Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Giải pháp thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh, đảm bảo quốc phòng – an ninh, an sinh xã hội trong quá trình xây dựng, phát triển Khu kinh tế Vũng Áng

ĐNA -

Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh là một trong năm khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước, với tốc độ phát triển nhanh trên các lĩnh vực. Khu kinh tế Vũng Áng đang là trung tâm công nghiệp nặng lớn nhất khu vực Đông Nam Á với sản phẩm công nghiệp chủ lực là thép, nhiệt điện và dịch vụ cảng nước sâu. Trong quá trình phát triển mạnh mẽ với khối lượng công việc đồ sộ, mật độ lao động đông đúc dẫn đến tình hình an ninh trật tự, quản lý lao động đã và đang có những diễn biến phức tạp. Trong quá trình phát triển kinh tế đã nổi lên các vấn đề xã hội đòi hỏi các cấp chính quyền quan tâm giải quyết để đảm bảo sự phát triển bền vững và mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả từ quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng – an ninh, an sinh xã hội trong quá trình xây dựng và phát triển Khu kinh tế Vũng Áng.

Khu kinh tế Vũng Áng từng bước khẳng định vai trò động lực, đóng góp hơn 56% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, trên 95% số thu xuất nhập khẩu, chiếm 90% giá trị sản xuất công nghiệp và 87% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh. Đến nay, tại Khu kinh tế Vũng Áng có 84 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư đăng ký 48,7 ngàn tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký 13,6 tỷ USD, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 ngàn lao động. Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (giai đoạn 1 với tổng vốn giải ngân hơn 12,4 tỷ USD) đi vào hoạt động, cung cấp ra thị trường trên 29 triệu tấn thép, trở thành hạt nhân tăng trưởng của nền kinh tế. Cảng nước sâu Sơn Dương đến nay đã có 12 bến cảng đi vào hoạt động chính thức, có bến cho tàu trọng tải đến 30 vạn tấn; cảng tổng hợp Vũng Áng đã sắp hoàn thành tất cả 7 bến với công suất 15 triệu tấn/năm.

Cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương tạo sức hút cho các doanh nghiệp đầu tư vào Hà Tĩnh. Ảnh: báo Hà Tĩnh.

Một số vấn đề xã hội nổi cộm cần quan tâm
Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, khi phát triển kinh tế vấn đề được các cấp chính quyền và người dân quan tâm là giải phóng mặt bằng, thực hiện tái định cư, thu hồi đất, bố trí nơi ở mới cho người dân. Làn sóng đầu tư mới với hàng chục doanh nghiệp đã và đang khảo sát đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng, cùng với những tồn đọng cũ chưa được giải quyết dứt điểm đang đặt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư ở thị xã Kỳ Anh trước những yêu cầu lớn hơn.  Giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án trọng điểm và tạo quỹ đất thu hút nhà đầu tư ở Khu kinh tế Vũng Áng là nhiệm vụ quan trọng, tạo sức bật để Hà Tĩnh hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh khá của cả nước. Câu hỏi đặt ra là liệu cuộc sống ở nơi ở mới có bằng hay tốt hơn nơi ở cũ hay không? Sinh kế của người dân trong thời gian tới như thế nào, có bền vững hay không?

 Muốn công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt được kết quả bền vững thì điều cốt yếu trước tiên là phải chăm lo cuộc sống người dân, giúp bà con yên tâm khi nhường đất cho dự án để di dời đến nơi ở mới. Theo đó, cần giải quyết dứt điểm tình trạng khu tái định cư có hạ tầng bị xuống cấp; khi thực hiện GPMB dự án mới, cơ quan chức năng cần khảo sát, lựa chọn vị trí, lập quy hoạch các khu tái định cư, khu nghĩa trang đảm bảo thuận tiện trong giao thông và có hạ tầng khang trang, tốt hơn nơi ở cũ. Ngoài ra, để tạo niềm tin cho người dân trong thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, chủ động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, đặc biệt là các dự án đã được giao đất nhưng chây ỳ, không triển khai theo tiến độ đã cam kết; thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để tránh xảy ra tình trạng “sốt” giá và “bong bóng” bất động sản gây khó khăn cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo khảo sát của Phòng Lao động và Thương binh xã hội thị xã Kỳ Anh, tại các vùng tái định cư hiện có hơn 9.000 người trong độ tuổi lao động, phần lớn đã có việc làm; tuy nhiên, trong số đó có khoảng 50% lao động phổ thông, chưa qua đào tạo. Tại các vùng chuẩn bị giải phóng mặt bằng, di dời lên vùng tái định cư, có hơn 7.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó, hơn 40% lao động phổ thông, chưa qua đào tạo. Bên cạnh số lao động chưa được đào tạo nghề còn lớn thì số lao động làm việc bằng nghề được đào tạo cũng rất hạn chế. Ông Hoàng Văn Đức – Bí thư Đoàn phường Kỳ Phương cho biết, việc làm cho thanh niên trên địa bàn không thiếu, nhưng tỷ lệ lao động phổ thông còn chiếm hơn 60%. Trong khi đó, trên địa bàn có hơn 30% thanh niên đã tốt nghiệp đại học hoặc có chứng chỉ học nghề nhưng phần lớn lại làm việc không đúng ngành nghề được đào tạo.

Vấn đề đáng quan tâm ở đây là mặc dù các cấp chính quyền đã quan tâm tạo việc làm cho người dân nhưng phần lớn lao động là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo do đó mức thu nhập chưa cao và chưa đảm bảo tính bền vững của việc làm và thu nhập. Tại buổi đối thoại với Thường trực Thị ủy, nhiều ý kiến của Đoàn viên thanh niên đã gửi gắm mong muốn các cấp, ngành cần nắm bắt sát sao hơn nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp một cách cụ thể về số lượng, ngành nghề để định hướng rõ cho thanh niên khi tham gia học nghề, từ đó tạo niềm tin, động lực cho thanh niên trang bị kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu doanh.

Vấn đề tiếp theo là công tác bồi thương giải phóng mặt bằng ở thị xã Kỳ Anh và khu kinh tế Vũng Áng thời gian tới được dự báo sẽ nảy sinh những khó khăn, vướng mắc bởi quỹ đất bị thu hẹp, giá đất tăng cao, tác động đến tâm lý của người dân. khi phát triển kinh tế, giá bất động sản leo thang, liệu có xảy ra các rắc rối, rủi ro xã hội liên quan đến tranh chấp, kiện tụng về đất đai? Khi giá đất lên cơn “sốt” liệu người dân có khả năng giữ được đất để “an cư lạc nghiệp”? Hay lại theo xu thế chung của nhiều địa phương khác trong cả nước, đứng trước áp lực kinh tế ngày càng tăng họ bán đất, chuyển dần đi nơi khác, vùng ngoại vi có giá đất rẻ hơn và dần dần ngày càng rời xa vùng đất mình đã gắn bó lâu nay? Muốn điều này không xảy ra, yêu cầu về đảm bảo sinh kế bền vững là rất quan trọng để người dân nơi đây có khả năng, mong muốn gắn bó và đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương và được thụ hưởng các thành tựu từ quá trình phát triển kinh tế nơi đây. Vấn đề tranh chấp đất đai có thể làm phát sinh các vụ khiếu kiện kéo dài, thậm chí gây mất ổn định về an ninh, trật tự, gây rạn nứt các mối quan hệ xã hội tại địa phương, tình làng nghĩa xóm, các mối quan hệ trong họ hàng, dòng tộc.

Khi phát triển kinh tế, tập trung đông công nhân, người lao động từ các nơi đổ về làm việc tại khu kinh tế, theo như qui luật chung của các địa phương về phát triển kinh tế, khu công nghiệp có thể nảy sinh các mối quan hệ và các vấn đề xã hội phức tạp như mâu thuẫn giữa người lao động nhập cư và cư dân địa phương, các vấn đề về cho vay nặng lãi, tệ nạn xã hội…Hay nói cách khác trong thời gian đầu, nếu chúng ta quản lý không tốt các vấn đề xã hội mới nảy sinh là khó tránh khỏi và có nguy cơ lan rộng. Ngoài ra, các cấp chính quyền cần dự báo và chuẩn bị trước cho việc phát triển các dịch vụ xã hội như trường lớp cho học sinh, con em người lao động, điều kiện chăm sóc sức khỏe, nơi vui chơi giải trí, vấn đề điều tiết giao thông tránh quá tải hạ tầng xã hội… Dẫn số liệu của bà Hồ Minh Hằng, Ban Tuyên giáo Thị ủy Kỳ Anh: Phường Kỳ Liên có vị trí thuận lợi là địa bàn trung tâm của dự án Formosa. Vào giờ đi làm hay tan tầm, lưu lượng phương tiện đi lại rất lớn, có lúc diễn ra tình trạng tắc nghẽn giao thông. Bên cạnh việc ổn định cuộc sống cho 100% số hộ dân di dời lên khu tái định cư, Kỳ Liên phải bảo đảm an ninh trật tự cho gần 3.300 lượt người tạm trú (xấp xỉ dân số của toàn xã), trong đó có 850 người nước ngoài. Lượng lao động lưu trú trên địa bàn tăng đột biến, kéo theo nạn cờ bạc, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng… xảy ra khá nhiều. Trong khi đó, lực lượng an ninh của phường mỏng, nên công tác xử lý vi phạm lẫn kiểm tra đăng ký tạm trú, lưu trú… gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ phường Kỳ Liên mà hiện nay, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn các xã, phường nằm trong khu kinh tế Vũng Áng khá “nóng”. Trong đó, nổi lên các vấn đề như: trộm cắp tài sản ở các công trường đang thi công, đặc biệt có hiện tượng móc nối với lực lượng chức năng, lực lượng bảo vệ của các nhà thầu, doanh nghiệp để trộm cắp; vi phạm quy hoạch, khai thác, vận chuyển khoáng sản, trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, xuất hiện những mâu thuẫn mới như: tranh chấp địa bàn làm ăn; các ổ nhóm bảo kê, hoạt động theo kiểu xã hội đen cùng các tai tệ nạn xã hội; tội phạm và vi phạm pháp luật trong lứa tuổi vị thành niên có chiều hướng gia tăng nhất là hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản; một số vụ việc phát sinh từ công tác giải phóng mặt bằng như cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, phá hoại tài sản tại dự án xây dựng đường dây điện 500kv đi qua địa bàn thôn Hòa Lộc (phường Kỳ Trinh); xây dựng cới nới công trình trái phép…  Đáng chú ý là sự cố tai nạn lao động tại công trường đúc giếng chìm Formosa làm 13 người chết, 28 người bị thương. Theo báo cáo của Công an thị xã Kỳ Anh: 6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn xảy ra 15 vụ việc về an ninh trật tự liên quan đến người nước ngoài và doanh nghiệp, 53 vụ phạm pháp hình sự chiếm 80,3% số vụ phạm pháp hình sự của huyện Kỳ Anh (cũ), 11 vụ tai nạn giao thông làm chết 12 người, chiếm 50% tổng số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh .

Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương đóng góp trên 80% số thu ngân sách của Hà Tĩnh. Ảnh: báo Hà Tĩnh.

Một số chủ trương, chính sách hướng đến giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh
Trước các vấn đề xã hội nảy sinh như đã nêu ở trên, các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh nói chung, thị xã Kỳ Anh nói riêng đã có nhiều giải pháp chính sách để ổn định cuộc sống người dân, hạn chế, giảm thiểu các vấn đề tiêu cực có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an ninh chính trị, đảm bảo quốc phòng – an ninh, an sinh xã hội.

Ông Đặng Văn Thành, Bí thư Thị ủy Kỳ Anh (từ 5/2024 là Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh) cho biết, địa phương xác định giải phóng mặt bằng gắn với đào tạo để giúp người lao động chuyển đổi nghề một cách bền vững và cung ứng cho các doanh nghiệp là nhiệm vụ cần làm ngay. Hiện nay, Ủy ban Nhân dân Thị xã đang giao cho ngành chức năng và chính quyền, các đoàn thể ở địa phương tuyên truyền, vận động và tiếp nhận đăng ký học nghề của đoàn viên, hội viên của mình. Từ đó, Ủy ban Nhân dân Thị xã sẽ có kế hoạch liên kết với các cơ sở đào tạo, tổ chức các lớp dạy nghề linh hoạt nhất về thời gian như vào buổi tối hoặc ngày nghỉ để tránh ảnh hưởng công việc hiện tại của người lao động, đồng thời sẽ trích ngân sách hỗ trợ kinh phí học nghề cho người dân.

Cùng với tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho lao động trong độ tuổi, thị xã Kỳ Anh cũng đang triển khai các giải pháp đảm bảo cuộc sống cho lao động ngoài độ tuổi và các đối tượng yếu thế ở vùng TĐC. Bên cạnh giao Phòng Lao động và Thương binh xã hội tham mưu các chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng yếu thế gắn với đề án giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, thị xã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, các địa phương chủ động kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa để đồng hành, giúp các đối tượng nói trên phát triển sinh kế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh.

Để đáp ứng yêu cầu mới khi Khu kinh tế Vũng Áng đang bước vào giai đoạn tăng tốc với nhiều dự án lớn, TX Kỳ Anh đang tiếp tục huy động sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị, bám sát nguyên tắc dân chủ, minh bạch trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án; chăm lo tốt nhất cho đời sống, việc làm của người dân, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh trật tự trên địa bàn, tạo sự phát triển bền vững cho trung tâm kinh tế động lực phía Nam của tỉnh.

Nghị quyết số 63 của Hội đồng Nhân dân thị xã Kỳ Anh (khóa II, kỳ họp thứ 7) về một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn thị xã Kỳ Anh giai đoạn 2023 – 2025 với mục tiêu cụ thể như sau: “Phấn đấu 100% các đối tượng hộ nghèo không có khả năng lao động trong độ tuổi từ 55 đến dưới 80 tuổi (đối với nam) và nhó hộ nghèo ốm đau, bệnh tất chưa được hưởng chế độ bảo trơn xã hội được hỗ trợ lương thực hàng tháng. Phấn đấu 100% hộ nghèo thiếu nước sạch đủ điều kiện lắp đặt được hỗ trợ lắp nước sạch hợp vệ sinh. Phấn đấu 100% hộ nghèo và nhân khẩu thuộc hộ nghèo có khả năng lao động đủ điều kiện làm mô hình giảm nghèo được hỗ trợ mô hình giảm nghèo khi có nhu cầu đăng ký làm mô hình giảm nghèo. Phấn đấu 100% hộ nghèo có nhà ở xuống cấp nghiêm trọng được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa”.

Ủ ban Nhân dân thị xã Kỳ Anh ban hành Đề án Một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội, giai đoạn 2023 – 2025. (tháng 11/2022) hướng đến mục tiêu chung “làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách đối với hộ nghèo trên địa bàn, có giải pháp giúp họ vươn lên thoát nghèo góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã giai đoạn 2020 – 2025 và những năm tiếp theo.

Cùng với các giải pháp chính sách giảm nghèo, các cấp chính quyền và ngành công an xử lý tình hình xây dựng cơi nới trái phép, triển khai dự án kênh tách nước phân lũ tại phường Kỳ Trinh…tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội trong các xã, phường thuộc Khu kinh tế Vũng Áng sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó số lượng lao động nhất là lao động nước ngoài đến làm việc trên địa bàn tiếp tục gia tăng cùng với đó các loại tội phạm hình sự nhất là trộm cắp tài sản và tội phạm về ma túy, kinh tế, tệ nạn xã hội sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Để tiếp tục tăng cường quản lý lao động, đảm bảo tốt an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho các nhà đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã, phường thuộc thị xã Kỳ Anh cần tiếp tục xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự. Trong đó, tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, diễn biến của các loại tội phạm cũng như quản lý cư trú, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu và người nước ngoài làm việc, lao động tại địa bàn; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động đình công, biểu tình của công nhân… Mặt khác, chủ động lập phương án đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; đấu tranh triệt xóa các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức; tăng cường quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Quan tâm, đầu tư cho lực lượng công an, biên phòng chủ yếu là lực lượng cảnh sát cơ động, hình sự, kinh tế, cảnh sát giao thông, quản lý hành chính về trật tự xã hội. Đồng thời, trang bị thêm phương tiện kỹ thuật cho các lực lượng công an đơn vị cơ sở nhất là các xã, phường trung tâm Khu kinh tế. Thông qua công tác giao ban, công tác phối hợp thường xuyên, đột xuất với nhà thầu trong trao đổi thông tin về an ninh trật tự, đã phát hiện và xử lý kịp thời các vụ tranh chấp, khiếu kiện, lãn công… Siết chặt quản lý lao động, trọng tâm là quản lý tạm trú, cấp và quản lý giấy phép lao động cho người nước ngoài. Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng đã quy hoạch riêng hơn 40 ha làm chỗ ở tập trung cho các nhà thầu thi công để thống nhất quản lý, đáp ứng yêu cầu về quy định tạm trú, tạm vắng, vệ sinh môi trường, trật tự xã hội. Đồn Công an khu kinh tế Vũng Áng thực hiện tốt công tác quản lý lao động, nhất là lao động nước ngoài ngày càng chặt chẽ và đi vào nền nếp hơn (Hồ Minh Hằng, Ban Tuyên giáo thị ủy Kỳ Anh).

Trong Báo cáo số 181/BC-SLĐTBXH của Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Hà Tĩnh có đề cập:  Tăng cường vai trò của Nhà nước các cấp trong việc giám sát, điều tiết cung – cầu lao động. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động đồng bộ, thống nhất và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin về giáo dục – đào tạo, tăng khả năng kết nối cung – cầu lao động trên thị trường, giữa người lao động với chủ sử dụng lao động. Phối hợp các sở, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện thu thập, lưu trữ và tổng hợp thông tin thị trường lao động theo Thông tư số 01/2022/TT-BLĐTBXH ngày 25/01/2022 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực các trung tâm dịch vụ việc làm, hỗ trợ tổ chức các sàn giao dịch việc làm, phát triển mạng thông tin việc làm.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án giải quyết việc làm; Đẩy mạnh công tác tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động thông qua các Ngày hội việc làm, tư vấn học nghề, xuất khẩu lao động tại xã, phường, thị trấn; tăng tần suất các phiên Sàn giao dịch việc làm tại thành phố Hà Tĩnh, Khu kinh tế Vũng Áng và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thành phố, thị xã.

Phối hợp với Tổng cục thống kê, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế, Bảo hiểm xã hội tỉnh trong công tác quản lý đối với các loại hình doanh nghiệp đóng trên địa bàn; phối hợp bảo hiểm xã hội tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tập huấn, hướng dẫn việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động, việc làm, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội; tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện pháp luật lao động cho doanh nghiệp.

Với hạt nhân là Formosa và cụm cảng nước sâu Sơn Dương – Vũng Áng, KKT Vũng Áng được xác định là trung tâm động lực tăng trưởng của Hà Tĩnh. Ảnh: báo Hà Tĩnh.

Giải pháp thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh, đảm bảo quốc phòng – an ninh, an sinh xã hội trong quá trình xây dựng, phát triển Khu kinh tế Vũng Áng

Qua phân tích các vấn đề xã hội và một số chính sách xã hội tại khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cần có một cuộc điều tra, khảo sát Xã hội học đầy đủ về các vấn đề xã hội tồn tại trên địa bàn. Qua đó, nhà quản lý, các cấp chính quyền nắm bắt được các vấn đề xã hộicó ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, đồng thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân làm cơ sở cho việc ban hành chính sách. Nói cách khác, chính sách ban hành ra phải dựa trên cơ sở khoa học thực chứng, tránh cảm tính và không xác định rõ nguyên nhân của vấn đề. Do đó các giải pháp đưa ra chưa bắt trúng nguyên nhân, làm giảm hiệu quả chính sách.

Thứ hai, các chính sách ban hành hiện nay chưa đầy đủ, bao quát được vấn đề, chủ yếu tập trung vào giải quyết vấn đề giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động, trong đó phần lớn là lao động chưa qua đào tạo, hay lao động tay nghề thấp do đó khó có thể giải quyết triệt để, hiệu quả các vấn đề xã hội. Một số giải pháp giải quyết vấn đề về an ninh trật tự trên địa bàn mới chỉ giải quyết phần ngọn chưa thực sự hướng vào nguyên nhân của vấn đề, do đó thiếu tính bền vững. Theo chúng tôi, cần tiếp cận chính sách có tính đồng bộ và hệ thống về liên thông, đồng bộ chính sách theo chiều dọc và chiều ngang. Điều đó đồng nghĩa với việc cần nhận diện vấn đề tổng thể, đầy đủ các chiều cạnh và cần phối hợp hệ thống các chính sách, chính sách kinh tế, xã hội và môi trường. Phối hợp các chính sách cùng với việc củng cố các thiết chế văn hóa, giáo dục, pháp luật…

Thứ ba, tăng cường khả năng dự báo chính sách để chúng ta có các biện pháp can thiệp từ sớm khi giải quyết các vấn đề xã hội. Kinh nghiệm thực tiễn và trong nghiên cứu chính sách cho thấy việc dự báo sớm, chính xác sẽ giúp nhà nước chủ động hơn trong công tác điều hành, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong ứng phó vấn đề xã hội, tránh để khi vấn đề phức tạp mới giải quyết sẽ khó khăn, tốn kém hơn rất nhiều và đôi khi hiệu quả xã hội không cao.

Thứ tư, cần thuê các chuyên gia phân tích, đánh giá, tư vấn chính sách có chuyên môn tốt, có uy tín nghề nghiệp tại các cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu để nghiên cứu, đánh giá tình hình và tư vấn chính sách. Việc làm này góp phần đảm bảo tính khách quan, khoa học trong nhận diện, phân tích và đưa ra giải pháp có tính khả thi.

Thứ năm, cần tham khảo bài học kinh nghiệm của các địa phương khác trong cả nước về phát triển kinh tế, công tác bồi thường, giải tỏa đền bù. Một số địa phương trong cả nước có kinh nghiệm tốt trong phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội. Cả bài học thành công cũng như thất bại của các địa phương này có thể có ý nghĩa đối với Vũng Áng trong việc nhận diện và giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh.

Thứ sáu, đảm bảo tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Thực tế cho thấy rất nhiều chính sách, chủ trương, mục đích ban đầu rất tốt nhưng trong quá trình thực thi bị thất thoát, lãng phí làm giảm hiệu quả chính sách. Việc tăng cường tính minh bạch, công khai, trách nhiệm giải trình với mục đích đề cao dân chủ cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Sự tham gia của người dân một mặt tăng cường tính đồng thuận, đồng thời huy động nguồn lực và sự giám sát của nhân dân để các nguồn lực phát huy tối đa theo kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách. Do đó, tăng cường hiệu quả chính sách.

PGS.TS Trần Thị Minh Ngọc

Tài liệu tham khảo
1.Báo cáo số 181/BC-SLĐTBXH của Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Hà Tĩnh
2.Nghị quyết số 63 của HĐND thị xã Kỳ Anh (khóa II, kỳ họp thứ 7) về một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn thị xã Kỳ Anh giai đoạn 2023 – 2025.
3.Đề án Một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội, giai đoạn 2023 – 2025. (tháng 11/2022).
4.https://baohatinh.vn/dau-tu/giai-phong-mat-bang-khu-kinh-te-vung-ang-khi-ca-he-thong-chinh-tri-vao-cuoc-bai-cuoi-tao-viec-lam-ben-vung-nang-cao-chat-luong-cuoc-song-nguoi-dan/229329.htm.
5.http://socongthuong.hatinh.gov.vn/index.php/tap-trung-thu-hut-dau-tu-vao-cong-nghiep-sau-thep-cong-nghiep-phu-tro-va-dich-vu-logistic-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-khu-kinh-te-vung-ang-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-nhanh-va-ben-vung/n671.html.
6.https://hatinh.dcs.vn/thong-tin-tu-tuong-so-29-thang-72015/news/tang-cuong-quan-ly-lao-dong-dam-bao-an-ninh-trat-tu-tai-khu-kinh-te-vung-ang.html.
7.Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Kỳ Anh lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Chương trình công tác toàn khóa của BCH Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020 – 2025.