“Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm. Vì vậy, kỷ luật phải nghiêm minh” (1) được của Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị trong Bài nói tại Hội nghị cán bộ chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc, ngày 9/9/1952 đã khẳng định tính tất yếu phải giữ nghiêm kỷ luật quân đội; đây chính là kim chỉ nam để tăng cường kỷ luật quân đội hiện nay.
Những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kỷ luật quân đội
Về tầm quan trọng của kỷ luật. Từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề phải có một quân đội mạnh được xây dựng bởi nhiều yếu tố, trong đó yếu tố kỷ luật giữ vai trò rất quan trọng; vì thế, trong tác phẩm Cách đánh du kích, viết năm 1944 – trước khi Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời, Người đã khẳng định: “Quân du kích nếu không có tổ chức thì không phải một đội quân cách mạng, không thể đánh được Tây – Nhật. Quân du kích cần phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật, kỷ luật phải nghiêm như sắt, bao nhiêu hành động của quân du kích đều phải theo kỷ luật ấy, không ai được làm trái” (2).
Đây chính là sự kế thừa quan điểm của V.I.Lênin khi nói về ý nghĩa của kỷ luật với tư cách là một phương tiện quan trọng nhằm nâng cao năng lực chiến đấu của quân đội: “Nếu suy nghĩ đến cùng, do nguyên nhân sâu xa mà có được cái kỳ tích lịch sử là một nước suy yếu, bị kiệt quệ và lạc hậu lại chiến thắng được những nước hùng cường nhất thế giới, thì chúng ta thấy nguyên nhân đó là chế độ tập trung, kỷ luật và tinh thần hy sinh chưa từng có” (3). Nhất quán với tinh thần đó, trong bài Nói chuyện với các đại biểu quân đội, thương binh và quân nhân phục viên nhân dịp Tết Đinh Đậu ngày 29/1/1957, Bác căn dặn nhân dân ta nói chung, nhất là quân đội, phải luôn luôn cảnh giác, nâng cao chí khí chiến đấu, bất kỳ thời chiến hay thời bình, phải luôn luôn sẵn sàng và hoàn thành mọi nhiệm vụ: “Muốn nâng cao chí khí chiến đấu, cố nhiên là phải học chính trị và quân sự, phải giữ thật nghiêm kỷ luật của quân đội. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội” (4).
Về tính chất của kỷ luật quân đội. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ luật quân đội phải kết hợp hài hòa giữa tính tự giác và nghiêm minh; bởi vì, Quân đội ta do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo và rèn luyện, do đó, kỷ luật quân đội cũng thống nhất với kỷ luật của Đảng, đó là tính tự giác và nghiêm minh. Vì vậy, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Người khẳng định: “Về kỷ luật, Đảng Lao động Việt Nam phải có kỷ luật sắt, đồng thời là kỷ luật tự giác” (5).
Đối với Quân đội ta, một mặt, Người tin tưởng và cho rằng: “Quân đội Việt Nam nhất định sẽ thu được thắng lợi cuối cùng, vì họ đấu tranh cho một lý tưởng cao quý, có một mục đích chung và được xây dựng trên nguyên tắc kỷ luật tự giác” (6). Mặt khác, Người yêu cầu: “Kỷ luật phải đặc biệt nghiêm minh” (7). Theo đó, kỷ luật quân đội đòi hỏi những người thực hiện nghĩa vụ quân sự tính tập trung, chính xác, tinh thần chấp hành triệt để vô điều kiện, tự chủ, kịp thời, nhanh chóng thực hiện tốt nhất mệnh lệnh, chỉ thị của người chỉ huy.
Về phương thức giữ nghiêm kỷ luật quân đội. Đây là vấn được Chủ tịch Hồ Chí Minh luận giải tường minh, cụ thể:
Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phải tăng cường công tác giáo dục chính trị – tư tưởng, giáo dục kỷ luật trong quân đội. Vì vậy, trong Diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), một trong mười chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự của Trung ương được Người đề cập đến đó là: “Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải bảo đảm sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ; phải triệt để giữ gìn kỷ luật tự giác về mặt quân sự và về mặt chính trị” (8).
Thứ hai, biện pháp phải cương quyết, thưởng – phạt nghiêm minh. Để duy trì kỷ luật, thưởng và phạt là quan trọng và cần thiết nhằm động viên trong mọi người giữ nghiêm kỷ luật. Vì thế, Người yêu cầu: “Phải nâng cao kỷ luật, giữ vững kỷ luật. Những cán bộ có ưu điểm thì phải khen thưởng; người làm trái kỷ luật thì phải phạt. Nếu không thưởng thì không có khuyến khích; nếu không có phạt thì không giữ vững kỷ luật. Thưởng phạt nghiêm minh là cần thiết” (9). Về vấn đề này, trong Bài nói tại kỳ họp Hội đồng Chính phủ cuối năm 1966, ngày 29/12/1966, một lần nữa Người yêu cầu: “Phải thưởng phạt nghiêm minh. Hiện nay, thưởng có khi quá rộng, mà phạt thì không nghiêm. Kỷ luật phải chặt chẽ. Phải kiên quyết chống những việc làm thiếu trách nhiệm, trái kỷ luật” (10).
Thứ ba, phải thực hành kỷ luật nghiêm ngặt từ trên xuống dưới, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu trong đơn vị, đây là điểm căn cốt. Do đó, trong Thư gửi Hội nghị chính trị viên, tháng 3 năm 1948, Người viết: “Kỷ luật phải được thi hành từ trên đến dưới. Trách nhiệm của người chỉ huy quân sự và người chính trị viên phải định rõ ràng. Chính trị viên phải làm người kiểu mẫu trong mọi việc. Đó là những điểm chính” (11). Phương pháp nêu gương được Bác Hồ coi là biện pháp hữu hiệu để hướng dẫn các hành vi về đạo đức và ý thức tổ chức kỷ luật cao. Trước hết là sự gương mẫu về hành vi kỷ luật của cán bộ sĩ quan là đảng viên. Chính vì vậy, trong Thư gửi Hội nghị cán bộ Đảng trong Quân đội lần thứ tư (sau chiến thắng Sông Lô) Người căn dặn: “Bộ đội ta ngày càng trưởng thành và tiến bộ. Các đồng chí cán bộ của Đảng ở các cấp phải cố gắng tiến bộ hơn, để lãnh đạo bộ đội. Từ việc lớn đến việc nhỏ, cán bộ đều phải làm kiểu mẫu. Giữ gìn kỷ luật, học tập kỹ thuật, luyện quân lập công, xung phong hãm trận, thân ái đoàn kết, nói tóm lại, mỗi việc trong bộ đội, cán bộ đều phải làm gương. Như thế thì quân đội ta sẽ là một quân đội vô địch, và kháng chiến nhất định thành công” (12).
Thứ tư, phải phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, tinh thần tự phê bình và phê bình. Về vấn đề này, trong Lời nói chuyện trong buổi lễ bế mạc Lớp bổ túc trung cấp, đăng trên Báo Vệ quốc quân, số 15, ngày 10/10/1947, Người giải thích rõ ràng: “Các đồng chí là một đoàn thể, một gia đình thì phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết và kỷ luật làm cho bộ đội mạnh, đoàn thể mạnh. Nếu ta không trọng kỷ luật, thì ta làm cho bộ đội yếu đi, đoàn thể yếu đi. Một mệnh lệnh gì từ trên xuống, của Bộ Quốc phòng hay Bộ tổng chỉ huy đều phải đến khu, đến các trung đoàn, các đoàn thể và phải xuống tới tận người đội viên. Nếu mệnh lệnh đến khu rồi mắc nghẽn không xuống dưới nữa, tức là khu không theo kỷ luật. Bộ đội sẽ kém sức mạnh.
Mệnh lệnh cũng như dòng máu chảy từ tim ra đến đầu, các tứ chi. Nếu chảy đến tay mà mắc nghẽn, thì tay bại. Tay bại người sẽ yếu đi” (13). Đồng thời, Người cho rằng, phải dùng vũ khí phê bình và tự phê bình trong việc quản lý, duy trì và kiểm tra chấp hành kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ: “Người cán bộ muốn tốt thì phải có đạo đức cách mạng, phải biết phê bình và tự phê bình, phải biết kỷ luật” (14). Người cũng kiên quyết phê bình cán bộ thiếu ý thức chấp hành kỷ luật quân đội; do đó, trong bài Nói chuyện với các đơn vị quân đội tại quân khu bộ quân khu, Người thẳng thắn phê bình: “Phải biết chế độ ta, Nhà nước ta, quân đội ta phải có kỷ luật nghiêm minh, tổ chức chặt chẽ. Có một số các cô, các chú chưa có ý thức kỷ luật và tổ chức đầy đủ, như được đi phép ba ngày thì kéo bốn ngày. Đó là những khuyết điểm” (15).
Giải pháp giữ nghiêm kỷ luật Quân đội dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới
Kỷ luật tự giác, nghiêm minh là bản chất, truyền thống và là cơ sở tạo nên sức mạnh của Quân đội ta. Thấu suốt và thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh về giữ vững kỷ luật quân đội, trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, ở bất cứ hoàn cảnh nào quân đội ta cũng luôn tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội; từ đó, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, “so với yêu cầu đề ra, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội của bộ đội ở một số cơ quan, đơn vị chưa cao; số vụ việc vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội trong toàn quân tuy có giảm, nhưng chưa vững chắc; tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do cấp ủy, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục pháp luật, quản lý kỷ luật; nội dung giáo dục còn dàn trải, hình thức chưa phong phú.
Công tác quản lý con người, vũ khí, trang bị, cơ sở vật chất, địa bàn, phòng gian, bảo mật có nơi chưa chặt chẽ. Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành luật pháp Nhà nước, kỷ luật Quân đội ở một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên. Cá biệt, có chỉ huy đơn vị nhận thức việc xử lý kỷ luật đối với các hành vi vi phạm còn giản đơn, giải quyết chưa kịp thời, còn có biểu hiện hữu khuynh, giấu giếm khuyết điểm, v.v.” (16). Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, để tăng cường kỷ luật quân đội trong giai đoạn hiện nay cần quan tâm giải quyết tốt mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và vận dụng có hiệu quả những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kỷ luật quân đội. Trong đó tập trung đi sâu nghiên cứu tổng kết những bài học kinh nghiệm về củng cố, tăng kỷ luật trong những cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong thời kỳ hoà bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tước kia để vận dụng vào giai đoạn mới cho phù hợp. Theo đó, tiếp tục đi sâu nghiên cứu những yêu cầu, nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục, phổ biến pháp luật trong quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Điểm then chốt hiện nay toàn quân thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 855-CT/QUTW ngày 12-8-2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với việc chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước. Trước mắt, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp cần xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, cùng với việc thực hiện sắp xếp tinh, gọn bộ máy, tăng cường giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật… tạo nên sức mạnh chiến đấu của cơ quan, đơn vị, góp phần hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần tập trung quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (17), các văn bản, hướng dẫn của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị về việc giáo dục, quản lý, chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước, từ đó điều chỉnh, bổ sung các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, đột phá về xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, bảo đảm an toàn trong huấn luyện, an toàn giao thông.
Thứ ba, tiếp tục làm tốt công tác giáo dục trong quân đội. Trong đó, tập đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước. Để xây dựng các cơ quan, đơn vị trong toàn quân ổn định vững chắc, không có quân nhân vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiến hành nhiều biện pháp; trong đó, giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là nội dung cấp thiết cần phải được quan tâm và tổ chức thực hiện phù hợp với đối tượng quản lý, đặc điểm địa bàn và nhiệm vụ được giao với nhiều hình thức giáo dục khác nhau đem lại hiệu quả thiết thực.
Thứ tư, phát huy tốt vai trò của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác này. Đây là một giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo chuyển biến toàn diện, vững chắc trong việc chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội của quân nhân theo đúng tinh thần của Quyết định số 1371/QĐ-TTg, ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 – 2027”.
Bởi vậy, các đơn vị cần chú trọng củng cố, kiện toàn Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cả về cơ cấu, thành phần, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và hoàn thiện quy chế hoạt động; tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật đã xác định.
Thứ năm, thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý bộ đội, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quân đội. Các cơ quan, đơn vị, nhà trường cần duy trì chặt chẽ, hiệu quả, nền nếp kế hoạch thời gian làm việc, huấn luyện, công tác, sinh hoạt, thực hiện nghiêm chế độ quản lý quân số theo phân cấp; kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị, địa phương, gia đình tổ chức nắm chắc, quản chặt tư tưởng, kỷ luật bộ đội, chú trọng các đối tượng quân nhân cá biệt, có biểu hiện bất thường về tâm lý, tình cảm, tái phạm lỗi, chậm chuyển biến, tiến bộ. Trên cơ sở đó, có biện pháp theo dõi, động viên, ngăn chặn, xử lý hài hòa, triệt để, không để vụ việc đơn giản trở thành phức tạp, bị động, bất ngờ trong cơ quan, đơn vị.
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh các vi phạm. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cơ yếu hằng năm của Bộ Quốc phòng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát gắn với thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Khi đơn vị có vụ việc, cấp ủy, chỉ huy phải kiên quyết xử lý, thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Thông tư 143/2023/TT-BQP ngày 27 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Các bước tiến hành xử lý kỷ luật phải đảm bảo chặt chẽ, nghiêm minh, kịp thời, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với người vi phạm; là bài học kinh nghiệm cho công tác phòng, chống vi phạm kỷ luật, tệ nạn xã hội của đơn vị. Đồng thời, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn trong đấu tranh, phòng ngừa vi phạm kỷ luật, tệ nạn xã hội; duy trì chế độ giao ban định kỳ giữa đơn vị với chính quyền địa phương để thông báo tin tức, tình hình xã hội, chấp hành kỷ luật của quân nhân và quan hệ quân – dân, góp phần xây dựng địa bàn vững mạnh, toàn diện. Khi có vụ việc vi phạm, cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phát hiện, xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn trên địa bàn, không để lây lan, phát triển thành vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến đơn vị, địa phương. Đồng thời, làm tốt công tác thi đua khen thưởng tạo động lực trong chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội trong các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.
Thực tiễn xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội, cũng như thực tiễn xây dựng, tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội đã khẳng định vai trò của kỷ luật quân đội, là một trong những nguồn gốc quan trọng đối với việc củng cố, tăng cường sức mạnh của Quân đội ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là một vấn đề lý luận và thực tiễn quan trong trong xây dựng, củng cố, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội; đồng thời, còn là một trong những bài học kinh nghiệm quý giá được rút ra từ thực tiễn xây dựng quân đội ta, không chỉ có ý nghĩa, giá trị trong lịch sử, mà còn được vận dụng trong củng cố, tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội trong điều kiện mới đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.
Đại úy Nông Quốc Việt/Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Chú thích:
(1) (5) (6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.483; tr.41; tr.312
2.Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, tr.500
3.V.I.Lênin, Toàn tập, tập 40, Nxb Tiến bộ, 1978, tr.279
(4)(15) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, tr.489; tr.629
(7)(10) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.319; tr.225
(8)Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, tr.29
(9)Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, tr.310
(11) (12) (13) (14) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tr.485; tr.486; tr.260-261; tr.261
16.Dẫn theo http://tapchiqptd.vn/vi/nhung-chu-truong-cong-tac-lon/toan-quan-tiep-tuc-nang-cao-y-thuc-ton-trong-nghiem-chinh-chap-hanh-phap-luat-nha-nuoc-ky-/10838.html
17.Chỉ thị số 04/CT-BQP, ngày 9-2-2012 của Bộ Quốc phòng về việc “Tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật; phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật và vi phạm kỷ luật nghiêm trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; Chỉ thị 91/CT-BQP, ngày 22-11-2016 của Bộ Quốc phòng về việc “Tăng cường quản lý, giáo dục và chấp hành kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; Thông tư 143/2023/TT-BQP ngày 27 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, Chỉ thị số 103/CT-BQP, ngày 4 tháng 12 năm 2019 Tổng Tham mưu trưởng về việc tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam.