Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hà Tĩnh: Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”



ĐNA -

(Hà Tĩnh). Chiều 14/12/2023, tại trường THPT Thành Sen, thành phố Hà Tĩnh, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh tổ chức Triển lãm số 3D “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Đây là một hoạt động thông tin tuyên truyền quan trọng, giúp cho các em học sinh hiểu rõ hơn quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

 Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo Quân khu IV, các sở, ngành liên quan và đông đảo giáo viên, học sinh trường THPT Thành Sen.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh Dương Kim Nga phát biểu khai mạc triển lãm.

Đặc biệt, tại chương trình toàn thể học sinh, giáo viên Trường THPT Thành Sen được gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện với Thượng tá: Bùi Tuấn Dũng – Phòng tuyên huấn – Cục chính trị- Quân Khu IV. Chương trình đã giải đáp, cung cấp thêm thông tin liên quan đến biển, đảo, đặc biệt là chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo Việt Nam trong tình hình mới.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Đông Nam Á (ASEAN News) tại Hà Tĩnh, hiện nay Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo ngoài khơi Biển Ðông là Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc; là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.

Từ những tư liệu lịch sử trong nước và ở nước ngoài, chúng ta khẳng định rằng: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mặt khác, Từ nửa đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn đã tổ chức “đội Hoàng Sa” (lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi) ra quần đảo Hoàng Sa (với khoảng thời gian từ sáu đến tám tháng mỗi năm) để thu lượm hàng hóa trôi dạt trên biển, đánh bắt hải sản quý hiếm; đồng thời, đo vẽ sơ đồ, hải trình, trồng cây và dựng mốc trên quần đảo.

Cũng với nhiệm vụ này, cho đến thế kỷ 19, nhà Nguyễn đã tổ chức thêm “đội Bắc Hải” (lấy người thôn Tứ Chính và xã Cảnh Dương, phủ Bình Thuận) để tiến ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để thực hiện các hành động chủ quyền tại đây. Theo hiểu biết địa lý lúc bấy giờ, địa danh quần đảo Hoàng Sa liền một dải, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.

Ðiều đó chứng tỏ ngay từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là lãnh thổ vô chủ và có thể nói là quốc gia duy nhất thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục và không gặp phải sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào.

Chương trình Triển lãm tại Trường THPT Thành Sen thu hút gần 900 học sinh, giáo viên tham gia.

Thực tế này được chứng minh trong nhiều tư liệu, sách cổ, văn bản pháp lý của Nhà nước, bản đồ thể hiện việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được lưu giữ tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như: Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư của Ðỗ Bá, tự Công Ðạo sưu tập, biên soạn và hoàn thành năm 1686; Phủ biên tạp lục của Lê Quý Ðôn (1776); Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1821); Hoàng Việt địa dư chí (1833); Ðại Nam thực lục tiền biên (1844-1848); Ðại Nam thực lục chính biên (1844-1848), Việt sử cương giám khảo lược (1876), Ðại Nam nhất thống chí (1882); Dư địa chí Khâm định Ðại Nam Hội điển sự lệ (1910); Hải ngoại kỷ sự (năm 1696) của nhà sư Trung Quốc Thích Ðại Sán; Quốc triều chính biên toát yếu (1910), An Nam đại quốc họa đồ của giám mục người Pháp Louis Taberd (1838), Ðại Nam nhất thống toàn đồ (Bản đồ chính thức của triều Minh Mạng) (1838)…

Liên tục từ đó đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam và Việt Nam có đầy đủ chủ quyền đối với hai quần đảo này, phù hợp các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Hiện nay, huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc thành phố Ðà Nẵng; huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa với một thị trấn và hai xã đảo.

Thượng tá Bùi Tuấn Dũng – Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị – Quân khu IV tham gia giao lưu hỏi – đáp các vấn đề về chủ quyền biển đảo trong tình hình mới với giáo viên và học sinh trường THPT Thành Sen.

Chương trình triển lãm này đã góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam; về những bằng chứng lịch có giá trị cao. Đồng thời nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm cho người dân Việt Nam. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh thế hệ tương lai trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong thời đại mới.

Tăng Anh Thành