy vào cuối triều Nguyễn, nhưng hình ảnh về chúng thì vẫn còn được ghi chép khá nhiều trong các tư liệu về Huế xưa.

Một góc Hậu hồ trên tranh mộc bản và tranh gương (1845).

Vườn cung đình Huế có những đặc điểm gì nổi bật? Không thể đơn giản trả lời câu hỏi này vì cách thức thể hiện và vẻ đẹp của vườn ngự thời Nguyễn quá đa dạng, quá phong phú!

Vườn cảnh phương Đông nói chung, nhất là tại các nước đồng văn, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên (bao gồm cả Bắc và Nam Triều Tiên) và Việt Nam, nói chung có nhiều nét tương đồng do quan niệm triết học và văn hóa gần gũi. Qúa trình hình thành, phát triển và đạt đến đỉnh cao của vườn cảnh các nước này khá giống nhau, đều là từ bước mô phỏng tự nhiên, tái tạo tự nhiên cho đến bước khái quát hóa, tinh hoa hóa tự nhiên. Trong vườn cảnh phương Đông, con người là một thành tố không thể thiếu, thể hiện qua các công trình kiến trúc và việc “nhân tạo hóa” tự nhiên. Nhưng khác với vườn cảnh phương Tây thường mang tính khống chế áp đặt, trong vườn phương Đông, con người là một nhân tố hòa lẫn cùng tự nhiên và tưởng như rất khó tách rời.

Cảnh Ngự viên trên tranh mộc bản(1845)

Vườn cung đình Huế là một sự thể hiện tiêu biểu nhất cho triết lý “Thái hòa” của Đông phương. Vẫn là 4 yếu tố cơ bản của nghệ thuật tạo vườn: Sơn (núi)-Thủy (nước)- Động thực vật (gồm các loài động vật, cây cảnh, hoa cỏ)-Kiến trúc (những công trình do con người xây dựng), nhưng cách phối hợp và thể hiện chúng lại mang một phong cách riêng: rất tự nhiên, rất lãng mạn và rất Huế!

Hầu hết trong các loại hình vườn cung đình thời Nguyễn, tỷ lệ công trình kiến trúc đều tương đối nhỏ so với không gian vườn. Không những thế, quy mô các công trình kiến trúc đều thiên về tính chất nhỏ mà tinh, đơn giản nhưng cao sang. Đặc biệt, việc bố trí các công trình luôn thể hiện trình độ văn hóa rất cao của người thiết kế: lấy sự hài hòa với tự nhiên, tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên làm tiêu chuẩn hàng đầu. Tuy nhiên, không vì thế mà trong vườn cung đình Huế, nhân tố con người trở nên mờ nhạt, mà trái lại khi ngắm vườn, người ta luôn luôn nhận ra một điều: con người thông qua các kiến trúc xuất hiện ở mọi nơi, mọi chỗ và xuất hiện rất khéo, rất vừa vặn. Tưởng như chỗ ấy, nếu không có ngôi nhà thủy tạ ấy thì mặt nước, đồi thông, tảng đá chung quanh sẽ trở nên lạc lõng, mất đi vần điệu tự nhiên. Điều này tạo nên sự khác biệt giữa vườn Huế và vườn hoàng gia thời Thanh ở Trung Quốc thường mang nặng tính thực dụng với sự bố trí kiến trúc với tỷ lệ rất cao; nó cũng khác với kiểu vườn “khô sơn thủy” quá thiên về yếu tố “tĩnh” với cái “tôi bản ngã” đầy sắc thiền của vườn cảnh hoàng gia Nhật Bản.

Cung Trường Ninh trên tranh mộc bản (1845)

Dù cũng sử dụng các loại hình kiến trúc rất đa dạng, gồm cả điện, đường, lầu, các, lang, tạ, trai, hiên, đình, đài, kiều, cống… nhưng mỗi khu vườn cung đình Huế, nhất là loại cung uyển, thường lấy một công trình hoặc một thể loại kiến trúc riêng để tạo nên nét đặc sắc của mình. Như vườn Thiệu Phương thì lấy hồi lang hình chữ “Vạn” làm tâm điểm; vườn Cơ Hạ thì lấy “Tứ Phương Ninh Mật hồi lang” hình chữ “Khẩu” làm trung tâm để liên kết các công trình; Tịnh Tâm Hồ và Hậu Hồ đều sử dụng thủ pháp “Thần tiên tam đảo” (ba ngọn núi thần nổi giữa biển trong truyền thuyết phương Đông là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu) làm chủ thể, nhưng cách thể hiện rất khác nhau (1); cung Trường Ninh lại lấy “Vương Tự Điện” (3 ngôi điện có hành lang nối liền tạo nên hình chữ “Vương”) làm nên đặc trưng.vv… Bởi vậy, chỉ cần nhắc đến tên gọi của mỗi khu vườn thì chủ nhân hay du khách từng được viếng thăm đều ngay lập tức có thể hình dung ra diện mạo của chúng. Qủa thật là rất tài tình!

Hồ Ngọc Dịch hiện nay

Sơn, bao gồm cả núi đắp đất, núi đá, giả sơn xếp kiểu non bộ tại vườn cung đình Huế được sử dụng ở dung lượng rất vừa phải. Người Huế xưa nay đều không quá sùng bái đá hay sơn thạch như người Trung Hoa và Nhật Bản. Có thể là do môi trường sống và cả do nguồn gốc “con Rồng cháu Tiên” nên họ luôn giữ mình trong thế thăng bằng trong quan niệm và cả khi thể hiện sơn – thủy. Đối với đá, nghệ nhân khi lựa chọn cũng có những nguyên tắc riêng, nhưng thường không quá cầu kỳ, cốt chọn có hình dáng đẹp và tự nhiên. Trong các tài liệu mô tả về vườn ngự và cả tại các di tích hiện còn, ta thường gặp núi trong hình ảnh nhỏ nhắn, xinh xắn và tự nhiên; đôi khi những ngọn núi ấy được sử dụng làm các yếu tố phong thủy, nhưng tuyệt nhiên không thấy những ngọn núi quanh co với đá xếp tầng tầng lớp lớp hay các viên “kỳ thạch” với 4 đặc điểm ma thuật “sấu-trâu-lậu-thấu” như trong những khu vườn Hoàng gia Trung Quốc hay vườn tư gia xứ Giang Nam (2).

Trong vườn Thiệu Phương

Với yếu tố Thủy – mặt nước thì vườn cung đình Huế sử dụng rất nhuần nhuyễn với thủ pháp riêng. Tỷ lệ mặt nước trong các khu vườn cung đình thường chiếm tỷ lệ rất lớn, đôi khi đóng vai trò chủ thể như ở hồ Tịnh Tâm, Hậu Hồ, vườn Cơ Hạ… Mặt nước lung linh như tấm gương lớn là yếu tố tuyệt vời để làm nền cho các công trình kiến trúc và không gian xung quanh. Ở điểm này, vườn cung đình Huế khá gần gũi với vườn cảnh Giang Nam. Mặt nước trong vườn luôn có nguồn dẫn, nguồn thoát chứ không bao giờ tù đọng. Nước là yếu tố động bên cạnh núi là yếu tố tĩnh để tạo nên một cặp phạm trù đầy tính triết lý Sơn- Thủy. Nhưng còn hơn thế, về khía cạnh văn học, nghệ thuật, nước còn là nhân tố “dẫn” để khơi gợi các nguồn cảm hứng. Thi nhân, văn nhân, họa gia khi đứng trước hồ nước lung linh, cỏ hoa ẩn hiện, hương sen ngan ngát, công trình thấp thoáng… sao có thể không động lòng mà cảm tác! Bởi thế, không lạ gì khi đọc mấy chục bài thơ viết về vườn ngự của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, ta đều thấy trăng sao in bóng, lá sen rập rờn, sóng xô cá nhảy… tưởng như cả khu vườn đều quây quanh hồ nước hay chính hồ nước cũng là khu vườn vậy!

Hồ hoa quân tử nở đầy
Thuyền đi hái cỏ nước xây ráng chiều
Ngát hương hoa lặng mái chèo
Ai hay vấn vít tự tay trường bào
(Cơ Hạ viên thập tứ cảnh- Trì lưu liên phảng)

Các loài cây cảnh, hoa cỏ cùng những loài động vật có trong vườn cung đình Huế đương nhiên là hết sức phong phú. Huế có lợi thế là điểm trung độ của đất nước, phần lớn các loài cây cỏ phương Bắc, phương Nam đều có thể sinh trưởng được. Như loại hoa đào xứ Bắc vào đến Huế vẫn sống khỏe và dần biến đổi thành một loại đào hoa thưa nhưng rất độc đáo; các loại cây hoa thuần nhiệt đới như măng cụt, sầu riêng hay mai vàng thì đã “chọn Huế làm quê hương” từ hơn trăm năm nay và đã trở thành một thứ đặc sản của đế đô. Vườn cung đình Huế là nơi tập trung các loại “kỳ hoa dị thảo” của cả nước và của cả nước ngoài (qua con đường ngoại giao). Tuy nhiên, các vua Nguyễn cũng là người Huế, người Việt Nam với tâm thức trong sáng, tâm hồn phong phú, thích sự giản dị tự nhiên hơn là sự cầu kỳ xa hoa, thích những màu sắc trang nhã, trầm tính hơn là những gam màu chói sáng, lòe loẹt. Bởi vậy, vườn có kỳ hoa dị thảo nhưng không quá nhiều. Để sự bố trí còn hòa điệu với công trình kiến trúc và các yếu tố khác. Những loài cây, hoa biểu trưng cho đạo đức, phẩm cách của người quân tử như trúc, tùng, mai, cúc, sen… vẫn luôn có vị trí quan trọng trong bất cứ khu vườn nào. Hãy xem hình ảnh cung Trường Ninh trong thơ vua Thiệu Trị:

Ven bờ cỏ thơm, trúc Quan âm phe phẩy,
Trên đá hoa tươi, tùng La hán nghiêng mình..
Tơ liễu theo cần vương sợi gió
Hương sen luồn cửa cuộn trường bào.
(Trường Ninh thùy điếu)

Hay tại vườn Thiệu Phương:

“Cây ngọc tròn xoe tán,
 Hoa quý ngát hương thơm

Lan vươn dáng khỏe, Sen  tròn trịa,
 Cúc nép thân thon, Mai mặn mà”.
(Vĩnh Thiệu Phương Văn) (3).

Động vật được nuôi thả trong các khu vườn cung đình thường là những loài thú nhỏ (như thỏ, sóc…), các loài chim, các loài cá… có lẽ cũng đủ cả 4 loại thú, điểu, ngư, trùng nhưng không quá cầu kỳ như vườn cảnh hoàng gia Trung Hoa. Cá nuôi trong hồ ao phần lớn đều là các loài cá tự nhiên, bản địa, hầu như không thả loại cá cảnh nhiều màu sắc như tại các khu vườn cảnh Trung Quốc. Chim trong vườn cũng là các loài chim tự nhiên, vì môi trường tuyệt vời của các ngự uyển mà chúng quyến luyến lai vãng…

Vườn cung đình Huế từng một thời là niềm tự hào của các vua Nguyễn và cả thế hệ các văn sĩ đất Thần kinh. Trong 20 thắng cảnh của đế đô hồi giữa thế kỷ XIX  thì đã có mặt đến 7 khu vườn ngự: Ngự Viên, Thiệu Phương, Hậu Hồ, Trường Ninh, Tịnh Tâm, Thư Quang, Thường Mậu. Các hoàng đế triều Nguyễn, đặc biệt là vua Thiệu Trị (1841-1847) đã có hang trăm bài thơ đề vịnh về các khu vườn này. Cũng một thời, cùng với các đồ sứ ký kiểu, hoàng đế Thiệu Trị đã cho gửi hàng trăm bức tranh mộc bản khắc vẽ cảnh những danh viên của mình sang Trung Hoa để làm nên những bức tranh gương lung linh màu sắc. Nhờ vậy mà đến nay, dù trải qua sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh và thời gian, Huế vẫn còn giữ được mấy chục bức tranh rất có giá trị. Đó là những nguồn tư liệu hết sức quý báu cho công tác nghiên cứu và bảo tồn vườn ngự.

Cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước, cố đô Huế cũng đang hồi sinh từng ngày. Di chỉ của những khu vườn cung đình ngày nào dường như cũng đang rục rịch, xốn xang. Chúng đang chờ đợi những bàn tay, khối óc cùng những con tim khát khao khôi phục, tái tạo lại hình ảnh của Huế xưa.

Năm 2014-2018, vườn Thiệu Phương, cung uyển đầu tiên đã được phục hồi thích nghi khá thành công, trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa, nơi trưng bày các tác phẩm thi họa rất lí tưởng. Và nay, các dự án nghiên cứu phục hồi vườn Cơ Hạ, hồ Tịnh Tâm… cũng đang được khởi động, càng dấy lên niềm hy vọng của những người yêu Huế: Chờ mong đến một ngày lại được nhìn thấy những thắng cảnh tiêu biểu nhất trong 20 thắng cảnh xứ Thần Kinh!

Chú thích
“Thần tiên tam đảo” hay “Bồng Lai tam đảo” được xem là một trong những thủ pháp đặc sắc của nghệ thuật cấu trúc vườn cảnh phương Đông. Theo truyền thuyết Trung Hoa, 3 ngọn núi Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu là 3 ngọn núi của tiên giới nổi trên mặt biển. Tần Thủy Hoàng khi xây dựng lâm uyển đã cho đào hồ lớn, trên đắp núi Bồng Lai. Hán Võ Đế khi xây dựng Chương Cung cũng cho đào hồ Thái Dịch, trong hồ đắp 3 ngọn núi Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu… Điều này một mặt phản ánh khát vọng đi tìm tiên cảnh trên trần gian của con người, mặt khác cũng phản ánh sự tìm tòi để sáng tạo ra một kiểu bố cục mới của nghệ thuật tạo vườn. Bởi nước là một bộ phận khó có thể tách rời của kiến trúc vườn cảnh. Không có nước thì rất khó tạo vườn, nhưng chỉ có mặt nước không thì cũng không thể tạo nên cảm xúc. “Bồng Lai tam đảo” chính là thủ pháp giải quyết được một cách tuyệt vời mâu thuẩn trên. Trên mặt nước có 3 hòn đảo, trên đảo lại có các công trình điện đường, lầu các..rõ ràng là mang ý vị của chốn thần tiên. Các Ngự viên nổi tiếng nhất của Trung Hoa đều ứng dụng thủ pháp này.

Vườn Giang Nam là khái niệm dùng để chỉ dải vườn cảnh tư nhân từ Dương Châu, Vô Tích, Tô Châu, Hàng Châu đến Nam Kinh. Hệ thống vườn cảnh này được bố trí trong các không gian khá giới hạn gắn liền với kiến trúc nhà ở. Vì vậy nên cách kết hợp địa hình, vận dụng các thủ pháp làm vườn để tạo ra không gian cảnh vườn có sơn có thủy, có hoa có mộc, lấy ít biểu thị nhiều, nhìn cái nhỏ ra cái lớn..rất được chú trọng. Do đối tượng phục vụ chỉ là số ít(chủ vườn) và bố trí trên không gian nhỏ nên hầu hết các vườn đều có dòng nước chảy quanh co, núi đá lung linh ẩn hiện, kiến trúc nhỏ mà tinh xảo..tạo cho người ta cảm giác thanh tân đạm nhã, khúc triết u tịch của khu vườn.

Xem thêm “Thần Kinh nhị thập cảnh-Thơ vua Thiệu Trị” do nhóm Phan Thuận An, Phan Thanh Hải, Phạm Đức Thành Dũng và Nguyễn Phước Hải Trung biên soạn. Nxb Thuận Hóa, 1997.