Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hà Tĩnh: Chàng kỹ sư trẻ làm giàu từ mô hình nuôi ốc bươu đen

ĐNA -

Hiện nay trên thị trường nguồn tiêu thụ ốc bươu đen rất nhiều, nhận thấy việc phát triển mô hình nuôi ốc sẽ ổn định nên chàng kỹ sư Phạm Viết Sỹ (SN 1989, trú tại thôn Văn Minh, xã Thường Nga, huyện Can Lộc) và anh Nguyễn Văn Đức (SN 1984, trú tại thôn Long Minh, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà) tỉnh Hà Tĩnh đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây dựng ao hồ và mua con giống về nuôi lập nghiệp tại địa phương. Táo bạo ấy đã giúp hai chàng trai 8X bỏ túi hàng trăm triệu đồng/năm.

Để tìm hiểu về mô hình phát triển tại Hà Tĩnh, Phóng viên Tạp chí Đông Nam Á tại miền Trung và Tây Nguyên tìm về xã Thường Nga đã chứng kiến ao hồ toàn ốc.  Tại đây, được anh Phạm Viết Sỹ (SN 1989 trú tại thôn Văn Minh) chia sẻ “Năm 2011, tôi tốt nghiệp trường Cao đẳng Giao thông vận tải miền Trung và có công việc ổn định tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Tưởng chừng, tôi sẽ gắn bó với nghề mình theo học tới sau này, nhưng đến năm 2020, khi đang làm việc không may bị tai nạn lao động gãy 1 đốt sống lưng phải nằm viện 6 tháng. Sau khi bình phục tôi đã quyết định trở về quê hương để lập nghiệp.”

Anh Phạm Viết Sỹ cho biết về việc nuôi ốc mang lại hiệu quả kinh tế cao; Ảnh Tăng Thành

“Trở về quê hương, tôi được Hội Nông dân xã Thường Nga tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và định hướng phát triển kinh tế bằng công việc nuôi ốc bươu đen. Ngoài ra, tôi đã đi tham quan, học hỏi ở các trại nuôi ốc đặc sản này trong và ngoài tỉnh, bên cạnh đó tôi học hỏi thêm kỹ thuật nuôi ốc bươu trên sách, báo, đài…

Khoản cuối năm 2020, tôi đã đầu tư 150 triệu đồng thuê lại 4.000m2 đất bạc màu hoang hóa tại địa phương, đào 9 ao và mua 150.000 ốc bươu giống ở Thanh Hoá về thả nuôi. Do chưa đủ kinh nghiệm nên lứa nuôi đầu tiên của tôi bị thất bại.

Không nản chí, tôi tiếp tục học hỏi và gọi điện tham khảo những người đi trước, rồi làm lại từ đầu. Qua lần thất bại đó tôi đã có những kinh nghiệm quý báu để nắm vững các kỹ thuật về quy trình nuôi ốc.

Hiện nay, gia đình tôi đã có 9 hồ nuôi ốc với số lượng hơn 20 vạn con bao gồm cả ốc giống, ốc bố mẹ, ốc thịt. Ốc thương phẩm được thương lái thu mua với giá 90.000-120.000đồng/kg, ốc giống được bán với giá 300-350đồng/con, trừ mọi chi phí anh Sỹ bỏ túi hàng trăm triệu/năm” anh Sỹ kể lại.

Anh Sỹ kiểm tra định kỳ cho ốc bươu đen trước khi xuất bán;

Khi được hỏi về con giống mình ươm, anh Sỹ chỉ tay rồi chia sẻ “Một cặp ốc mẹ đẻ ra 1 chùm trứng (khoảng 100 trứng) xung quanh ao nuôi. Tôi gom lại để ấp với nhiệt độ từ 25-30 độC, sau 15 ngày ấp trứng sẽ nở. Sau 4-6 tháng chăm sóc ốc đạt trọng lượng 30-40 con/kg là đủ tiêu chuẩn để xuất bán ra thị trường”.

Được biết, ốc bươu đen là loài dễ nuôi, ít bệnh tật và mang lại lợi ích kinh tế cao cho người nuôi. Thức ăn của chúng đơn giản, có ngay trong trong khuôn viên vườn nhà mình như: bèo hoa dâu, bèo cám, hoa quả, mướp, bầu bí, lá sắn…là món ăn ngon, thuần túy của người dân Việt Nam. Ốc bươu đen là thực phẩm có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe; thịt ốc có tính hàn, thành phần chủ yếu là chất đạm, mỡ, cacbua hydrrat, canxi, photpho, sắ; các loại vitamin B2, PP, A…

Hỏi về kinh nghiệm sau nhiều năm nuôi ốc, anh Sỹ cho biết – “Ốc bươu đen phát triển tốt trong môi trường nước sạch, không bị ô nhiễm, nhiệt độ nguồn nước luôn giao động trong khoảng từ 27 đến 33 độ C. Để đảm bảo nhiệt độ trong ao nuôi luôn ổn định, tôi thả bèo tây trên mặt ao. Bèo tây giúp nước trong ao mát về mùa hè, giữ ấm vào mùa đông, bèo tây cũng chính là nguồn thức ăn cho ốc”.

Ngoài ra chúng ta cũng nên đào ao hồ ở các địa điểm có khe suối, để thuận tiện trong khâu thay nước, đảm bảo vệ sinh tránh dịch bệnh, anh Sỹ cho biết thêm.

Ông Trần Trung Kiên – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thường Nga, huyện Can Lộc, cho biết: “Đối với đồng chí Phan Văn Sỹ là một hội viên Hội Nông dân rất cần cù chịu khó, dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Khi được Hội tham mưu, hướng dẫn kỹ thuật về mô hình nuôi ốc bươu đen, anh Sỹ đã đi đầu, tham quan học hỏi các mô hình tiêu biểu ở trong và ngoài tỉnh để về áp dụng tại chính quê hương của mình.

“Mô hình nuôi ốc bươu đen của hộ gia đình anh Sỹ được xem là mô hình điểm của địa phương, bước đầu mang lại nguồn thu nhập tốt cho gia đình. Ngoài ra anh Sỹ còn hỗ trợ, giúp đỡ giống và kỹ thuật cho những gia đình mong muốn phát triển, làm giàu bằng nuôi ốc bươu đen” – ông Kiên cho biết thêm.
Cùng chung với suy nghĩ anh Sỹ, anh Nguyễn Văn Đức (SN 1984, trú tại thôn Long Minh, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà) đã mạnh dạn bỏ nuôi cá, vịt, chuyển sang nuôi ốc bươu đen mang lại hiệu quả kinh tế giúp gia đình vượt khó.

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình, anh Nguyễn Văn Đức kể lại “Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi đi làm công nhân tại miền Nam, năm 2012 tôi trở về địa phương thuê lại 1,25 ha đất để làm trang trại nuôi cá, vịt… Tuy nhiên hiệu quả kinh tế thấp, giá thành ngày càng giảm. Năm 2021, tôi đã cải tạo 4 ao hồ chuyển sang nuôi ốc bươu đen.

Lúc đầu tôi thả 40 vạn con giống. Sau một thời gian nuôi cho thấy việc nuôi ốc khá thuận lợi và mang lại hiệu quả kinh tế khá hơn nuôi cá, vịt… từ đó tôi nghĩ nên đầu tư với quy mô lớn hơn và rồi lặn lội vào miền Nam mua giống về thả”.

Anh Nguyễn Văn Đức chia sẻ về việc nuôi ốc bươu đen phải thường xuyên thay nước.

Theo anh Đức – “Nuôi ốc khá đơn giản, thức ăn cũng dễ kiếm, sẵn có tại địa phương. Nhưng nguồn nước đòi hỏi phải sạch, cứ khoảng 3 đến 5 ngày, nước trong ao nuôi được thay một lần. Đặc biệt, phải làm hệ thống mái che ở mỗi ao nuôi. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi ốc nên tôi đã gầy con giống bán cho người dân khi họ có nhu cầu. Thời gian qua, tôi đã bán hơn 50 vạn con giống cho người dân trong vùng, thu về 150 triệu đồng. Hiện nay, mỗi ngày tôi bán được hơn 3 triệu tiền ốc thương phẩm, sau 4 tháng nuôi theo quy mô lớn tôi đã bán ốc thương phẩm và ốc giống thu về gần 200 triệu đồng. Hiện tôi đang tiếp tục mở rộng ao hồ để nuôi theo quy mô lớn hơn, vì người thu mua như hiện nay gia đình không đủ cung cấp cho các thương lái cũng như nhà hàng”.

Ông Đặng Hữu Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Việt Tiến cho biết: “Mô hình nuôi ốc của anh Đức có đầu tiền trên địa bàn, thấy việc anh Đức mạnh dạn chuyển đổi như vậy là rất tốt, hiện anh đức đang mở rộng thêm các hồ nuôi và đã cung cấp được con giống cho bà con. Với thời tiết cũng như địa bàn ít gặp lũ như thế này, anh Đức chuyển đổi mô hình là hợp lý, chúng tôi cũng đã tuyên truyền người dân đến học hỏi và áp dụng”.

Phát triển nuôi trồng kinh tế mang hiệu quả cao cần được nhân rộng. Nhưng đổ xô vào đầu tư một sản phẩm sẽ dẫn đến cung nhiều hơn cầu. Đó là bài toán của cán bộ quản lý địa phương cần nên quan tâm.
Tăng Anh Thành