Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội cho người lao động tại tỉnh Bình Dương: Bài học và những gợi ý chính sách

ĐNA -

Tỉnh Bình Dương được xem là tỉnh đầu tiên phát triển khu công nghiệp, bắt đầu là khu công nghiệp Sóng Thần và là “thủ phủ công nghiệp”, mỗi năm thu hút hàng triệu người lao động và nhiều chuyên gia nước ngoài đến đây làm việc. Vì vậy, nhu cầu nhà ở xã hội dành cho công nhân và người lao động ở tỉnh Bình Dương luôn là vấn đề cấp thiết. Giải quyết vấn đề nhà ở cho các nhóm đối tượng này là giải quyết một vấn đề xã hội lớn nhằm đạt được mục tiêu xây dựng một xã hội ổn định.

khu nhà ở xã hội Định Hòa thuộc phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương do Tổng Công ty Becamex IDC

Với mục tiêu xuyên suốt công nghiệp hóa, đô thị hóa phải đi đôi với ổn định an sinh xã hội, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, những năm qua tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm, chú trọng xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Giai đoạn 2011 – 2023, tỉnh Bình Dương trở thành điểm sáng của cả nước trong phát triển nhà ở xã hội của cả nước.

Tuy nhiên, sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp kéo theo sự tập trung cư dân từ khắp mọi miền đất nước chuyển về sinh sống và làm việc ngày càng tăng, chính vì vậy nhu cầu về nhà ở tại tỉnh Bình Dương là rất lớn. Dân số toàn tỉnh tính đến năm 2021, ước tính khoảng 2,7 triệu người, tổng số người đang trong độ tuổi lao động khoảng 1,7 triệu với khoảng 1,5 triệu người đang ở nhà thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng. Qua thời gian sinh sống, lao động tại tỉnh Bình Dương, một bộ phận khá lớn người lao động có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội nhằm ổn định cuộc sống. Ước tính khoảng 490.000 người có nhu cầu, quỹ đất cần đáp ứng khoảng 1.700 ha. Trong đó, quỹ đất để phát triển nhà ở do hộ gia đình, cá nhân dự kiến chiếm khoảng 70% (1.200 ha), quỹ đất ở tại các dự án nhà ở thương mại theo định hướng giá thấp khoảng 5% (75 ha) và quỹ đất nhà ở xã hội (nhà công nhân, nhà ở thu nhập thấp tại khu vực đô thị…) khoảng 25% (425 ha). Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã liên tục chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương quy hoạch các dự án nhà ở xã hội vào các quy hoạch phát triển đô thị, đặc biệt là phải tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để triển khai thực hiện nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống cho người lao động, từ đó đóng góp lâu dài cho sự phát triển chung của tỉnh Bình Dương.

Một số căn hộ tầng trệt có diện tích từ 57 đến 77 m2 rất tiện sinh hoạt kinh doanh, buôn bán có giá khoảng 700 triệu đồng. Người mua được vay vốn ưu đãi, chỉ phải trả một phần ban đầu, sau đó là trả góp.

Kết quả chủ yếu về triển khai chính sách xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động tại tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2011 – 2023
Với mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu bức xúc của đa số tầng lớp nhân dân lao động tại các đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và kế hoạch phát triển nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 làm cơ sở phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc bố trí được quỹ đất nhà ở xã hội là một trong những chiến lược phát triển nhà ở, nhằm đáp ứng mục tiêu theo hướng công nghiệp – dịch vụ đô thị là một trong những nội dung mà tỉnh rất quan tâm thời gian qua.

Thời gian qua, tỉnh Bình Dương tiếp tục là điểm sáng của cả nước trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, an sinh xã hội và cũng là địa phương đi đầu về phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân. Trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh Bình Dương đã phát triển 40 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, với khoảng 60.000 căn hộ đáp ứng chỗ ở cho 200.000 người. Kết quả tích cực này đã đóng góp rất lớn trong công tác chăm lo an sinh xã hội của cả nước nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng”.

Giai đoạn 2011 – 2015: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ IX (2010 – 2015) về xây dựng nhà ở cho công nhân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra Chương trình số 27-CT/TU, ngày 20-9-2011 về phát triển nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 – 2015 nhằm “đáp ứng nhu cầu bức xúc về nhà ở của đa số tầng lớp nhân dân lao động tại các đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa” với mục tiêu đến năm 2015, xây dựng “khoảng 1.250.000m² sàn đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 125.000 công nhân lao động tại các khu công nghiệp” nhưng “phải bảo đảm chất lượng sử dụng lâu dài”, “trên cơ sở tiết kiệm, sử dụng vật liệu trong nước, diện tích căn hộ vừa phải, không lớn hơn 70m², trung bình từ 30m² đến 50m² để các đối tượng được phục vụ có thể tiếp cận”. Về đối tượng thực hiện, Tỉnh Ủy Bình Dương chủ trương “khuyến khích các thành phần kinh tế, các hộ dân tham gia đầu tư xây dựng nhà cho thuê”.

Trong quá trình cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành một số văn bản, như Kế hoạch số 1866/KH-UBND ngày 05-7-2012, về Kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 – 2015; Chỉ thị số 01/2014/CT-UBND, ngày 3-1-2014 về việc thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quyết định số 4290/QĐ-UBND, ngày 24-12-2014 về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030… Đặc biệt, nhằm tạo sự đột phá, ngày 06-9-2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 2541/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng nhà ở an sinh xã hội Becamex giai đoạn 1: 2011 – 2015, giao cho Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Becamex – Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Công ty Becamex IDC) làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động. Việc Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh Ủy bằng những kế hoạch, đề án cho thấy sự thống nhất quan điểm, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chương trình đề ra, đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Gần 4 năm triển khai, đến tháng 6-2015, tỉnh thực hiện được 82 dự án nhà ở xã hội, với gần 3.700.000m² diện tích sàn nhà ở, đáp ứng cho hơn 600.000 người. Trong đó, có hơn 3.000.000m² sàn nhà trọ (tương đương 182.289 căn), do các cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng, đáp ứng cho 543.777 công nhân và người thu nhập thấp thuê. Nhìn chung, loại nhà này đã phát huy tác dụng và giải quyết phần lớn nhu cầu về chỗ ở cho công nhân, người lao động. Ngoài ra, có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, với tổng diện tích sàn là 269.982m², đáp ứng cho khoảng 46.974 người. Nổi bật, 22 dự án thuộc Đề án Nhà ở an sinh xã hội Becamex do Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư đã hoàn thành với tổng diện tích sàn nhà ở là 420.205m², đáp ứng nhu cầu cho 36.860 người. Những căn nhà này được xây dựng xung quanh các khu công nghiệp như Hòa Lợi (thành phố Thủ Dầu Một) – 2.435 căn, Việt – Sing (thị xã Thuận An) – 752 căn, Mỹ Phước (thị xã Bến Cát) – 1.388 căn, Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) – 320 căn. Những căn nhà do Công ty Becamex IDC xây dựng diện tích 30m2 (sàn 20m2, gác 10m2) có giá từ 100 – 150 triệu đồng, người lao động chỉ phải trả trước 20%, số tiền còn lại trả góp 1 – 2 triệu đồng/tháng (bằng với tiền thuê trọ mỗi tháng), sau 5 – 7 năm sẽ chính thức được sở hữu. Đây là cách làm hay, thể hiện sự cố gắng lớn của tỉnh, được nhiều bộ, ngành Trung ương ghi nhận và biểu dương.

Giai đoạn 2016 – 2020: Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu kêu gọi đầu tư đạt 2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (để bán, cho thuê), đáp ứng nhu cầu cho người lao động tỉnh Bình Dương. Đến năm 2020, tỉnh đã kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác 1,8 triệu m2 sàn nhà ở. Trong đó, đơn vị chủ lực là Tổng Công ty Becamex IDC phát triển mô hình nhà ở an sinh xã hội trên cơ sở quỹ đất đã được quy hoạch từ khi hình thành các khu công nghiệp. Mô hình nhà ở xã hội của Tổng Công ty Becamex IDC đưa vào sử dụng với giá bán ưu đãi phù hợp với thu nhập của người lao động  (từ 100 – 160 triệu đồng/căn), kết hợp với chính sách hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp để các đối tượng có khả năng tiếp cận. Nhiều khu nhà ở xã hội của Becamex IDC đã đưa vào sử dụng đáp ứng tốt nhu cầu của công nhân lao động như khu Định Hòa, Hòa Lợi, Bàu Bàng, Việt Sing… Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương có 17 dự án và một đề án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được đầu tư với diện tích đất khoảng 132 ha, với 33.246 căn, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 101.077 người. Đến năm 2021, tỉnh Bình Dương đưa vào sử dụng được 42.864 căn nhà ở xã hội, giải quyết chỗ ở cho 138.577 người.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 600.000 phòng trọ cho thuê, đã góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho 1.500.000 người. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành chỉ thị nhằm khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển phân khúc nhà ở cho thuê theo tiêu chuẩn nhà ở xã hội, nhằm từng bước nâng cao chất lượng nhà ở cho người lao động. Với mức giá nhà ở vừa phải, từ 100 – 160 triệu đồng/căn, phù hợp với người lao động thu nhập thấp, cùng với chính sách vay ưu đãi lãi suất thấp, đã tạo được sự đồng thuận, gắn bó của công nhân, người lao động đối với tỉnh Bình Dương thời gian qua. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, định hướng phát triển nhà ở xã hội tỉnh cũng đã quy hoạch để bố trí xây dựng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật được thực hiện bài bản.

Khu vực này hình thành cộng đồng cư dân đông đúc. Địa phương, doanh nghiệp và cư dân chung tay xây dựng môi trường sống ở đây ngày một tốt hơn.

Với mức giá vừa túi tiền của người lao động thu nhập thấp, những căn hộ được hoàn thành tới đâu có người lao động làm việc các khu vực lân cận đến hỏi mua tới đó.

Một số bài học và những gợi ý chính sách
Những bài học được đúc kết

Chính sách xã hội hóa phát triển nhà ở xã hội, khuyến khích mọi doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, cùng với việc Nhà nước bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, ưu đãi về đất đai, quy hoạch, thuế, tài chính – tín dụng, hỗ trợ pháp lý chính là điều kiện đột phá quan trọng giúp tỉnh Bình Dương đạt tốc độ cao trong xây dựng nhà ở xã hội. Theo nhiều chuyên gia, tỉnh Bình Dương đứng đầu cả nước về tốc độ xây nhà ở xã hội là nhờ một số yếu tố thuận lợi như các khu nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương được xây dựng tại khu liên hợp công nghiệp và dịch vụ, khu công nghiệp – đô thị đã được quy hoạch bài bản, có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, giúp dự án nhà ở xã hội tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, hưởng lợi khi sử dụng các hạ tầng này. Nhờ đất đã được quy hoạch nên giá đất xây dựng nhà ở thấp. Việc tỉnh Bình Dương đã tổ chức tốt việc xây nhà ở xã hội theo cách giao một công ty lớn mạnh (Becamex IDC) làm đầu mối chính, nên việc triển khai kế hoạch thuận lợi cả về hồ sơ pháp lý lẫn thiết kế, vật tư xây dựng

Bài học về biết cách huy động các nguồn lực khác nhau để giải quyết vấn đề nhà ở xã hội. Trong đó, mô hình chung cư nhà ở an sinh xã hội của Tổng công ty Becamex đã mang lại hiệu quả. Trên 250 ha quỹ đất được quy hoạch dành riêng cho các khu nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Các khu đất được bố trí gắn liền với tổng thể khu vực, được hưởng các điều kiện về vị trí tương đương các khu nhà ở thương mại. Khoảng cách di chuyển tới các khu công nghiệp thuận tiện, dễ dàng tiếp cận về giao thông công cộng cũng như các tiện ích chung về không gian cộng đồng, y tế, giáo dục.

Bài học đa dạng hoá nhu cầu, sản phẩm nhà ở xã hội gần với nhu cầu của người lao động, theo từng phân khúc đa dạng. Đối với mức thu nhập thấp của công nhân, Becamex đề xuất mô hình nhà ở cho thuê, hay một dạng nhà trọ giúp cung cấp chỗ ở trong thời gian ban đầu khi người dân cần tìm hiểu, làm quen với môi trường sống và làm việc mới mẻ. Đến năm 2022, trên 30.000 phòng cho thuê đã giải quyết chỗ ở cho hàng chục ngàn lao động ở khắp các khu công nghiệp lớn trong tỉnh.

Khi đã có công việc lâu dài hơn và vốn tích lũy, người lao động có cơ hội mua nhà để ổn định nơi ở tại địa phương thì đăng ký mua nhà thuộc dự án. Các khu đô thị ViệtSing (TP.Thuận An), Hòa Lợi, Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một) hay Mỹ Phước (TX.Bến Cát) là minh chứng cho sự thành công của mô hình nhà ở xã hội khi đáp ứng đúng nhu cầu, lối sống và phù hợp khả năng của người mua. Đến nay trên 10.000 căn hộ đã tới được với công nhân, cán bộ, viên chức, sinh viên, người lao động mọi ngành nghề…

Tổng công ty Becamex IDC đang tiếp tục xúc tiến các nghiên cứu hướng tới phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ để đáp ứng nhu cầu khi người lao động bước qua bậc thang thu nhập cao hơn. Khi đó, người dân cũng có thể tìm được sản phẩm nhà ở tầm trung tương xứng.

Bài học về sáng tạo kỹ thuật tạo ra kiểu thiết kế phù hợp “túi tiền” và nhu cầu người sử dụng. Việc xây dựng hàng loạt theo một mô đun kiến trúc nhiều block 5 tầng, không có thang máy cũng giúp tiết kiệm chi phí xây dựng cũng như chi phí quản lý vận hành sau này. Việc tỉnh Bình Dương mạnh dạn xây căn hộ 30 m2 (trong đó diện tích sàn chỉ 20 m2 thêm gác lửng 10m2) là một đột phá. Do vấn đề này, cho đến thời gian gần đây vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi về diện tích tối thiểu của một căn hộ theo Luật Xây dựng. Tuy vậy, nhờ thiết kế khoa học, có ánh sáng và gió tự nhiên nên dù diện tích căn hộ rất nhỏ nhưng vẫn khá tiện lợi, được đông đảo người lao động hài lòng.

Mỗi một blook được chủ đầu tư thực hiện giải pháp thiết kế sử dụng hành lang giữa, hai bên là dãy căn hộ.

Một số gợi ý chính sách
Một là, cần tháo gỡ về chính sách và kiến tạo những chính sách đột phá, mang tính hỗ trợ thiết thực hơn cho các bên liên quan. Quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế về quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, thủ tục đầu tư, tài chính và đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội. Thời gian tới, đối với những nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tỉnh nên miễn, giảm thuế doanh nghiệp; giao đất không thu tiền sử dụng đất; tinh giản thủ tục hành chính theo hướng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư; chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho chủ đầu tư vay ưu đãi; tài trợ kinh phí để chủ nhà trọ cải thiện phòng trọ mà không cần tăng giá thuê… Mặt khác, quan tâm đến đối tượng thụ hưởng là người lao động. Bên cạnh việc hỗ trợ, tỉnh nên tập trung tuyên truyền, vận động công nhân tiết kiệm để đầu tư nhà ở, ổn định cuộc sống. Do thu nhập bình quân của công nhân ở các khu công nghiệp tương đối thấp (từ 3-4 triệu đồng/người/tháng), như vậy, để có thể mua được nhà ở xã hội thì bản thân người công nhân phải hết sức tiết kiệm, không tiêu xài phung phí.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích Công ty Becamex IDC tiếp tục thực hiện chương trình với những cải tiến hơn trước. Theo dự báo, nhu cầu nhà ở xã hội ở tỉnh Bình Dương còn rất lớn do số người nhập cư, sẽ tăng lên; số đối tượng là cán bộ, công chức trẻ, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp chưa đủ khả năng mua đất, cất nhà còn nhiều. Do tốc độ phát triển công nghiệp nhanh nên hiện nay dân số tỉnh Bình Dương đã khoảng 2,6 triệu người (tăng 200.000 người trong 2-3 năm gần đây) và dự báo đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 3,5 triệu người nên tỉnh Bình Dương nhưng vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu nhà ở cho dân cư, nhất là nhà ở xã hội. Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, hiện tỉnh vẫn đang còn khoảng 1 triệu công nhân, người lao động buộc phải ở nhà trọ tạm bợ, dù tốn một phần thu nhập đáng kể nhưng lại thiếu tiện nghi, rất khao khát được an cư. Do vậy, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đang rất quyết tâm đáp ứng nhu cầu an cư cho người dân, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển mảng nhà ở xã hội. Cụ thể, năm 2023, tỉnh Bình Dương sẽ phát triển thêm 600.000m2 sàn nhà ở, tương đương 18.000 căn với vốn đầu tư 23.490 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà ở xã hội và nhà tái định cư là 3.803 tỷ đồng. Để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng này, trước hết, tỉnh cần huy động, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, nhất là các hộ gia đình, cá nhân tham gia xây dựng nhà ở xã hội với số lượng, chất lượng tốt hơn. Trong đó, cần xác định vai trò, trách nhiệm của các chủ đầu tư, doanh nghiệp, nhất là vai trò của các doanh nghiệp nhà nước đối với vấn đề giải quyết nhà ở cho người lao động.

Ba là, ưu tiên giành quỹ “đất sạch” cho xây dựng nhà ở xã hội ở những vị trí thuận lợi, phù hợp với yêu cầu phát triển công nghiệp và đô thị. Khi thực hiện chương trình trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh đã phải giành khoảng 200ha “đất sạch”, hạ tầng được xây dựng cơ bản trong các khu quy hoạch đô thị, công nghiệp để làm nhà ở xã hội. Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, quy hoạch và bố trí hợp lý quỹ đất cho triển khai các dự án mới về nhà ở xã hội.

Bốn là, tỉnh Bình Dương cần tiếp tục bám sát nhu cầu của người lao động để có các điều chỉnh phù hợp, đẩy mạnh xây dựng các khu nhà ở xã hội mới, giá cả hợp lý thông qua ứng dụng công nghệ xây dựng mới và cải tiết thiết kế. Đồng thời xây dựng cơ chế mới, phù hợp để huy động vốn, khuyến khích sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế trong phát triển nhà ở xã hội; đơn giản hóa thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hỗ trợ về chính sách giúp người dân tiếp cập nhà ở. Tất cả vì mục tiêu chung là mang lại sự ổn định lâu dài, an cư lạc nghiệp cho người lao động.

Là tỉnh công nghiệp, trong hơn 10 năm qua, tỉnh Bình Dương đã chú trọng phát triển các dự án nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu cũng như giữ chân công nhân lao động với nhiều cách làm hay chính sách đột phá, tiên phong. Công tác phát triển nhà ở xã hội tuy được tỉnh quan tâm, có nhiều điểm sáng song còn nhiều khó khăn. Về tầm nhìn, giải quyết tốt nhu cầu căn bản có nhà ở, an tâm làm việc cho người lao động, công nhân là góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững đối với địa phương trong thời gian tới./.

TS.Bùi Nghĩa,/Học viện Chính trị khu vực II

Tài liệu tham khảo:
1. BBT (2023), “Nhiều kiến nghị phát triển nhà ở xã hội từ góc nhìn doanh nghiệp”, Cổng thông tin tỉnh Bình Dương, đường dẫn: https://www.binhduong.gov.vn/tin-tuc/2023/03/705-nhieu-kien-nghi-phat-trien-nha-o-xa-hoi-tu-goc-nhin-doanh-nghie

2. Phương Lê & Hà Khánh (2022), “Bình Dương – điểm sáng phát triển nhà ở xã hội”, Báo Bình Dương, đường dẫn: https://baobinhduong.vn/binh-duong-diem-sang-phat-trien-nha-o-xa-hoi-a280847.html
3. Tấn Mân (2023), “Bài học Bình Dương đứng đầu cả nước về xây nhà ở xã hội”, Tạp chí điện tử Lao động và Công đoàn, đường dẫn: https://laodongcongdoan.vn/bai-hoc-binh-duong-dung-dau-ca-nuoc-ve-xay-nha-o-xa-hoi-93753.html
4. Tỉnh ủy Bình Dương (2011), Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 20/9/2011 của Tỉnh uỷ Bình Dương về Chương trình Phát triển nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 – 2015.
5. Tỉnh ủy Bình Dương (2015), Báo cáo số 369-BC/TU ngày 17-8-2015 của Tỉnh uỷ về Tổng kết việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 – 2015.
6. Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương (2021), Báo cáo về kết quả công tác phát triển nhà ở cho công nhân và tình hình quản lý nhà nước ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.