Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Giữ gìn tiếng Việt cho trẻ em người Việt ở nước ngoài

ĐNA -

Dạy và học tiếng Việt cho con em kiều bào đang là một vấn đề được Đảng và nhà nước hết sức quan tâm. Bởi vì, đối với đồng bào ta việc giữ gìn tiếng nói và văn hóa dân tộc là vô cùng thiêng liêng. Chỉ cần nói được tiếng Việt chính là đã giữ được hồn Việt Nam.

một lớp học tiếng Việt online hoàn toàn miễn phí do TS. Phạm Thị Hương Quỳnh trực tiếp giảng dạy 3 năm qua.

Văn kiện Đại hội Đảng XIII chỉ rõ “tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc”(1).  Kết luận số 12 ngày 12/8/2021 của Bộ chính trị cũng nêu rõ “Tích cực đầu tư chương trình dạy tiếng Việt, thúc đẩy đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở các cơ sở giáo dục; nghiên cứu đầu tư, xây dựng các trung tâm văn hóa của người Việt Nam tại các địa bàn có đông người Việt sinh sống; cử giáo viên đến giúp người Việt Nam định cư ở nước ngoài học tiếng Việt Nam, chú trọng đối với thế hệ trẻ.

Tổ chức trại hè nói tiếng Việt cho thanh, thiếu niên người Việt Nam ở nước ngoài; chủ động “nghiên cứu lựa chọn Ngày tôn vinh tiếng Việt hằng năm để khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ học tập và giữ gìn tiếng Việt” (2). Điều này cho thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với đồng bào ta ở nước ngoài nói chung và đối với việc giữ gìn tiếng nói dân tộc nói riêng.

Quyết định số 14/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” theo Kế hoạch số 479/KH-BGDĐT ngày 29/3/2023 Kế hoạch chi tiết năm 2023 triển khai nhiệm vụ được giao trong. Nghị Quyết 69/NQ-CP ngày 31/12/2022 đã ban hành chương trình hành động về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026. Thực hiện Nghị quyết này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn tài liệu gồm Quyển 2-bậc 1và Quyển 1-bậc 2 thuộc Bộ tài liệu song ngữ hướng dẫn ông, bà, cha, mẹ dạy tiếng Việt cho con cháu trong gia đình phù hợp với các ngôn ngữ thông dụng và ngôn ngữ nước sở tại. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho thấy việc giữ gìn tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài được các cấp, Bộ, ngành quan tâm.

Hưởng ứng chủ trương ấy, các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã xây dựng nhiều lớp học trực tiếp và online cho trẻ em người Việt đang sống ở nước ngoài. TS. Phạm Thị Hương Quỳnh hiện đang công tác tại Viện ngôn ngữ học, là một trong số tác giả của bộ tài liệu song ngữ hướng dẫn ông bà, cha mẹ dạy tiếng Việt cho con, cho rằng: Giữ gìn tiếng Việt cho thế hệ trẻ em sinh ra và lớn lên ở nước ngoài là một việc làm quan trọng. Bởi vì giữ được tiếng Việt chính là giữ được sợi dây kết nối với gia đình, đất nước. Dạy tiếng Việt cho các em để tạo nên sự kết nối vững bền. Hiện nay, số lượng trẻ em người Việt được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài ngày càng nhiều, cho nên công việc dạy tiếng Việt thực sự có ý nghĩa trong việc góp phần gìn giữ tiếng nói và văn hóa đất nước. Ngôn ngữ gắn liền với văn hóa, cho nên học tiếng Việt cũng sẽ giúp các em hiểu về văn hóa Việt Nam. Từ đó, khơi dậy tình cảm dân tộc trong tâm trí các em.

Có một lớp học tiếng Việt online hoàn toàn miễn phí do TS. Phạm Thị Hương Quỳnh trực tiếp giảng dạy 3 năm qua. Lớp học này được tổ chức Nhịp cầu sinh ngữ xây dựng gồm các em học sinh ở rất nhiều quốc gia. Lớp học diễn ra đều đặn vào 6 giờ sáng Chủ Nhật giờ Việt Nam để phù hợp với múi giờ địa phương của nhiều nước châu Á như Úc, Nhật và cả châu Mỹ như Canada, Mỹ. Dịp tết Nguyên Đán Giáp Thìn, tất cả các học sinh trong lớp đã hát và nói lời chúc mừng năm mới bằng tiếng Việt. Giờ học với chủ đề Tết Nguyên đán được các em học sinh hào hứng đón nhận. Đối với các em Tết được mặc áo dài, chúc tết ông bà, cha mẹ, được nhận lì xì mừng tuổi là niềm vui rất lớn. Trong buổi học này, các em được học các từ mới về phong tục, tập quán của ngày Tết cổ truyền, đó là truyền thống cúng ông công ông táo, cúng giao thừa;  là văn hóa ẩm thực của Việt Nam vào ngày tết như bánh chưng, bánh tét, thịt đông; là các loài hoa chỉ có ở dịp Tết cổ truyền như hoa mai, hoa đào,… Sau đó các em chơi trò chơi đuổi hình bắt chữ. Quê hương đất nước sống động trong nhận thức của các em, Tết dù ở một nơi rất xa song các em vẫn hướng về Tổ quốc. Qua những buổi học như thế, tình yêu tiếng Việt được vun đắp trong tâm hồn các em. Nhiều khi, nghe tiếng phát âm chưa tròn nhưng vẫn thấy mến thương vô cùng. Đó không chỉ là tình cảm máu thịt với gia đình mà còn là tình yêu đất nước. Dù ở bất cứ nơi đâu song chỉ cần nói được tiếng Việt là quê hương sẽ luôn ở bên các em.

Dạy học tiếng Việt cho trẻ em đang sống ở nước ngoài rất cần sự chung tay của Đảng và Nhà nước, của đồng bào ta ở nước ngoài. Bởi vì thế hệ trẻ em sống ở những đất nước khác đã tiếp nhận văn hóa, ngôn ngữ của nước sở tại. Tiếng Việt thường chỉ được dùng trong gia đình cho nên chính gia đình là nền tảng đầu tiên tạo nên sự kết nối, để tiếng Việt thực sự là tiếng nói quê hương vang trong tim các em từ lúc thơ bé. Sau này, chính thế hệ trẻ em kiều bào sẽ đóng góp vào việc xây dựng và phát triển đất nước. Những lớp học tiếng Việt như thế cần được nhân rộng để tỏa sáng tinh thần dân tộc.

Hoàng Hạnh

Tài liệu tham khảo:
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 171]

Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021, của Bộ Chính trị, “Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”