Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong sử dụng chèn từ ngữ tiếng nước ngoài.

ĐNA -

Hiện nay, hiện tượng sử dụng chèn từ ngữ tiếng nước ngoài vào bài viết hoặc câu nói đang là hiện tượng rất phổ biến trong giao tiếp của những người trẻ tuổi và cả trên mạng truyền thông ở Việt Nam. Hiện tượng này đã góp phần làm xáo động đời sống tiếng Việt truyền thống và tạo ra nhiều luồng dư luận khen chê trái chiều. Phát triển tiếng Việt và bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt để bản sắc ngôn ngữ văn hóa Việt được giữ vững mà không cản trở sự hội nhập, quốc tế hóa là vấn đề mà chúng ta đang hướng tới. 

Phát triển tiếng Việt và bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt để bản sắc ngôn ngữ văn hóa Việt được giữ vững mà không cản trở sự hội nhập, quốc tế hóa là vấn đề mà chúng ta đang hướng tới.

Hiện tượng sử dụng chèn từ ngữ tiếng nước ngoài (thường là tiếng Anh) vào văn bản của tiếng Việt là hiện tượng phổ biến hiện nay. Trong đó, chèn từ (word insertion) là biểu hiện phổ biến nhất. Từ được chèn ở đây có thể là từ biểu hiện những sự vật, hiện tượng mới như layer cardigan  (VD: Cách đây không lâu, Yoona ghi điểm với cành đồ nhẹ nhàng, duyên dáng. Nữ thần chọn cho mình chiếc váy cổ lá sen và layer cardigan tông xuyệt tông bên ngoài, tạo nên tổng thể hài hoà, xinh đẹp. (Bài: Đụng áo cardigan 57 triệu đồng: Yoona “bánh bèo” khi mix váy, Sooyoung đơn giản mà trẻ trung – kenh14.vn 16/02/2021); retro, second hand (VD: Tiết kiệm chỉ là nhân tiện chứ không phải là lý do chính cho khuynh hướng này. Xu hướng lớn của thời trang hiện tại chính là retro, mọi người hướng về quá khứ để kiếm tìm cảm hứng thời trang. Với một số người, nó thuộc về đam mê và họ có niềm yêu thích rất lớn với việc mua đồ second hand. Bài: Quên những gì bạn từng nghĩ về đồ “si-đa” đi, xu hướng mua sắm của Gen Z giờ là “săn hàng vintage” – hoahoctro.tienphong.vn 07/02/2021); blazer, boots, short (VD: Nếu trời chuyển ấm áp, hãy thử nghiệm cách diện quần short với áo thun và khoác ngoài blazer, đi boots thấp cổ, bạn sẽ có được vẻ ngoài quyến rũ. (Bài: Tống Thiến sắp U40 tới nơi nhưng vẫn luôn trẻ trung nhờ 11 cách lên đồ siêu sành điệu, hack tuổi – kenh14.vn 16/02/2021)… Từ được chèn cũng có thể xuất hiện khá phổ biến trong cách dùng của giới trẻ như  ở lĩnh vực âm nhạc (concert, show, cover, follow, showbiz, clip, view, solo, debut, fan, comeback, anti-hit, remix, viral, beat, edit, idol, mixtape, teaser clip, encore, trend…); Phim ảnh (series, ekip, scandal, netizen, preview, drama, happy ending…); Thời trang (outfit, sexy, style, body, mix, stylist, model, concept, cool, trendy, item, cushion, make up, combo, skincare, scrub…); Đời sống (nickname, healthy, rick kid, hot girl, take away, fail, brand…)…

Việc sử dụng những từ ngữ tiếng nước ngoài trong văn bản tiếng Việt có thể tạo ra những phản ứng ngôn ngữ như sau:
Thứ nhất, tạo ra sự thuận tiện trong diễn đạt và sự thời thượng trong xu hướng sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ. Bởi hiện nay tiếng Anh là ngoại ngữ được giảng dạy trong nhà trường cũng như là ngoại ngữ thông dụng, phổ biến và rất cần thiết của người trẻ Việt trong công việc và cuộc sống hiện đại. Vì thế, khi dùng những từ, cụm từ này, giới trẻ cảm thấy việc nói năng trở nên dễ dàng hơn, sành điệu hơn.

Thứ hai, ở một góc độ ngược lại, khi dùng quá nhiều từ hay cụm từ tiếng Anh vào tiếng Việt sẽ tạo ra “tâm lí ngôn ngữ” khó chịu ở người tiếp nhận. Bởi người tiếp nhận có thể không biết tiếng Anh nên không hiểu hết nghĩa của những từ, cụm từ tiếng Anh được chèn hoặc người tiếp nhận không cảm thấy thoải mái với việc dùng ngôn ngữ mang mục đích khác của đối tác giao tiếp (khoe khoang , phô trương năng lực ngoại ngữ). Mặt khác, khi “lạm dụng” hình thức trộn mã, lời ăn tiếng nói của người Việt trở nên “hỗn tạp”, “ô nhiễm”, năng lực sử dụng tiếng Việt của nhân vật giao tiếp bị giảm thiểu, hạn chế.

Ảnh minh họa

Để hướng đến việc giữ gìn và phát triển tiếng Việt trong việc chèn từ ngữ tiếng nước ngoài, quan điểm của chúng tôi như sau:
Trong những bối cảnh giao tiếp của xã hội hiện nay, nhất là trong nhóm xã hội – giới trẻ, đây là hiện tượng ngôn ngữ – văn hóa có tính tất yếu và đã thành thói quen trong giao tiếp.  Vì thế chúng ta không thể loại bỏ ngay hiện tượng này trong lời ăn tiếng nói của giới trẻ.

Chấp nhận sử dụng chèn từ ngữ tiếng nước ngoài khi tiếng Việt không có từ biểu đạt minh xác khái niệm.

Không chấp nhận việc lạm dụng chèn từ ngữ tiếng nước ngoài (sử dụng quá nhiều từ, cụm từ tiếng Anh trong khi tiếng Việt vẫn có những từ tương đương).

Trong mối quan hệ giữa ngôn ngữ dân tộc và ngôn ngữ nước ngoài, luôn ưu tiên sử dụng ngôn ngữ dân tộc để giữ gìn bản sắc quốc gia. Có như vậy, mới nâng cao năng lực ngôn ngữ dân tộc của giới trẻ. Bên cạnh đó, cũng có thể sử dụng từ ngữ tiếng nước ngoài trong giao tiếp để hội nhập trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, không nên và không thể dùng “tràn lan” những từ ngữ ngoại lai.

Hiện tượng sử dụng từ ngữ tiếng nước ngoài trong các văn bản của tiếng Việt là  hiện tượng thường gặp và có độ lan tỏa mạnh của đời sống xã hội hiện đại. Để giữ gìn, phát triển và hiện đại hóa tiếng Việt, chúng ta cần phải lưu ý đến hiện tượng này để định hướng sử dụng chúng hướng tới giải quyết tốt mối quan hệ giữa ngôn ngữ quốc gia (tiếng Việt) và ngôn ngữ quốc tế mang tính công cụ (tiếng Anh).

TS.Lê Thị Thùy Vinh/Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội 2