Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

ĐNA -

Sáng ngày 10/10/2024, Ban Cháp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).

Màn tái hiện cảnh Hà Nội vào Ngày 10/10 cách đây 70 năm.

Lễ kỷ niệm diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (số 1 Đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) với sự tham dự của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, TP.Hà Nội; đại biểu quốc tế và các tỉnh, thành phố trên cả nước; đại biểu lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng lao động; đại diện Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày; Cựu chiến binh, Cựu thanh niên xung phong; đại biểu văn nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, các tầng lớp Nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dự Lễ kỷ niệm.

Mở đầu lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tái hiện những khoảnh khắc lịch sử trong kháng chiến chống Pháp của quân, dân Thủ đô, khí thế hào hùng trong Ngày Giải phóng Thủ đô và những sự kiện lịch sử vẻ vang của Thủ đô Hà Nội trên hành trình 70 năm qua.

Mở đầu lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, với thế và lực sau 40 năm đổi mới, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đây cũng là thời điểm để định hướng tương lai của chúng ta. Yêu cầu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới đặt ra nhiệm vụ ngày càng cao đối với Hà Nội; “Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phải làm thế nào để xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm.

Cách đây tròn 70 năm, trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, tinh thần chiến đấu ngoan cường, gan dạ của quân và dân ta, đặc biệt với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Gieneva 21/7/1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc nước ta.

Các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm.

Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Hơn 40 vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ hoa, với niềm hân hoan tột độ đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm.

Đến 15 giờ cùng ngày, quân dân Hà Nội, thay mặt đồng bào cả nước, đã làm lễ chào cờ, lắng nghe thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do quân và dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi. Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể…”.

Các cán bộ lão thành cách mạng, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong dự Lễ kỷ niệm.

Công cuộc tiếp quản Thủ đô thành công tốt đẹp. Ta đã tiếp thu an toàn và nhanh gọn 129 công sở, công trình công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, trong đó có các vị trí quân sự và các cơ quan đầu não quan trọng như Đồn Thủy, sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, Phủ Toàn quyền, Phủ Thủ hiến Bắc Việt, sở Mật thám liên bang… Sinh hoạt của Nhân dân vẫn giữ được bình thường, ổn định. Các ngành điện, nước, giao thông liên lạc hoạt động đều, thông suốt, an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm.

Thay mặt nhân chứng lịch sử, cựu chiến binh Nguyễn Thụ (quận Hai Bà Trưng) nguyên cán bộ Trung đoàn 102 – Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 – Đại đoàn Quân Tiên phong phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Thay mặt nhân chứng lịch sử, cựu chiến binh Nguyễn Thụ (quận Hai Bà Trưng) nguyên cán bộ Trung đoàn 102 – Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 – Đại đoàn Quân Tiên phong phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Trong đó chia sử: “Ngày Thủ đô được giải phóng, không chỉ trở thành biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của đất nước mà còn là sự tiếp nối vẻ vang của truyền thống nghìn năm văn hiến và anh hùng của Thăng Long – Hà Nội”.

Sinh viên Nguyễn Chi Phương (Đại học Luật Hà Nội) đại diện thế hệ trẻ phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Sinh viên Nguyễn Chi Phương (Đại học Luật Hà Nội) đại diện thế hệ trẻ phát biểu tại Lễ kỷ niệm: “Chúng cháu nguyện mang khát vọng thanh xuân của tuổi trẻ hòa cùng với khát vọng chung của Thủ đô và đất nước, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”

Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, với chủ đề “Thủ đô 70 năm – Bản Hùng ca”

Tại Lễ kỷ niệm, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, với chủ đề “Thủ đô 70 năm – Bản Hùng ca” đã diễn ra, với 3 chương: “Ký ức tự hào”, “Khúc tráng ca”, “Thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển” và Nhân dân Thủ đô tổ chức nhiều chương trình hoạt động Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Thế Cương