Vấn đề mất an toàn thực phẩm từ lâu đã trở thành nỗi lo trong xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và niềm tin của người tiêu dùng. Qua công tác tuần tra giao thông, lực lượng chức năng Hà Tĩnh đã liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, góp phần bảo vệ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn chân chính và khẳng định uy tín quốc gia trong hội nhập.

Phát hiện, xử lý nhiều vụ vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc tại Hà Tĩnh
Ngày 09/6/2025, trong quá trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm tại Km23+900 QL12C (địa phận xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), tổ công tác do Đại úy Nguyễn Anh Tuấn làm tổ trưởng đã tiến hành dừng, kiểm tra xe ô tô tải BKS 38C-133.68 do tài xế Lê Hồng Sơn (SN 20/01/1994, trú tại thôn Sa Xá, xã Kỳ Văn, Kỳ Anh) điều khiển, do có biểu hiện nghi vấn.
Quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe đang vận chuyển 62 gói thực phẩm đông lạnh nhưng tài xế không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Tổ công tác đã lập biên bản và bàn giao toàn bộ phương tiện, hàng hóa cho Đội Quản lý thị trường số 3 – Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.

Trước đó, ngày 31/5, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng kiểm tra xe khách BKS 47B-027.61 lưu thông theo hướng Bắc – Nam và phát hiện phương tiện này vận chuyển gần 112.000 gói măng tẩm gia vị có bao bì in chữ nước ngoài, trị giá ước tính khoảng 100 triệu đồng.
Đây là hai trong số nhiều vụ việc liên quan đến vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc được lực lượng chức năng phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây. Thực phẩm bẩn, không qua kiểm định, chứa hóa chất độc hại… đang trở thành vấn nạn, đe dọa sức khỏe cộng đồng và làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng.
Theo đánh giá, dù công tác kiểm tra, kiểm soát đã được tăng cường, nhưng tình trạng kinh doanh, vận chuyển thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh tại Hà Tĩnh vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều loại thịt chưa qua kiểm dịch thú y, hóa chất bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng bị lạm dụng, gây tồn dư trong thực phẩm và ô nhiễm môi trường.

Để ngăn chặn thực phẩm bẩn, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm, nhất là thực phẩm đường phố; tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm nhằm răn đe hiệu quả. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng trong việc tuân thủ quy định và lựa chọn thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc.
Để đẩy lùi thực phẩm bẩn, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần trở thành “người tiêu dùng thông thái” bằng cách nâng cao ý thức trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn. Việc ưu tiên mua sắm tại các địa chỉ uy tín, kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, xuất xứ, hạn sử dụng… sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Sự cảnh giác và cẩn trọng của người tiêu dùng chính là “hàng rào” quan trọng trong cuộc chiến chống lại thực phẩm không đảm bảo an toàn, góp phần xây dựng một thị trường thực phẩm lành mạnh và bền vững.
Tăng Thành