Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Giáo sư Gerard’t Hooft-Giải Nobel Vật lý: Đại học Đà Nẵng phải trở thành điểm đến khám phá tri thức khoa học uy tín

ĐNA -

Ngày 3/8/2023, Đại học Đà Nẵng đã phối hợp với Hội Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam) và  Trung tâm quốc tế Khoa học – Giáo dục liên ngành (ICISE) tổ chức sự kiện Giao lưu khoa học giữa Giáo sư Gerardus ‘t Hooft-Giải Nobel Vật lý (năm 1999) với cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Đà Nẵng; cùng đại diện giáo viên, học sinh các trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam (Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) và tỉnh Quảng Ngãi (Trường THPT Chuyên Lê Khiết, Trường THPT Trần Quốc Tuấn, Trường THPT Võ Nguyên Giáp, Trường THPT số 1 Tư Nghĩa, Trường THPT Bình Sơn).

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc (bìa trái ảnh); PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng (ngoài cùng, bên phải ảnh) tặng quà lưu niệm GS Gerard’t Hooft và Phu nhân Albertha‘t Hooft-Schik (thứ hai và thứ ba, bên phải ảnh sang) cùng TS.Nguyễn Trọng Hiền – Nhà khoa học làm việc Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA, người thứ hai trong ảnh, từ trái sang). Ảnh trong bài: Trần Thanh Nhã.

Tầm vóc một thiên tài vừa đến Đại học Đà Nẵng
Gerard’t Hooft là nhà khoa học Vật lý, ông tập trung nghiên cứu “Vật lý hạt”, một chuyên ngành được xem là “rất nóng của thời sự khoa học” trong những thập niên cuối của thế kỷ XX. Lúc này, giới khoa học miệt mài truy tìm cấu trúc cuối cùng của vật chất ở cấp dưới nguyên tử mà cao điểm là hạt Higgs và Mô hình chuẩn.

Vào năm 25 tuổi (năm 1971), nhà khoa học vật lý Gerard’t Hooft đã có 2 báo cáo khoa học, và cũng là nghiên cứu luận văn tiến sỹ của ông, đưa vật lý hạt trở lại thuyết trường lượng tử. Công bố này của ông đã tạo tiền đề cho những (nghiên cứu, khám phá) to lớn tiếp theo, khai thông nhiều bế tắc, sau một thời gian dài (thuyết trường lượng tử) gặp nhiều cản ngại.

Các công trình nghiên cứu của Gerardus ‘t Hooft đều tập trung vào lý thuyết trường chuẩn trong vật lý hạt cơ bản, lý thuyết lượng tử trong nghiên cứu trường trọng lực của các hố đen và và cơ học lượng tử. Ông có những đóng góp lớn, mở đường cho chứng minh rằng lý thuyết trường chuẩn,  có thể tái chuẩn hoá (renormalizable), đưa ra gợi ý về phương pháp điều chuẩn kích thước (dimensional regularization) và nguyên lý tái tạo hình ảnh 3 chiều của vũ trụ từ các thông tin quan sát 2 chiều (holographic principle). Cộng đồng các nhà khoa học Vật lý đánh giá rất cao và năm 1999, giải Nobel Vật lý đã được trao cho Gerardus ‘t Hooft cùng người thầy của ông là GS. Martinus Veltman. Đề tài giành Giải Nobel Vật lý năm 1999 của hai ông đã nghiên cứu sâu, “Làm sáng tỏ cấu trúc lượng tử của các tương tác điện yếu”.

Trước khi giành giải Nobel Vật lý (1999), vào năm 1981, ông được trao Giải Wolf, là giải thưởng có uy tín nhất về Vật lý (chỉ đứng sau giải Nobel); năm 1995,  ông là một trong những người đầu tiên nhận Spinozapremie – giải thưởng cao nhất dành cho các nhà khoa học ở Hà Lan, và cùng năm, ông được vinh danh với Huy chương Franklin.

Giáo sư Gerardus ‘t Hooft-Giải Nobel Vật lý (năm 1999) tại hội trường Đại học Đà Nẵng. Hỗ trợ phiên dịch là TS.Nguyễn Trọng Hiền – Nhà khoa học làm việc tại NASA.

Từ năm 1982, Gerardus ‘t Hooft đã là thành viên của Học viện Khoa học và Nghệ thuật Hoàng gia Hà Lan (KNAW) và là Giáo sư của Học viện này từ năm 2003; ông còn là thành viên của nhiều học viện khoa học uy tín khác như: Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ và Viện Vật lý tại Anh và Cộng hòa Ireland (Ai-len). Hiện ông là Giáo sư tại Đại học ngiên cứu Utrecht – một trong những viện đại học lâu đời nhất ở Hà Lan, và là một trong những viện đại học lớn nhất châu  u.

Lần thứ năm tôi có mặt ở Việt Nam và lần đầu tiên, tôi có mặt tại Đại học Đà Nẵng
Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng chia sẻ, đây là cơ hội giúp các em học sinh, sinh viên mở rộng kiến thức, tầm nhìn, nhất là những ai yêu thích khoa học tự nhiên, vật lý, vũ trụ học. Buổi giao lưu với GS. Gerard’t Hooft trở thành sự kiện mang ý nghĩa lan truyền cảm xúc theo đuổi đến cùng hành trình học vấn, khơi dậy trong mỗi học sinh, sinh viên niềm đam mê nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

Sinh năm 1946 tại Hà Lan, xuất thân trong một gia đình có truyền thống học thuật cao, từ nhỏ Gerard’t Hooft đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà khoa học “biết mọi thứ”, và cái gì mà mình “biết chắc chắn” cần được chia sẻ và truyền đạt lại cho lớp trẻ. Khi đã thành công trong sự nghiệp nghiên cứu, GS. Gerard’t Hooft cũng trở thành Nhà giáo dục. Ông đi nhiều nơi và có những buổi nói chuyện về các công trình nghiên cứu mà chính ông là người khai phá, đồng thời cũng dẫn dắt, đưa ra nhiều kinh nghiệm cho học sinh, sinh viên trong thực hành nghiên cứu.

“Khám phá vũ trụ – Discovering the Universe”” là chủ đề mà GS. Gerardus ‘t Hooft, với sự hỗ trợ trợ của TS. Nguyễn Trọng Hiền-nhà khoa học tại Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), chia sẻ tại hội trường Đại học Đà Nẵng, ngày 3/8/2023 vừa qua. Qua câu chuyện của GS. Gerardus ‘t Hooft, nhiều bí ẩn, kỳ thú của vũ trụ, câu chuyện về các hố đen đã được kể lại, qua đó, bàn về tính hấp dẫn lượng tử, lý thuyết trường chuẩn trong vật lý hạt cơ bản, lý thuyết lượng tử, nguyên lý toàn ảnh…

Nhiều thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam đã có cơ hội mở rộng tầm nhìn qua những buổi giao lưu cùng Giáo sư Gerard’t Hooft.

Gerard’t Hooft đến Việt Nam từ năm 2017.
Ngày 22/7/2017, ông đã có buổi nói chuyện và giao lưu với cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên Đại học Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 23/7/2017, ông và phu nhân (Albertha‘t Hooft-Schik) đến Bình Định, sau đó tham dự chuỗi sự kiện khoa học vũ trụ học diễn ra (tại Trung tâm ICISE) thành phố Quy Nhơn. Ngày 31/7/2017, GS Gerard’t Hooft nói chuyện với cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, chủ đề “Vai trò của các lỗ đen trong sự hiểu biết của chúng ta về thế giới Vật lý”.

Tháng 5/2018, lần thứ hai, ông đến Việt Nam và đã có buổi nói chuyện với giới khoa học, học sinh, sinh viên tại Đại học Đà Lạt (ngày 7/5/2018), chủ đề “Lỗ đen có thể thay đổi như thế nào quan điểm của chúng ta về các luật cơ bản nhất của lực hấp dẫn và vật chất”. Từ Lâm Đồng, ông đến Bình Định, tham dự hội thảo “Khoa học vì sự Phát triển” diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/5/2018 tại thành phố Quy Nhơn. Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14, thu hút hàng trăm nhà khoa học danh tiếng trong nước và quốc tế. Mới đây nhất, ngày 1/8/2023, ông đã có buổi nói chuyện, giao lưu tại Đại học Huế.

Đại học Đà Nẵng mong muốn tăng cường kết nối hợp tác với các tổ chức, cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia, giới khoa học của đất nước Hà Lan, quê hương của GS. Gerardus ‘T Hooft” – PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng.

Đại học Đà Nẵng là Đại học thứ năm (điểm đến Đà Nẵng cũng là điểm đến thứ năm của Việt Nam) mà GS Gerard’t Hooft dừng chân, nói chuyện, giao lưu với cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên. PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc; PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng ; cùng đại diện lãnh đạo các đại học thành viên, đã tham dự từ đầu, cho đến khi chia tay tạm biệt GS Gerard’t Hooft và Phu nhân Albertha‘t Hooft-Schik.

“Đại học Đà Nẵng phải trở thành điểm đến khám phá tri thức khoa học uy tín”, ông chia sẻ, gửi gắm mong ước, và cũng trả lời một câu hỏi từ hàng ghế khán giả đặt ra cho ông.

Học hiệu uy tín của tinh thần khám phá tri thức khoa học Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh rằng “Chúng tôi đã hình thành mạng lưới gắn kết trong đào tạo, trong nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế với hàng trăm đối tác là các trường đại học, tổ chức khoa học, giáo dục và doanh nghiệp uy tín trên thế giới. Bình quân mỗi năm, Đại học Đà Nẵng có hơn 500 công trình, đề tài nghiên cứu, sản phẩm sáng tạo ứng dụng được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế (WoS, Scopus). Tính riêng trong các lĩnh vực liên quan đến Vật lý, năm 2022 đã có 44 công trình nghiên cứu, được công bố trong cơ sở dữ liệu Scopus.

“Hôm nay, GS. Gerardus ‘T Hooft đến thăm và nói chuyện, với cả Thầy và trò Đại học Đà Nẵng, các em học sinh các trường THPT trên địa bàn, truyền cảm hứng của ước mơ không ngừng khám phá, làm giàu tri thức khoa học. Đại học Đà Nẵng, nhân đây, cũng xin bày tỏ mong muốn  tăng cường kết nối hợp tác với các tổ chức, cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia, giới khoa học của đất nước Hà Lan, quê hương của GS. Gerardus ‘T Hooft” – PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng bày tỏ.

Giáo sư Gerardus ‘t Hooft-Giải Nobel Vật lý năm 1999, nói chuyện – giao lưu với cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Đà Nẵng; đại diện giáo viên, học sinh các trường THPT trên địa bàn.

Được biết, Đại học Đà Nẵng có bề dày truyền thống gần 30 năm xây dựng và phát triển, gần 50 năm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của các trường thành viên, toàn Đại học Đà Nẵng hiện có đội ngũ gần 2.600 cán bộ, giảng viên, trong đó gần 50% có trình độ tiến sỹ trở lên. Cơ sở vật chất không ngừng được đầu tư đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu quy mô đào tạo và nghiên cứu (của gần 60.000 sinh viên/học viên, nghiên cứu sinh và lưu học sinh quốc tế).

Chụp ảnh lưu niệm cùng GS Gerard’t Hooft và Phu nhân Albertha‘t Hooft-Schik và TS.Nguyễn Trọng Hiền.

Chương trình đào tạo của các tổ chức thành viên Đại học Đà Nẵng đến nay cũng trải rộng đa lĩnh vực, đa ngành (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội-nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ, quản lý kinh tế, luật, giáo dục, sư phạm, ngoại ngữ, y-dược…). Bao gồm 126 ngành/chuyên ngành trình độ đại học, 45 ngành trình độ thạc sỹ và 29 ngành trình độ tiến sỹ.

“Sứ mệnh của Đại học Đà Nẵng chúng tôi là trở thành một trong những đại học hàng đầu Việt Nam, không những trong đào tạo và nghiên cứu. Đại học Đà Nẵng còn là nơi hội tụ, kết nối các nhà khoa học danh tiếng trong nước và quốc tế cùng hợp tác, đem lại các giá trị mới, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảy mạnh song hành giữa nghiên cứu tư vấn và chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực quản trị, góp phần tiến trình hội nhập quốc tế của giáo dục đại học Việt Nam” – PGS.TS Lê Quang Sơn nhấn mạnh./.

Bài T.Ngọc – Ảnh: Trần Thanh Nhã