Thứ Tư, Tháng Năm 1, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hải Châu chuyển mình theo chuyển đổi số (kỳ 1)

ĐNA -

(Đà Nẵng). Hải Châu là quận trung tâm của thành phố Đà Nẵng. Trong chuyển đổi số, quận Hải Châu có nhiều thuận lợi về điều kiện cơ sở vật chất, mặt bằng trình độ dân trí, khả năng tương tác và kết nối với các doanh nghiệp hỗ trợ, hơn nhiều địa bàn khác.

Năm 2023, một nhìn chung được đưa ra, rằng “đã có sự tăng tốc, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ở cả 13 phường trên địa bàn”. Từ những kết quả mà quận trung tâm thu hoạch đầu mùa, nhiều bài học, nhiều mô hình, có khả năng chia sẻ, áp dụng cho những nơi có điều kiện tương đồng, hoặc rút kinh nghiệm có tính “khai phá” cho những địa bàn còn khó khăn.

Lãnh đạo quận Hải Châu tặng hoa đến các doanh nghiệp đồng hành, cùng chung tay thực hiện chuyển đổi số cho cộng đồng (Lễ phát động hưởng ứng Ngày Chuyển đối số quốc gia). Ảnh; M.Q.Hiển.

Sôi động và đa dạng câu chuyện “làm chuyển đổi số’
Nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức được triển khai trong năm 2023, từ cấp phường đến quận, đều được đánh giá sinh động, phong phú, đặc biệt, sức lan tỏa đến được nhiều giới, nhiều ngành.

Ở 13 phường trên địa bàn quận, năm 2023, mỗi phường  đều có hình thức sáng tạo, lồng ghép sinh động khâu truyền thông nâng cao nhận thức, gắn với tập huấn nhiều nội dung liên quan đến chuyển đổi số, tạo tài khoản công dân số trong thực hiện thủ tục hành chính…cho cán bộ, công chức, người dân tại cơ sở. Ước tính sơ bộ, 13 phường đã triển khai gần 70 phiên hội nghị tập huấn, tuyên truyền, hội thi (tìm hiểu về chuyển đổi số. Nhiều phường tổ chức rất sôi nổi các hoạt động, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (Hoà Thuận Tây, Bình Thuận, Hải Châu 2, Nam Dương, Phước Ninh), mỗi phường có một nội dung sinh động riêng. Có nơi, gắn với “Ngày hội”, cung ứng dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mô hình của phường Hòa Thuận Tây).

Đặc biệt, các sự kiện ký kết, phối hợp giữa địa phương với khối ngân hàng (trong phối hợp cung cấp ứng dụng đến công dân, thanh toán không tiền mặt), doanh nghiệp công nghệ thông tin – viễn thông trên địa bàn, được tổ chức “hoành tráng”. Hàng ngàn băng-rôn, phướn, pa-nô cổ động trực quan quảng bá được rộng khắp, đạt hiệu quả tốt hơn.

Cùng với hàng trăm bản tin, bài viết trên Trang thông tin điện tử, được chia rẻ rộng khắp trên nhiều nền tảng mạng xã hội, 13 phường đã in, phát tận tay hàng chục ngàn tập gấp, tờ rơi, cùng hàng ngàn sổ tay và quà tặng ý nghĩa liên quan đến chuyển đổi số, … tạo thành chuỗi hiệu ứng tác động rất tích cực đến công dân, doanh nghiệp.

Các cô chú Tổ Công nghệ số cộng đồng tham gia một buổi tập huấn. Ảnh: T.Ngọc.

“Đầu đã bạc, đầu còn xanh” cùng thực hiện truyền thông chuyển đổi số
Năm 2023, người địa bàn quận Hải Châu có câu nói: Đi đâu, ở đâu, cũng nghe chuyển đổi số !. Còn các tình nguyện viên trẻ, thì giờ đây có nhiệm vụ mới, gắn với “công nghệ”, thay vì ra quân xóa quảng cáo, rao vặt trái phép hay vệ sinh môi trường, các bạn ra quân “tạo lập mã định danh công dân”. Người dân nhìn nhận rằng, các bạn đã kết gắn với Tổ Công nghệ số cộng đồng, là những bác, những cô chú, tất cả hòa mình vào một lực lượng “trẻ có, già có”, ra quân “không biết mệt”, tích cực đưa tinh thần chuyển đổi số vào nhịp đời thường.

“Phường Nam Dương chúng tôi thực hiện đưa các nội dung chuyển đổi số theo cách “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, Tổ công nghệ số cộng đồng và đoàn thanh niên phối hợp với Ban điều hành tổ dân phố rà soát, tất cả công dân 18 tuổi trở lên có sử dụng điện thoại Smartfone trên địa bàn phường, được mời hướng dẫn tạo tài khoản công dân điện tử và tạo tài khoản thanh toán số. Đến nay, đã có được 700 tài khoản.

Chúng tôi cũng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về chuyển đổi số đến người dân, từ tuyên truyền trực tiếp qua các hoạt động của mọi đoàn thể, qua hệ thống truyền thanh, tuyên truyền lưu động, đến qua mạng xã hội, qua trang thông tin điện tử, tuyên truyền trực quan qua băng rôn, khẩu hiệu. Nhờ đó, người dân phường nhà đã hiểu rõ hơn, chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, trên môi trường thông tin số, bà con cũng gia tăng ứng xử rất có văn hóa, lan tỏa những thông tin tích cực, kêu gọi cộng đồng theo khả năng, tham gia ứng dụng số tích cực hơn”, ông Bảo Nam – Chủ tịch UBND phường Nam Dương nhìn nhận.

Theo thống kê, toàn địa bàn Quận đã thành lập 449 Tổ Công nghệ số cộng đồng (thuộc 13 phường) sẵn sàng hỗ trợ người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử thay thế giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến; đồng thời tuyên truyền các nội dung về chuyển đổi số cũng như ứng dụng trên nền tảng Da Nang Smartcity. Cùng với những mái đầu đã hoa râm hay bạc trắng, những tình nguyện viên trẻ

“Phường Hoà Thuận Tây có tổng số dân trên 20.000 người, đặc thù là phường đông dân, nhiều tổ dân phố, ngoài đặc điểm thuận lợi là đại đa số người dân có trình độ dân trí cao, nên dễ dàng tiếp cận với các ứng dụng số; đó là cán bộ hoạt động ở khu dân cư, các cô,chú, các anh, chị, các bạn đoàn viên rất năng nổ, nhiệt tình. Điều này tạo điều kiện thực hành tốt yêu cầu: Đưa chuyển đổi số đến tận các khu dân cư”.

Riêng tuổi trẻ Hải Châu, các bạn cũng có một hoạt động điểm nhấn ấn tượng, đó là sử dụng công nghệ theo xu thế để truyền thông về di tích xưa. Đó là ra mắt Mã QR code đình làng Nại Nam. Chỉ với một động tác quét mã từ điện thoại, mọi khách tham quan đều biết rất rõ về di tích này. Sản phẩm không mới, nhưng thiết thực, thể hiện rõ tính năng động của người trẻ, vai trò tiên phong của Đoàn vào lĩnh vực đang “nóng”.

Qua trao đổi, chúng tôi cảm nhận được rằng, các bạn trẻ hiểu được rằng, ở mỗi giai đoạn, vai trò tiên phong của đoàn viên thanh niên sẽ phải khác đi. Và đây công việc không hề dễ, nhiều trường hợp, anh chị em phải kiên nhẫn hướng dẫn nhiều lần. Bà con phần nhiều có lưu lại số anh chị em, khi cần, bà con sẽ gọi. Vậy là phải thực hiện hướng dẫn tận tình, sao cho dễ hiểu. Có khi phóng xe đến tận nơi.

Các bạn trẻ đạp xe truyền thông thanh toán không tiền mặt. Ảnh: Website HHT chia sẻ.

Hoạt động truyền thông (rầm rộ nhất) cấp Quận (Phát động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc giá 10 tháng 10), được tổ chức tại Công viên APEC, trở thành dịp để cộng đồng doanh nghiệp đồng hành và chia sẻ các sản phẩm nền tảng trong chuyển đổi số, cùng giúp người dùng nhận diện và tùy chọn sử dụng theo nhu cầu, sớm trở thành những công dân số. Truyền thông được nhìn nhận cần đi trước một bước, mở đường cho hành động. Chuyển đổi số ở quận Hải Châu cũng gắn với xây dựng và hình thành (cho bằng dược) thế hệ công dân số. Video clip hướng dẫn thực hiện đăng ký mã định danh công dân, được phổ biến rộng khắp. Người dân có thể hưởng ứng dễ dàng với bước đi đầu tiên: Mã định danh cho công dân số.

Chính quyền số và tính kế thừa từ Chính quyền điện tử
Đà Nẵng là địa phương tiên phong trong xây dựng chính quyền điện tử. Trước khi có “Chính quyền số”, Đà Nẵng đã có chính quyền điện tử. Với quận Hải Châu, có một đặc điểm rất riêng, có tính kế thừa cao, đó là có Phường, được UBND thành phố, Ban chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin thành phố chọn thí điểm thực hiện mô hình Một cửa điện tử đầu tiên, rồi đến mô hình Một cửa – Phường điện tử đầu tiên. Phường Nam Dương là một dẫn chứng điển hình về tính kế thừa đó. Và hiện nay, cùng với 2 phường bạn trên địa bàn Quận là Hải Châu 1 và Thạch Thang; Nam Dương cũng là phường triển khai thí điểm mô hình “Khu dân cư điện tử” của thành phố Đà Nẵng. Các bước đi đều tạo lập môi trường cho chuyển đổi số, dần hình thành chính quyền số , 1 trong 3 trụ cột.

Mô hình “Khu dân cư điện tử” có đặc trưng tổ chức giống như một bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại quận, phường. Chỉ có khác là điểm giao dịch này ở gần hoặc ngay khu dân cư. Khi cần giao dịch hành chính công, người dân di chuyển khá gần, đến nơi, được nhân viên trực tại điểm sẽ hướng dẫn tận tình, người dân thao tác rất dễ dàng. Khu dân cư điện tử giảm bớt tình trạng người dân tập trung đông, phải chờ đợi, xếp hàng tại Tổ một cửa, ở các UBND phường. “Chính quyền số”, tận dụng lợi thế công nghệ, đã đến gần hơn với nhu cầu người dân.

Tổ công nghệ số cộng đồng phường Nam Dương hướng dẫn người dân thực hiện các ứng dụng trên tài khoản công dân và quét QR để giao dịch. Ảnh: Website Nam Dương chia sẻ.

Mở rộng hình ảnh “Chính quyền số” buổi đầu, qua hệ thống dịch vụ công từ UBND quận đến 13 phường, mục tiêu cam kết vẫn là “đảm bảo tiếp nhận và xử lý từ 90 đến gần 100% hồ sơ sớm hạn và đúng hạn”; Tổ một cửa quận (qua phần mềm 1 cửa điện tử dùng chung), tiếp nhận đến 7.355/7668 hồ sơ trực tuyến, (đạt trên 96%). Kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại phần mềm Một cửa điện tử với tỷ lệ hồ sơ đúng và sớm hẹn đạt 99,18%, hồ sơ trễ hẹn và quá hạn chiếm tỷ lệ 1,2%.

 Không ngừng nâng cao chất lượng công tác điều hành, quản lý qua sử dụng các phần mềm (văn bản điều hành/Văn phòng không giấy, hệ thống thư điện tử công cộng và đặc biệt là hệ thống một cửa điện tử liên thông), 2 năm qua, toàn bộ cơ quan, ban, ngành và 13 phường thuộc Quận Hải Châu đều thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý văn bản trên môi trường điện tử. 100% lãnh đạo cơ quan, đơn vị, phòng ngành quận thực hiện ký số; gần 100% văn bản đi được thực hiện trên môi trường điện tử. Về thủ tục, đã có đến 220/252 thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện toàn trình (đạt 87,3%). Biên lai điện tử cho phí, lệ phí thủ tục hành chính cũng được triển trai sử dụng ngay trên phần mềm Một cửa điện tử.

Trở lại với địa bàn cơ sở, xây dựng Chính quyền số ở phường Nam Dương bắt đầu trở nên rõ nét hơn khi triển khai lộ trình Phường điện tử. Không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, Phường tập trung tái cấu trúc các hệ thống quản lý điều hành; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; bắt tay triển khai song hành dịch vụ giáo dục, y tế; phát triển thương mại và thanh toán điện tử. Đến thời điểm này, phường Nam Dương đã và đang duy trì phường điện tử mức độ 1; duy trì kết quả đã đạt được trong nhiều năm, là giải quyết sớm và đúng hạn hồ sơ của công dân (Trung bình mỗi năm, phường tiếp nhận hơn 11.000 hồ sơ của công dân, 100% hồ sơ đều giải quyết đúng hạn).

 Chính quyền số qua Zalo Group cũng trở nên gần gũi hơn với cộng đồng, với hàng chục nhóm Zalo được tạo lập: Nhóm Zalo lãnh đạo UBND quận, Zalo CNTT quận Hải Châu, CCHC Hải Châu, Cán bộ VHTT 13 phường….), Zalo OA quận Hải Châu. Ở 13 phường hiện đã “phủ sóng” Zalo OA, kết nối với trang tin điện tử của phường, đưa thông tin “Phường mình” đến với người dân ở Khu dân cư.

Chỉ với một máy điện thoại có kết nối internet, chính quyền, đội ngũ cán bộ, chuyên viên đã dễ dàng kết nối trao đổi trong công việc, bớt hội họp, giảm thiểu cước điện thoại nhưng vẫn giải quyết nhanh công việc cơ quan, tổ chức, duy trì liên liên lạc với Ban cán sự ở tổ dân phố, các đoàn thể, mặt trận, … Khi cần, chỉ với 1 tin nhắn lên Group, vài phút sau, cả cộng đồng đều biết, sẵn sàng tham gia.

Những mô hình khởi đầu, tạo lập lộ trình chuyển đổi số
Để có những bước đi thật thích hợp, nhưng cũng thiết thực, các Phòng, ban thuộc Quận và 13 phường đã nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu và đã có nhiều ý tưởng được triển khai thực hiện. UBND quận Hải Châu cũng đã công nhận sáng kiến cho 15 đơn vị có các sáng kiến đặc sắc:

“Xây dựng hệ thông tra cứu cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội và Người có công trên địa bàn phường”, phường Phước Ninh; “Ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý xã, phường vào việc quản lý cấp phép sử dụng vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên địa bàn phường”, phường Nam Dương; “Ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động trong hoạt động du lịch tại các điểm tham quan”, phường Hải Châu I; “Mô hình sổ tay điện tử chính sách người có công”, phường Thạch Thang; “Số hóa các địa chỉ đỏ trên địa bàn quận Hải Châu thông qua cuộc thi xây dựng clip : Tự hào Hải Châu”, Quận Đoàn; “Tích hợp mạng xã hội vào Trang thông tin điện tử  (website) phường, nhằm đa dạng hóa hình thức tương tác của người dân đối với chính quyền đô thị, nâng cao hiệu quả công tác cái cách hành chính tại địa phương”, phường Hòa Cường Bắc.

Cán bộ chiến sỹ trẻ Công an các Phường sẵn sàng túc trực, hướng dẫn giúp nhân dân. Ảnh: Website ND và HTT chia sẻ.

“Xây dựng và áp dụng phần mềm quản lý công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn phường”, phường Hòa Cường Bắc; “Mã QR – Video tuyên truyền các nội dung liên quan chuyển đổi số và Bộ tài liệu trực tuyến hướng dẫn ghi đơn, tờ khai các mẫu thủ tục hành chính”, phường Hòa Cường Nam; “Chuỗi giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến toàn trình, trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; và “Quy trình lập danh sách cấp, điều chỉnh thông tin thẻ BHYT, giảm thẻ BHYT đối với đối tượng tham gia BHYT do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý theo cơ chế liên thông một cửa điện tử”, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận;

“Ứng dụng trang thông tin điện tử, Trang zalo OA chuyển đổi số, facebook phường để quảng bá các sản phẩm đặc trưng của các hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn phường đến với người tiêu dùng”; “Ứng dụng hệ thống lưu trữ điện tử phục vụ khai thác dữ liệu và xử lý công việc tại cơ quan Quận ủy”; “Triển khai ứng dụng quản lý cơ sở thẩm mỹ Hải Châu tích hợp vào ứng dụng Danang Smart City”; “Thẻ thông tin tài khoảng công dân điện tử để công dân thuận tiện tra cứu sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình”, Phòng Nội vụ quận. “Ứng dụng hệ thống lưu trữ điện tử phục vụ khai thác dữ liệu và xử lý công việc tại cơ quan Quận ủy”; “Thẻ thông tin tài khoảng công dân điện tử để công dân thuận tiện tra cứu sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình”, Phòng Nội vụ.

 Đây cũng là kết quả của cả quá trình thi đua Chuyển đổi số, mỗi đơn vị, mỗi cơ quan – theo khả năng, và đặc biệt theo lĩnh vực được chọn, đó là lĩnh vực bức xúc nhất, hoặc cần phải cải thiện nhiều hơn, theo hướng thuận hơn, tiện hơn và lợi hơn cho người dân – đã mở đầu cho chuỗi hành động chuyển đổi số cấp địa phương, theo lĩnh vực chuyên trách. Kết quả cũng phản ảnh sự quan tâm sâu sát và cùng vào cuộc, từ lãnh đạo Quận uỷ, UBND quận, các cơ quan, ban, ngành đoàn thể quận đến 13 phường. 15 ý tưởng chưa hẳn đã đúng hết với các định nghĩa chuyển đổi số, nhưng tất cả đã hướng tầm nhìn vào một mục tiêu: Mọi thay đổi đều mang lại giá trị tích cực hơn cho chất lương công việc, chất sống của cả cộng đồng.

Vạn sự khởi đầu nan
Ông Bảo Nam – Chủ tịch UBND Phường Nam Dương, cho biết: Là một phường dân số ít, đa phần là lao động phổ thông, buôn bán; địa bàn nhỏ; vừa là thuận lợi nhưng cũng không kém phần khó khăn trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, hẳn nhiên có cả chuyển đổi số. Năm 2023, mong ước của lãnh đạo địa phương là đẩy mạnh, từng bước đi vào chiều sâu đối với các hoạt động chuyển đổi số, thì bối cảnh tình hình kinh tế xã hội, môi trường lại có những cái cản ngại. Đời sống nhân dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, biến đổi khí hậu đưa đến thời tiết cực đoan, như các anh đã thấy, bão lũ, mưa lớn liên tiếp nhiều đợt, ngập cục bộ cứ tái diễn … Trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, cả Phường chúng tôi đều gặp khó khăn không thể nói hết.

Lãnh đạo Phường Nam Dương chụp ảnh với các đội thi. Chủ tịch UBND phường, ông Bảo Nam (thứ ba, từ phải sang). Ảnh: Website Nam Dương chia sẻ.

Trong lộ trình bắt tay triển khai kế hoạch, chương trình hành động về chuyển đổi số ở cấp Phường, gian nan đối mặt cùng nhiều khó khăn đúng là điều “không thể nói hết”.

Chủ tịch UBND Phường Hòa Thuận Tây, ông Võ Lê Anh, chia sẻ thêm: Thứ nhất, người dân chưa nhận thấy lợi ích của chuyển đổi số mang lại và nhu cầu của người dân cũng còn hạn chế.

Trong thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, rồi chuyển đổi số, chính quyền thành phố, ngành chức năng vẫn luôn tạo hành lang pháp lý, môi trường, điều kiện ngày càng đầy đủ hơn để tổ chức thực hiện ngày một tốt hơn. Nhưng để đạt được thành công, bên cạnh cố gắng cung cấp dịch vụ từ phía cơ quan Nhà nước , thì vấn đề mang tính quyết định, vẫn là nhận thức và nhu cầu của chính người dân.

Hiện nay, rất nhiều thủ tục đã được cung cấp lên mức toàn trình với quy trình nội bộ, quy trình điện tử được đơn giản và chuẩn hóa, nhưng số lượng hồ sơ phát sinh nộp trực tuyến thực hiện tại vẫn chưa nhiều. Đây là cái rất thực tế. Nguyên nhân là người dân chưa nhận thấy được tính tiện lợi khi nộp hồ sơ (thủ tục hành chính) trực tuyến, đồng thời, một phần do thói quen mang hồ sơ giấy lên UBND phường nộp trực tiếp.

Thứ hai, đó là khó khăn về nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực. Cán bộ phụ trách công tác chuyển đổi số phường lại không có chuyên môn về công nghệ thông tin và hiện đang là công chức (Văn phòng-Thống kê) kiêm nhiệm thêm. Về nguồn nhân lực tại các khu dân cư, UBND phường có thành lập 53 Tổ công nghệ số cộng đồng (tương ứng ở 53 Tổ dân phố), thành viên chủ yếu là các cô chú đang phụ trách các chức danh tại khu dân cư. Đa số đều là những cô chú đã lớn tuổi (chỉ có 16 chi đoàn thanh niên khu dân cư tham gia hỗ trợ). Đã vậy, hiện kinh phí bồi dưỡng cho hoạt động của các Tổ Công nghệ số cộng đồng vẫn chưa có, nên chưa thực sự động viên, bù đắp công sức, đây cũng là khó khăn để hoạt động các Tổ tốt hơn.

Các bạn Tình nguyên viên phường Bình Thuận hướng dẫn bà con tạo lập tài khoản. Ảnh website Bình Thuận chia sẻ.

“Chúng tôi xác định chuyển đổi số là việc khó khăn, dù là yêu cầu, nhiệm vụ rất trọng tâm, nhưng môi trường, điều kiện để triển khai thực sự lại chưa đồng bộ. Kế hoạch, chương trình hành động chuyển đổi số ở phường Bình Thuận được bắt đầu từ từng bước, thay đổi thói quen, cách làm, tác động thay đổi quan trọng nhất là ư duy, nhận thức của từng cán bộ, công chức, người lao động, rồi người dân sinh sống trên địa bàn phường. Trước đây chúng ta quen thực hành môi trường thực, bây giờ chuyển sang môi trường số. Khi triển khai VneID (ứng dụng ra đời nhằm thay thế những giấy tờ truyền thống),  ), chúng ta thấy người dân còn rất lúng túng, do qua nhiều công đoạn phức tạp, rườm rà buổi đầu định danh công dân trong nền tảng kỹ thuật số.

Một khó khăn nữa là không phải người dân nào khi đến giải quyết thủ tục hành chính , cũng có điện thoại di động thông minh, tài khoản công dân điện tử, tài khoản VNeID (hoặc có tài khoản nhưng lại quên mật khẩu). Trong khi đó, các thiết bị hỗ trợ như máy tính, máy Scan chưa được đồng bộ, nên đa phần người dân vẫn muốn thực hiện thủ tục hành chính bằng văn bản giấy. Điều này thì thuận cho bà con, nhưng gây khó khăn và không đúng với tinh thần của chuyển đổi số.

Mặt khác, nguồn nhân lực Ban triển khai chuyển đổi số của phường chưa có chuyên môn “đủ tầm” về công nghệ thông tin, chủ yếu chỉ kiêm nhiệm thêm chức danh. Nguồn nhân lực để vừa tuyên truyền, vừa hướng dẫn chuyển đổi số ở khu dân cư, có 40 tổ cộng nghệ số cộng đồng và đề án 06. Đa số các cô, chú đã lớn tuổi nên vô cùng khó khăn trong tiếp cận chính sách phục vụ chuyển đổi số, hay làm quen với các phần mềm”, ông Nguyễn Văn Quốc –  Chủ tịch UBND Phường Bình Thuận, phân tích thêm.

Trung Đức

Mời độc giả xem tiếp:  Hải Châu chuyển mình theo chuyển đổi số (tiếp theo và hết)