Từ ngày 1/7/2025, sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp cơ sở, thành phố Huế từ 133 đơn vị cấp xã nay chỉ còn 40 (bao gồm 21 phường và 19 xã). Dẫu vậy, Huế vẫn cố gắng bảo tồn những tên gọi cũ, chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và gắn bó với ký ức tập thể của người dân cố đô. Đó là cách “giữ lại hồn xưa” theo cách rất riêng của một đô thị di sản…
Giữa nhịp phát triển sôi động của đô thị Huế, thành phố di sản đang vươn mình mạnh mẽ, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã trở thành yêu cầu tất yếu. Đây là bước đi cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý, phù hợp với định hướng xây dựng đô thị loại I mang bản sắc di sản. Tuy nhên, điều khiến dư luận quan tâm và đầy xúc động trong tiến trình cải cách lần này chính là cách mà Huế lựa chọn: gìn giữ, tôn trọng và khéo léo bảo tồn những địa danh cổ, những tên gọi đã khắc sâu trong ký ức cộng đồng, mang theo tầng tầng lớp lớp dấu ấn lịch sử và văn hóa của vùng đất cố đô.
Từ 133 phường, xã ban đầu, sau quá trình sáp nhập, Huế hiện chỉ còn lại 40 đơn vị hành chính cấp xã. Một con số tinh gọn, nhưng không đơn thuần là bài toán kỹ thuật hành chính. Ẩn sau đó là sự tính toán cẩn trọng, cho thấy tinh thần trách nhiệm trong quản lý nhà nước, đồng thời phản ánh nỗ lực trân trọng di sản, gìn giữ ký ức địa phương và bảo tồn bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất cố đô.
Địa danh, nơi neo giữ ký ức đất và người
Trong danh sách 40 tên gọi phường, xã mới của thành phố Huế, người dân dễ dàng nhận ra hàng loạt địa danh quen thuộc, từng xuất hiện trong sử sách, ca dao, thi ca, từ thời Hóa Châu, Thuận Hóa cho đến Phú Xuân, kinh đô triều Nguyễn. Những cái tên như Hóa Châu, Đan Điền, Kim Trà, Thuận Hóa, Phú Xuân, Kim Long, An Cựu, Phú Bài… không chỉ là ký hiệu hành chính, mà thực sự là những biểu tượng văn hóa mang chiều sâu của thời gian.
Hóa Châu, vùng đất biên viễn đã xuất hiện từ thế kỷ XIII, từng là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành, là nơi khởi đầu cho hành trình “Nam tiến” của dân tộc. Từ nơi đây, bao lớp nghĩa sĩ, lưu dân đã vượt qua núi rừng hiểm trở để mở mang cõi bờ, đặt nền móng cho vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân sau này.
Kim Trà, Đan Điền là những tên phủ, tên châu của thời Trần – Lê, gắn liền với dòng chảy lịch sử của sông Hương, sông Bồ và cư dân đôi bờ. Những tên gọi ấy từng là trung tâm hành chính, là điểm hội tụ của các tuyến giao thương thuở trước, đồng thời là vùng đất sản sinh nhiều bậc hiền tài.
Thuận Hóa, cái tên từng là biểu tượng của cả một vùng đất “phên dậu phía Nam”, được chúa Nguyễn Hoàng tiếp nhận năm 1558, cũng đã trở lại trên bản đồ hành chính của Huế với vị trí trang trọng. Việc giữ lại địa danh này là sự khẳng định về cội nguồn, về vai trò mở đầu cho hành trình khai quốc công thần của các chúa Nguyễn.
Và đặc biệt hơn cả là Phú Xuân, cái tên gắn liền với thủ phủ thời chúa Nguyễn từ năm 1687, rồi kinh đô của vương triều Tây Sơn và triều Nguyễn, nơi từng được ví là trung tâm chính trị – văn hóa của cả nước trong suốt hơn 150 năm (1788 – 1945). Tên gọi này mang theo cả một “hồn đô thị”, một “tâm thức kinh kỳ” đã in sâu trong tâm hồn người Huế và người Việt.
Sự tinh tế của cải cách hành chính mang hơi thở văn hóa
Cải cách hành chính thường được hiểu là một công việc thuần túy mang tính kỹ thuật và tổ chức. Thế nhưng, tại Huế, quá trình này lại được thực hiện với một tinh thần khác biệt: tinh tế, nhân văn và đậm đà bản sắc. Việc đặt tên cho các đơn vị hành chính sau sáp nhập không chỉ là sự sắp xếp lại không gian địa lý, mà còn là một quá trình tái cấu trúc gắn liền với chiều sâu lịch sử – văn hóa. Mỗi tên gọi mới được lựa chọn không chỉ để phục vụ quản lý hành chính hiệu quả, mà còn như một “bản đồ ký ức”, gợi nhắc những vùng đất, những cộng đồng đã gắn bó lâu đời với xứ Huế, vùng đất của di sản và chiều sâu văn hóa.
Kim Long, An Cựu, Phú Bài, Kim Trà, Đan Điền, Phong Điền, Thuận An… là những địa danh tuy đã nhiều lần thay đổi về mặt hành chính trong lịch sử, nhưng tên gọi của chúng vẫn sống bền bỉ trong dân gian, trong từng câu hát, trong các bản đồ thời Nguyễn, và giờ đây đã được “tái sinh” một cách trang trọng trong bộ khung hành chính mới của thành phố.
Chẳng hạn, Kim Long từng là nơi đóng thủ phủ của chúa Nguyễn (1636 – 1687) trước khi chuyển về Phú Xuân, là vùng đất thơ mộng bên sông Hương với truyền thống Phật giáo, vườn cảnh và kiến trúc phủ đệ, nhà vườn độc đáo. Kim Long cũng gắn liền với sự ra đời của đô thị Huế thời Trung đại. Hay An Cựu, nơi gắn liền với dòng sông đào Lợi Nông/An Cựu “nắng đục mưa trong”, từng là khu vực cư trú của tầng lớp hoàng thân quốc thích từ thời các chúa Nguyễn, đến nay vẫn giữ được nhịp sống chậm rãi đặc trưng của một Huế trầm tư mà sâu sắc.
Cũng không thể không nhắc đến Phú Bài (Phù Bài), làng luyện sắt nổi tiếng từ xa xưa, một địa danh vừa mang giá trị lịch sử văn hóa từ thời phong kiến qua thời chống Pháp, chống Mỹ, vừa là trung tâm kết nối phát triển phía Nam thành phố Huế thông qua sân bay quốc tế và khu công nghiệp trọng điểm. Việc đưa Phú Bài trở thành một phần của đô thị Huế không chỉ có ý nghĩa chiến lược mà còn thể hiện khát vọng mở rộng không gian phát triển đô thị di sản.

Giữ hồn cho đất, giữ ký ức cho người
Tên gọi địa danh không chỉ là ký hiệu trên bản đồ. Đó là hồn đất, là nơi neo giữ ký ức cộng đồng. Trong một thời đại mà đô thị phát triển quá nhanh, đôi khi kéo theo sự lãng quên những di sản vô hình, thì việc gìn giữ tên gọi các vùng đất cũ là hành động có giá trị văn hóa sâu sắc. Nó không chỉ giúp thế hệ hôm nay biết mình đang sống trên vùng đất nào, mà còn giúp thế hệ mai sau hiểu rằng, mỗi địa danh đều có một câu chuyện, một quá khứ để tự hào.
Với Huế, nơi được định hướng trở thành Thành phố Di sản quốc gia và quốc tế, thì mỗi cái tên, mỗi địa danh, mỗi dòng sông, ngọn núi đều cần được trân trọng như một phần cấu thành bản sắc. Đổi mới nhưng không đoạn tuyệt quá khứ, cải cách mà không lãng quên cội nguồn, đó chính là tinh thần mà thành phố Huế đã thể hiện rất rõ trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính này.
Từ câu chuyện cải cách hành chính ở Huế, có thể rút ra một thông điệp giàu ý nghĩa dành cho các đô thị di sản trên cả nước: phát triển không đồng nghĩa với việc xóa nhòa quá khứ. Ngược lại, quá khứ chính là nền tảng vững chắc để kiến tạo tương lai. Khi cải cách không chỉ dừng lại ở việc “hợp nhất – tinh gọn” mà được đặt trong chiều sâu văn hóa – lịch sử, nó trở thành cơ hội để làm mới bản sắc, để khẳng định lại những giá trị căn cốt của cộng đồng.
Và Huế, như đã từng nhiều lần trong lịch sử, tiếp tục chọn một cách làm điềm đạm mà sâu sắc: tổ chức lại hành chính bằng tinh thần cải cách, nhưng vẫn giữ gìn linh hồn của từng vùng đất. Chính bởi vậy, dù có bước qua bao biến chuyển của thời cuộc, Huế vẫn luôn là Huế, trầm lắng, sâu sắc, và bền bỉ lưu giữ những giá trị vĩnh cửu từ ngàn xưa.
Hương Bình/Ảnh trong bài: Bảo Minh, Lê Đình Hoàng, Hoàng Quốc Vĩnh.