Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Giải pháp đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đặc thù tỉnh Ninh Thuận: Gia tăng sức mạnh chuỗi cung ứng bằng sở hữu trí tuệ và bảo vệ thương hiệu

ĐNA -
Nông nghiệp vẫn luôn là ngành trụ cột của tỉnh Ninh Thuận. Với chiến lược phát triển nông nghiệp trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh phấn đấu trở thành một trong những tỉnh có nền nông nghiệp công nghệ cao của cả nước gắn với công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Hình thành các vùng, dự án có quy mô và sản xuất ra các mặt hàng nông sản có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường; đưa nông nghiệp công nghệ cao trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.
Phan Rang chính là nơi sở hữu nhiều vườn nho sai trái, trĩu quả nhất tại Ninh Thuận.

Với chiến lược phát triển nông nghiệp trong giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 04-05%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5-6%/năm, có ít nhất 3 sản phẩm trong nhóm sản phẩm nông nghiệp đặc thù được xuất khẩu. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị ngành nông nghiệp đạt từ 3-4%/năm; trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt từ 30-40%/năm. Đến năm 2025, Ninh Thuận có từ 3-5 vùng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 1.000ha, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 700 triệu đồng/ha.

Để giải quyết bài toán đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, chúng ta cần làm rõ một số nguồn cơn xuất phát trong nội tại ngành. Đầu tiên, ngành nông nghiệp đã đóng góp của nhiều ‘điểm sáng’ về thâm canh, ứng dụng công nghệ cao chủ yếu mang tính quảng canh, dựa trên thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, thâm dụng lao động, lấy sản lượng, năng suất là chính, nhưng chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng. Quy mô nhỏ, manh mún, trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp của nông dân thấp dễ làm chất lượng không tương đồng giữa các vùng trồng, các hộ dân.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận không thể không giải quyết các bài toán liên quan đến đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp. Khi có nguồn đầu ra ổn định và đa dạng sẽ giúp ngành có nguồn tài chính ổn định để quay vòng sản xuất và đầu tư vào khoa học công nghiệp giúp ngành càng phát triển. Để có được đầu ra ổn định, các sản phẩm nông nghiệp cần quan tâm đến chuỗi cung ứng và sở hữu trí tuệ và bảo vệ thương hiệu.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần quốc Nam (thứ hai từ trái sang) và Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú (thứ 3 từ trái sang) tham quan gian hàng giới thiệu các sản phẩm nho.Thực trạng đầu ra cho nông sản.

Trong năm 2020, tổng sản phẩm trong tỉnh thuộc khu vực nông nghiệp tăng 1,17%, đóng góp 0,38 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung nhưng giảm 5,19% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp giảm 0,7 điểm. Bước qua năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh ước đạt 12.414,8 tỷ đồng, tăng 6,5% so năm 2020. Đây là mức tăng trưởng cao nhất của ngành nông nghiệp Ninh Thuận trong nhiều năm qua, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch phức tạp thì đây là một kỳ tích. Cụ thể, giá trị sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp đạt 5.411,755 tỷ đồng, tăng 15% so năm 2020, riêng giá trị sản xuất trồng trọt tăng 19,5% so năm 2020; lĩnh vực lâm nghiệp đạt 83 tỷ đồng; thủy sản, nhất là sản xuất tôm giống ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn đạt 6.920 tỷ đồng, tăng 0,7% so năm 2020.

Trong khi thị trường yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng, chủng loại và mẫu mã. Hiện các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là các sản phẩm thô và các sản phẩm chế biến đơn giản, thủ công. Ví dụ như sản phẩm nho, một sản phẩm chủ lực của tỉnh, ngoài sản phẩm nho tươi thì các sản phẩm chế biến cũng chỉ bao gồm một số loại điển hình: rượu nho, mật nho, mứt nho, nho khô hạt rời và nho khô nguyên chùm. Mặc dù các sản phẩm chế biến từ nho trên thị trường rất đa dạng như: pho mai nho, các loại thực phẩm chức năng chiết xuất từ nho, các loại mỹ phẩm từ nho,… Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cũng chỉ đang “bán cái mình có” mà chưa hẳn “bán cái thị trường cần”.

Hiện nay các sản phẩm sạch có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng trở thành xu hướng với nhu cầu người tiêu dùng tăng cao. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh chưa có nguồn gốc bởi chưa ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng, sản xuất và kinh doanh. Điều này cũng cản trở lớn trong việc các sản phẩm nông sản của tỉnh vươn ra thị trường quốc tế.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn luôn đối diện nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm ngành. Ninh Thuận, địa bàn khô hạn bậc nhất cả nước, nơi mùa khô kéo dài 9/12 tháng trong năm, lượng mưa bình quân có vùng chỉ đạt 300- 400 mm/năm. Cùng với biến đổi khí hậu, những năm gần đây, tại địa phương, hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường diễn ra thường xuyên ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng sản phẩm ngành nông nghiệp. Bệnh dịch cũng là nguồn cơn gây khó khăn lớn cho ngành, trong đó, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là bệnh viêm đường hô hấp do virus Corona gây ra.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid, nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản và trái cây chủ lực bị tồn kho nhiều bởi liên quan đến các thủ tục thông quan của các nước về các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt, thị trường Trung Quốc – một thị trường có mức tiêu thụ lớn các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, không chỉ riêng trong giai đoạn bệnh dịch bùng phát mà thời kỳ trước và hậu covid, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp luôn là bài toàn đau đầu cho các nhà quản trị doanh nghiệp và các nhà xây dựng chính sách. Thuật ngữ “giải cứu” các sản phẩm nông nghiệp đã xuất hiện cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp. Rõ ràng thực trang về việc phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường đầu ra, khiến doanh nghiệp, nhà nông đứng ngồi không yên vì giá xuống thấp và không tìm được nơi tiêu thụ bổ sung. Điển hình, năm 2021, nông sản chủ lực như hành tím, nho của Tỉnh phải đối mặt với tình cảnh giá giảm 40-50% nhưng vẫn không bán được.

Chuỗi cung ứng
Chuỗi cung ứng (Supply Chain) là thuật ngữ kinh tế xuất hiện vào những năm cuối thập niên 80 và nhanh chóng trở nên phổ biến ở thập niên 90. Qin và các cộng sự (2014) cho rằng chuỗi cung ứng liên quan đến các nhà cung cấp, nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ và vận chuyển, nhà phân phối và người tiêu dùng. Slack & Brandon-Jones (2018) và Russell & Taylor (2019) mô tả chuỗi cung ứng là chuỗi hoạt động đảm bảo dòng chảy sản phẩm hoặc dịch vụ từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng. Zijm và cộng sự (2019) cho rằng, chuỗi cung ứng là một mạng lười các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp từ đầu vào đến đẩu ra của sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Như vậy, chuỗi cung ứng được một cách đơn giản là bao gồm một chuỗi hoạt động từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm hoặc dịch vụ liên quan đến nhà cung cấp, nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ (đặc biệt là dịch vụ lưu trữ và vận chuyển), nhà bán sỉ và phân phối, nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Mục đích của chuỗi cung ứng chính là đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng.

Để đáp ứng được điều đó, một chuỗi cung ứng cần phải liên kết, quản lý cả chuỗi quá trình liên quan đến nhà sản xuất, nhà cung cấp, các công ty vận tải, nhà bán lẻ, kho vận và các khách hàng của chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng cũng như việc quản lý chuỗi cung ứng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.

Như vậy, chuỗi cung ứng có tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất cũng như tác động đến lợi ích của nhiều doanh nghiệp trong chuỗi. Và các doanh nghiệp hay hộ nông dân, hợp tác xã trong ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận cũng vậy, mỗi cá nhân hay tổ chức dù lớn hay nhỏ đều có chuỗi cung ứng riêng của họ. Nếu họ quản lý tốt chuỗi cung ứng giúp họ quản lý tốt cả đầu ra và đầu vào, từ đó sẽ giúp họ dễ dàng đạt được lợi thế cạnh tranh và đẩy mạnh vị thế cá nhân, đồng thời đẩy mạnh lợi thế của toàn ngành.

Hình 1: Mô hình về chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh bệnh dịch Covid, việc đứt gãy chuỗi cung ứng xảy ra trong nhiều lĩnh vực, và ngành nông nghiệp cũng không ngoại lệ. Vậy đứt gãy chuỗi cung ứng là gì, đó chính là việc tắc nghẽn dòng chảy sản phẩm dịch vụ giữa các đối tượng trong chuỗi. Đứt gãy chuỗi cung ứng có thể khiến các doanh nghiệp sản xuất không có nguyên vật liệu trong sản xuất hoặc không thể lưu thông sản phẩm đầu ra đến thị trường tiêu thụ trong phạm vị một quốc gia hoặc quốc tế. Trong năm 2021, đứt gãy chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả doanh nghiệp sản xuất trong ngành nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp không thể đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, xuất khẩu bị đình trệ. Điển hình vào đợt bùng phát mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố tiến hành đóng cửa khiến nhiều cá nhân và doanh nghiệp nông nghiệp có nguồn đầu ra tại thị trường này đều bị ảnh hưởng, thậm chí phải đổ bỏ.

Tỉnh Ninh Thuận, sản phẩm hành tím và nho là sản phẩm chịu ảnh hưởng lớn nhất giá giảm từ 40-50% mà vẫn không thể tiếp cận được nguồn đầu ra cho sản phẩm. Năm 2022, tình hình xung đột căng thẳng tại Nga – Ukraine và việc Trung Quốc thắt chặt hoạt động nhập khẩu từ chính sách “Zero Covid-19”. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may, da giày, điện tử, nhựa… vốn phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí đối diện nguy cơ phải hủy đơn hàng, không thể sản xuất dù đang trong giai đoạn cao điểm phục hồi, đơn hàng dồi dào. Trong đó, ngành nông nghiệp của các tỉnh trong đó tỉnh Ninh Thuận cũng hứng chịu ảnh hưởng nặng trong việc đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp bị hạn chế nghiêm trọng bởi rủi ro khi thời gian vận chuyển kéo dài, cước phí tăng làm đội giá thành.

Như vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận cần chú trọng trong việc quản lý chuỗi cung ứng của các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt các sản phẩm chủ lực. Từ đó, cắt giảm chi phí tối đa và nâng cao hiệu quả tốt nhất trong sản xuất và phân phối sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, khi quản lý chuỗi cung ứng tốt ngành nông nghiệp sẽ giảm thiểu tối đa việc đứt gãy chuỗi cung ứng.

Bảo hộ thương hiệu
Bảo hộ thương hiệu là một hình thức mới của sản phẩm được tập hợp từ những cảm nhận, các dấu hiệu nhận biết, các mối quan hệ, những trải nghiệm của khách hàng về một sản phẩm, một dịch vụ hay một doanh nghiệp với các khía cạnh: giá trị, mô tả nhận diện, cá tính. Bảo hộ thương hiệu là cách thức để bảo vệ vị trí của doanh nghiệp trên thị trường và trong lòng của người sử dụng. Ngày nay, khi xã hội phát triển, mỗi một công ty, doanh nghiệp đều muốn có một vị trí nhất định trên thị trường.

Bên cạnh đó sẽ là một vị thế vững chắc trong lòng của người tiêu dùng. Những điều đó được thể hiện thông qua một thương hiệu mà mỗi doanh nghiệp tự định hình cho mình. Có thể nói, thương hiệu chính là yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên thành công cho các đơn vị kinh doanh. Một thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ không những góp phần bảo vệ doanh nghiệp mà còn là đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Ngược lại nếu thương hiệu không có gì bảo đảm, những trường hợp như bị sao chép, làm giả, làm nhái sẽ rất dễ xảy ra.

Hoặc các đối thủ cạnh tranh sử dụng những thủ đoạn gây tác động xấu đến doanh nghiệp thông qua thương hiệu sẽ đưa đến các hệ lụy khôn lường. Lúc đó người bị thiệt hại đầu tiên và nghiêm trọng nhất sẽ là doanh nghiệp mà không gì có thể bù đắp được. Đồng thời, bảo hộ thương hiệu sẽ thúc đẩy sáng tạo và đổi mới kỹ thuật sản xuất, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể trong nền kinh tế. Góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Hiện nay, tại Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng, vẫn có quá ít ít sản phẩm nông sản được đăng ký bảo hộ thương hiệu nông sản.

Bảng 1: Số lượng thương hiệu được bảo hộ

(Nguồn: Cục sở hữu trí tuệ, 2021)

Thống kê trên phạm vi cả nước đã có 41 tỉnh/thành phố có sản phẩm được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, 61 tỉnh/thành phố có sản phẩm được bảo hộ Nhãn hiệu tập thể và 51 tỉnh/thành phố có sản phẩm được bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận. Trong đó, các tỉnh miền trung trong đó có tỉnh Ninh Thuận chiếm tỷ trọng thấp. Như vậy, bảo hộ thương hiệu hết sức quan trọng đối với các cá nhân, tổ chức/ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh nhưng hiện nay số thương hiệu được bảo họ còn rất khiêm tốn.

Giải pháp bảo vệ thương hiệu nhằm đẩy phát triển chuỗi cung ứng
Song song với việc gia tăng chất lượng và giá trị của sản phẩm, mỗi doanh nghiệp hay đơn vị kinh doanh vẫn phải đầu tư nhiều vào các giải pháp bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả, hàng nhái. Từ đó mới có thể giá tăng và bảo vệ hình ảnh thương hiệu cũng như uy tín của sản phẩm. Đây là vấn đề cốt lõi cần có để điều chỉnh chuỗi cung ứng, hướng sản phẩm đến các thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao. Đối với các thì trường này, tính minh bạch của sản phẩm là hết sức quan trọng trong quản lý chất lượng. Tuy nhiên, ai cũng biết chính sự khó tính của thị trường này cũng là lực hút lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu vì đây chính là thị trường sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có chất lượng cao. Trong một nền kinh tế thị trường toàn cầu hoá, với sức ép cạnh tranh hết sức khốc liệt, việc doanh nghiệp tạo dựng và bảo vệ được thương hiệu để có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước là yêu cầu cấp thiết.

Thương hiệu và vấn đề xây dựng, bảo vệ thương hiệu vì vậy đang ngày càng được quan tâm, không chỉ ở phạm vi công ty, ngay cả các địa phương tổ chức và các cơ quan quản lý nhà nước cũng có nhiều cuộc hội thảo, hoạt động nghiên cứu sâu và các hệ thống bảo về thương hiệu, các giải pháp và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu cũng dần được hình thành và đi vào thực tế.

Trong quá trình xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp có thể đối mặt với nhiều bất trắc có thể ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thương hiệu như vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, mạo danh thương hiệu, khủng hoảng truyền thông và các sự cố khác về thương hiệu… Do đó, bảo vệ thương hiệu luôn được xem là một nội dung quan trọng trong chiến lược thương hiệu bên cạnh xây dựng thương hiệu. Một doanh nghiệp bảo vệ tốt hình ảnh thương hiệu của mình sẽ gia tăng được khả năng cạnh tranh trên mọi thị trường. Mặt khác, bảo vệ thương hiệu đồng nghĩa với việc bảo vệ các quyền lợi chính đáng của một doanh nghiệp trước thị trường. Vậy làm thế nào để có thể bảo vệ được thương hiệu mà doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng?

Đăng ký bảo hộ mọi tài sản trí tuệ
Hàng giả, hàng nhái hay mao danh công ty, đặt tên gây nhâm lẫn với thương hiệu lớn là những hình thức đánh cắp thương hiệu phổ biến. Đây là mối đe dọa lớn đối với thương hiệu trước tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là một thực tế, và có thể có hậu quả nghiêm trọng và bất lợi nếu không được ngăn chặn đầy đủ.

Mỗi doanh nghiệp không chỉ đơn giản là tâp trung vào thiết kế kiểu dáng sản phẩm, logo để tạo nhận diện và khác biệt mà chính kiểu dáng sản phẩm hay logo đó phải được bảo vệ độc quyền bởi pháp luật. Ngay cả các tác phẩm truyền thông – quảng cáo như: ảnh chụp, video, bài viết, tài liệu hướng dẫn… cũng cần được bảo vệ. Do đó, dù là công ty lớn hay nhỏ, bất kể quy mô, các doanh nghiệp nên chủ động tìm cách bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ của mình thông qua cả công cụ pháp luật và quy định riêng.

Chỉ phân phối sản phẩm ở các kênh phân phối uy tín
Kênh phân phối hay điểm bán hàng đóng vai trò trong trọng trong việc xác thực danh tính của sản phẩm, công ty. Các hàng hoá trôi nổi ở các kênh chợ truyền thống có thể chưa đựng rủi ro hàng giả, hàng nhái cao. Việc doanh nghiệp cho phép sản phẩm của mình xuất hiện ở các kênh không chính thống, các điểm phân phối không xác thức khiến các sản phẩm giả, nhái dễ trà trộn và ảnh hưởng lợi ích, uy tín của doanh nghiệp.

Thậm chí, doanh nghiệp có thể thực hiện một chương trình đại lý ủy quyền, nghĩa là tạo ra một thỏa thuận giữa doanh nghiệp (thương hiệu và nhà sản xuất) với các đại lý. Bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn cao hơn về những người có thể bán sản phẩm của bạn, bạn đang gián tiếp thiết lập bảo vệ thương hiệu. Trong việc xác định danh sách này, bạn nên chọn các đại lý có khả năng không chỉ bán sản phẩm của bạn, mà còn cung cấp cho khách hàng các trải nghiệm tốt nhất có thể. Điều này sẽ cho phép bạn kiểm soát nhiều hơn về trải nghiệm của người tiêu dùng và kết quả là, khuyến khích họ trở thành khách hàng trung thành.

Thiết lập kênh đánh giá, phản hồi trực tuyến và trực tiếp
Phản hồi từ khách hàng là một công cụ quản lý thị trường sản phẩm cực kỳ hữu hiệu. Bất kỳ trường hợp khách hàng cảm thấy không ứng ý hay nghi ngờ chất lượng sản phẩm được phản ánh về doanh nghiệp có thể là căn cứ để xử lý sớm các khủng hoảng chất lương, cũng như phát hiện sơm các sản phẩm, doanh nghiệp đạo nhái sản phẩm, phá thiện sớm các sản phẩm giả trên thị trường. Đối với kênh bán hàng trực tuyến, phần lớn khách hàng sẽ cảm thấy muốn mua hàng từ trang các kênh có phần đánh giá sản phẩm từ người mua khác. Đánh giá tích cực có thể khiến người khác thấy an tâm khi mua sản phẩm. Ngược lại các phản hồi tiêu cực nếu được giải quyết, giải thích một cách minh bạch và thoả đáng có thể khiến cho khách hàng tiềm năng tin tường, đánh giá cao hơn và hình thành giá trị thương hiệu tốt hơn.

Ứng dụng công nghệ vào việc bảo vệ thương hiệu
Tem chống hàng giả đã từng là một công cụ hữu hiệu trong việc giúp người dùng nhận định hàng thật/giả, là công cụ bảo vệ thương hiệu quan trọng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, việc sử dụng tem chống hàng giả đã không còn mang nhiều lợi ích như xưa khi công nghệ in và làm giả tem trở nên dễ tiếp cân. Các doanh nghiệp cần có những giải pháp công nghệ cao hơn để giúp chứng thực sản phẩm thật và bảo vệ thương hiệu.

Thực hiện chiến lược bảo vệ thương hiệu trên môi trường số thường phức tạp hơn rất nhiều môi trường thực tế. Chẳng hạn, bạn cần xem xét các trang web giả mạo hoặc các chiến dịch email cố gắng bắt chước bạn, cũng như các vi phạm bản quyền rộng rãi, giả nhãn hiệu, hành vi trộm cắp bằng sáng chế, và sự xuất hiện thường xuyên của thương hiệu giả mạo trên mạng xã hội. Khi phát hiện các hành vi trên, bạn cần báo cáo với các nhà cung cấp (ISP) và các đơn vị cung cấp dịch vụ như Google, Facebook ể báo cáo những vấn đề này và đề nghị họ gỡ bỏ chúng.

Chống sao chép, đạo nhái sản phẩm bằng việc cải tiến và phát triển sản phẩm liên tục
Mặc dù người tiêu dùng không muốn một doanh nghiệp mà họ trung thành thay đổi mỗi tháng, nhưng bạn cũng cần phải thay đổi và phát triển liên tục. Điều này không chỉ cung cấp cho bạn một lợi thế đối với các đối thủ cạnh tranh, mà còn đảm bảo rằng khi những kẻ khác bắt chức và sao chép thì bạn đã chuyển sang một hướng mới, sản phẩm mới. Với ý nghĩa này, nghiên cứu thị trường rất quan trọng trong việc xác định những gì khách hàng của bạn muốn. Xu hướng tiêu dùng thay đổi theo thời gian, nhưng bằng cách khai thác các yếu tố nhân khẩu học, bạn sẽ luôn là những nhà tiên phong. Bên cạnh đó, bằng cách tạo ra các mặt hàng mới và sáng tạo hơn, khiến công ty giả mạo ngày càng khó theo kịp các sản phẩm của bạn.

Luôn luôn cung cấp đủ kiến thức về sản phẩm/ dịch vụ của bạn cho người tiêu dùng. Nó nên là một phần của chiến lược thương hiệu. Điều này nghĩa là bạn nên giúp cho khách hàng của mình nắm được kiến thức về mọi thứ để làm với các sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, bao gồm cả cách chúng được sản xuất hoặc nguồn gốc của chúng – và điều rất quan trọng là làm thế nào họ có thể phát hiện ra một sản phẩm giả mạo. Thật vậy, một cuộc khảo sát năm 2019 của một tổ chức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho thấy rằng 69% khách hàng lo lắng về việc vô tình mua hàng giả trong ngành mỹ phẩm, trong khi 19,5% số người được hỏi cho rằng họ đã mua phải hàng giả. Mặc dù đây chỉ là khảo sát trong ngành mỹ phẩm, những số liệu này có thể làm nổi bật quy mô của vấn đề, hơn nữa còn ảnh hưởng đến thói quen mua hàng của khách hàng. Bằng cách hướng dẫn người tiêu dùng về cách phát hiện hàng giả và nhấn mạnh chất lượng sản phẩm gốc, họ sẽ ít có khả năng mua phải hàng giả hoặc tệ hơn là tìm mua hàng giả.

Rượu nho, một trong những sản phẩm được chế biến từ nho Ninh Thuận.

Thực hiện chiến lược bảo vệ thương hiệu bằng cách sử dụng các cách được liệt kê ở trên, doanh nghiệp có thể góp phần bảo vệ lợi ích thoả đáng cho chính doanh nghiệp của mình, đồng thời cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, môi trường kinh doanh tốt, giúp người tiêu dùng trong nước có được giá trị cao hơn từ sản phẩm. Mặt khác, thực hiện tố các biện pháp xây dựng và bảo vệ thương hiệu cũng giúp cho sản phẩm từ Việt Nam, đặc biệt là nông sản có thể tiếp cận và được chấp nhận bởi các thị trường khó tính như Âu, Mỹ…, gia tăng cơ hội xuất khẩu cho hàng Việt Nam nói chung cũng như nông sản nói riêng./.

TS.Văn Hữu Quang Nhật/Đại học Thái Bình Dương
TS.Bùi Nghĩa/Học viện Chính trị khu vực II
Tài liệu tham khảo
Russell, R. S., & Taylor, B. W. (2019). Operations and supply chain management. John Wiley & Sons.
Qin, Z., Chang, Y., Li, S., & Li, F. (2014). E-commerce strategy. Springer.
Slack, N., & Brandon-Jones, A. (2018). Operations and process management: principles and practice for strategic impact. Pearson UK.
Zijm, H., Klumpp, M., Regattieri, A., & Heragu, S. (Eds.). (2019). Operations, logistics and supply chain management (pp. 978-3). Cham: Springer.
https://nhandan.vn/nhieu-thach-thuc-trong-viec-xay-dung-bao-ho-nhan-hieu-nong-san-post710206.html
https://vneconomy.vn/dut-gay-chuoi-cung-ung-xuat-khau-nong-san-tim-duong-thoat-hiem.htm
https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/dut-gay-chuoi-cung-ung-con-duong-de-tu-chu-san-xuat-cong-ngh.html
http://vjst.vn/vn/tin-tuc/6814/xay-dung-thuong-hieu-cho-nong-san-o-viet-nam–mot-so-van-de-phap-ly-va-thuc-tien.aspx
https://baotintuc.vn/dia-phuong/ninh-thuan-thuc-day-phat-trien-san-xuat-nong-nghiep-sach-20220829073453686.htm
https://consosukien.vn/buc-tranh-nong-nghiep-nong-thon-tinh-ninh-thuan-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-va-toan-dien.htm
https://ninhthuan.gov.vn/portal/Pages/Dinh-huong-phat-trien-KT-XH.aspx
https://www.vietnamplus.vn/ninh-thuan-dua-nong-nghiep-cong-nghe-cao-thanh-mui-nhon-kinh-te/760941.vnp
https://dantocmiennui.vn/ninh-thuan-thuc-day-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-ben-vung/318390.html
https://baochinhphu.vn/print/ninh-thuan-cong-bo-12-san-pham-dac-thu-102247904.htm
https://thuysanvietnam.com.vn/ninh-thua%CC%A3n-ta%CC%A3p-trung-phat-trie%CC%89n-sa%CC%89n-pha%CC%89m-nong-nghie%CC%A3p-da%CC%A3c-thu/